Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

__Tôi mua thơ


    Cuối năm bận rộn, bất ngờ có một chiều rảnh rỗi. Lại thêm một sự vui, cơ quan găm một phần tiền lương, cuối năm lôi ra phát như cho làm người lao động, trong đó có tôi, mừng như tìm lại được đồ mất cắp. Lang thang vào hiệu sách, lơ ngơ, lẩm cẩm thế nào lại vớ phải ... thơ ... mà lại là thơ của Bùi Giáng :)))
Thơ ông bây giờ hiệu sách bày nhiều lắm, tôi thích màu xanh lá lên trọn tập, Rớt hột phiêu bồng

Lớp phiêu bồng mọc trăng ngàn
Thành xưa phố cũ muôn vàn phía sau

    TÂM SỰ
    Con đường xí nghiệp dựng xây
    Trước sau đắp điếm thàng ngày nắng mưa
    Công nhân đắp đổi bốn mùa
    Nông dân mong đợi xế trưa một giờ
    Tình thương khôn xiết bơ vơ
    Ruộng đồng chưa kể bất ngờ đoán ra
    (Rằng trong ý bạn ruột rà
    Lên đường xa lắc ấy là yêu nhau)

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

__Trưa ở phố Đinh Lễ


-----
    Những trưa không về nhà thường là những khoảng thời gian khá thú vị đối với tôi. Mặc dù, cũng chỉ loanh quanh, ăn uống linh tinh, xem phim và vào hiệu sách một mình. Hay nhất là được lang thang buổi trưa ở phố sách Đinh Lễ. Lạc vào đây, tôi không khác trẻ em được bố mẹ cho cầm tiền vào cửa hàng đồ chơi lựa chọn. Sách luôn mới, những ấn bản đang nóng hổi trên các diễn đàn, các tác phẩm nổi tiếng, gây tranh cãi và … sách cấm (như “Sát thủ đầu mưng mủ”, hay “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” chẳng hạn).

    11 giờ 30, đội xe đến thủ đô, vậy là chúng tôi có cả buổi trưa ở đây. Ăn cơm, uống chè chén, chém gió một lúc, tôi lên đường vào “phố chợ”. Nhất định không vào các hiệu sách đẹp như Hiệu Sách Bờ Hồ, Hiệu Sách Hà Nội… tọa lạc trên phố chính Tràng Tiền, kinh nghiệm cho thấy, ngoài mặt tiền đẹp, trời nắng có thì có máy lạnh ... còn tất tần tật sách… chẳng hơn bên phố phụ Đinh Lễ là bao, cả về số lượng lẫn chất lượng. Bên Tràng Tiền chỉ hơn các hạng mục sách ngoại văn, mà tiếng tây tiếng tàu thì tôi chẳng biết. Bên này có khoảng 10 hiệu sách và cũng ngần ấy sạp sách vỉa hẻ, các cửa hàng và sạp sách gần như là một, vì nếu quyển nào không có thì ngay lập tức chủ sạp sẽ sang ngay hiệu bên cạnh để lấy sách cho khách mua. Trong vô vàn giấy và mực và màu và mùi đó, cứ 100 quyển thì tôi thích 10 quyển và cứ 10 quyển thì muốn mua 1, 2 quyển. Ở đây có hàng vạn đầu sách, lên khả năng mua bao giờ cũng cách muốn mua khá xa. Lên chọn được cuốn nào, thường là tôi nhắm từ trước hoặc giả do… duyên số. Duyên số ... cái này thỉnh thoảng tôi mới tin, còn đa phần những lựa chọn còn lại là so tính cách tôi. Tính tôi ưa hình thức, lên những bìa sách ấn tượng bắt mắt, những cái tên hay, kêu kêu vang vang hay có màu bí ẩn thường hấp dẫn tôi. Hoặc những dịch giả mà tôi biết thì tôi cũng hay tìm đọc các sách mà họ dịch. Đơn cử như sách của Đoàn Tử Huyến , từ hồi đọc " Bố Già" , thấy truyện hay quá, mới xem tên dịch giả mới biết anh, từ đó cứ sách dịch của họ Đoàn là tôi mua, mà mua được khá nhiều, từ các hiệu sách lớn, Đinh Lễ, đường Láng, vỉ hè và các bà buôn đồng nát. Cũng từ Đoàn Tử Huyến , tôi tìm được “Trò chơi” của I-u-ri Bondarep, tiếp theo đó đọc và mua khá nhiều sách của ông này như “Bến bờ”, “Lựa chọn”, "Tuyết bỏng" ... Rồi tôi cũng nhớ tên những họa sĩ đã vẽ bìa những cuốn sách đẹp, khi xem sách thường lật bìa sau xem tên họa sĩ (tiện thể xem giá). Nhớ nhất là Hoàng Tường, Văn Minh, gần đây là Đỗ Hữu Chí, Hữu Khoa và Hà Dũng Hiệp . Đặc biệt là Đỗ Hữu Chí , tôi rất thích bìa cuốn “Chỉ tại con chích chòe” của Dương Tường do anh này vẽ, mặt của Dương tường được vẽ như ... một con chim. Và lần đầu tiên tôi chú ý đến Đỗ Hữu Chí là từ một cái tên rất hay khác “Bắt trẻ đồng xanh” , ta khó có thể tìm được tên sách tiếng việt nào hay hơn, tranh bìa quyển này chỉ có một dòng chữ trắng trên nền xanh lá cây J. Gần đây có “Nếu một đêm đông có người lữ khách” của Italo Cavilno, nghe rất kêu, những tác giả nghe còn kêu hơn vì hao hao Cavalho, hậu vệ phải của Real. Sách do Trần Tiễn Cao Đăng dịch, bác có cái tên dài dài hay hay này lại là người dịch cục gạnh nổi tiếng của một ông Nhật Bản nổi tiếng khác, Ha -ru -ki Mu–ra- ka- mi , “Biên niên sử chim vặn dây cót” . Còn Mu–ra- ka- mi thì không nói cũng biết, ông này viết “Rừng Na uy” , Trịnh Lữ dịch và Hữu Khoa vẽ bìa. Gần đây Hữu Khoa cũng vẽ bìa “Bạn Văn” của Nguyễn Quang Lập, mà bác Lập lại là chủ của chiếu rượu Quechoa và tác giả kịch bản bom tấn Việt “Đời Cát” . Về Trịnh Lữ, trước đó không lâu, bác này có dịch cuốn “Cuộc đời của Pi” , đọc khá hay, mà từ cuốn này mà tôi mua cuốn “Con nhân mã ở trong vườn” , đọc chả hay mấy. Nhưng Trịnh Lữ cũng góp phần đẩy tôi ra quyết định mua “Trần trụi với văn chương” của Paul Auster , quyển này có cái bìa là tranh của Francis Bacon, lên chẳng cần phải nói gì thêm về sự ấn tượng của nó. Tôi còn đọc được “Xứ Cát” cũng do Trần Tiễn Cao Đăng dịch. Không nhớ người vẽ bìa, nhưng rất nhớ bức tranh rực rỡ đó.

    Các cuốn sách tôi mua do thích bìa đẹp, chuộng dịch giả còn nhiểu quyển nữa (lại nhớ 2 quyển Vô tri và Những Mối tình nực cười do Hà Dũng Hiệp vẽ bìa). Trở lại buổi trưa lang thang ở Đinh lễ, tôi đã nhắm trong đầu cuốn Gỗ Mun của nhà văn, nhà báo tài năng người Ba Lan Ryszard Kapus'cin'sk . Chẳng khó khăn gì, tìm thấy nó ngay, nhưng trước đó, “Giăng lưới bắt chim” của hót-boy lâu năm Nguyễn Huy Thiệp đã hút mắt tôi bằng cái bìa đẹp do Hữu Khoa vẽ. Tôi cầm 2 quyển đi ra cửa, trong lúc đợi tính tiền, quay ngang quay ngửa thế nào lại đập ngay vào mắt cái tên Truman Capote và không cần đọc tôi biết ngay quyển đó là Trong máu lạnh (được dịch là “Máu Lạnh”- In Cold Blood ). Cái bìa quyển này cực kỳ ấn tượng, không đầy đủ tên sách, chỉ có một góc của chữ máu lạnh và một đọt máu tím đen chảy xuống trên nền xám. Cái di động kêu giục dã kêu, cán bộ đường lối đang gọi tôi về


Đây là bài điểm sách Trong máu lạnh của Nhã Nam
Tiêu đề bài này trên Facebook được sửa thành Trưa vô gia cư

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

__The FilmClub


    The FilmClub, tác giả David Gilmour: Tên tiếng việt là Cha, Con & những thước phim, sách của Thái hà book-2010, Đào Thùy Liên dịch và Trần Vũ Nhân hiệu đính. Sách nhiều lỗi chính tả, đọc thỉnh thoảng như cơm nhai phải sạn. Tính tôi ham chơi, thích phim ảnh nhạc họa. Xem phim rồi thì lại có tật khen khen chê chê như thật, và sách về phim ảnh thì chả mấy khi đọc, lâu lắm rồi mới mua một cuốn sách có liên quan đến phim, đó là cuốn này. Sách viết hay, nhưng dịch (hoặc đánh máy) hơi ẩu. Sách viết về một người cha buộc phải dạy con trai mình (Jesse) qua những bộ phim vì cậu bé không chịu học. Người cha đồng ý cho cậu không phải đến trường với một điều kiện, mỗi tuần cậu phải xem 3 bộ phim do ông lựa chọn.
..."Tôi giải thích: Có những bộ phim ảnh hưởng chắc chắn đến con khi con còn trẻ, chúng mang đến cho con một trải nghiệm phong phú mà con có thể sẽ khó tiếp nhận khi lớn hơn. Con "mua nó" theo cách mà con không thể nào thực sự lặp lại sau này.
    Bây giờ khi đi xem phim, tôi dường như quan tâm tới nhiều chuyện khác: người đàn ông cách vài hàng ghế phía trên đang nói chuyện với vợ, ai đó đang ăn nốt bắp rang bơ và ném chiếc túi vào lối đi giữa hai hàng ghế; tôi ý thức về chuyện bắt lỗi, về đoạn hội thoại tồi và các diễn viên hạng hai. Đôi khi tôi xem một cảnh có rất nhiều vai phụ và tự hỏi: Họ có thích thú việc được là diễn viên phụ hay là họ đang khổ sở vì không được mọi người chú ý? Ví dụ, có một cô gái trẻ ở trung tâm liên lạc ngay đoạn đầu phim Dr. No (Tiến sĩ No). Cô ta có một hoặc hai lời thoại nhưng bạn không bao giờ thấy lại cô ta trong cảnh nào nữa. Tôi băn khoăn hỏi Jesse rằng chuyện gì đã xảy ra với tất tần tật những người kia trong những cảnh quay đông đúc ấy hay những cảnh quay tiệc tùng: Cuộc sống của họ sẽ như thế nào? Họ có bỏ nghề diễn và kiếm việc khác không?
    Tất cả những điều này cản trở việc thưởng thức một bộ phim, vào những ngày xa xưa, con có thể bắn một phát súng ngay cạnh đầu bố, nó không cắt ngang sự tập trung và sự tham gia của bố vào bộ phim đang trải ra trên màn hình ngay trước mắt. Bố trở lại với những bộ phim cũ không chỉ để xem thêm một lần nữa mà còn hy vọng rằng; bố sẽ được tận hưởng cảm giác đã có trong lần đầu tiên xem chúng (không chỉ về những bộ phim, về tất cả mọi thứ)"...

    P/S: Ngoài "Đối thoại với Trương Nghệ Mưu" đọc đã lâu và cũng đã quên :), thì ba cuốn còn lại tôi chỉ mới đọc được FilmClub. Nhưng chúng tôi (tôi và ba bốn người nữa) đã cùng nhau xem được gần 70 phim trong một không gian đặc quánh màu sắc, âm thanh và khói thuốc, một khoảng thời gian thú vị, đầy cảm xúc và không thể nào quên.

