Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

__Kể tiếp truyện "Thần Điêu Đại Hiệp" (2)


    Trăng sáng vằng vặc, thỉnh thoảng những tiếng đàn xé gió phá tan màn đêm yên tĩnh, kình lực kinh người của thanh âm làm đám lá khô trên mái nhà nơi Quách Tương trầm ngâm đứng gần đó bay lên xao động. Xa xa dưới sân ngôi miếu cổ, Hà Túc Đạo vừa thi triển khinh công tuyệt kỹ của mình lại thỉnh thoảng dùng mũi kiếm bắn ra những luồng thanh âm chết người từ cây đàn của y. Bên kia, đối thủ cũng chẳng vừa, thoắt ẩn thoắt hiện, bộ pháp linh hoạt vô cùng, kiếm quang vùn vụt xuất thần, chiêu ra nhanh chớp giật, ánh kiếm loang loáng hộ thể cũng như bao trùm lấy Côn luân tam thánh. Người ta chỉ có thể nhìn thấy hai tà áo trắng lượn lờ, lúc nhanh lúc chậm lúc quyện vào nhau lúc lại ẩn hiện chập trờn trong rặng trúc gần đó. Họ đã giao đấu gần nửa canh giờ.
- Kiếm chiêu nhanh quá, kẻ đó là ai vậy.
- Đông Phương Bạch, hắn mới gia nhập cái bang.
- Cái Bang có cao thủ như vậy thì lo gì lũ ưng khuyển của triều đình nữa.
-Thế Dương đại ca có biết vì sao họ động thủ không?
Một mùi hương nhè nhẹ thoảng qua trong gió. Không rời mắt khỏi trận chiến, qua lớp mặt nạ da người xấu xí, Dương Quá nói với nàng:
- Long nhi đã đến, ta phải đi đây. Một tiếng phật phát ra rất khẽ, khi Quách Tương quay lại câu "tạm biệt muội" của chàng đã ở rất xa.
- Đại ca vẫn chưa trả lời mình ...
--------
P/s: Sau cái chết của vợ chồng Quách Tĩnh, Vợ chồng Dương Quá cùng các cao thủ như Châu Bá thông, Hoàng Dược sư... mai danh ẩn tích, võ lâm trung nguyên lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, cùng với nó là sự truy sát các danh sĩ võ lâm của Triều đình nhà Nguyên, ngầm ngầm nhưng vô cùng khốc liệt, kẻ chỉ huy chiến dịch này là một vương gia trẻ "Nhữ Dương Vương".
Theo dõi Phần 1 ,
Phần 3

