Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

TN bàn Chính trị: Bài 4- Dân chủ từ trên xuống


Dân chủ từ trên xuống là một khái niệm xuất sắc, chỉ có ở ta. Số là Đảng và nhà nước có chủ trương trao quyền tự quyết cho nhân dân khi bầu chính quyền cơ sở ở cấp phường, xã. Cái này là học của Tàu, bọn này trao quyền cho nhân dân đã đến cấp thành phố. Nói là trao quyền thực ra chỉ là quyền được bầu cử tự do lãnh đạo của cấp ấy. Và một vị chức sắc của ban tuyên giáo trung ương nói là, sự việc này là thí điểm của mô hình dân chủ từ dưới lên. Thật dễ hiểu, người dân được quyền chọn cho mình Chủ tịch xã,được quyền chọn ra người xứng đáng nhất để phục vụ cho lợi ích của mình, tuy nhiên hội đồng nhân dân lại không được thành lập. Và vị này nói thêm, các cấp còn lại và từ xưa đến nay nước ta theo mô hình "Dân chủ từ trên xuống". Cái hay, cái sáng tạo là chỗ này. Từ trên xuống nghĩa là, bầu thì cứ bầu, nhưng ai trúng là do trên nó đặt chỗ. Bầu chỉ để tiêu bớt tiền ngân sách thôi, chi phí chắc chắn không nhỏ. Và tất nhiên , một ông "Chẳng may" trúng chức thì đố có dám làm trái thằng đưa mình lên, quyền lợi của dân thì có nghĩa gì? quyền lợi của cấp trên mới là quan trọng. Còn ông được dân bầu, làm quan tất phải nhìn lên nhìn xuống, nhưng đã được dân chọn, nhất không thể là loại tham lam ngu xuẩn được, càng không thể là loại bán đất bán nước được.
    Cái hay là như vậy, các ông chủ của đất nước - nhân dân được nô bộc của mình- bên dưới- cai quản, nhưng lại bị hưởng chế độ dân chủ từ trên xuống do bên dưới, công bộc của dân, đặt ra. Trên cho gì, dưới được lấy, trên lấy gì, dưới mất đấy, dưới kêu, trên thích thì nghe, không thích thì bịt tai lại, mà nói nhiều quá là ăn đập, còn làm tới là bị xử ngày, cảnh sát và các lực lượng vũ trang lương cao luôn trung thành với "nô bộc".
    Từ nãy giờ, cứ trên trên, dưới dưới, rồi chủ chủ, tớ tớ, rồi thì chủ thì bị nô bộc nó đập, nó cai quản... loạn hết cả lên, chả hiểu gì cả. Nói tóm lại dân chủ từ trên xuống có dân chủ không, không biết đâu mà lần, có lẽ vì lý do này mà ông chức sắc tuyên giáo kia mới thốt ra miệng cụm từ này "Dân chủ" nhưng là "Dân chủ từ trên xuống". Chế độ mà hiển nhiên người được chọn (bầu)ra sẽ luôn bảo vệ quyền và lợi ích cho tầng lớp thiểu số quan chức và người giàu. Và dĩ nhiên những từ như chuyên chế, phong kiến hay độc tài ... không thể hay bằng "Dân chủ từ trên xuống"
---
hình bên:Tát nước - Nguyễn Trung Liêm, giải nhì cuộc thi biếm họa lần 1

...haiku


Gió nhẹ
Trời mù
Bụi hay sương
---
Sáng đúng giờ
Chiều đúng giờ
Ngủ lơ mơ
Đời công chức
---
Không thứ 7
Không chủ Nhật
Điện thoại cầm tay
Loay hoay tìm đối tác
---
Nước mắt
Mặn môi
Giọt tình đầu
Thương nhớ
---
Tranh:typhokiss_5250-sưu tầm trên diễn đàn thanhdiamanga.org

HHPT bài 4: Tìm hiểu Johan Vermeer qua tác phẩm : thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai