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

__Casanova ở Bolzano


"... tôi không quan tâm đến câu chuyện lãng mạn, mà quan tâm đến tính cách lãng mạn của ảnh ta..." Đây là lời của Márai Sándor khi ông nói về tiểu thuyết Casanova ở Bolzano của mình. Nhưng theo tôi nó không phải là tiểu thuyết, tập hợp những từ ngữ, câu chữ nối với nhau bằng dấu chấm, dấu phẩy, những thì, và, là, mà đó là một cái gì đó hơn thế. Tập hợp những ký tự trong hơn 300 trang giấy có tên bìa "Casanova ở Bolzano" chỉ là những thể hiện gần đúng. Vì chỉ gần đúng lên nó không bao giờ đủ, nó chỉ cho ta cảm giác gần đúng, ta gần chạm vào nó, một thứ hư ảo nhưng lại có thật, những thứ mà muôn thủa con người tìm kiếm, là hạnh phúc và tình yêu, phần còn lại, ta sẽ nhận được lâu lâu, sau khi đọc xong và nó sẽ còn lần hồi trở lại với ta mà nhiều khi không cần phải đọc, có khi thế. Điều này tôi đã gặp phải khi đọc "Bốn mùa trời và đất". Một tập những đoản văn, tạp văn của ông. Nhưng ở Casnova, ông đã thể hiện sự khác thường của mình khi viết về con người, về tâm lý, tính cách của con người, đặc biệt là thể hiện của con người khi đang yêu trong tình yêu, đứng ngoài nhìn vào tình yêu, nhìn vào những người đang yêu, những người yêu đơn phương, những người thất vọng, thất bại, những người ích kỷ, những người nực cười, những người cống hiến và hy sinh. Về một kẻ phiêu lưu đích thực, Casanova, về nhà văn Casanova, nhà văn Francesca, bá tước Parma-chồng nàng và người đàn bà xứ Toscana. Tất cả những nhân vật đó đều thể hiện khả năng diễn đạt xuất sắc, Sandor cho họ khả năng đó mà không hề e ngại. Ông viết ra những điều sâu xa nhất trong não bộ con người, phơi nó trên mặt giấy cho tất cả đọc và ông cảm thấy hổ thẹn khi làm công việc "kinh khủng" đó.
    Có một người đàn bà từ Toscana đến xin chàng tư vấn về những khúc mắc tình cảm của mình, sau đây là lời bộc bạch của nàng.
..."Vì sao tôi không có được điều tôi muốn?..." Lúc này nàng nói nhỏ nhẹ và thỉnh thoảng lại nghẹn ngào, như cố kìm giữ những giọt nước mắt. Nàng nói nhẫn nhục và chịu đựng, trong giọng nói không con chút kiêu hãnh nào của người Toscana. "Lẽ ra tôi đã phải làm những gì?... Tôi đã cho ông ta tất cả những gì một người đàn bà có thể cho một người đàn ông, nỗi đam mê và lòng kiên nhẫn, những đứa con, sự hứng thú, sự yên tĩnh và bình an, sự dịu dàng và vô tư... mọi thứ. Đúng, anh là người ngoài, người ta bảo anh hiểu về tình yêu như thợ kim hoàn sành vàng bạc, hãy cật vấn, xem xét trái tim tôi, hãy kết luận và cho tôi lời khuyên! Lẽ ra tôi phải làm gì? Tôi đã nhẫn nhục tự hạ mình, Giacomo ạ, tôi đã là người tình và kẻ đồng lõa của chồng tôi, tôi hiểu rằng ông ta có những người đàn bà khác, vì bản chất của ông ta là vậy, tôi biết ông ta ngấm ngầm trốn chạy khỏi thế giới, khỏi nỗi đam mê, khỏi phiêu lưu để quay về với tôi vì hèn nhát, vì ông ta không còn trẻ, vì những con chó của thần Chết đã rình mò quanh gót chân ông ta, và đôi khi tôi mong đến tuổi già, khi ông ta là của tôi, khi ông ta mắc bệnh thống phong hai chân, để tôi nắn bóp cho đôi chân sần sùi của ông ta... Đúng, tôi đợi tuổi già và bệnh tật, xin Đức Mẹ tha lỗi cho tôi và Chúa chớ trừng phạt tôi. Tôi đã cho lão tất cả. Hãy nói đi, nếu anh biết: tôi còn phải cho lão điều gì nữa?..."
    Nàng hỏi giọng như cầu cứu, mắt đẫm lệ, đợi câu trả lời rất khiêm nhường và lặng lẽ. Người đàn ông suy nghĩ. Chàng khoanh tay trước ngực, đứng trước mặt người đàn bà cật vấn mình, rồi đáp lịch sự và dứt khoát:
    -Hạnh phúc, signora (*)

P/S: Signora (tiếng Ý): quý bà, thưa quý bà
Có 5 tác phẩm của Márai Sándor được in ở Việt Na, Bốn mùa trời và đất, Casanova ở Bolzano-Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hung, Nhã Nam phát hành.

Những ngọn nến cháy tàn-Dịch giả: Nguyễn Hồng Nhung. Xuất Bản: Nxb Lao động. Sách cỏ và Di sản của Etze.

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

___Chủ nghĩa tư bản dã man ở Việt Nam


    Hồi xưa học kinh tế chính trị, cách nay ngót nghét cũng đã mười mấy năm, trong một giờ học, thầy giáo nói, Việt Nam đang ở thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản dã man ... Mình chẳng hiểu khái niệm này lắm vì thầy giảng chẳng hay và mình cũng không thích môn học đó. Thầy có ví dụ để sinh viên dễ hiểu, đại loại tình hình Việt Nam lúc bấy giờ (quãng năm 97-98) giống như LosAngeles những năm 30. Thầy nói, lúc đó tình hình ở Mỹ cực kỳ lộn xộn, tội phạm, tệ nạn xã hội lan tràn khắp nơi, trên thương trường thì cạnh tranh bẩn, tình trạng cá lớn nuốt cá bé, luật rừng... là những đặc điểm chính. Lâu lâu, bẵng đi cụm từ này không được ai nhắc tới. Hôm nay, đọc một bài trên BBC viết về tình hình sân golf ở Việt Nam mỗi năm ăn hàng mấy nghìn hecta đất. Mà nguyên nhân của vấn nạn sân golf này chính là tham nhũng và mâu thuẫn lợi ích của các nhóm kinh tế-chính trị.
    Tham nhũng hối lộ có ở khắp mọi nơi và xuất hiện từ thủa sơ khai của loài người, nhưng nó đang phát triển "rực rỡ" nhất trong thời đại của chúng ta. Tham nhũng hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ những ngành nghề dễ hối lộ nhất đến các ngành thiêng liêng nhất như y tế và giáo dục. Việc ăn và đưa phong bì mà thực chất là hối lộ đã trở lên bình thường ngay cả đối với những người dân lương thiện, nó được người ta coi là một loại phí, lót tay, bôi trơn, hay phí ngu. Nhà nước, nơi thể hiện rằng mình phải minh bạch công khai chống lại tham nhũng thì lại gián tiếp cổ vũ một cách "ngớ ngẩn" cho việc không nhận phong bì, nó không dám đi thẳng vào sự thật đó là hành vi tham nhũng, cái phong bì không có tội mà người nhận nó mới là có tội. Nó không dám nói thẳng người nhận là có tội mà lại đi khuyên bảo kẻ đó đừng nhận phong bì nữa, việc làm này chẳng khác nào thừa nhận nhân cách thằng ăn cắp và van xin nó đừng ăn cắp nó mà hãy trở lên lương thiện. Hiện tượng mua quan bán chức diễn ra công khai, và không khó khăn gì để biết giá của một cái ghế, ngay cả một người lái xe ôm cũng biết điều đó. Lên không ngạc nhiên gì khi trong bộ máy hành chính có rất nhiều kẻ lưu manh, trộm cắp mà những kẻ dùng bằng giả bị phanh phui chỉ là nhất thời sơ hở. Bất cử tỉnh thành, sở vụ bộ nào, rất dễ dàng gọi mặt chỉ tên ra ông bí thư chủ tịch này nọ trước đó chỉ là thằng lái buôn, không bằng cấp gì (thậm chí còn chưa đọc thông viết thạo hoặc mua chữ dưới hình thức chuyên tu, tại chức), có chuyên môn nhất trong bộ máy khổng lồ và rườm ra đó lại chính là những "nhân viên đánh máy" mà lâu lâu mới tòi ra một chú. Lưu manh hóa là làn sóng lan rộng từ người các quan chức đến từng người dân, quan tham thì dân gian, và ngược lại, dân gian cũng tạo ra quan tham.
    Người ta muốn đất nước nhanh trở lên giàu có, cách đơn giản nhất là mang tài nguyên đi bán, cách này vừa nhanh vừa rẻ và chẳng cần động não, chẳng cần đào tạo, chẳng cần đại học quốc tế "chữ to". Nó cũng như, nếu bán nhà đi thì sẽ có một đống tiền để tiêu mà chẳng cần học hành làm lụng gì. Chúng ta cũng như vậy, đào than, hút dầu... mang bán thì cần quái gì đến nền kinh tế tri thức, cần gì lũ nhân tài nhân teo, chỉ cần một lũ láu cá, biết lươn lẹo luồn cúi là đủ. Thế nên, hệ thống giáo dục nhanh chóng trở thành một cái chợ buôn bán bằng cấp khổng lồ. Minh chứng cho điểm này có thể kể đến một lũ bác sĩ bất tài vô lương tâm, một lũ giao viên thèm tiền ác độc và một hệ thống cán bộ (quan lại) thèm tiền còn hơn cả lũ giáo viên. Dễ thấy các công trình do nhà nước đầu tư thường xuống cấp rất nhanh bởi chúng chỉ là một lớp vỏ mỏng. Cơ hội cho nhân tài trong bộ máy, doanh nghiệp nhà nước là cực kỳ hiếm hoi. Họ nhanh chóng hòa vào các doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp này, ngoài một số điểm sáng, phần lớn còn lại chạy theo lợi nhuận mà bất chấp tất cả. Hệ quả là môi trường sinh thái mau chóng ô nhiễm nặng nề, công nhân bị vắt kiệt sức lao động không khác gì nô lệ.
    Trong một xã hội đó, người ta mất niềm tin vào những gì có thật. Tôn giao luôn là nơi cứu cánh cho những hoàn cảnh như vậy. Đình chùa miếu mạo được tu bổ và xây mới khắp nơi. Người ta tưởng truyền thống là các hội hè được làm mới, được sân khấu hóa được hoành tráng hóa. Nhưng làn sóng thương mại hóa nhanh tróng lật tẩy hết lớp màu mè đó vì sự thực "một cái áo không làm lên thầy tu". Bọn tăng lữ cũng hiện nguyện nguyên hình là những kẻ hám lợi, háo danh không lâu sau đó. Một xã hội không có niềm tin.
    Tất cả những yếu tố trên ràng buộc, tác động hữu cơ qua lại với nhau tạo thành một mớ bùng nhùng rối tinh măng miến. Xã hội Việt Nam thời chủ nghĩa tư bản dã man dường như không có lối thoát. Tới đây tôi tự hỏi không biết mình suy nghĩ có tiêu cực quá không khi mà cuộc sống luôn có câu trả lời thỏa đáng cho các câu hỏi phát sinh từ sự tồn tại lâu dài của người Việt ???
    P/S: Đã lâu không viết bài nào về chính trị chính em, toàn loanh quanh phim sách truyện, nay gom thử các bản nháp thành mớ măng miến này cho đỡ nhớ. Tranh minh họa lấy trong loạt biếm họa. Và Thầy giáo mình giỏi thật :)

__50/50:Hên/Xui


    Trưa hôm trước, thử vận may tí với phim mới 50/50: Hên /Xui, ngồi xem tới gần cuối, ước chừng khoảng một tiếng rưỡi gì đó thì có việc, xếp gọi về làm, xui quá. Chiều hôm đó Việt Nam thua tơi tả, xui cho U23 của ta quá, thương khán giả Việt quá, may cho mình quá vì từ đầu giải tới giờ, mình gần như không chủ tâm xem bất cứ trận nào của đội nhà, chỉ ngẫu nhiên liếc qua vài phút, ngay cả điểm tin cũng chẳng chủ động xem. Mình đã bớt quan tâm (trước đó đã thôi yêu) đến đội tuyển đi rất nhiều từ khi Mr Ca-lis-to thôi làm HLV trưởng. Vậy là mình may mắn không bị cảm giác thất vọng tiếc nuối đeo bám vì đã thôi không thích đội tuyển nữa, thật là xui vì mình đã mất đi một điều gì đó tích cực. Yêu thích một cái gì đó không xấu luôn là tích cực. Lại phải giải thích một chút nữa, đội tuyển ta đá ngày càng xấu, điển hình là lối chơi, thái độ chơi bóng, mang đậm chất thô bạo thủ ác của V-ligue.
    50/50: nói về một anh chàng, đang hên vì cuộc sống của anh đang rất ổn, từ công việc tới bạn bè và người yêu, đùng một cái anh phát hiện bị ung thư, vận rủi đến tức thì, vận rủi này quá lớn so với cuộc sống tưởng chừng hạnh phúc và nhiều may mắn trước đó. Khả năng sống/chết của anh sau quá trình điều trị là 50/50. Tiếp đến anh gặp vận may, cô người yêu xinh đẹp, ưa đòi hỏi đã nguyện chăm sóc anh thay cha mẹ. Cậu bạn thân luôn ở bên giúp đỡ. Và anh được điều trị tâm lý bởi một bác sĩ trẻ mới ra trường, người luôn làm anh căng thẳng hơn là giúp đỡ anh. Xui. Cô bạn gái xinh đẹp mua tặng anh một con chó. Hên. Con chó rất già và cũng chẳng đẹp. Xui. Sau một thời gian hóa trị mệt mỏi và đau đớn, trong thời điểm khó khăn đó, cậu bạn thân vô tình phát hiện và lật tẩy bộ mặt lẳng lơ giả dối của cô bạn gái, anh chia tay cô ta. Xui cho cô ta và Hên cho anh, nhưng hình như cả hai đều nghĩ ngược lại. Nhiều lúc bên anh chỉ còn con chó già, nó bây giờ là người bạn luôn ở cạnh, nó là vận may của anh. Rồi anh thấy mình đã quá ích kỷ vì đã không quan tâm gì tới cha mẹ mình, 2 mẹ con anh đã lần lần thông cảm và hiểu nhau. Quá may đối với anh. Việc điều trị không đem lại kết quả gì. Rất xui. Trong lúc buồn đau và thất vọng, anh đã thổ lộ lòng mình với Cô bác sĩ tâm lý và 2 người đã rất thương nhau. Quá may với cả 2 người. Cuộc phẫu thuật ngày mai sẽ quyết định đến sự sống chết của anh. Bác sĩ bảo khả năng thành công là 50/50. Kịch tính của phim lên cao nhất vào lúc này, nội tâm của các nhân vật thay đổi nhanh và mạnh mẽ, các hàng ghế trong rạp vắng ngắt, chỉ có 3 người đang tập trung cao độ vào màn ảnh. Đoạn phim này hay quá, rất may cho kẻ phiêu lưu như tôi. Cái di động chết tiệt rung bần bật trong túi quần. Rút điện thoại ra, Ôi chu choa, 2 giờ mịa nó rồi, phòng gọi, lật bật nghe máy, ... tiếng phó phòng tức giận trong con Qmobile khốn khổ : "mày ở đâu, về cơ quan ngay"...:(