Hạt cơ bản


    Vậy là cuối cùng cũng giải quyết xong vụ "Hạt cơ bản". Cơ bản là thấy shock, thực sự shock. Một điều bất ngờ là đoạn cuối tiểu thuyết có nhắc đến "Book of Kells" một cách rất trân trọng.
    “Quyển sách này chứa đựng sự hòa hợp của bốn cuốn Phúc Âm theo sách của thánh Jérôme, và gần như trang nào cũng có tranh, tất cả được trang trí bằng những màu sắc tuyệt vời. ở đây chúng ta có thể chiêm ngưỡng khuôn mặt của Chúa chí thánh, được vẽ một cách tuyệt diệu; ở đây còn có các miêu tả thần bí các bậc thánh của Phúc Âm người sáu cánh người bốn cánh, người hai cánh. Chỗ này chúng ta sẽ nhìn thấy cánh chim, chỗ khác thấy bò tót, chỗ này có khuôn mặt người, chỗ khác mặt một con sư tử, và hằng hà sa số những bức vẽ khác. Nhìn lướt qua, chúng ta có thể nghĩ chúng chỉ là những hình vẽ nguệch ngoạc, không phải là những tác phẩm được trau chuốt. Chúng ta sẽ không thấy gì cao quý ở đó, trong khi tất cả đều rất cao quý. Nhưng nếu chúng ta dành thời gian xem xét chúng thật kỹ lưỡng, dùng cái nhìn đi thật sâu vào các bí mật của nghệ thuật, chúng ta sẽ phát hiện những phức tạp đó, thật tinh tế và cao quý, gắn chặt với nhau, gắn kết và hòa quyện vào nhau, với những màu sắc tươi mới và rực sáng đến độ chúng ta có thể tuyên bố không chút vướng bận gì rằng tất cả những cái đó hẳn không thể là tác phẩm của con người, mà của thiên thần.”
    Hi hi, nếu Book of Kell là tác phẩm của thiên thần thì "Hạt cơ bản" phải là tác phẩm của một kẻ tâm thần. Đúng vậy, trong cuộc đời mình, Michel Houellebecq có giai đoạn thường xuyên phải vào điều trị ở bệnh viện tâm thần, đó là quãng thời gian sau khi ly hôn. Ông là một con người lập dị, nhưng tác phẩm của ông thì không lập dị, nó "kì dị". Muôn lời nói không bằng tự mình đọc. Bạn có thể mua sách hoặc đọc trên trang VNthuquan.net. Có thể bạn sẽ thấy mình trong đó hoặc không, nhưng chắc chắn nó sẽ làm bạn khám phá ra rất nhiều thứ ở con người mà chỉ ở những bậc thiên tài và dũng cảm mới viết ra được. Chúc bạn may mắn với Hạt Cơ Bản.

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

__Câu chuyện giao thông - chương 2

    Dạo này đi lại nhiều, mệt, nhưng được hầu chuyện với các bác tài, được nghe rất nhiều chuyện lý thú. Trong vô số chuyện linh tinh thập cẩm đó, vui nhất có lẽ là chuyện kể về các chú công an giao thông. Chuyện kể đặc biệt trở lên rất sinh động khi được chính mắt các bác xế chỉ tận tay những vị trí bắn tốc độ không thể ngờ tới của các "anh hùng núp". Bây giờ thay vì núp, các chú nguỵ trang còn khéo hơn cả tắc kè hoa. Gần Hải Dương đoạn đường 5 có mấy cây cầu vượt, thường thì các chú hay đứng ngay trên cầu ngắm bắn xe cộ. Mình có nghe vậy, để ý không thấy, một lúc sau bác xế mới nói, "ko có đâu, nó ngồi trên bậc kia kìa, nhìn cái ô là tao biết ngay". Quả thật lại gần mới thấy, 2 chú, một cởi trần, một có áo quần đầy đủ đang lom khom như phóng viên ảnh tác nghiệp. Chiêu này quả thực hiệu quả, sau đó, chiếc Fotuner đi sau chúng tôi được một anh cảnh sát, sắc phục đầy đủ, mũ cối đàng hoàng, bất ngờ xuất hiện từ một quán nước ven đường, giơ dùi cui vẫy lại. Rồi thay vì bắn cùng chiều các chú quay sang bắn ngược chiều và đảo đi đảo lại như các tiền về cánh của Manchester United. Khi thấy một chiếc cam nhông trắng đỗ ven đường, tấm chắn ben sau được hạ xuống, biển số sẽ được che đi, thì đó đích thực là xe biển xanh của cảnh sát, súng bắn tốc độ lăm lăm trong đó, cửa kính được dán báo để che đi xạ thủ ngồi trong.
    Hôm trước trên mạng có đoạn video khá hài hước về chiêu mới của cảnh sát, lần này quân và dân cùng sát cánh để giăng bẫy xe cộ. Một chiếc công nông dựng chềnh ềnh giữa một đoạn đường có vạnh liền, lấn vạch này là xe ô tô sẽ bị phạt, để đi tiếp ô tô chỉ còn cách lấn vạch để vượt qua cái công nông khả ố kia. Và phía xa bên kia đường, một chú dân được thuê cầm máy ảnh để chụp những chiếc xe lấn vạch. Hài hước vô cùng khi chủ xe biết được mưu đồ này của cảnh sát, một màn chửi bới tưng bừng được xướng lên trong đoạn video đó.
    Khoảng hơn tháng trở lại đây, lỗi không bật đèn xinh-nhan được triệt để tận thu. Xe máy 300k ô tô 800k, công an còn bố trí cả ca-me-ra quay phim lấy bằng chứng để đối phó với những người khoẻ cãi. Mỗi tuần 2 ngày, các lực lượng công an, kể cả công an phường đồng loạt ra quân để thu tiền phạt. Phường nào có đường phố to thì ra đứng đầy 2 bên đường, lố nhố một đám vàng vàng xanh xanh. Phường nào không có đường phố to thì công an xông cả vào những phố nhỏ để bắt. Tất cả đều được giao chỉ tiêu, công an phải hoàn thành và họ được một số phần trăm trong đó. Sáng nay, bà chị gái về nhà, chưa vào đến cửa đã bô bô "Công an nó vừa phạt chị lỗi không biết phân biệt phải trái". Chị kể, tao sang đường, lên bật đèn bên phải, đến ngã tư tao ngoặt bên trái, chưa kịp bật công tắc để chuyển đèn thì công an nó bắt phạt, lập biên bản, phạt 300 nghìn. Xót hết cả ruột, nó còn giữ bằng của tao ... cho nó giữ, mai tao mua bộ hồ sơ làm lại cái khác, mất 150 nghìn thôi. :)
-----
P/S Câu chuyện giao thông - chương 1