Đây là một tác phẩm lấy cảm hứng từ một bức tranh của Vermeer, một danh họa Hà Lan, thế kỷ 17. Tôi có đọc một vài tác phẩm kiểu này, nhưng đây có lẽ một câu chuyện được kể để lại nhiều một cách giản dị và sâu sắc nhất. Người đọc sẽ được chiêm ngưỡng suy luận của một nhà văn, của một người xem tranh, một nhà nghiên cứu hiện tại trước một tác phẩm của ông - Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai. Qua tác phẩm và xem lại bức tranh, nhà văn đã đi ngược lại, tìm hiểu quá trình vẽ của họa sĩ, phân tích nội tâm của người mẫu, phân tích ánh sáng, và tách màu của tranh. Không những thế, với tài năng của mình , nhà văn đã dựng lên tính cách của họa sĩ, tính cách của người mẫu, hoàn cảnh ra đời của bức tranh. Và sự suy diễn này phải nói là rất hợp lý, các hành động, các tuyến nhân vật phụ, mối quan hệ và diễn biến của các mối quan hệ, tổng thể ấy đã làm lên một câu truyện hay, đằm thắm. Một ấn tượng giản gị, nó không có kiểu hấp dẫn, lôi cuốn ào ạt như một tác phẩm khác cùng loại như : “Bức họa Maja khỏa thân”, nó như một thứ rượu ngon, lúc đầu thì dịu nhẹ dễ vào, nhưng càng uống càng thấm, càng say. Người đọc còn biết thêm về quá trình pha chế màu, bây giờ những việc này vô cùng đơn giản do công nghệ hóa chất tiên tiến, nhưng ở thời điểm đó thì để có được những màu sắc mong muốn là cả một quá trình tìm tòi công phu, nhiều công sức. Sự điều khiển ánh sáng của họa sĩ để tạo ra một bố cục, hàm ý của bức tranh rất tinh tế. Và không khó khăn lắm, người đọc khi xem lại bức tranh, bìa của sách, sẽ thấy ngay được vẻ đẹp của nó, một bài học về hội họa phương tây./.
P/S: “Bức họa Maja khỏa thân” : hấp dẫn, lôi cuốn, có thể đọc một mạch đến hết. Nhưng không có nhiều ý nghĩa về hội họa. Đơn giản chỉ là một câu chuyện tình lãng mạn, có gắn thêm bức tranh của Francis Goya- họa sĩ Tây Ban nha.
“Người tình tuyệt vời” một câu chuyện nhảm nhí vớ vẩn, văn chương thum thủm – bức tranh “sự ra đời của thần vệ nữ” chỉ là cái cớ. Thiên tài phục hưng Balotteli - chết tí nhầm, là Botticelli- nếu sống lại sẽ vả vỡ mồm tác giả của cuốn bestselet này, hoặc thằng biên tập nó ra tiếng Việt. Nhiều tập, nhiều chữ, tốn giấy, mất công đọc.
“Kiếp sau” của Marc LEVY, về tác phẩm “Thiếu nữ áo đỏ” của Radskin họa sĩ Nga, ông này là kiến trúc sư, qua viết văn, khá ăn khách ở Pháp. Đọc mấy dòng giới thiệu ở bìa, tưởng hay, ai ngờ đọc như ăn phải cơm sạn, cháy, dớt. Nếu ko tiếc mấy chục nghìn cộng thêm giấy, bìa đẹp thì đã cho hóa vàng nó. Tôi nghi là do mấy thằng dịch ở ta dịch ẩu, nhưng cố đọc thêm một chuyện nữa của cha này thì đúng là, không thể chịu nổi, may mà chỉ thuê quyển này. Hồi thằng cha này sang Việt Nam, tôi định lên Hà Nội để tương giày vào mặt nhưng vì sợ công an lên thôi.
“Kafka bên bờ biển” của Haruki Murakami, một câu chuyện hư ảo, đưa người đọc đến những góc sâu nhất của con người. Khác với “Rừng Nauy”- là một tác phẩm thật của Beatle, bức tranh “Kafka bên bờ biển” tên của một bản nhạc, một bức tranh của nhân vật trong chuyện. Murakami là vậy, phù thủy của ngôn ngữ, có lẽ ông viết cáo phó thì khối người sẽ rơi nước mắt.

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2009

2012 - một phim gây cảm xúc mạnh


2012 - năm đại họa, phim mới của Roland Emmerich, đơn giản chỉ có thể nói là nó đem đến cho người xem những cảm xúc rất mạnh, trực diện, mừng tủi, hồi hộp đứng tim, sợ hãi và lo lắng, và nhiều day dứt. Cảm xúc đến theo cách thật đơn giản, tình cảm nhiều khi cũng vậy. Để đạt đến mức này, đạo diễn và biên kịch thật tài tình. Tất nhiên kỹ xảo thì không có gì phải bàn, luôn là một đỉnh cao khi Emmerich xây dựng, tuy nhiên cái đáng nói là nó được xử dụng rất hợp lý, cái cách bố trí các cảnh kỹ xảo, liều lượng của chúng làm người xem đi từ lo lắng này đến hồi hộp khác, làm họ nín nặng rồi bật khóc, kỹ xảo đã "diễn xuất" rất tốt. Rồi tình tiết, các mối quan hệ giữa người và người trong phim rất sinh động, chân thật, đậm chất nhân bản cao đẹp, đem đến cho người xem một nội tâm hướng thiện.
    Emmerich từng nổi tiếng với ngày độc lập, (will smith, jeff goblum,) the patriot (mel gibson, helth ledger) ngày kinh hoàng-THE DAY AFTER TOMORROW (dennis quaid), 10000BC..., cốt chuyện các bộ phim của ông có đặc điểm chung là rất mạch lạc, dễ hiểu, nhiều kỹ xảo hoành tráng và đóng vai trò chính, tuy nhiên các câu chuyện nhân sinh lồng vào trong đó có vai trò quan trọng không kém, các câu chuyện đều rất cảm động, cảm xúc nhân vật được miêu tả chân thực và rất nhân văn, rất đẹp. 2012 có lẽ là phim hay nhất cho đến nay của Roland.