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

__Tay đấm thép: Real Steel


    Cơn bão lạm phát quét qua thành thị đến nông thôn, từ các doanh nghiệp tư nhân đến nhà nước. Tăng giờ làm, giảm lương là việc đầu tiên giới chủ (được gọi mĩ miều là lãnh đạo trong các DN quốc doanh) nghĩ đến. Chờ mãi rồi cũng có được một buổi vào rạp, trong dòng danh sách phim trình chiếu, "Tay đấm thép- Real Steal" được chọn, nó thuộc thể loại ưa thích của tôi, khoa học viễn tưởng. Bối cảnh câu truyện xảy ra trong tương lai gần, nơi các sàn đấm bốc không còn thuộc về các võ sĩ nữa, nó là cuộc đấu sinh tử của các Ro-bot. Một thực tế phải thừa nhận, thế giới đang được ảo hóa rất nhanh, từ mạng xã hội, gameonline, thực tại ảo, văn phòng ảo, đấu trường ảo ... ngay cả cuộc đấu của các Ro-bot, nghe qua cũng rất ảo, nó dễ làm người xem liên tưởng đến những trận chiến nhảm nhí của những Rô - bốt biến hình. Nhưng không, "Tay đấm thép" có thực ngay từ nhưng cảnh đầu tiên với những thất bại cay đắng của Hugh Jackman. Câu chuyện tương lai trong phim bắt đầu như vậy, dần dần được đưa vào câu chuyện ảo là những yếu tố thật nhưng dần trở lên hiếm và ảo: tình cảm thật, nước mắt thật. Đó thực sự là những giá trị thật của "Chất Thép". Một điểm yếu trong diễn xuất của Jackman (Charlie KenTon) là Các cú đấm của anh, dù chỉ đánh một mình nhưng xem rất "nghiệp dư", có lẽ uy lực của đòn đánh phải khổ luyện mới có được chứ không thể tập vài tháng là diễn được. Rất khập khiễng nhưng phải một lần nữa phải cúi đầu thán phục trước những đòn thế của Lý Tiểu Long trong Mãnh Long Quá Giang, Tinh Võ Môn..., khí thế, uy lực thoát ra mạnh mẽ trong từng đường quyền, cú đá, tiếng hét của anh. Không thể pha tạp, không thể bắt chiếc, độc nhất vô nhị.
    Cao trào cảm xúc mạnh dần về cuối phim, cậu Rô-bốt trở lên rất có hồn. Và người thổi hồn vào cỗ máy vô cảm đó là cậu bé bướng bỉnh, đáng yêu MAX-KENTON , con của Charlie. Trong hình hài cậu bé dễ thương là một tâm hồn nhạy cảm, một ý chí mạnh mẽ. Charlie, đã tìm lại được ý trí, tinh thần trách nhiệm với bản thân với cuộc sống của mình nhờ sự xuất hiện bất ngờ của cậu bé. Anh là một con Rô-bốt bằng xương bằng thịt, anh là hiện thân có thật của nhiều người đang sống. Và tất nhiên, tâm hồn anh cũng được chính con trai anh cứu vớt.

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

__Lạm phát "oánh" giày

    Ngày mai gió mùa đông bắc mới về, nhưng cuối giờ chiều trời đã tối mịt và trở lạnh. Chợt nhớ mình phải mua một đôi giày mới. Đôi cũ vừa rách mấy hôm trước, và một đôi cũ khác thì bị trộm mượn khi để ngoài cửa. Hồi đó khu phố mình có nhiều thanh niên đá cho ManU huyền thoại. Quay lại hiệu giày cũ, vẫn đôi giày đó giờ đã đeo giá 745K (trước khi bị mất nó giá 450K). Vậy là sau 2 năm, lạm phát uýnh vào đôi giày của mình 345K. Bài học về lạm phát trở lên vô cùng dễ hiểu, nó đơn giản hơn rất nhiều so với chuyện lên xuống bất thình lình của giá xăng, dễ hiểu hơn bài giảng của các thày giáo kinh tế. Thấy thông cảm hơn với với tổng quản nhà mình lâu nay vẫn phàn nàn về việc tăng giá của thịt cá rau dưa. Vậy là lâu nay mình vẫn vô cảm một cách chẳng hồn nhiên tí nào như vậy. Kiểm lại một số thứ bị lạm phát đánh thấy mình lãi được khối Việt Nam đồng, linh kiện máy tính do luôn được tính bằng USD quy ra VND, bây giờ vẫn vậy lên sau 2 năm RAM, ổ cứng ... nếu không giảm giá thì sẽ được ối, nhưng ai cũng biết rằng chỉ sau mấy tháng các món này sẽ lại rẻ đi do giá thành sản xuất giảm. Chỉ có đất đai nông nghiệp không tăng, người dân thất nghiệp nhiều (bị mất việc hoặc không chịu làm việc) lên những sản phẩm từ nó mà ra sẽ luôn bị lạm phát đánh đầu tiên. Tất nhiên, "hồn nhiên" như tôi sẽ biết trước tiên sẽ là cà phê, vé xem phim, mồi nhậu, sách báo hay là quà sáng rồi mới đến các thứ khác, như giày dép chẳng hạn.
    Nếu có cuộc thì ngõ phố nào nhiều bàn ghi số đề nhất ở Hải Phòng thì tôi chắc rằng, ngõ phố nhà tôi phải thuộc hàng top 5, nó còn có một kỉ lục khác là số lượng các tờ rao vặt trên tường. Gần đây, áp đảo trên các mảng tường, các vị chí bắt mắt là các tờ rao bán nhà, các tờ rao này đẩy "thông tắc bể phốt" "đục phá bê tông" xuống các level thấp hơn. :) Nhiều căn hộ tầng một được người ta chia thành 2, 3 căn hộ nhỏ hơn rồi rao bán. Người chủ sẽ ở một trong các căn đó, một số ít khác có lẽ sẽ chuyển vể những căn hộ khác, hoặc ngôi nhà khác to hơn, không có nhiều người may mắn như vậy. Họ phải chia sẻ hoặc buộc lòng phải bán nó đi. Thất nghiệp, ốm đau bệnh tật, vỡ nợ, đổ bể trong làm ăn, cái công cuộc mưu sinh đầy khó khăn, bất trắc không cho phép người dân ở những căn hộ "được giá". Những tháng cuối năm này, "rao vặt bán nhà, liên hệ chính chủ qua số đt : 09xxx" thực sự lên ngôi. Lạm phát không chỉ còn ngoài chợ nữa, hay trên ti vi nữa, nó đã tràn vào các căn hộ, các khu nhà tập thể cũ kỹ được xây dựng cách đây đã trên dưới 30-40 năm.
    Tuần trước, mình vừa chia tay anh hàng xóm hiền lành, tiền bán căn hộ anh sẽ dùng để trả nợ, phần còn lại sẽ mở một cửa hàng internet gần trường tiểu học, bên nhà mẹ vợ của anh. Con gái mình hay sang chơi với lũ con anh, chiều này hỏi mẹ, hỏi bố mấy lần:"Mẹ ơi, chị Thảo, bé Nhi đã về chưa"

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

_Cuối tuần ghé qua chợ :)


    Quả "Chiến tranh và Hòa Bình" mang từ nhà đi, ghét quá lên nhét vô đây, đọc suốt mấy tiếng đồng hồ mới hết lời giới thiệu, tác giả-tác phẩm: kể lể rất dài dòng về cuộc đời và sự nghiệp của Tonxtoi, từ chuyện cờ bạc giai gái phù phiếm đến chuyện vợ chồng, chuyện văn vẻ nghiêm chỉnh. Về tác phẩm, từ chuyện viết lách, tìm tư liệu lịch sử đến chuyện tranh chấp bản quyền, văn phong, kỹ thuật viết :). Rất là thú vị, tổng cộng phần giới thiệu của 2 bản dịch lên tới gần 200 trang, phần giới thiệu trong bản của Cao Xuân Hạo, tưởng 79 trang là dài nhưng vẫn rất sơ sài, và hơi củ chuối. Quyết định nghỉ ngơi để lấy dũng khí trước khi vào chương I, bản của Nguyễn Hiến Lê, mặc dù ông này dịch "Chiến Tranh và Hòa Bình" từ tiếng Pháp sang :))
- Casanova: để đọc khi loanh quanh thành phố.
- Chuyện Đời vớ vỉn: khi nào chán đời thì đọc (hi hi: cứ 2 ngày thì chán đời 15 phút)
- Tội Ác và Trừng phạt: Ác như con Tê Giác lên... cứ từ từ, hồi sau sẽ rõ.
- Gái công xưởng: Oánh nhanh rút ngọn.
- Sát thủ đầu mưng mủ: đã và đang gây xôn xao trong cơ quan :D
- về Văn Minh Vật Chất của Người Việt: ... cái này hiện * éo biết giải quyết với nó thế nào.Thôi thì xem tranh minh họa trước vậy :D

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

__Nghệ thuật ngày thường, chuyện cần phải nói


    Vừa đọc xong “Nghệ thuật ngày thường” của Phan Cẩm Thượng, ngoài phần viết về nghệ thuật rất cụ thể, chi tiết và khá dễ hiểu thì phần “Ngày thường” với nội dung chính về người nông dân, không gian ở của người nông dân, không gian văn hóa của làng quê Việt Nam. Phần này, chứ không phải phần nghệ thuật kia, mới là phần mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Những đoạn văn, câu chữ trong đó, tải nhiều trăn trở, luyến tiếc, u buồn và đôi khi là cả sự bất lực và tức giận của nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, lúc này, trên những trang viết này, anh giống nhà văn hơn. Một nhà văn giỏi, anh truyền được cảm xúc buồn bực đó cho người đọc, cho tôi. Vì chính tôi cũng đã từng sống trong những làng quê mà anh miêu ta, tuy không được đẹp và hoàn chỉnh như vậy, nhưng chứng kiến sự thay đổi và mất mát của nó theo thời gian tới bây giờ thì quả thực vô cùng luyến tiếc. Môi trường sống lành mạnh, môi sinh sạch sẽ thoáng đãng, tình làng nghĩa xóm khi mất đi, bao giờ có lại được sẽ là câu hỏi day dứt, không dễ trả lời. Lại vừa đọc một bài viết của anh Nguyễn Quân, về những yếu huyệt của công chúng yêu nghệ thuật hội họa ở nước ta, anh phân tích những yếu huyệt này, nguyên nhân sinh ra chúng, rất đúng rất xác đáng. Trong đó anh có nói một ý về Phan Cẩm Thượng, về Nguyễn Quân, về những bài phê bình của họ, chính họ là một trong những người đã tạo ra yếu huyệt đó của công chúng. Những bài phê bình của họ, vô hình chung đã tạo là một sự định hướng trong gu thẩm mỹ, trong cách đọc tranh của những người yêu hội họa, yêu mĩ thuật ở nước ta. Đọc tới đây, tôi rất hoang mang và cũng đặt câu hỏi “thế chúng ta làm gì bây giờ” .
    Tôi chợt nghĩ tới SUỐI NGUỒN, theo như anh Nguyễn Hưng thì Phan Cẩm Thượng và Nguyễn Quân thực ra là một dạng Elswood Toohey, một kẻ đạo đức giả, dưới chức danh –nhà phê bình- dùng uy tín, tài năng ngôn ngữ của mình để định hướng dư luận, định hướng nhận xét của mọi người đối với một tác phẩm nghệ thuật (điêu khắc, kịch, kiến trúc…) theo ý mà ông ta muốn. Quả thực, không thể bác bỏ được ý kiến của anh Nguyễn Hưng, vì việc phê bình, ít nhiều cũng tác động đến người thưởng ngoạn tác phẩm. Phê bình càng hay, càng chính xác, người thưởng thức càng thích tác phẩm đó và càng khâm phục và tin tưởng nhà phê bình. Sự tin tưởng sẽ dẫn họ theo một định kiến sai lầm nếu người phê bình ranh ma lợi dụng sự tin tưởng này.
    Không phải kiêu căng tự phụ, nhưng tôi tin là trong thời buổi giao lưu thuận tiện, đầy ắp thông tin như thế này thì việc tuyên truyền định hướng tư tưởng cảm nhận của người hưởng thụ là rất khó, nếu không nói là không thể. Và không thể chỉ qua một vài cuốn sách, một vài bài báo mà công chúng có thể hiểu, cảm nhận được ngay vẻ đẹp hoặc đồng cảm với tác phẩm được- đặc biệt là những tác phẩm biểu hiện, siêu thực, trừu tượng, hiện đại, hậu hiện đại ... Tôi không tin công chúng lại tầm thường như thế. Vì vậy, mục đích của các nhà phê bình, cụ thể ở đây là Phan Cẩm Thượng, khi viết lên các bài báo, bài phê bình, có lẽ cũng giống như tôi, người đọc, công chúng, tìm đến các tác tuyển tập phê bình của anh cũng như của các nhà phê bình khác,chỉ là tìm kiếm sự đồng cảm, sự giao thoa trong cảm xúc của mình khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật mà thôi.
P/S: Một tác phẩm của JackSon Pollock trong bài viết (note facebook) của anh Nguyễn Hưng

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

__Sát thủ đầu mưng mủ :)


    Dạo này mải đọc sách xem phim mà quên viết về đường phố. May có anh La Thăng khuấy lên, hi hi, cảm ơn anh Thăng lắm lăm, anh là anh ấy lắm đó :), anh vừa thành đối tượng của “tân tục ngữ”… Hung hăng như Đinh La Thăng (Nhị Linh xuất khẩu- tương lai sẽ được Thành Phong update vô bộ tranh "Sát thủ đầu mưng mủ"). Anh vừa có chủ trương về việc thay đổi giờ làm, mình nói chuyện này trên xe, cán bộ đường lối bảo : “cái này nó liên quan tới nhiều vấn đề lắm, vì công việc của bộ này nó phụ thuộc vào bộ kia, rồi thì đón con đón cái ... khó lắm”, cán bộ đường lối rất chăm đọc báo mạng, ipad, iphone lướt web kinh luôn, anh luôn có những đánh giá "chuẩn không cần chỉnh". Xe đi qua đầu ngã tư, góc khuất gần đó có anh áo vàng đứng rình đèn Xinh-nhan xe máy không bật, cán bộ đường lối quay sang chú công an ngồi cạnh quăng đá : “Anh à, kiếp sau anh đừng làm công an”. Mình cười muốn vỡ bụng luôn. Được cái chú công an của xe mình rất hiền và hiểu đời. Mấy hôm sau ngồi rượu thịt chó, anh chửi đồng bọn rầm rầm, đ.m thằng nọ thằng kia, nghe mà sướng lỗ tai. Hic, mình ngày càng thích nghe người ta chửi công an, chửi chính quyền, thế mới bỏ mịa. Mà anh công an của xe cũng có máu văn chương mới ác, cứ ngà ngà say, hoặc khi cao hứng là anh đọc thơ, anh nhớ rất nhiều thơ, trong đó có cả Kiều. Một hôm nọ, đang rong ruổi phố phường, anh cao hứng xuất khẩu:
        “ Hôm qua anh đến chơi nhà
        Anh đòi quan hệ nhưng nàng không cho
        Hôm nay anh lại đến nhà
        Anh lừa nàng ngủ anh quăng chim vào...”