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Vô tri


    Bối cảnh câu chuyện của Vô tri diễn ra trong giai đoạn chủ nghĩa cộng sản vừa sụp đổ ở Đông âu, năm 1989, cụ thể là ở Cộng hòa Séc, sụp đổ hoàn toàn, cả nội dung lẫn hình thức chứ không như ở ta, vẫn còn giữ được... tên gọi. Vì thế nó khá gần gũi với xã hội Việt Nam, đang vật vã trong thời kỳ hậu cộng sản, chính xác là hậu lý tưởng cộng sản, mặc dù nó vẫn thuộc quyền điều hành của những người được gọi hoặc tự cho mình là theo chủ nghĩa cộng sản (hoặc biến danh thành chủ nghĩa xã hội khoa học, cũng chỉ là một cách chơi chữ). Nó rất gần với "Những thiên đường mù" - Dương Thu Hương- ở góc nhìn này. Về tiểu thuyết "Vô tri", có rất nhiều điều để nói để suy ngẫm và nhất là để thưởng thức, lên cách duy nhất là chúng ta phải tự đọc thôi, đừng trách tôi, vì tôi không thể tóm tắt hay phát biểu cảm nhận hay bình biếc gì về nó, đơn giản, tôi không làm được. Câu chữ của Kundera phải nói là rất thuyết phục và uyển chuyển, hoặc nó quá uyển chuyển lên có tính thuyết phục, do đó nhiều khi lấn át cả tính hài hước mặc dù nhiều đoạn rất hài hước... ví như đoạn sau đây:
...
    Josef nhớ đến ý nghĩ rất xa xưa của mình, mà khi đó anh coi là báng bổ: gia nhập đảng cộng sản không có gì chung với Marx và với các lý thuyết của ông ta cả; chỉ đơn giản là thời đại đã trao cho người ta cơ hội quyền lực để thỏa mãn những nhu cầu tâm lý đa dạng nhất của họ: nhu cầu được tỏ ra là không phò chính thống, hoặc nhu cầu tuân lệnh; hoặc nhu cầu trừng phạt những kẻ xấu; hoặc nhu cầu được là người có ích; hoặc nhu cầu được tiến vào tương lai cùng với những người trẻ tuổi; hoặc nhu cầu có một gia đình lớn sống quây quần xung quanh.
    Tâm trạng vui vẻ, con chó sủa toáng lên và Josef tự nhủ: ngày nay người ta rời khỏi chủ nghĩa cộng sản không phải vì tư tưởng của họ thay đổi, chịu một cú sốc, mà bởi vì chủ nghĩa cộng sản không còn tạo ra được cơ hội để chứng tỏ là không phò chính thống, lẫn tuân lệnh, lẫn trừng phạt những kẻ xấu, lẫn có ích, lẫn được tiến vào tương lai cùng với những người trẻ tuổi, lẫn có một gia đình lớn quây quần xung quanh. Xác tín cộng sản không còn đáp ứng được nhu cầu nào nữa. Nó trở lên vô dụng tới mức mọi người đều có thể bỏ nớ một cách dễ dàng, thậm chí còn không ý thức được chuyện ấy.
...