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009

TN và chuyện chính trị: Bài 3- Nền Cộng Hòa


      Trước khi đăng bài 2: Buôn gì giàu nhất, tôi xin nói về nền cộng hòa, vì tôi nhớ, nước ta trước đây có tên là "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa",cái tên này tồn tại từ hồi thành lập nước và chỉ được đổi từ năm 1976(hình như vậy), cái tên này rất hay, nó chỉ rõ nước ta (hoặc mục đích) là một nước cộng hòa và có một nền dân chủ. Tìm hiểu về vấn đề này nói chung là nhức đầu và nhiều người, nhất là thanh niên, coi là vớ vẩn, có một ví dụ dễ hiểu đó là bộ phim "Tiến tới nền Cộng Hòa" được chiếu trên VTV gần đây. Đây là một bộ phim rất hay về chủ đề chính trị, mô tả quá trình tìm kiếm một nền cộng hòa, dân chủ của Tôn Trung Sơn. Trong phim ta dễ dàng nhận ra sự so sánh giữa hai thể chế, cộng hòa và chuyên chế. Và cũng mô tả sự biến tướng của chế độ chuyên chế giả làm cộng hòa. Nền cộng hòa nói đơn giản có thể hiểu là một chế độ mà ở đó một tổng thống và một nghị trường gồm các ông nghị (nghị sĩ-gần tương đương như đại biểu quốc hội ở ta) được toàn thể người dân bầu ra, không đề cấp tới đảng phái chính trị nào, miễn là người được bầu chiếm được đa số phiếu. Như ta thấy thể chế này chiếm gần như 4/5 trái đất, chỉ trừ lại một số quốc gia, trong đó có nước ta, và nhà nước chuyên chế kiểu mới Trung Hoa Đại Lục. Nền cộng hòa trong bộ phim trên được Tôn Trung Sơn và đảng Quốc Dân dày công thực hiện và nó trở thành nỗi sợ hãi của chế độ chuyên chế đương thời của Từ Hy Thái Hậu, một con cáo già chính trị. Và khi được hình thành, lúc đầu, sự ưu việt của nó đã được so sánh rất chính xác với sự lạc hậu của nền chuyên chính trước đó. Tuy nhiên trong thời kỳ đầu đầy khó khăn nó đã bị một con cáo già chính trị khác là Viên Thế Khải thao túng và hủy diệt. Ở giai đoạn đầu đó có một quốc hội đúng nghĩa đã được mô tả rất chân thực với đầy đủ các (đại diện)thành phần trong xã hội tham gia, sự phản biện tổng thống, sự minh bạch trong chính sách, và các vấn đề của quốc gia được xem xét công khai bởi các nghị sĩ. Có Ủy ban bầu cử độc lập, tòa án độc lập...vì thế nó là kẻ thù của chế độ chuyên chế, chế độ phong kiến. Viên Thế Khải với với mưu đồ tái lập chế độ cũ, cùng với tài thao lược đã hủy diệt nó không thương tiếc, với một cảnh bắt bớ các nghị sĩ ngay trong một phiên họp. Trở lại cái tên của nước ta hiện nay "Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam", tôi không dám bàn nhiều tới cái từ cộng hòa trong nó, nhưng cụm từ "Xã hội chủ nghĩa" mà nó mang, là một xã hội trong mơ, là một thiên đường mà Liên Xô là quốc gia đến gần nó nhất-đến thời kỳ quá độ. Còn mô hình kinh tế của nước ta hiện nay, một thầy giáo dạy Kinh Tê Chính trị của tôi từng nói : "Như chủ nghĩa tư bản Mỹ những năm 30", chủ nghĩa tư bản thô bạo.
      Còn nhớ khoảng những năm 80-90, có người đi qua tượng ông Lê Nin, gần Bảo tàng quân đội đã bình rằng:

Ông Lê Nin ở nước Nga
Cớ sao ông lại đi qua nước này
Ông đứng vạch áo chỉ tay:
"Thời ký quá độ, chúng mày còn lâu."