Anh vừa dứt lời, cả xe cười như vỡ chợ, câu cuối của anh còn được anh em lẩm nhẩm đọc trong khoái chí nhiều ngày sau nữa. Xe về đến cơ quan, mọi người vẫn còn chưa hết đau bụng, anh tưng tửng phang luôn một câu tân ca dao, câu này rất hiểm:
        “ Văn chương chữ nghĩa bề bề
        Thần L ... ám ảnh cũng mê mẩn hồn*"
:))))))

P/S: * Câu tân ca dao, tục ngữ này không có trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” của Thành Phong, hôm trước chưa mua được sách lên tôi cứ mong nó có câu này, he he. Nhã Nam vừa xuất bản, nhất định phải mua. Chiều nay ra hiệu sách ngoại văn hỏi, có em bán sách bụng to khi nghe mình hỏi cuốn này, cứ cười cười... hỏi kháy mình mới đểu.
- Ảnh minh họa : từ Vnexpress và Vietnamnet

- Bài trả lời phỏng vấn của Ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc Công ty Nhã Nam về Sát thủ đầu mưng mủ
- Tin giờ chót (8h sáng ngày 26/10/2011): tui chưa kịp mua sách thì NXB Mỹ Thuật, đơn vị liên kết xuất bản với Nhã Nam (thực chất là chả phải làm cái *éo gì nhưng vẫn được tiền vì có quyền bán con dấu) vừa ra lệnh thu hồi cuốn sách :(
- Update thông tin: đã rước về được 2 cuốn, một để nhà, một mang đi "mua bán" tiếng cười trong cơ quan, thu hoạch kha khá :)

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

__The Tree of life : Cây đời


    Cây đời, Canes 2011, phim của Terrence Malick, chả biết nói thế nào nhưng tôi có cảm tưởng đây mới đích thực là sức mạnh của điện ảnh, những chuỗi hình ảnh của phim, sống động không ngờ, nó sống thực sự và lộng lẫy hơn trong âm nhạc của nó. Những màn đối thoại với chúa trời, với đức tin với niềm tin, với sự sống, cái chết, sự sinh sôi nảy nở, về trái đất về hành tinh, về vũ trụ bao la về trời về đất nước, sông ngòi ao hồ và biển cả và về những cái cây, những cuộc đời. Nhiều không sao tả xiết, những hình dung, những hình ảnh cứ ào ạt xô vào cảm xúc của tôi như những đợt sóng của biển cả. Về chúa trời về địa ngục, về những thiên hà bao la, những vì sao, những thiên thạch trong tiếng thánh ca rộng khắp, tràn ngập bao dung che trở cũng như thức tỉnh, trong những tiếng gầm thét của núi lửa phun trào của sóng triều dâng, của đá tảng vỡ vụn, của muôn trùng con nước dữ dội đổ xuống ầm ầm hung bạo. Của thủa hồng hoang cũng như của tương lai nào đó xa xăm lắm. Của những con khủng long săn mồi nhưng lại vị tha trong màu xanh ngút ngàn của rừng nguyên sinh. Và cả sự cô đơn của con người hiện đại, anh ta cô đơn trong những kiến trúc tráng lệ tuyệt vời, may mắn là cuối cùng, Jack, Sean Penn, cũng tìm ra nơi trú ngụ của người, God.

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

__Hồ Gươm ngày và đêm


.....
    Giờ mão (từ 5-7 giờ)
    6 giờ sáng, những nhóm thể dục, chạy bộ xuôi ngược về dần. Những lưới cầu lông được căng ra và các cao thủ còn thi đấu đến 7 giờ. Chợ chạy rất nhộn nhịp người mua, người bán và luôn có cảnh giằng qua giằng lại, khóc lóc của các cô bán hàng với trật tự viên. Những người quét rác bắt đầu khua chổi trên vỉa hè. Hàng quán ở bốn đường chính mở hết. Xe máy, xe đạp, ô tô tạo thành một vòng giao thông rầm rập quanh hồ đến chóng cả mặt. Tất cả cắm cúi lao về phía trước, mà không biết họ sẽ đi đâu. Hết giờ Mão ló ra những kẻ kiếm ăn ven hồ, họ ở lại đây cho đến tối mịt.
    Trước khi trời sáng, những người lang thang tranh thủ đi giải xuống mặt hồ và các gốc cây. Còn đại tiện thường diễn ra ban đêm. Họ là những người suy thận và đói ăn nên đi đái nhiều, đi ỉa ít. Quanh bờ hồ có ba nhà vệ sinh công cộng. Một trước cổng Thủy tạ, một ở sát hồ trong vườn hoa đối diện với sở điện, một trong ngõ hẻm Hàng Khay sau chùa Vũ Thạch. Thời bao cấp những khu vệ sinh này rất bẩn. Nay vào phải mất tiền, đi nhỏ 500đ đi to 1000đ, có người dọn dẹp sạch sẽ. Người lang thang không ai tốn kém như vậy.
.....
Tổng cộng 12 canh giờ quanh Bờ hồ, với đầy đủ hỉ nộ ái ố,ngâm trong dịch buồn xót xa...
P/S: Hồ Gươm ngày và đêm_ Giờ mão (từ 5-7 giờ)_ Phan Cẩm Thượng

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

__Chỉ tại mù ngoại ngữ


    32 tuổi, bắt đầu đọc Chiến tranh và hòa bình (CTHB). Sáng sớm, lên gác tìm CTHB, hơi bất ngờ ... 2 bản CTHB mà mình có là hai bản dịch khác nhau, một của Nguyễn Hiến Lê còn bản kia của nhóm dịch Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, Hoàng Thiếu Sơn, Thường Xuyên. Với một tác phẩm đồ sộ như CTHB thì có lẽ một tập thể dịch sẽ tốt hơn một các nhân chăng?. Mình không chắc lắm, bởi lẽ, khi tác phẩm là của một mình ta thì sự chăm chút, tình cảm của một cá nhân dành cho nó sẽ là vô cùng và tính thống nhất luôn cao hơn sản phẩm của một tập thể. Chưa kể nó còn thể hiện cá tính của cá nhân trên tác phẩm (sản phẩm). Nghĩ thì vậy nhưng tay vẫn cầm bản CTHB của nhóm Cao Xuân Hạo, vì tiếng tăm của dịch giả này, mặc dù đâu đó có nghe Nguyễn Hiến Lê cũng là một tác giả, dịch giả lớn. Vậy là trên đường dài rong ruổi, tôi gặm nhấm CTHB của Cao Xuân Hạo, sách do Nhà xuất bản Văn học ấn hành, bản in năm 1976. Lời giới thiệu ngốn mất 71 trang, đọc khá hay nhưng có một hạt sạn to tướng, nhiều lỗi chính tả, ngạc nhiên luôn. Về lỗi chính tả trong sách in, nhớ hồi đọc Ruồi Trâu , tay lúc nào cũng lăm lăm cái bút bi đen sửa lỗi. Sách xưa thường có kèm tờ đính chính ở trang cuối, sách bây giờ tự tin loại được lỗi chính tả vì có phần mềm tin học trợ giúp, và thế là sạn vẫn lọt vào như thường. Bản Suối nguồn , giấy trắng đẹp thế mà thỉnh thoảng vẫn “điểm xuyết” vài ba lỗi chính tả. Trở lại chuyện các bản dịch CTHB, sau khi đọc hết phần giới thiệu, tự nhiên lăn tăn về chuyện chọn đọc bản dịch nào. Không ngờ có cả một cuộc tranh luận về giá trị của hai bản dịch này, bản nào cũng có khen, chê, mà có vẻ đều đúng cả, thế mới bỏ mẹ. Đúng là vì người đọc, thằng tôi, không biết ngoại ngữ, nhất là tiếng Nga, tiếng Anh thì chỉ đủ đọc báo mạng với sự trợ giúp của Gu-gờ. Mà ngay bản dịch tiếng Anh của CTHB cũng có hơn một bản, và các dịch giả tiếng Anh của kiệt tác tiếng Nga này cũng “chửơi” nhau chí chóe, người nọ chê bản dịch của người kia. Giá mà biết tiếng Nga thì tốt quá. Nuôi mộng văn chương, he he, 32 tuổi quyết định sẽ đọc bản Chiến Tranh và Hòa Bình của Nguyễn Hiến Lê sau khi đọc hết lời giới thiệu (của Nguyễn Hải Hà) trong bản dịch của Cao Xuân Hạo, tự hứa khi nào có thì giờ và cảm hứng sẽ đọc tiếp bản kia để khỏi mang tiếng bóc bánh mà không ăn :).Hic, hic... Chỉ tại mù ngoại ngữ:(
    P/S: - Chiến Tranh và Hòa Bình L.TÔNXTÔI - Bốn tập, Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, Hoàng Thiếu Sơn, Thường Xuyên dịch, nhà xuất bản văn học-1976, khổ 13x19.
- Chiến Tranh và Hòa Bình-LÉON TOLSOI - Hai tập, bìa cứng, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, Nhà sách Đông Tây (của dịch giả Đoàn Tử Huyến) và nhà xuất bản Văn học ấn hành -2007, khổ 16x24cm.

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Có một thời hội họa trừu tượng (lược trích)



.....
Ngay từ khi ra đời, hội họa trừu tượng đã bị la ó om sòm, nhưng hình như càng bị phản đối nó càng phát triển. Từ năm 1911, Kandinsky (1866-1944) một họa sĩ Nga, sống ở Đức đã vẽ những bức tranh không có đối tượng. Trước đó, dù là vẽ gì, hội họa cũng vẫn phải dựa vào những hình thức có sẵn tự nhiên và xã hội, người xem tranh ban đầu cũng dựa vào sự đối chiếu giữa hội họa và cuộc sống. Hội họa Lập thể, Biểu hiện, ròi Siêu thực những trường phái lừng danh đầu thế kỷ 20, đã từng làm người nản lòng vì những cách tân quá sức tưởng tượng, nhưng dù sao chúng phần nào còn dựa vào thực tế. Loại bỏ tất cả những gì mắt thường nhìn thấy, cái hội họa không đối tượng này gây ra một cú sốc không tưởng tượng nổi ở chỗ họa sỹ đã chẳng vẽ một cái gì, ngoài những vệt màu được phối hợp theo trật tự nào đó, tất nhiên là một bảng màu đẹp. Không gian ba chiều và đa chiều mà hội họa đã đạt được lại trở lại hai chiều, bức tranh chỉ còn lại cảm giác, không có điểm tựa nào cho sự cảm nhận. Mondrian (họa sỹ Hà Lan, 1872-1944) coi vẻ đẹp của hội họa chỉ đơn thuần là một cấu trúc đẹp, tranh của ông thuần là những đường ngang dọc và những điểm màu nắn nót. Họa sĩ người Mỹ Frank Stella (sinh 1936) vẽ trừu tượng chỉ bằng một hai màu tô phẳng, song cách tô màu của ông rất độc đáo, trên mặt phẳng chỉ là một màu nhưng gợi cảm giác vô cùng. Cuối cùng phải kể đến Pollock (1912-1956), đã sáng tạo nên một thứ tranh trừu tượng hành động, ông quăng đổ ném màu lên tranh, hoặc để hộp màu chảy tự do trên bề mặt tấm toan. Cũng phải rất lâu công chúng phương Tây mới chấp nhận một thứ hội họa như vậy, huống chi nước ta, nhưng dần dần người ta cũng nhận ra rằng, trong nghệ thuật người nghệ sỹ đôi khi cũng chơi hình thức như một sự luyện tay nghề. Vài câu thơ vu vơ, vài giai điệu ngẩn ngơ, hoặc vài nét vẽ bâng quơ… Những cái đó có vốn không có nội dung, nên chẳng có vấn đề tư tưởng. Hội họa trừu tượng cũng không có tuyên ngôn, ý tưởng gì ghê gớm, dần dà là một loại tranh cho riêng họa sỹ mà thôi.
.....
Có một thời hội họa trừu tượng - Nghệ thuật ngày thường-Phan Cẩm Thượng