    Vô tri có rất nhiều đoạn kiểu như vậy, những phân tích, nhận định của nhân vật của tác giả, những biến đổi tâm trạng hoặc tâm trạng được miêu tả chính xác lồng ghép với không gian thực và những hoài niệm xen kẽ, khiến Vô tri như một bức tranh siêu thực nhiều tầng lớp, nhiều chiều hướng. Và cái kết của Vô tri quả thực khá bất ngờ nhưng vô cùng hợp lý với chiều hướng phát triển tâm lý của nhân vật, một kết cục quá ư lãng mạn so với một tông màu tưởng như khô khan, có vẻ đầy màu sắc chính trị từ đầu đến cuối. hi hi. Một kết thúc không thể hợp lý hơn. Một cú ngoặt 90 độ làm tỉnh ngủ cho bất cứ ai buồn ngủ, thật ra đọc đến gần cuối thì không thể ngủ được. Cũng lại mâu thuẫn ở chỗ này vì tôi có thể đọc liền một mạch nó, hoặc có thể giở ra bất cứ trang nào và bắt đầu đọc. Ta chỉ cần đọc đoạn đầu một chút, nắm bắt qua tiểu sử nhân vật và sau đó chu du theo kiểu một “jumper” vào cuốn sách.
    Một bí mật lớn của người đọc là tại sao nó lại được đặt tên là “Vô tri”, tôi nhớ là đã đọc ở đâu đó trong cuốn sách có đoạn nhắc tới từ vô tri mấy lần, và cứ tưởng mình đã hiểu được nguyên nhân, nhưng khi đọc hết toàn bộ thì lại quên khuấy đi mất. Sự thật có thể là do tôi đã đọc nó không liên tục trong một thời gian dài, giữa các chuyến đi, lúc ngồi trên xe buýt. Sự ngắt quãng đó làm cho tôi, dù đã đánh dấu trang lần đọc trước nhưng khi đọc lại thì gần như quên bẵng đi những gì xung quanh cái mốc đó, cái còn lại chỉ là số trang. Và đọc tiếp vẫn thấy hay, chẳng làm sao cả, dù sao thì tôi cũng có ý định đọc lại nó, và biết đâu lần tới tôi sẽ biết được tại sao tên nó lại là vô tri. Hy vọng sẽ nhớ được bí mật và tống lên đây
P/S: Vô tri, tác giả Milan Kundera-Cao Việt Dũng dịch, khổ 12x20cm,208 trang.

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

"TUỔI HAI MƯƠI YÊU DẤU"