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Người Hải Phòng xấu xí * : hồi 1- văng tục, chửi bậy



Giữa đường gặp chuyện bất bình (**)
Văng tục quá đỉnh, cả làng nghe chơi


Cái hay cái đẹp của Hải Phòng ta thì nhiều người đã nói và có rất nhiều trên mạng, cái xấu cũng không ít nhưng tìm trên mạng thì ít hơn. Và tôi cũng không biết kể bao nhiêu cho đủ, đầu tiên xin nói về tật văng tục chửi bậy. Phải nói là cực kỳ phổ biến. Ngồi uống bia mà thằng bạn học phổ thông với tôi cứ câu phát ra là nó lại văng kèm ông bà bố mẹ cùng với các bộ phận tế nhị khác rất vô tư thoải mái. Cả bọn góp ý, chỉ một lúc sau nó quên ngay, thế là quay ra phạt, văng một câu nhớ mẹ là 1 cốc. Thế mà hôm ấy nó chỉ bị đúng 1 cốc, thế mới tài. Chúng tôi cùng kết luận, tật chửi bậy văng tục của thằng này có thể sửa được, chỉ là nó có muốn hay không. Rồi thì trên đường, văn hóa giao thông kém nên hay va chạm, nhẹ thì cũng đèo xìu vài cái, nếu mấy thằng mất dạy tông xe bỏ chạy thì người bị đâm sau khi dựng xe dậy cũng xổ theo một tràng dài ấn tượng cho mình và người xung quanh nghe, không biết có bõ tức không, còn nặng, hai bên cùng ngã thì nhất định tranh tài quyền cước, đấm đá ngay. Đỉnh điểm cao trào của tật này chính là những màn chửi đồng thanh trong sân bóng đá. Các địa phương khác hình như cũng thế, nhưng tôi chỉ được chứng kiến giàn giao hưởng Lạch Tray nhà ta hợp xướng thôi, đến sân khách cũng thế. Mục tiêu quen thuộc là trọng tài, kế đến là cầu thủ đội khách, cuối cùng là cầu thủ đội nhà khi hòa, thua hoặc bán độ. 1…2…3… Bán độ, hoặc ĐM trọng tài, một lần lâu rồi, hồi Huỳnh Đức còn đá, cả một nửa khán đài đồng thanh, Huỳnh Đức cởi truồng. Trận HP gặp Sông Lam Nghệ An, sau sự cố bị mai phục ở Vinh tôi không được xem, nhưng chắc chắn các màn chửi rủa là vô tiền khoáng hậu. Không chỉ giai, mà gái ở ta chửi cũng không kém gì. Giọng nữ Hải Phòng vốn có một ít âm vực cao và thanh, khi phát hỏa thì đanh thôi rồi, pháo Bình Đà còn thua xa. Người lớn là vậy, tức điên hơn là khi những lời chửi bậy, văng tục phát ra từ học sinh cấp 1, cấp 2còn cấp 3 thì khỏi nói, và trẻ em 3-5 tuổi. Cái mặt trông ngây thơ, yêu thế mà đã biết chỉ tay ĐM mày, thế mới cay mũi. Các cụ có câu “Con gà tức nhau tiếng gáy”, mới thấy chuyện hơn thua ở lời nói ở ta nó quan trọng như thế nào, thế nên chửi bậy hơi, to hơn, át cả đối thủ là thắng rồi, đâu cần lý lẽ phải trái, luật pháp.
* lấy theo tên, người Việt xấu xí, người Trung hoa xấu xí.
** Con xin lỗi cụ đồ Chiểu