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

__Trại súc vật


    Tiếng cười châm biếm, tiếng cười trí tuệ luôn được trân trọng, người tạo ra được những tiếng cười ấy luôn được kính trọng và thán phục. Tiếc rằng thời gian gần đây nó ngày càng thưa dần, một phần vì môi trường văn hóa truyền thông có quá nhiều vấn đề “nhạy cảm” cũng như các biển cấm được giăng khắp nơi. Vì lẽ đó, đòi hỏi những tác phẩm như Số đỏ, các vở kịch của Lưu Quang Vũ, hay các tranh biếm họa chính trị như thời kỳ trước là một điều xa xỉ, tất nhiên còn có lý do tài năng, nhưng tôi tin văn đàn nước ta có nhiều tài năng, họ chỉ thiếu chút tự tin mà thôi. Tác phẩm Trại Súc Vật – Animal Farm, tôi hay gọi là trại gia súc, là một tiểu thuyết châm biếm, cười ra nước mắt, được xuất bản ở Anh ngày 17 tháng 8 năm 1945. Sau hơn 50 năm nó được dịch ra 68 thứ tiếng và được yêu thích trên toàn thế giới, tất nhiên là trừ những người bị nó châm biếm. Trai gia súc thể hiện cái nhìn sắc sảo và khả năng dự đoán xuất sắc của George Orwell (1903-1950), Ông là nhà văn Anh gốc Ấn độ. Ông không dự đoán về một con người, một sự việc mà là một xã hội, một quốc giá, một thể chế chính trị mà sau đó nhân rộng ra gần 1/2 thế giới. Sự châm biếm càng sâu cay khi mà những nhân vật chính được ví như loài lợn, chỉ riêng điều này thôi đã làm người đọc không nín được cười rồi thì tệ sùng bái cá nhân, tệ khủng bố tinh thần, thói bóp méo thông tin, tuyên truyền một chiều, phản động và dối trá được miêu tả hết sức sinh động. Một xã hội loài vật với đầy đủ các quan hệ xã hội, hành động sống phù hợp với đặc tính của con vật, mô phỏng thú vị xã hội loài người. Ở một mức độ nào đó, Trại Súc Vật làm ta liên tưởng ít nhiều đến ký ức tuổi thơ “Dế mèn phiêu lưu ký ”. Một tác phẩm cũng viết về loài vật, trong khi Dế mèn chỉ dành của thiếu nhi Việt Nam thì “Trại Gia Súc” lại trở thành kiệt tác của nhân loại.

108 tác phẩm văn học thế kỷ XX-XXI (Không phải 108 tên cướp thế kỉ 20-21)


    108 trang sách dành cho 108 tác phẩm văn học, không hơn không kém. Một dạng sách giáo khoa dành cho người lớn. Hoặc giả nếu sinh viên năm đầu nào đó, nghĩa là đã qua thời học sinh, mà đọc hết 1/3 số tác phẩm được giới thiệu trong này trong thời kỳ còn là học sinh thì thật đáng ngưỡng mộ người đó. Thực sự đáng ngưỡng mộ, vì chắc chắn ngoài những cuốn được giới thiệu trong 108 còn có rất nhiều cuốn khác rất hấp dẫn, còn rất nhiều chuyện tranh, phim ảnh, game và rất nhiều thú vui bổ ích và vô bổ khác. Vì lẽ đó, sách do nhà xuất bản Kim đồng ấn hành nhưng không dành cho trẻ em, hoặc chỉ dành một phần nhỏ cho trẻ em với: Chúa tể chiếc nhẫn, Hoàng Tử Bé, Harry porter, Tottochan, Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Nils Holgerssons qua đất nước Thụy Điển… Sách có nhiều tranh khỏa thân, là những bìa các tác phẩm văn học được tác giả sưu tầm. Chưa kể trong số đó có rất nhiều tác phẩm mà trẻ con đọc xong đòi làm người lớn thì bố mẹ chỉ có nước ... tự tử. Ấy chết, có lẽ không đến mức nghiêm trọng thế vì nó cũng chỉ là Rừng Na uy, Hạt Cơ Bản, Hạ Chí Tuyến (quyển này tôi chưa đọc, nhưng thấy cái bìa hot quá), rồi án mạng qua các tác phẩm của Agatha Christie, Mật Mã Davinci. Và vài quyển khác nghe cũng ghê ghê về chủ nghĩa hiện sinh của Anbe Camuy, các vở kịch phi lý và sách của Coetzee. Trong sách cũng giới thiệu “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, mà bộ phim dựa trên tiểu thuyết này đã làm các cha xứ khắp nơi trên thế giới, có cả Việt Nam, một thời phát rồ phát dại.
    Trong tập sách có rất nhiều tác phẩm đã được dịch và xuất bản hẳn hoi ở Việt Nam nhưng bìa sách minh họa là nguyên bản tiếng tây Đại gia Gastby, Bắt Trẻ đồng xanh, Giết con chim nhại, Sông đông êm đềm, Cuốn theo chiều gió …, việc này tôi thực sự không hiểu lắm. Không biết người sưu tầm sợ đọc giả thiếu nhi tìm đọc những tác phẩm được giới thiệu hay còn vì những lý do nào khác tôi, việc này thật không nên, riêng Đại gia Gastby được giới thiệu là Gastby Vĩ đại (cái tên này có lẽ quen thuộc hơn, nhất là những người yêu thích Murakami). Khá “dũng cảm”, người biên soạn giới thiệu “Những vần thơ của quỷ sa tăng” với niềm trân trọng, trước đây không lâu, ở Nhật bản, người dịch tác phẩm này sang tiếng Nhật đã bị những kẻ cuồng tín sát hại. Tác giả cuốn này Samal Rushdie, sách của ông đã được Việt Nam, tôi không nhớ là cuốn nào. Nhiều tác phẩm khác là những tập thơ (Lời Dâng, Khúc ca chung…), kịch (Nữ ca sĩ hói đầu, Đợi Godod, Đám Cưới Máu…) , có những tác phẩm đã được chuyển thể thành phim và rất gẫn gũi với đọc giả Việt Nam như, Cuốn theo chiều gió, Papilon, Triệu phú ổ chuột, Tiếu ngạo giang hồ… Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là tác phẩm duy nhất của Việt Nam được giới thiệu. Nhiều tác giả có những tác phẩm tranh cãi cũng được nhắc đến với lời giới thiệu khá đầy đủ nhưng khéo léo tránh những điểm nhạy cảm trong cuộc đời sáng tác của họ, như George Orwell (nổi tiếng với Trại gia súc), hay Aleksandr Solzhenitsyn với Quần đảo Gulag. Với những tác giả này, để tìm đến tác phẩm của họ, người đọc chỉ có thể đi đường internet hoặc phải cố mà học giỏi ngoại ngữ, cỡ gần bằng … dịch giả. Bằng lời văn giản dị khúc triết, 108 trang với 108 tác phẩm là một gợi ý giá trị với những người mê đọc sách.

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

___Võ hiệp (2011) - Những cảm xúc đứt đoạn


Hình như người Tàu đang hoài cổ, họ luyến tiếc những truyền thống ngàn năm, những làng mạc thanh bình tươi đẹp đã mất do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa bừa bài chăng ? Trần khả tân có lẽ đã thấu hiểu tâm tình đó và tạo ra một vùng quê tươi đẹp như … hành tinh Pandora, (Avatar) cây cỏ xanh tươi ngút ngàn, đồng lúa chín vàng, cầu đá cũ kỹ cheo leo trên dòng thác chảy xiết, ngôi đình nhỏ, tửu quán thâm nâu, con người hòa thuận sống chan hòa giữa thiên nhiên tươi đẹp. Tất cả đều rất thật, không thấy sự hiện diện của đồ họa kỹ thuật số.
Trong bối cảnh lãng mạn nên thơ đó, các màn giao đẫu võ thuật bắt đầu không lâu khi xuất hiện diện mạo của chàng Châu Tử Đan - Lưu Kim Hỷ. Nhưng sự lãng mạn không mất đi, nó được kéo trở lại với Thang Duy –vợ Lưu Kim Hỷ, vẻ hiền dịu và trong sáng tuyệt vời của cô như là cái hồn của làng quê đó, khoảng khắc sexy hiếm có trong phim, nàng rửa bóng cá để làm condom. Nước, nước mát, nước của sự sống. Lưu Kim Hỷ gặp vợ trên một dòng suối trong vắt khi cô đang giặt áo. Và trong những cảnh giao đấu đầu tiên, một tên cướp đã mất mạng trong một đầm nước xanh ngắt màu thủy sinh. Các chiêu thức, đòn đánh được quay chậm rất nghệ thuật và tinh tế. Bổ đầu – Kim thành vũ xuất hiện như thám tử Sherlock Homes của Guy Ritchie pha tí khí chất Bao Chửng, ấn tượng, lãng tử và nhạy bén nhưng cũng hơi cố chấp. Chính những ấn tượng này tạo lên những xung đột, mâu thuẫn rất thú vị trong con người anh. Anh mang đến y học truyền thống trung quốc (lại truyền thống) kết hợp với giải phẫu học tiên tiến của thế kỷ 20 trong điều tra phá án.
Những mãi ngói cũ kỹ những không gian đầy ẩm ướt và xanh rêu, người quê chân chất, phong tục cổ truyền xưa cũ. Ta còn thấy các cụ già và em nhỏ ngồi xiên châu chấu bằng những cọng rơm khô thành những xâu dài trên những ruộng lúa mới gặt. Lúa được đánh thành đống trên các cánh đồng cạn. Bọn người ác kéo đến khi các bô lão trong làng đang làm lễ ghi công trạng vào gia phả cho Lưu Kim Hỷ. Bổ đầu và sai nha cũng đến để bắt người, trên cánh đồng, bà con nông dân đang làm đất cho vụ mới, từng nhát cuốc xới lên những mẻ đất màu mỡ, ta còn nhìn thấy rõ những con giun đất béo mập. Và cũng trong lúc đó Và linh cảm về những xáo trộn, hỗn loạn và giết chóc đến trước khi các cảnh tiếp theo diễn ra.
Diễn xuất của chàng Châu gần như không thay đổi từ Diệp Vấn 1,2 qua Trần Chân, Quan Vũ và nhiều vai khác nữa, vẫn bộ mặt ngơ ngơ đơ đơ đó. Cái hồn của chàng dồn hết vào chiêu số quyền cước mất rồi, bù lại ta có Thang Duy và Kim Thành Vũ, tinh tế và giàu cảm xúc. Và không khác nhiều siêu phẩm võ thuật, kiếm hiệp gần đây khác, sự kết thúc của đa số nhân vật phản diện đều rất kỳ cục :)

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

__Và nơi đây "Các vĩ nhân tỉnh lẻ"


    Cán bộ đường lối hôm nay đã "dịu dàng" hơn, chả là bên cạnh anh hôm nay là một nhân viên mới, anh này trung tuổi, tính trầm, nói chuyện nhẹ nhàng dễ chịu. Còn một lý do khác nữa, có lẽ mọi bực dọc với cô gái thường nhắn tin đã được giải quyết ổn thoả, chàng vừa lái xe vừa trả lời tin nhắn thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười. Hôm nay người đi đường may mắn không bị chàng biến hết thành lợn. Chúng tôi có một chuyến đi dài, gác lại Márai Sándor tôi tiếp tục với Phan Cẩm Thượng.
    Cuối ngày về bến đỗ, nhận được tin mừng, hàng đã về đến nơi, cảm ơn bạn T đã đáp lại lời nỉ non, tặng tôi "Các Vĩ nhân tỉnh lẻ".
    Các vĩ nhân tỉnh lẻ - Tập truyện của Dương Thu Hương
Nhà xuất bản Thanh niên Hà Nội - 1988, vẽ bìa Lại Phú Đại, khổ 13x19-253 trang

gồm 3 chuyện dài:
        - Hoa tầm xuân của mùa thu
        - Những chiếc lá chết
        - Các vĩ nhân tỉnh lẻ

      



    Lời Khen
    Nhà thơ đưa hai bàn tay đỡ gương mặt dễ thương của người phụ nữ mà anh ta hâm mộ, chăm chú nhìn thật lâu.
Rồi anh ta nói:
    - Bà có hộp sọ thật đẹp.
        (tháng mười một_Bốn mùa, trời và đất_ Márai Sándor)

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

__Márai Sándor trên đường phố :)


___Đến ngã tư, đèn vừa mới đỏ, một airblade cố phóng qua ngã tư, xe tôi phanh cái kkiittt. AirBlade cũng phanh cái rẹt. Cán bộ đường lối (Anh tài) của chúng tôi mở kính thò đầu ra "Ông già rồi mà đi ngu thế, muốn chết à". Ông già Airblade "đi đi, nói nhiều".
Cán bộ đường lối điên lên: "Đánh bỏ mẹ mày giờ, ĐM, già rồi còn ngu". Quãng đường dài 5 km trước đó, xe chúng tôi dính tất cả 3 vụ tắc đường, một do chợ cóc họp tràn ra lòng đường, 2 vụ còn lại do tan trường học. Cả thảy mất 55 phút cho mấy cái đám lùng nhùng ấy. Tất nhiên anh Cán bộ của chúng tôi cũng chửi mấy người nữa, nào là xe máy chen ngang làm ô tô không tiến lên được, nào là một thằng khôi lỏi đi trái chiều báo hại tắc càng thêm tắc.. vân vân... Tất nhiên chúng tôi là những người bị nghe chửi nhiều nhất, rõ nhất. Những lúc này, thật may mắn là tôi được thị kiến Márai Sándor tán chuyện về thời tiết thiên nhiên cây cỏ, trời đất và linh ta linh tinh khác.