    Biết "tuổi 20" đã lâu, lại nghe giang hồ đồn đại, chính cuốn này mà Nguyễn Huy Thiệp lấy được "số má" chứ không phải vì "Tướng Về Hưu" được in lậu bán đầy ngoài vỉa hè. Hôm nọ dọn dẹp Computer, vô tình vớ được file. Dưới đây là chương 1 tiểu thuyết ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, đọc mấy chục trang đầu thấy giống BẮT TRẺ ĐỒNG XANH kinh khủng, chỉ khác là bối cảnh Hà Nội, địa danh, từ lóng, văng tục chửi bậy là của Việt nam thôi. Đọc rất lôi cuốn, một lèo từ đầu đến cuối, thời điểm xảy ra câu chuyện từ năm 2003, nhưng bây giờ vẫn còn rất thời sự. Giá như tác giả đầu tư thêm tí công sức cho phần cuối đỡ củ chuối thì có lẽ nó cũng chả thua kém gì BẮT TRẺ ĐỒNG XANH. Truyện có thơ của Vương Bảo Sinh, Bùi Giáng và châm ngôn của nhiều ông khác nữa. Truyện dài 99 trang A4, chắc khi in khổ 14x20 được cỡ 150 trang, nhưng đọc một lèo thấy nó cũng chỉ dài hơn chuyện ngắn tí tỉnh. Cũng vì đọc "e-book lậu" lên không biết có bị cắt cúp gì không, không biết có chỗ nào bán quyển này không nữa, ai biết bảo giùm, tôi xin hậu tạ :D


   CHƯƠNG 1: Chẳng ai hiểu cóc khô gì
Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa
Gọi tên là một hai ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm…
Bùi Giáng 1
- Xin lỗi, anh không có tâm trạng tốt lắm.
- Thì anh có bao giờ có tâm trạng tốt đâu!
Trao đổi bạn bè


    Tôi là Khuê. Năm nay tôi 20 tuổi. Tôi muốn nói với các người rằng chẳng ai hiểu cóc khô gì.
    Ví dụ như gia đình tôi. Tôi có bố mẹ và một thằng anh trai ngu hết chỗ nói. Bố mẹ tôi không ngu, họ chỉ là những ông bố bà mẹ bình thường, thậm chí thành đạt trong xã hội. Hãy nghe mẹ tôi nói với bố tôi: “Anh ăn đi, anh phải ăn khỏe vào mới được. Anh ăn quả trứng vịt lộn này nhé! Uống cả sữa nữa”. Bố tôi nằm trên đivăng, lim dim mắt. Tôi rất ghét cung cách ấy của ông. Nếu mẹ tôi đi vắng, có khách đến (nhất là khách nữ) ông ta trở nên nhanh nhẹn như một con báo. Có lẽ bố tôi là một người rất thạo đàn bà. Tôi đã thấy nhiều cô thút thít khóc khi nói chuyện với ông. Lúc ấy ông lại vỗ về họ với vẻ từng trải: “Không sao… không sao! Đời ấy mà… cuộc sống là thế…”. Sau đó ông lấy ví ra cho họ tiền, ông giúi vào tay họ và vị khách trứ danh kia nín bặt. Giời ạ, thế mà với tôi ông rất bủn xỉn. Tôi không có một đôi giày nào tử tế, còn áo với quần thì toàn là thứ tầm tầm! Từ bản năng, tôi ngấm ngầm căm ghét gia đình tôi thậm tệ. Sự từng trải, hiểu biết của bố tôi… sự chu đáo tận tụy của mẹ tôi… sự lên mặt đạo đức khôn ngoan của thằng anh tôi… Tất cả những điều như thế khiến tôi lộn mửa. Tôi là cái gì ở cái nhà này? Tôi mãi mãi không bao giờ được như họ. Tôi là con gián, là con kiến, là con số không. Chẳng ai hiểu cóc khô gì về tôi.