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

HHPT-Bài 3: Chuyện Vangogh


    Nói đến Van gogh, đa số dân ta có lẽ đều lờ mờ đoán ông là họa sĩ, còn ai hay xem bóng đá thì biết ngay ông là người Hà Lan, bởi cái tên của ông, nó bắt đầu bằng chữ Van, như van der sar, van bas ten, van der vart, van buy ten… Ông không được đào tạo một cách bài bản, ông thích vẽ và các kỹ năng thu được là nhờ xem nhiều tranh từ cửa hàng của người anh trai, Theo, từ các bảo tàng. Tự học là chính, các bức vẽ của ông ra đời tự sự bức bối, từ sự thôi thúc nội tại của bản thân. Tranh của ông gần như không theo một trường phái nào, bạn có thể gặp nhiều đặc điểm của các trường phái khác trong tranh ông, ấn tượng, dã thú... đều có cả và ông đặc biệt thích hội họa Nhật Bản. Bức “Hoa diên vĩ” nổi tiếng là kết quả của "mối tình" này, có lẽ vậy mà nó được người Nhật mua với giá khủng khiếp, nghe đâu tới 70-80 tr USD, và nó trở nên nổi tiếng, riêng tôi nó chỉ là một bức rất bình thường trong sự nghiệp của Vangogh. Nó còn được các tay làm truyền hình thực dụng của nước ta đưa vào một game show ăn khách có anh củ Sâm làm MC.
    Cũng như các thiên tài khác, ông là người cực đoan trong tính cách và quan niệm nghệ thuật của mình. Hồi còn là thầy tu ông đau nỗi đau của các con chiên khổ cực, sống cuộc sống lam lũ cùng họ. Nhà thờ tiểu khu thời đó nghi ngờ lòng tốt của Van gogh và bỏ rơi ông, không có điều kiện cống hiến cho nhà thờ ông dồn hết tâm lực của mình vào tranh vẽ, sự day dứt về số phận con người đau đáu mãi trong tranh ông. Tranh của ông thường có bố cục và hình họa đơn giản, những vệt màu đơn giản mạnh mẽ, khốc liệt nhưng khoáng đạt. Bạn có thể cảm thấy điều này khi xem tranh ông (tất nhiên là xem qua sách báo thôi), những nét bút mạnh mẽ, quyết đoán, trực tiếp từ trong nội tâm ông. Người ta thường nói về màu vàng trong trong tranh Van gogh, nhưng không chỉ có vậy, giai đoạn ông buồn bạn sẽ thấy màu nâu trầm tối, giai đoạn ông bức bối bạn sẽ thấy màu vàng nóng bỏng bức hoa hướng dương, nhưng còn có những màu xanh lam tươi mát khi ông vẽ quán cà phê, hay bức đêm đầy sao, hay các bức phong cảnh về đồng lúa, về những cây cầu... Và khi không có điều kiện để ra ngoài vẽ, ông vẽ tĩnh vật, vẽ bầu trời, vẽ tự họa, vẽ chân dung bác sĩ, vẽ chân dung người bệnh. Vẽ bất cứ thứ gì diễn ra trước mắt ông.
    Sống hết mình, trút hết nội tâm lên từng tấm vẽ, như con yến làm tổ, sức lực tài năng của ông cháy đến tận giờ phút cuối cùng của cuộc đời ông. Cũng có thể như Kurt Cobain, sự bế tắc của bản thân trước thực tại xã hội, sự thất vọng quá lớn về sức mạnh của hội họa và tình bạn với Gô-ganh làm ông không còn tình yêu với cuộc sống, bạn có tin như vậy không? Người ta nói rằng ông đã tự sát.
    P/S: Một số phát hiện gần đây được công bố gây chấn động người yêu hội họa, ông không tự sát mà chết bởi súng của một cậu bé cướp cò, và để bảo vệ cậu bé ông đã không nói gì về điều đó

haiku ngày 20/11


Cô giáo, thầy giáo
Ngồi làm báo cáo
Tổng kết quý 3
---
Bằng thật, bằng giả
Thật thật giả giả
Tiền đều mất cả
---
Gió căm căm
Ngồi chống cằm
Chờ mẹ đón
---
Giữa bó hoa
Cài màu trắng
Trong màu trắng
Có màu xanh
---
Trăng thu
Dây điện
Chuột xẻ làm đôi

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2009

haiku.....

Đèn vàng, ngõ nhỏ.
Gió mùa.
Lạnh buốt tay khô.

Tại sao nghệ thuật không dành cho đa số?