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

__Một thoáng với "Nghệ thuật ngày thường"


Nghệ thuật ngày thường, tập hợp các bài viết của Phan Cẩm Thượng về nghệ thuật, mỹ thuật, hội hoạ và các thứ "linh tinh" khác. Hãy xem Phan Cẩm Thượng viết gì trong cuốn sách dày gần 600 trang này của anh.
... Hãy đọc bức tranh
Cứ cho là một cuốn tiểu thuyết vừa nhà văn phải viết trong một hai năm. Ta đọc truyện đó mất khoảng hai tiếng đến nửa buổi, chưa kể những người đọc dần dà trong hai ba ngày. Vẽ một bức tranh công phu cũng cần vài tháng, vài năm như Leonardo (1452-1519) vẽ nàng Mona Lisa trong bốn năm chẳng hạn. Thế mà hầu như rất ít ai xem bức tranh trong vài giờ, nói gì đến vài ngày. Cái đó chứng tỏ người ta không đọc được bức tranh như xem một cuốn truyện. Người ta thường nói rằng đọc truyện xem tranh, chứ không nói rằng đọc tranh, nhưng thực sự muốn hiểu được hội hoạ thì phải đọc được tranh, tuỳ từng ý thích và trình độ. Tôi đến một phòng triển lãm, vài người đòi phải giảng giải, tôi làm họ cụt hứng khi nói rằng không thể xem tranh hộ ai, cũng giống như ta không thể nhờ người khác ăn hộ mà thấy no được. Cũng như nhiều người, hoạ sỹ lúc đầu cũng chỉ xem tranh trong vài phút, nhiều năm sau có thể xem tranh trong hàng giờ và ngày nào cũng xem tranh, từ năm này qua năm khác. Đọc truyện Kiều hay một kiệt tác văn học, mỗi tuổi thấy mỗi khác, mỗi lúc thấy mỗi cái hay khác nhau. Triền miên trong ảo tưởng là lúc đẹp đẽ nhất của con người, và chán nhất là mất quá nhiều thời gian cho việc kiếm miếng cơm manh áo.

...
bạn có dám dũng cảm và dám dấn thân không, hi hi
...

Mona Lisa không phải là người đàn bà đẹp, nhưng Leonardo đã nhìn thấy ở nàng nụ cười bí hiểm và sự sâu thẳm của tâm hồn. Ông đã điển hình hoá nhân vật này đến mức nhà buôn đặt vẽ Joconda không công nhận đó là chân dung vợ mình, và không nhận tranh nữa. Nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử hội hoạ, người hoạ sĩ có thể diễn tả được chính xác của cơ khối trong phân tích ánh sáng đậm nhạt, và qua đó biểu hiện được vẻ không cùng của trí tuệ cũng như tự nhiên. Sau Leonardo cũng không ai làm được như vậy. Picasso vẽ Những cô gái ở Avignon từ một nhà thổ. Những bức tượng mặt nạ gỗ châu Phi với tính hoang dã và phân cắt các diện nhiều chiều đã gợi cho hoạ sỹ lập thể đập vỡ các hình thể nhân vật, một sự mở đầu cho ngôn ngữ hội hoạ lập thể, nó không tái hiện tự nhiên nữa, mà thuần tuý là một phương tiện bộc lộ tâm hồn. Nếu ai còn xem nghệ thuật theo kiểu đối chiếu, coi nghệ thuật như phương tiện phản ảnh hiện thực thị giác, thì không có cách gì thưởng ngoạn nghệ thuật Hiện đại. Họ chỉ có thể xem từ Vangogh đổ về quá khứ mà thôi. Những bức hoạ của Marc Chagall, Matisse, Dali, Kandinsky và Pollock sẽ không có ý nghĩa và không tài nào hiểu được nghệ thuật trừu tượng sinh ra từ sự khủng hoảng xã hội (qua hai cuộc thế chiến), hay nói như Paul Klee (1879-1940) "xã hội càng khủng hoảng nghệ thuật càng trừu tượng"
......

Thế mới biết, trong xã hội ta hiện nay, cái đếch gì cũng trừu tượng, từ giao thông, y tế giáo dục, yêu nước, hoa cỏ, quặng nhôm, condom ... chứ chẳng riêng gì nghệ thuật và hội hoạ :)))

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

__những ngã tư và những cột đèn


-- trần dần- Những ngã tư và những cột đèn - tiểu thuyết. Toàn bộ những từ ngữ liên quan đến tiểu thuyết (tên tác giả, tên truyện và thể loại) đều viết thường. Chỉ có mỗi cụm từ NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN là viết hoa. Trần trọng vũ thiết kế bìa. Nhìn chữ thôi cũng thấy cười rồi, còn cười theo kiểu nào thì đọc mới biết.
và đây là trang đầu tiên của cụ trần dần trong tiểu thuyết:

Kính gửi đồng chí đánh máy. Đề nghị đồng chí, nếu có thể, chú í cho mấy điểm:
1. Về trình bày, cứ đánh liền không xuống dòng. Chữ đầu đánh luôn từ đầu dòng, không thụt vào. Coi như cuốn sách gồm từng ô, như ô ruộng đầy chữ. Giữa các ô có những vệt trắng, 1 dòng, 3 dòng, 5 dòng, tùy theo, như những bờ vùng, bờ thửa. Những vệt trắng này, xin để trắng, đừng đánh sao.
2. Chỗ nào đề bằng con số, xin cứ đánh con số. Ví dụ: 8 giờ 30, mùa đông 1959,v.v...
3. Chữ y, trong cuốn sách này, đa trường hợp viết lại là i, xin cứ đánh là i.
4. Có những chữ dính liền, ví dụ Cônhắc, Côtab, Lily, xin cứ để dính liền.
5. Những chữ điệp nhiều nguyên âm, ví dụ xìì, khèè, v.v..., xin cứ để như thế.
Tôi đề nghị như vậy, không phải vì tôi muốn lập dị. Tôi rất cám ơn.

Và nhã nam đã làm đúng như ý cụ. Truyện có tính giải trí rất cao (các giá trị khác bạn tự tìm lấy :D), rất tươi tắn và gợi tình, hài hước thì khỏi nói. Về cái khoản gợi tình, bây giờ xã hội tự cho là văn minh gọi là sexy, thì những ngã tư cực kỳ sexy, và sexy nhất trong ngã tư là em Cốm, một trong mấy nhân vật nữ chính của chuyện. Một trong các chi tiết gợi tình được kể là chuyện anh Dưỡng (chồng Cốm) trói vợ lại, nhét khăn vào mồm để làm mẫu chụp ảnh nuy (tiếng Pháp là nuy, tiếng anh là Nude), bây giờ báo chí cách mệnh gọi là ảnh khoả thân nghệ thuật, còn các "nhà nhiếp ảnh dạo" thì gọi là ảnh cởi truồng. Phong cách này rất giống với tay nghệ sĩ gì đó chuyên chụp ảnh chị em cởi truồng bị trói, dây rợ chằng chịt, rất nổi tiếng của Nhật bổn, Báo Thể Thao & Văn hoá gọi là erotic, hi hi, ko biết tay nghệ sĩ này có chôm ý tưởng của cụ trần dần ko. Biết thêm một thuật ngữ, người Nhật sexy (cởi truồng và ấy) thì gọi là erotic. Em Cốm bị chồng đè nghiến ra chụp ảnh, xấu hổ quá, chạy sang nhà chị hàng xóm khóc rấm rứt.
Lại nhớ sang tác phẩm kinh điển của Akira-Kurosawa, Lã Sinh Môn-1950, có lối kể chuyện theo từng nhân vật, mỗi nhân vật một góc nhìn, rất độc đáo. những ngã tư và những cột đèn cũng vậy, toàn bộ câu chuyện lần lượt hiện ra theo lời kể của nhiều người, do đó ta có thể thấy được những thái độ, những quan điểm, những phán xét khác nhau trước một sự kiện, một hành động. Và với những tuyến thời gian quá khứ, hiện tại đan xen nhau, câu chuyện còn được soi trong hoàn cảnh hiện tại và xét lại với độ lùi thời gian sau đó 11 năm. trần dần cho độ lùi của câu chuyện là 11 năm, còn các đồng chí công an sau 22 năm (1988) mới trả lại bản thảo "những ngã tư" cho nhà văn, đến lượt các đồng chí văn hoá lùi tiếp 22 năm nữa, 2010, tác phẩm mới được đến tay bạn đọc. Tổng cộng xã hội lùi so với "những ngã tư và những cột đèn" trần dần 44 năm. Thảo nào, đọc, nhiều người thấy nó mới, thấy nó hiện đại. Chả biết buồn hay vui.
Cũng trên TT&VH, hôm trước Phan An của Quẩn quanh trong tổ, nói yêu những gì mang tính chiến đấu, hôm vừa rồi Phan Việt nói,với nhà văn thì cực đoan là tất yếu. Nguyễn Quang Lập có kể trong Bạn Văn: trần dần thức trắng đêm mới sửa xong bài thơ mà cái đầu đề bài thơ còn dài gấp đôi bài thơ:
            VỢ CHỒNG
              xong
Thế mới biết mức độ cực đoan trong nghề văn của trần dần khốc liệt đến thế nào. Từng chữ, từng câu trong tiểu thuyết đều rất chỉn chu kỹ lưỡng. Có thể đọc nhanh hoặc đọc đi đọc lại một đoạn văn nào đó mà vẫn thấy hay.
P/S: Nhớ là Nhị Linh có mấy bài viết về trần dần và những ngã tư, vừa hay đọc xong tiểu thuyết tôi cập nhật đường linh vô đây, 2 bài này cũng rất có giá trị.
những ngã tư và những cột đèn
Trần Dần Dostoevsky
về việc trình bày một tác phẩm ngôn từ, "Chỉ tại con chích chòe" của Dương Tường có bài thơ "chéo" rất hay và một quyển khác cũng của Trần Dần, "Đi! Đây ! Việt Bắc".

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

__loanh quanh một buổi chiều



    Chiều tối trước đợt nghỉ 2-9, tiền lương thì mới lĩnh, mới đọc mấy bài giới thiệu "Bạn Văn" của Bọ Lập, bỗng nổi cơn tò mò, dù biết rằng nhiều bài trong đó mình đã đọc trên "Quechoa" lượn qua 3 hiệu sách lớn mà ko có, đánh liều vô một quầy sách trong... siêu thị, cũng không nốt. Công sức chỉ được đền đáp chút đỉnh với "Quẩn quanh trong tổ" của Phan An, lời giới thiệu, rất "sướt mướt" của chị Tư (NNT) cũng làm mình động đậy đôi phần, đọc thử xem sao. Đọc một đoạn, thấy Thơ Lưu Quang Vũ sao mà hay lạ, đọc tiếp vẫn thấy thơ anh càng hay, cố đọc đến hết hơn 200 trang ít chữ thì đọng lại quẩn quanh cũng chỉ thơ anh Vũ ...

Nỗi sỉ nhục buốt lòng
Khi thấy mẹ ta bảy mươi tuổi lưng còng
Phải làm việc mệt nhoài dưới nắng
Khi thấy lũ em ngày càng hư hỏng
Khi người mình yêu
Nói vào mặt mình những lời ti tiện
Khi bao điều tưởng thiêng liêng trong sạch
Bỗng trở lên ngu xuẩn đê hèn

    Vậy là chiều hôm đó ngoài "Quẩn quanh" ra, tôi còn vớt vát được "Kẻ phản Ki tô" và "Đi! Đây Việt Bắc" của cụ Dần. Sáng ngày nghỉ lễ đầu tiên, cũng lại quẩn quanh một hồi thế nào chui vào Big C, tự nhiên bước vô quầy sách, thế là sùng sục tìm Bạn Văn, tất nhiên, chả thấy, nhưng lại thấy "Ký ức vụn", quyển này thì trước cũng định nhặt rồi, nhưng cũng vì nhiều lý do mà bỏ qua, lần này xem kỹ thấy rất nhiều phần của blog Quechoa, định bụng thôi ko có "Bạn Văn" thì mua quyển này cũng được, nâng lên đặt xuống thế nào lại trông thấy dòng chữ "Ấn bản đặc biệt, có chữ ký của tác giả". Có chữ ký mẹ gì đâu, úi giời! sách giả rồi, về luôn, không vụn viếc gì nữa.
    Bắt đầu cảm thấy cay cú "Bạn Văn" vì khi nó mới ra, tôi đã nhìn thấy nó rồi nhưng bỏ qua vì còn để ý nhiều thứ khác. Đành gọi nhờ cậu em trên Thủ Đô mua hộ, kèm thêm "Nghệ Nhân và Magarita". Sáng ngày nghỉ thứ 2, quay trở lại Phương Nam book, lần này thì "Bạn Văn" một mớ đã bày trên kệ, bọc trong túi nilong sáng loáng. Bìa là một loạt chân dung hí họa của Hữu Khoa, tất cả đều đẹp trừ bức chân dung của tác giả, Nguyễn Quang Lập, gượng ép như một sản phẩm đặt hàng.