    Chẳng ai hiểu cóc khô gì! Ví dụ như ở trường học. Tôi ngạc nhiên vì tại sao người ta lại đi nhồi nhét hàng mớ kiến thức chữ nghĩa như thế vào đầu bọn trẻ bao nhiêu năm trời? Tôi công nhận những kiến thức tiểu học là có lý. Những thày cô giáo thật ra thày cô giáo! Họ đúng là những bậc thánh, mặc dầu các thày cô giáo tiểu học ở đâu cũng vậy, họ đều có vẻ nghèo nàn, nhếch nhác và bẩn thỉu. Lên bậc trung học và đại học thì toàn bộ nền giáo dục đều đáng vứt đi cả. Kiến thức thì rối rắm, rỗng tuếch, vô bổ, chẳng ai hiểu cóc khô gì. Bọn giáo sư đại học ăn diện và vô đạo đức nói nhăng nói cuội ở trên bục giảng. Chính họ cũng chẳng hiểu họ nói cái gì. Nền giáo dục trung học và đại học theo tôi là một nền giáo dục ngục tù, khủng bố. Nó làm cho toàn bộ thanh niên chúng tôi trở nên kiệt sức, ấm ớ, dở hơi hoặc đểu cáng theo một cách nào đấy. Nó là một nền giáo dục đào tạo lưu manh. Tất cả những thanh niên thành đạt của nền giáo dục đó đều là những tên lưu manh một trăm phần trăm, tôi xin thề như vậy!
Ký ức đẹp đẽ nhất của tôi về nhà trường (và của tất cả những ai lương thiện thực sự) – tôi xin thề như vậy, chỉ là ở việc dạy đọc, dạy viết, dạy cộng trừ nhân chia… thấp thoáng với mấy bóng hình thày cô thảm hại. Tôi đã đọc ở đâu đấy một bài thơ viết về họ, câu chữ ở trong bài thơ thì không ra gì nhưng tình cảm của người viết khiến tôi xúc động:

Người ta phải cám ơn anh, người thày giáo nông thôn
Anh là người khai hóa vĩ đại của nhân dân tôi
Đây mới là kiến thức tinh khiết
Cho dù nó vừa thô sơ, vừa sai lầm, lại ấu trĩ nữa
Nó là a, b, c
Ơi anh giáo làng!
Anh phải làm việc với lũ ranh con thò lò mũi
Chúng không biết thế nào là tay phải, tay trái
Anh sẽ dạy chúng, phải không, sẽ dạy chúng:
Tay phải thì giương cao, còn tay trái đặt lên trái tim
Anh sẽ dạy chúng, phải không, sẽ dạy chúng:
Mẹ thì không bao giờ được quên
Phía trước là chân lý
Rất có thể có nạn hồng thủy
Mà ngoài trái đất là thiên hà
Chữ đầu tiên là chữ a…2


    Tôi căm ghét “nền giáo dục cao cấp”, mặc dầu tôi đang là sinh viên năm thứ hai đại học. Trừ một số đứa ở thành thị (trong đó có tôi) còn hầu hết đều ở nông thôn ra. Chúng đều như những cô chiêu, cậu ấm. Bọn này ăn diện, cố học đòi cung cách thành phố bằng những đồng tiền còm cõi mà bố mẹ chúng tằn tiện gửi ra. Tôi thấy chúng lố bịch không tưởng được. Tất cả sự chăm chỉ đèn sách của chúng đều giả tạo, không đứa nào dám nhận rằng những thứ kiến thức được học đều đáng vứt đi, không vứt đi trước thì rồi sau này cũng vứt. Tóm lại, chẳng ra cứt chó gì!

    Chẳng ai hiểu cóc khô gì! Ví dụ như khi ta mở tivi. Người ta đang truyền hình trực tiếp phiên họp Quốc hội. Các nghị sĩ ngủ gật. Người ta cãi nhau về mấy chữ trong điều luật. Lúng túng kinh khủng. Tôi thấy rõ người ta lúng túng trong việc điều hành đất nước. Nhân dân đang lầm lẫn thảm hại, họ đặt niềm tin của họ vào một lũ người thối tha, dốt đặc. Đáng lẽ ra phải kín nhẹm đi (cái lũ phường tuồng ấy) thì họ lại chường mặt ra ở trên tivi chơi trò “dân chủ”. Nhân dân không cần dân chủ, họ cũng chẳng ưa gì độc tài, ai cai trị cũng thế thôi nhưng điều cơ bản là họ được sống yên ổn, no ấm.

    Chẳng ai hiểu cóc khô gì! Tôi muốn gào toáng lên như vậy. Thời của tôi đang sống là thời chó má. Tin tôi đi, một trăm phần trăm là như thế đấy!