  Có một sự thật rằng nhiều người trong chúng ta khi nghe nhạc không lời, nhạc nước ngoài, tranh vẽ hay phim ảnh có cảm thấy hay hay, thinh thích nhưng cắt nghĩa hay chỗ nào, vì sao hay, cụ thể nội dung nói lên điều gì thì không nói được. Một cục ấm ức to tướng chẹn ngay họng mà không sao nhổ ra được. Tôi đã gặp phải cảm giác này rất nhiều lần, từ khi còn bé có thể là từ hồi lớp 8 lớp 9, vì lúc đó tôi bắt đầu nghe nhạc nước ngoài và lần đầu xem phim của Vương Gia Vệ, "Đông Tà Tây Độc" (DTTD) và "Phi hồ ngoại truyện" bây giờ vẫn vậy dẫu có ít hơn vì có Google. Tôi cảm thấy "Đông tà tây độc" nhất định không phải là một phim dở, mặc dù lúc đó tôi đang mê muội những Lý liên kiệt, Quách Tỉnh, Hoàng Dung, thần điêu đại hiệp, linh sơn thần tiễn, Quỉ Bảo.v..v.. Thế giới của DTTD đầy hư ảo, mơ hồ, thướt tha, quyến rũ nhưng khó tính, rất khó tính. Nó làm tôi rất khó chịu vì không cắt nghĩa được nội dung phim nhưng tôi không thể quên được nó, ánh mắt của Lâm thanh Hà, của Trương Quốc Vinh không làm sao tôi quên được. Thật đáng ghét, ko ai nói cho tôi biết vì sao? Với Van gogh cũng vậy, đọc trên báo nhiều, nghe thời sự nhiều, cũng thấy cái gì đó hay hay nhưng hoàn toàn mù tịt. Và chỉ đến khi tôi đọc hết một đêm trắng về cuộc đời ông, cùng rất nhiều lần thử pha màu, tập vẽ cùng với các bạn được đào tạo ở khoa Kiên trúc, tôi mới thực sự thích, và bắt đầu hiểu ông, hiểu tranh của Ông. Cũng như vậy, phải khi buồn bã , cô độc đến cùng cực, và tức giận thì tôi cũng mới lờ mờ thấy khoái thứ âm thanh chói tai của Rock mặc dù ko biết mấy câu tiếng anh trong đó. Rồi phải tìm lời, dịch, nhẩm đi nhẩm lại, tìm hiểu về sứ xở của họ, đời sống của họ thì mới càng yêu họ hơn. Chúng ta đi tiếp cận nền văn hóa đó từ các sản phẩm hoàn chỉnh, thành phẩm cuối cùng lên chỉ có thể thấy "hay hay" chung chung mà thôi. Nên chẳng có gì khó hiểu khi một nhà bào trên Vietnamnet chê bai thậm tệ DTTD khi bản biên tập lại được công chiếu trên màn ảnh rộng. Các nhịp chuyển động nhẹ nhàng chậm rãi, sự bảng lảng và phiêu du của bộ phim đã không được cảm nhận. Những tiếng hét, khói bụi, xa mạc và những bộ mặt buồn nhiều suy tư đã không tìm được tri kỷ. Tất cả chỉ tại sự bó buộc trong tư duy, sự mất gốc về cảm nhận chủ quan trên cơ sở trí thức, sự mất tự do quá lâu trong suy nghĩ đã làm cho chúng ta thiếu bản lĩnh khi đối diện với nghệ thuật đương đại, thói quen nghe, xem những cái đã được mở sẵn, cảm nhận thụ động dưới sự dẫn dắt, lời lẽ của người khác tất cả các thứ tệ hại đó làm chúng ta mơ hồ, ngờ nghệch trước những thành phẩm cuối cùng của nghệ thuật đương đại, và sự bạc nhược tinh thần trước các ý tưởng, quan điểm độc lập và tự do.

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2009

Xứ sở tắt mắt hay tệ ăn cắp vặt

    Cái chuyện ăn cắp ở nước ta đã có nhiều người nói, tuy nhiên ở các Kênh thông tin chính thống người ta chỉ nói nhiều về các loại ăn cắp nhớn như tham ô, tham nhũng... mà ít khi nói đến ăn cắp vặt. Cái này tuy nhỏ nhưng làm cho người dân lộn tiết. Vào nhà mở cổng, khóa móc ở cửa, tí ra đã không thấy khóa đâu. Hay cả dãy tập thể, chiều đi làm về thấy các loại dép nhựa cũ để ngoài cửa mất sạch. Rồi thì ăng ten trên sân thượng, quần áo phơi ngoài, nồi nhôm đang nấu..., mấy nhà bán cơm phải mua khóa dây để lồng qua mấy cái vung, quai nồi lại để ngủ trưa cho ngon giấc. Ô tô, xe máy, để ngoài đường hoặc trong bãi gửi xe cũng thế, vớ vẩn là lô gô, tem nhãn, gương chiếu hậu là cứ bốc hơi nhanh tróng mặt. Rồi thì đến mèo, chó, chim, gà, cây cảnh, không từ chổi cùn rế rách gì, hở ra là mất, không gì không lấy. Chắc chỉ có xứ ta mèo mới phải xích như chó, nhốt như chim trong lồng. Thế nên chuột nhiều vô kể, do mèo bị bắt hoặc không có khả năng bắt chuột. Do được xử lý bằng bẫy, bả, không tiêu hóa được đành phi ra đường góp phần sinh ra nạn "chuột trong không khí" như đã nói ở bài trước.
    Ai lấy ? bà chè trai tắt mắt, rao khản cổ chẳng mua được gì, sẵn mấy đôi dép nhựa chủ nhà đê ngoài, quơ bỏ thúng. Mấy thằng trẻ con lêu lổng có, mất dạy có, cứ buổi trưa nhằm sân thượng chung cư đi tuốt ăng ten nhôm. Rồi thì các "cán bộ ma xó" thiếu tiền chính hút ngày ngày đi tuần đều đặn, thấy gì vơ lấy. Rồi cũng chẳng hiếm chuyện bạn cùng phòng, người cùng xóm có thói quen mượn đồ bí mật và cũng không trả. Đến cả trong đội ngũ cán bộ cũng không tránh khỏi. Không biết đúng không, nhưng một lần thủ Tướng về nói chuyện với cán bộ và cử chi một huyện ở Hải Phòng ta, khi về quên cái kính ở hội trường, trợ lý quay vội lại tìm mà loáng cái đã không thấy đâu. Ngồi gần ngài toàn cán bộ chủ chốt của huyện, thành phố cả. Mà hỏi thì chả ông nào nhận, cuối cùng công an phải vào cuộc, vì cái kính đó rất quan trọng với ngài TT. Thủ phạm hóa ra lại là một cán bộ trong ủy ban hay hội đồng nhân dân gì đó. Sau đó không có thông tin gì về việc xử lý cán bộ có thói quen cầm nhầm, nhưng ngài TT đã được bài học đắt giá về "Vật bất ly thân" và về sự trong sạch của cán bộ.
    Cái câu "Một mét vuông mấy thằng ăn cắp" nói ra các nhà xã hội học nghe thì buồn nhưng chắc sẽ có ít người phản đối vì nó được dân đúc kết ra mà, một câu tục ngữ thời hiện đại.