    Câu chuyện tưởng kết thúc nhưng nó còn kéo dài tới chiều hôm sau và sáng hôm tiếp theo nữa. Sô là bà xã lại rủ đi cái siêu thị khác(không phải BigC), cái siêu thị có nhiều sách ấy. Lần này nhăm nhe một đống nặng tính giải trí khác : nào là "Cái chết trần trụi", "Cái chết huy hoàng","Công tước và em", "Gái Công Xưởng" trong đó thích "Gái" nhất. Trong lúc bà xã lượm đồ thì mình lượm mấy cuốn đó, và lúc ra tính tiền thì mấy cuốn đó phải ở lại siêu thị để nhường chỗ cho nước rửa chén, dầu ăn, cây lau nhà, quần áo trẻ con và các cái linh tinh khác...
    Về phần bom tấn đình đám "Nghệ Nhân và Magarita", sau khi cậu em quý hóa lên tận nhà sách của Bố Già - Đoàn Tử Huyến mua hộ đã quyết định giữ lại để đọc vì liếc qua chương đầu thấy lạ quá :(

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

__Tự do: Gương mặt đẹp đẽ nhất

    Trong lúc mạng xã hội blogspot bị cấm cửa ở nhiều nơi, đăng bài này lên thật thích hợp. hi hi. Bài này là bài đầu tiên trong tiểu luận "Cội Nguồn Cảm Hứng" của Nguyễn Trần Bạt. Tuy chưa đọc được nhiều nhưng tôi thấy không ưa nhất ở quyển này là chữ to và thưa (sách của nhà xuất bản Hội Nhà Văn có khác), do đó tuy dày nhưng ít chữ. Đúng ra với số trang đó thì có thể in gộp được 2 tập tiểu luận của Nguyễn Trần Bạt, và tôi sẽ phải mua ít giấy hơn
   
Tự do vừa là bản chất tự nhiên, vừa là khát vọng thường trực của mỗi người. Ai cũng yêu tự do, ai cũng khao khát tự do. Tự do mạnh mẽ và vĩ đại ở chỗ tìm kiếm nó trở thành bản năng sống còn của con người. Càng thiếu tự do, con người càng khao khát tự do, giống như sự thèm muốn bị thôi thúc bởi cơn khát khi không có nước. Chính vì thế, không một con người nào yên phận sống trong sự nô dịch của người khác và không một dân tộc nào cam chịu sống trong sự kìm kẹp của dân tộc khác. Các cuộc kháng chiến chính là để giải phóng con người ra khỏi sự nô dịch và kiềm toả. Sự mãnh liệt của khát vọng tìm kiếm tự do là một trong những tiêu chuẩn để đo đạc sự lành mạnh của một dân tộc.

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, Phương Tây là mảnh đất đầu tiên có tự do, ở đó khát vọng tự do của con người được đáp ứng và chính sự gặp gỡ của con người với tự do đã tạo ra trạng thái phát triển rực rỡ. Kết quả của quá trình phát triển lâu dài của văn minh phương Tây là: tự do, với tư cách như một đối tượng thơ ca, được mô tả như những thiên thần bay bên trên đời sống tinh thần con người; và, tự do, với tư cách như một đối tượng triết học, được cụ thể hoá thành những nguyên tắc cấu tạo ra xã hội, cấu tạo ra nhà nước. Quan điểm về tự do của phương Tây có thể được tóm tắt như sau: tự do được coi là quyền tự nhiên của con người, là không gian vốn có của mỗi con người. Con người sinh ra đã có tự do, tự do như tài sản hay vốn tự có của mỗi người. Cốt lõi của văn hoá phương Tây chính là những tư tưởng, quan điểm về chủ nghĩa cá nhân, ý thức nhân quyền và thể chế dân chủ. Dựa trên tinh thần tuyệt đối của tự do cá nhân, phương Tây coi tự do là chất xúc tác cơ bản của đời sống, là năng lượng tạo ra đời sống con người và lẽ tất yếu, trở thành linh hồn của mọi sự tiến bộ và phát triển.

Tự do chỉ có thể nảy nở ở vùng đất mà những nhận thức về tự do cũng như mối quan tâm dành cho tự do được mở rộng và khơi sâu. Điều này đúng với phương Tây, nơi các học giả bàn về tự do một cách sôi nổi và đầy cảm hứng, trong khi ở phương Đông thì gần như xảy ra điều ngược lại, bởi lẽ hầu hết các học giả đều có khuynh hướng thu hẹp không gian tự do của con người. Khoa học nhận thức ở phương Đông chưa làm rõ được khái niệm tự do cũng như xây dựng phạm trù tự do đúng đắn. Chính vì thế, người phương Đông chưa hiểu đúng bản chất của tự do, vẫn xem tự do như một cái gì đó ở bên ngoài, bên trên cuộc sống. Trong quan niệm của họ, tự do là cái cho phép hay là cái được ban phát từ trên xuống, như là một ân sủng của đấng tối cao trao cho con người. Những nhận thức lệch lạc và mơ hồ như thế về tự do đã làm hạn chế rất nhiều năng lực phát triển của mỗi cá nhân cũng như của cả cộng đồng. Hay nói cách khác, phương Đông lạc hậu vì chưa bao giờ xem tự do như đối tượng chính hay linh hồn của tiến trình phát triển xã hội. Do đó, trong các cuộc cải cách, cái cần thay đổi trước tiên ở phương Đông là nhận thức về tự do.


Điều quan trọng nhất mà phương Đông cần nhận thức là: tự do không phải là một loại quyền được trao tặng bởi bất kỳ ai, bất kỳ lực lượng nào mà nó là tài sản tự nhiên của con người. Điều này có nghĩa tự do không phải là không gian cho phép, không một nhà nước nào có quyền ban phát tự do cho con người. Nói cách khác, con người phải ra khỏi trạng thái nhận thức tự do như là sự nhân nhượng của bề trên đối với kẻ dưới, tức là trạng thái thụ động đón nhận tự do. Cần phải khẳng định tự do không phải là thứ gì đó ở bên ngoài cuộc sống, tự do thuộc về con người, tự do gắn liền với con người với tất cả hình hài cụ thể của nó. Tự do là nhà ở, tự do là đường đi, tự do là bãi cỏ rộng mênh mông, là thức ăn, là nước uống… Tự do là tất cả những gì liên quan đến đời sống con người kể cả vật chất lẫn tinh thần. Tự do muôn hình muôn vẻ và thiêng liêng đến mức không có định kiến nào trói buộc được nó, hễ bị kìm kẹp bởi định kiến là con người mất tự do. Tự do là cái mà trí tưởng tượng của con người luôn vươn tới, hay nói cách khác, trong trí tưởng tượng của mình, con người luôn cảm thấy đằng sau nó vẫn còn nó. Nếu đằng sau nó không là gì nữa, không còn nó thì không phải tự do. Tự do là một không gian dành cho mỗi cá nhân, tuỳ thuộc vào khả năng của mình, mỗi cá nhân đều có quyền làm chủ không gian ấy, khai thác nó và hơn nữa là mở rộng nó.

Có nhiều cách định nghĩa về tự do, một trong những định nghĩa phổ biến nhất là của Hegel: “Tự do là cái tất yếu được nhận thức”. Tự do ở đây không phải là thứ tự do bản năng mà là thứ tự do trong mối tương quan với cái tất yếu, và cái tất yếu được hiểu là các quy luật tự nhiên. Định nghĩa này cho thấy ranh giới giữa trạng thái tự do và trạng thái không có tự do chính là sự nhận thức được cái tất yếu. Con người càng nhận thức được cái tất yếu bao nhiêu thì càng tự do bấy nhiêu. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng hiểu tự do như là kết quả của việc nhận ra cái tất yếu. Nhận thức về cái tất yếu là một năng lực vô cùng quan trọng và là việc không hề đơn giản đối với con người. Không phải ngẫu nhiên, nhiều khi con người không nhận ra cái tất yếu để hành động, do đó, phần đông con người vẫn không hiểu về tự do và giá trị cao quý của tự do. Có một điều cần phải nhìn nhận là ranh giới giữa tự do và không tự do rất mong manh, con người thường chỉ nhận ra tự do khi vướng phải ranh giới của sự thiếu tự do hay nói khác đi, chừng nào chưa vướng phải các ranh giới của sự thiếu hoặc mất tự do thì con người vẫn chưa cảm thấy giá trị của tự do, của cuộc sống tự do. Chính vì vậy, con người cần những định nghĩa gần gũi hơn về tự do.

Tôi cho rằng, tự do là một đại lượng có chất lượng rỗng, một tập hợp rỗng, điều ấy có nghĩa, tự do là một không gian, nhưng người ta không đi lang thang trong đó mà người ta đi theo các đòi hỏi. Con người luôn hành động theo đòi hỏi của tâm hồn mình. Chính sự thúc bách của nghĩa vụ, của những đòi hỏi nội tại trong đời sống tâm hồn khiến con người hành động. Khi con người hành động theo các đòi hỏi mà không bị ngăn cản thì lúc đó, con người có tự do. Như vậy, tự do được biểu hiện đầu tiên ở sự chủ động. Sự chủ động không xuất hiện một cách ngẫu nhiên mà do sự thúc bách của tâm hồn. Nếu không có sự thúc bách từ bên trong tâm hồn tức là không chủ động. Chủ động là điều kiện ban đầu để con người nhận được cảm giác hạnh phúc khi thực thi các quyền tự do, đồng thời, chủ động là trạng thái mà con người đạt được khi có tự do hay có kinh nghiệm về tự do. Chúng ta có thể cảm nhận được con người tự do là con người không bị lệ thuộc, biết đi tìm cái đúng, biết nghĩ đến cùng và biết xây dựng cho mình công nghệ để hành động theo trí tưởng tượng của mình. Vì thế, tự do được tập hợp dưới hình thức các quyền tạo ra những không gian chính trị mà ở đấy con người hành động dựa trên nhận thức của mình về các tất yếu. Nói cách khác, tự do là khoảng không gian mà ở đó con người có được sự thống nhất giữa ý nghĩ và hành vi, con người yên tâm về sự tồn tại của mình, về hành động của mình mà không chịu sự áp đặt, kiềm tỏa của bất kỳ yếu tố nào. Kết lại, để định nghĩa về tự do, tôi cho rằng tự do là quá trình dịch chuyển song song của ý nghĩ và hành vi. Khi có sự dịch chuyển song song của ý nghĩ và hành vi thì con người chủ động.

Ý nghĩ và hành vi là hai thành tố căn bản của tự do, đó là tự do nhận thức và tự do hành động. Con người tự do là con người được tự do nhận thức và tự do hành động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Chúng ta biết rằng, thể hiện sống của con người là hành động, nhưng thể hiện sống của cái trước hành động là ý nghĩ. Tự do nhận thức là nền tảng để con người đi tới tự do hành động. Không có tự do nhận thức, con người không thể có tự do hành động bởi vì khi ấy, con người luôn vấp phải các ranh giới về mặt nhận thức, do vậy, con người sẽ cảm thấy bị hạn chế, bị mất tự do ngay từ trong ý nghĩ chứ không chỉ trong hành vi của mình. Tự do nhận thức sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển và dịch chuyển của ý nghĩ, trong khi đó, tự do hành động sẽ tạo điều kiện cho sự dịch chuyển của hành vi tương ứng và phù hợp với sự dịch chuyển của ý nghĩ. Mặt khác, tự do nhận thức là điều kiện tiên quyết để xây dựng các không gian nhận thức của mỗi cá nhân, từ đó mới hình thành một vườn ươm tư duy của cộng đồng. Khu vườn đó chỉ đa dạng và phong phú chừng nào tự do nhận thức được công nhận như một trong những nguyên lý căn bản nhất. Sự phong phú và đa dạng về mặt nhận thức sẽ dẫn tới sự phong phú và đa dạng của hành động. Đó chính là nhân tố tạo ra tính đa chiều của các không gian kinh tế, chính trị và văn hoá – điều kiện cần và đủ để mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, mỗi nhà nước duy trì và phát triển sự đúng đắn của mình. Đến lượt mình, tự do hành động lại tạo điều kiện cho việc mở rộng không gian nhận thức của mỗi cá nhân và cộng đồng, bởi thông qua tự do hành động, con người có điều kiện làm phong phú kinh nghiệm sống, kinh nghiệm văn hoá của mình, và do đó, có thể xúc tiến những cái mới về nhận thức và tự điều chỉnh nhận thức của mình. Đấy chính là mối liên hệ hữu cơ giữa hai thành tố cơ bản nhất của tự do. Ở một xã hội mà sự dịch chuyển song song này diễn ra thuận lợi trong một trật tự hài hoà thì xã hội ấy sẽ đạt tới trạng thái tự do.