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

Tiên sư Thằng Tào Tháo*


    Hôm trước U23 của ta đập vào mặt U23(thực chất là U19) của Tàu 3-1, tôi rất sướng nhưng vẫn bực âm ỉ vì thái độ của Tàu, mình mời U23 mà nó cho U19 sang đá, còn gọi giả vờ là U23. Vậy là ở mức độ quốc gia thằng này cũng dùng hàng giả, hàng nhái để chơi ta. Chuyện này làm tôi nhớ lại một chuyện vài năm trước. Không biết sao dạo ấy máy bay các hãng hàng không Mỹ rớt liên tục, mà Mỹ là quê hương của hãng Boeing nổi tiếng. Trong khi đó Tàu nó làm được máy bay, phóng được tàu vũ trụ. Bộ phận gián điệp kinh tế của FBI và CIA vào cuộc, tìm ra nguyên nhân sau. Chả là hồi đó giá dầu tăng cao, các hãng HK Mỹ tiết kiệm chi phí bảo dưỡng máy bay bằng cách dùng thiết bị và linh kiện của Tàu, Đài Loan để thay thế cho rẻ, còn Tàu thì lúc ấy đang thặng dư mậu dịch với toàn thế giới lên rất lắm tiền, lên xài toàn hàng hiệu Mỹ, lên làm đủ mọi thứ trên trời như trên, thành công cả. Vậy là Máy bay Mỹ sài linh kiện Tàu--> rơi, tàu Vũ Trụ, phi cơ Tàu, dùng linh kiện Mỹ --> bay khỏe. Sau vụ này Mỹ mới thấm câu "Tiền nào của nấy" và "đồ Tàu", từ đó máy bay bớt rơi hẳn. Trở lại trận bóng, trước đó mấy ngày các quan chức và đội tuyển U23 ta mời U23 đội bạn dự tiệc chiêu đãi tại một nhà hàng sang trọng, và tất nhiên trong các món cao lương mỹ vị và đắt tiền không thể không có thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, có thể là hải sản đông lạnh, một loại gia vị, hay có cái gì đó trong các món hầm ..v..v.., mà sau đó tất cả mọi người tham dự hôm đó bị Tào tháo rượt một trận tá hỏa. Người nhà ta do có kinh nghiệm lên chỉ xài Becberin, Biseton, orezon, hoặc các thứ thuốc tây khác. Còn các bạn Tàu, sẵn tinh thần quốc gia cao độ lại sẵn có các Viện Đông Y Trung Quốc lên các bạn vào đó chữa, với lời hứa, dứt cơn nhanh và lại còn khỏe hơn trước. Và kết quả như ta thấy U23 Tàu tuy trẻ nhưng thằng nào thằng đấy mặt mũi già câng, thâm hiểm thế mà hôm ấy khi vào trận chỉ biết chạy hùng hục như trâu húc mả, mặt mũi vô hồn, ngu ngơ thấy tệ. Còn bên ta tuy thể hình, thể lực yếu hơn cộng thêm ảnh hưởng của cơn bệnh nhưng đá rất có nét, tấn công sắc sảo, phòng thủ hiệu quả và thắng trận.
      Còn các cụ nhà ta ngoài chuyện bị nó đô hộ trên dưới 1000 năm, chắc nhiều lần bị chơi khăm, bực quá lên mỗi lần cứ vô nhà xí do ăn phải thực phẩm bẩn (có cái của Tàu, cái không) lại lôi thằng Tào Tháo ra réo.
      Bây giờ, đảo thì nó chiếm rồi, trên đất liền, cứ dự án lớn nào là nó thầu hết, cực đông (trà cổ) thì nó thuê 50 năm, cực Bắc thì đóng cọc cắt xén, cử dân sang canh tác hộ, cao điểm Tây nguyên thì có vài chục nghìn mắt một mí xủn xẻng điếc cả tai voi. Hàng hóa "made in china" thì ngập thị trường. Ngoài biển thì tàu chìm, tàu nổi, máy bay lượn như ruồi. Không nói nhưng chóp bu, tướng tá nhà ta chắc nhìn cũng xanh mặt, bây giờ đất đai, tiền của nhiều, đánh nhau thì chết. Tiếc lắm.