Tóm lại, tự do không hề xa lạ, nó là bản chất tự nhiên của con người. Tự do gắn liền với đời sống con người từ quá khứ, đến hiện tại, đến tương lai như một công cụ để tồn tại, để sống và để phát triển. Càng ngày, những nghiên cứu về tự do càng cho thấy sự cần thiết phải biến tự do trở thành cấu trúc tinh thần hay trở thành thực phẩm hàng ngày của đời sống tinh thần con người. Con người phải thấy được giá trị, địa vị của tự do trong đời sống và ứng dụng nó để tạo ra hạnh phúc của mình.
.....
to be continue :)

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

__Sự nổi dậy của loài khỉ


    Phim phát hành vào ngày 19 tháng 8 năm 2011 trên các hệ thống rạp chiếu toàn Việt nam. Với câu slogan "Khi sự tiến hóa trở thành cuộc cách mạng". Nhưng không biết vì sao, phim được trình chiếu sớm hơn 1 ngày (18/8). Nội dung chính của phim là kể về một cuộc cách mạng của loài khỉ (apes -tinh tinh). Tôi theo dõi loạt phim này từ năm 2001, với phiên bản của Tim Burton, vẫn nhớ trong đó có cô khỉ rất xinh và một em tóc vàng chân dài người Canada. Về tư tưởng chính của 2 phim này, chắc cũng như tác phẩm văn học gốc (hi hi, tôi đoán thế), lên án sự sự ngạo mạn thái quá (tinh tướng) của con người trước thiên nhiên, trước các giống loài khác. Báo TT&VH cuối tuần, có giới thiệu về phim này, chỉ vài dòng thôi nhưng rất chính xác và hay. Bạn Phan xi nê cũng có một bài giới thiệu khá chi tiết và đầy đủ, cũng hay ghê luôn. Mình thích phim này từ đó, còn phiên bản có Charlton Heston (nổi tiếng với Ben Hur) đóng thì xem được vài đoạn trên HBO, nhưng không thích lắm vì dài dòng quá. Phim "Hành Tinh Khỉ" của Burton, hài hước và thú vị hơn rất nhiều, cộng thêm kỹ xảo khá ấn tượng. Tất nhiên cũng bởi em chân dài Ca na da (Estella Warren) kia nữa. Em này là siêu mẫu, đẹp phê luôn :P
    Về tư tưởng chính thì thế nhưng bối cảnh mỗi phim là rất khác nhau, và cách đặt vấn đề cũng khác nhau luôn, độc đáo. Về diễn xuất và hình ảnh, rất tinh tế, cảnh quay đẹp và nhiều đoạn nhiều hình ảnh rất cảm động. Về mặt hài hước thì phim của Burton nhiều cười hơn, biếm hơn. Nhưng phim mới này, Rupert Wyatt đạo diễn, cảm động hơn, chúng ta sẽ yêu loài vật, yêu thiên nhiên hơn nếu thực sự thích phim này. Rất nhân bản và đẹp. Nó cũng gợi cho ta một liên tưởng về một bộ phim khác, I' robot - Tôi , người máy, một cuộc cách mạng của một giống loài thứ cấp hơi so với loài người, loài "đẳng cấp" hơn, loài tinh tướng và ngạo mạn hơn, loài cho phép mình trà đạp lên các loài khác, hình ảnh con khỉ giơ tay lên trời, cũng gợi nhớ phần nào đến con khỉ trong "2001: A Space Odyssey" của Stanley Kurbrick.. Cảnh kết của "Hành Tinh Khỉ-2001" rất bất ngờ và tức cười với bức tượng Abraham-Lincon ... khỉ, trong ngôi đền nổi tiếng của mình thì trường đoạn kết của "Sự nổi dậy của loài khỉ-2011" cũng hay chả kém.

P/S: Ảnh poster phim "Sự nổi dậy của loài khỉ", xin mạn phép lấy từ blog của bạn Phan-Xi-Ne.

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

__Nào, hãy cùng phi ngựa đuổi đĩa bay :D


... "Tôi là gã cao bồi nghèo đơn độc, rong ruổi trên đường dài xa quê hương" . Câu hát quen thuộc cất lên mỗi khi chàng lucky luke kết thúc một chuyến phiêu lưu của mình. Daniel Crag đã kết thúc chuyến phiêu lưu của mình như vậy. Từ đầu hè đến giờ, có 2 sự kết hợp "quái gở" nhưng rất tài tình. Một là Thor, nới mấy ông thần thoại bắc âu "kết hôn" cùng với các nhà khoa học giả tưởng, và bây giờ, là sự kết hợp tuyệt vời khác, rất thú vị và cũng rất hài hước giữa những chàng cao bồi, những con ngựa hoang mạc, người da đỏ và các cư dân của "quận 9", nhưng khác một điểm quan trọng là "bọn" tôm trong phim này rất ác ôn và cũng đi tìm ... vàng. :) Harrison Ford trong phim ác luôn, nhưng càng lúc càng tốt bụng và nghĩa hiệp, còn James Bond thì vẫn rất ngầu như vậy, thậm chí còn ngầu hơn, lạnh lùng và ưa động tay chân. Nói chung hai chàng này tung hứng rất được trong phim, thêm vào đó là mấy chú da đỏ, cứ nghe mấy chú này bi bô là muốn cười luôn. Tưởng được trận vui nhưng không, phim để lại khá nhiều mất mát và đau đớn, spoil có lẽ mấy nàng mỹ nhân đều lên trời cả lên các bạn thích heppy end, ưa lãng mạn (chàng và nàng hôn nhau cuối phim) chắc sẽ không khoái phim này. spoil
    Đạo diễn Jon Favreau đã thực sự cho tôi rất nhiều ấn tượng từ IRon man, vẫn cách đặt vấn đề rất nghiêm túc, mọi điều tưởng rất phi lý đều được ông giải quyết rất khéo léo tài tình, hệt như cách Iron man thuyết phục người xem vậy (tuy tôi không thích Iron man 2 lắm). Từ cách mấy con quái vật xuất hiện, phản ứng của người dân thế kỷ mười tám trước các "ác quỷ" từ địa ngục... cho đến cách phục hồi trí nhớ từ dược thảo của người da đỏ, đều lo gic và dễ chấp nhận (dễ nuốt hơn nhiều so với cách người ta nhét mấy ông thần và cây búa của ổng vào trong Thor). Âm nhạc của phim cũng phảng phất nhiều chất miền tây, và với những ai yêu thích thể loại cao bồi thì những cảnh phi ngựa bắn súng, những đại cảnh hoang mạc, núi đá, khe sâu hùng vĩ và những đám bụi mờ từ những gót chân ngựa của phim là rất đẹp.
    Trên cái nền phi lý và tức cười đó là những câu chuyện về tình cha con, vợ chồng, huynh đệ và tình yêu, mỗi câu chuyện đều có sức nặng riêng, không lẫn vào nhau, chúng tôn nhau lên, làm các nhân vật trở lên rất đẹp rất riêng, mỗi người mỗi vẻ, không người nào giống người nào và nó cũng góp phần là tăng thêm tính hợp lý cho câu chuyện, người xem sẽ dễ đồng cảm hơn với các nhân vật và chấp nhận cùng họ tham gia vào chuyện phiêu lưu. Nào hãy "Cùng cưỡi ngựa đuổi đĩa bay" :))).
-----
P/S: Đợi mãi chả thấy hãng nào nhập về chiếu "Đèn lồng xanh"

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

__Kể tiếp truyện "Thần điêu đại hiệp" (3)-Phá kiếm thức


    Vậy là chàng đã đi rồi, đi rồi, mãi mới gặp nhau mà sao toàn chuyện chiêu này thức nọ, Ôi , Dương Đại Tẩu, tẩu là Hằng Nga ta nào sánh được...cái nhẫn này, nàng nhìn vào vật màu đen tuyền thô mộc trên ngón tay mình, một thứ thép kì lạ, nó mới lạnh lẽo làm sao, nàng tháo nó ra giơ lên ngang tầm mắt, mày còn không được tròn cho lắm,... vết xước này,... cha, mẹ... con nhớ người làm sao,... những ánh lửa chập chờn, những bước chân gục ngã, tiếng đại pháo vang trời, tiếng lửa cháy, nhà đổ, tiếng đao kiếm chạm nhau sắc lạnh, những tiếng gào thét tuyệt vọng và đau đớn... Nàng giật mình, tiếng hét chói tai kéo vụt nàng khỏi những ký ức đau đớn, Hà Túc Đạo đang từ trên cao, người kiếm hợp nhất, cắm mình phi xuống như thác đổ, theo phương ngang, cây đàn của y cũng đang nhắm vào Đông Phương Bạch với tốc độ không kém gì gió lốc, một sát chiêu chí mạng. Bát tý thần kiếm, quả danh bất hư truyền 2 luồng kiếm khí đón đỡ thiết cầm 3 luồng chống đỡ kiếm từ trên xuống, 3 luồng còn lại với tất cả công lực nhằm vào yết hầu Hà Túc Đạo. Tất nhiên chúng không thể chống lại các đòn tấn công từ trên xuống cũng như từ cây đàn đánh vào... nhưng, ba đòn chí mạng kia thì Côn Luân Tam Tuyệt sẽ tận tuyệt. Trong màn kiếm khí hư ảo đó, Đông Phương Bạch chỉ còn nhìn thấy yết hầu của bóng trắng phía trên, gã không còn biết gì nữa. Vậy là hết, đây sẽ là phút cuối của ta, Quách Tương, tiếng đàn của ta sẽ không làm phiền nàng nữa,... vĩnh biệt.
    Trong sát na chết chóc đó, một bóng đen từ trên mái nhà lắc mình biến vào bụi khí dưới sân, cây đàn như có vật gì làm lệch hướng cắm xuống đất, cách chỗ Đông Phương Bật lúc trước chỉ vài đốt tay, mũi kiếm của Quách Tương chém ngang đường kiếm của Hà Túc Đạo làm nó gãy rời đồng thời một luồng chân khí cực mạnh của nàng hướng mảnh gãy đó lao thẳng vào 3 luồng sát khí đang hướng vào yết hầu của Hà Túc Đạo, cứu y thoát chết trong gang tấc. Đồng thời kiếm chiêu tuyệt diệu đó cũng hóa giải mối hiểm nguy vào Đông Phương Bạch, nhưng kiếm khí cực nhanh nàng tạo ra trước đó để đối phó với 3 luồng hộ còn lại là quá yếu. Nó không đủ bảo vệ nàng. Chống kiếm đứng dậy, khi thân thể còn chưa kịp ngã, nàng chỉ vào hai kẻ vừa thoát chết.
- Không ai phải chết vì ta nữa... hãy đi đi, rồi ngã gục, máu đã thấm đỏ vai áo nàng.
Hà Túc Đạo, phi đến đỡ lấy nàng. Ngồi bệt dưới đất ở đằng xa, Đông Phương Bạch mặt không còn chút máu,... ta đã làm gì thế này...,
-----
P/S: Xem phần 1

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

___Tiên sư thằng Tào Tháo (**)


    Tuần này là tuần trước rằm tháng 7, khắp nơi lục tục ăn uống, vàng mã đốt mù trời, tro bay khắp phố, nhiệt độ ngày hè có lẽ tăng lên vài độ do lửa nổi quá nhiều. hi hi. Chiều thứ 7, nhà chị dâu vợ mình cúng rằm sớm, chị cúng rất to. Chả là sau vài năm trụ lại được ở một trường tiểu học có tiếng của thành phố, thu nhập ròng (đố sở thuế sờ được vào ví xiền của chị) hàng tháng của chị cỡ 1500$ đến 2000$ một tháng, chị xắm được ô tô riêng và rất xông xênh. Năm nay chị cúng to hơn năm trước vì thế vàng mà cũng đốt nhiều hơn, khách khứa chỉ mời mấy anh chị em trong nhà, trong đó có vợ chồng mình. Đã định cả nhà cùng đến, ngặt nỗi trước đó đã hứa cho con gái về quê nội chơi. Đành vậy, vợ nhận nhiệm vụ đi ăn cúng, còn mình thì đi chơi cùng con gái.
    Vi vu bãi biển, con gái được gặp các anh chị em họ, vui đùa, tắm biển, nghịch như quỷ sứ. Báo hại bà nội và bác trông đến phát mệt. Còn mình, trông mấy thằng "cướp" hiền lành con các bác. Vợ mình nhớ con, chốc lại gọi điện hỏi han, dặn dò. Hỏi nhiều quá làm mình sốt hết cả ruột, hai bố con đi có một ngày rưỡi, hỏi gì hỏi lắm. Sáng hôm sau, con gái cùng các anh chị, bà và các bác ra tắm biển. Mình cùng anh rể đi bộ một vòng qua mấy quả đồi, lên lên xuống xuống hơn mười mấy cây số, chà chà, mình phục mình quá. Đến gần trưa, chả thấy vợ gọi gặm gì, mình thử gọi lại xem sao, vợ "thều thào" , em bị tào tháo đuổi, từ sáng tới giờ, mười mấy lượt lận. "Ôi trời, thế hôm qua ăn gì mà bị"," thì ăn cỗ nhà bác, nhưng là cỗ bác đặt, năm nay bác không nấu". Vậy là rõ rồi, rối loạn tiêu hoá. Vội dặn dò vợ thuốc thang cẩn thận. "Tiên sư thằng Tào Tháo, dám rượt vợ ông". Hú hồn, quả này hai bố con không đi chơi thì cả nhà cùng bị nó đuổi. Về đến nhà, mình pha vội 2 cốc Orezon, ép bả uống ngay để bù nước và chống hạ đường huyết, càng xót xa quả cỗ đặt, lại biết thêm bà ngoại cũng bị y chang.
    Từ hồi mua ô tô, sửa lại nhà, tân trang lại nhan sắc, việc nhà ô sin làm, thời gian chị dâu dành hết cho việc dạy học và hưởng thụ cuộc sống. Những năm trước mỗi dịp cúng giỗ chị toàn tự nấu, nếu mua cùng lắm chỉ mua đĩa xôi hoặc cái bánh trưng, năm nay chị đặt toàn phần, tuy tốn kém một chút nhưng không phải chuẩn bị, vừa không phải nấu nướng dọn dẹp, khách khứa cũng chỉ việc đến ăn và về, mọi người vì thế cũng không được nhộn nhịp vào bếp cùng chị. Quanh đi quẩn lại, trẻ con thì chơi máy tính, người lớn chăm chăm đấu mắt với cái Tivi 3d và đợi đánh chén. Và hậu quả là... thằng Tào ghé thăm. Nhìn vợ như tàu lá héo, thương quá mà chẳng biết giận ai.
    Cũng phải cảm ơn trời đất, do ham chơi mà mình và con không bị Tháo rượt, chứ cả nhà ba mống mà đăng ký thường trực WC cả thì không biết tính sao. Từ giờ đến rằm, còn nghót nghét tuần nữa, vị chi mình có khả năng phải dự 4-5 đám cúng, dứt khoát sẽ chỉ uống mà không ăn ở những đám cỗ đặt, sẽ chỉ ăn cỗ nấu. Còn nữa, lúc nào cũng phải thủ sẵn một lố viên Orezon trong tủ thuốc, gì thì gì chứ, mình cũng sợ thằng Tháo lắm :(
    ------------------
    P/S:Dạo này bận quá, không vẽ tranh được, đành lấy lại tranh cũ từ bài: ... Tào tháo (1)