Vậy nên, ngoài réo thằng Tào Tháo ra chửi thử hỏi còn làm được gì nó. Hóa ra ở ta AQ là rất , rất nhiều

(*) Một câu trong truyện ngắn của Nam Cao.

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2009

__Bài hát “Bà tôi” muốn nói điều gì?

    Trong cuộc thi tiếng hát truyền hình toàn quốc, Sao mai, khu vực miền trung – Tây Nguyên. Có cô ca sĩ trẻ lên thực hiện ca khúc “Bà tôi” rất hay, giọng ca cao, trong sáng phong cách giản dị. Trong thành phần của cuộc thi có phần giành cho các vị khách mời đặt câu hỏi và nhạc sĩ Ngọc Châu đã hỏi một câu thế này: “Em có hiểu bài hát nói gì không” một câu hỏi đơn giản cho một bài hát đã trở thành quen thuộc từ hồi gặp nhau cuối tuần. Cô ca sĩ nghĩ mãi không ra cuối cùng ấp úng, nó nói về người bà, MC đành cướp lời, nói sang vấn đề khác để gỡ rối cho ca sĩ. Vậy bài Bà Tôi muốn nói điều gì:

Bà tôi đưa tôi ra đầu làng một mình bà đội cả trời nắng to
Này là gió cuốn mây trôi đưa tôi về làng
Này là bóng nắng liêu xiêu theo tôi đường làng
Làng tôi quanh co quanh co quanh co quanh co
Bà tôi đưa tôi ra đầu làng một mình bà đội cả trời nắng to
Này là gió cuốn mây trôi đưa tôi về làng
Này là bóng nắng liêu xiêu theo tôi đường làng
Làng tôi quanh co quanh co quanh co có sợi rơm khô
Nhớ làng tôi từng dòng mương xanh bay bay bay bay
Nhớ bà tôi một trăm năm rồi ngọn cỏ hóa mây trời
Cười cười một chuỗi trời thử bụng ta
Có mùa thóc lép lợp trên mái nhà
Có mùa hoa cà tự nhiên tím tái
Bà ví lông gà vàng như vườn cải
Ông ví mặt trời như lời mối lái
Ai ví tình yêu như trò nghịch dại
Bà lên Kẻ chợ có buồn được đâu
Ra về lúc lắc héo mòn một xâu
Ra về lúc lắc héo mòn một xâu
Chiều nay tôi đưa bà ra đầu làng, đầu làng mình chợt nổi trận gió to
Chiều nay tôi đưa bà ra đầu làng, đầu làng mình chợt nổi trận gió to
Chiều nay tôi đưa bà ra đầu làng, đầu làng mình chợt nổi trận gió to
Chiều nay tôi đưa bà ra đầu làng, đầu làng mình chợt nổi trận gió to

   

Tôi đã tải lời bài hát về đây. Các bạn thấy đấy, chỉ là những hoài niệm về làng quê, có thể chính là nơi sinh ra và lớn lên của tác giả. Rất nhiều kỷ niệm êm đềm và buồn man mác, tất nhiên là buồn, vì đa số các chuyện tình ở nông thôn Việt Nam ngày xưa mấy khi có hậu, bây giờ liệu có khá hơn?. Và hoài niệm này đến trong giấc mơ, trong nỗi nhớ. Nỗi nhớ về một miền quê trong quá khứ và chuyện tình buồn.

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009

no man land


Một sáng thức dậy
Nằm giữa cánh đồng
Bỗng thấy trên không
Ngập tràn bụi đỏ

Đôi quạ bên đó
Vụt ngang bên đồi
Quàng quạc chơi vơi
Giữa đời hoang vắng

Bầu trời không nắng
Mặt đất không cây
Loang lổ lấp đầy
Có còn đau khổ?

Một vành mây trắng
Lơ lửng giữa trời
Gió thổi không trôi
Ôi!, người, tội nghiệp

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2009

...haiku...



Suốt năm tháng bốn mùa
Lấp ló chỗ ngã tư
Sưu tầm lời chửi rủa
---
Tòa xử tham nhũng
Quần chúng đứng trông
Đảng viên ngồi đó
---
Người bạn thủ đô
Về thăm thành phố
"Ồ, chim sẻ"
---
Hai bờ sông
Không bóng cây
Toàn cửa cống
---
Giữa cánh đồng
Bát ngát mênh mông
Cao cao Lò gạch
---
Ngừng hót trong lồng
Tóe lửa mắt trông
Mấy thằng mua súng
---
Ăn dở bánh đa
Xa xanh mấy bóng
Nhảy cẫng dọn hàng
---
hình bên: Nhà mặt phố bên sông Kim Ngưu, Hà Nôi, được mắc màn để bớt mùi, tránh bụi và ruồi muỗi