Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

__Và nơi đây "Các vĩ nhân tỉnh lẻ"


    Cán bộ đường lối hôm nay đã "dịu dàng" hơn, chả là bên cạnh anh hôm nay là một nhân viên mới, anh này trung tuổi, tính trầm, nói chuyện nhẹ nhàng dễ chịu. Còn một lý do khác nữa, có lẽ mọi bực dọc với cô gái thường nhắn tin đã được giải quyết ổn thoả, chàng vừa lái xe vừa trả lời tin nhắn thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười. Hôm nay người đi đường may mắn không bị chàng biến hết thành lợn. Chúng tôi có một chuyến đi dài, gác lại Márai Sándor tôi tiếp tục với Phan Cẩm Thượng.
    Cuối ngày về bến đỗ, nhận được tin mừng, hàng đã về đến nơi, cảm ơn bạn T đã đáp lại lời nỉ non, tặng tôi "Các Vĩ nhân tỉnh lẻ".
    Các vĩ nhân tỉnh lẻ - Tập truyện của Dương Thu Hương
Nhà xuất bản Thanh niên Hà Nội - 1988, vẽ bìa Lại Phú Đại, khổ 13x19-253 trang

gồm 3 chuyện dài:
        - Hoa tầm xuân của mùa thu
        - Những chiếc lá chết
        - Các vĩ nhân tỉnh lẻ

      



    Lời Khen
    Nhà thơ đưa hai bàn tay đỡ gương mặt dễ thương của người phụ nữ mà anh ta hâm mộ, chăm chú nhìn thật lâu.
Rồi anh ta nói:
    - Bà có hộp sọ thật đẹp.
        (tháng mười một_Bốn mùa, trời và đất_ Márai Sándor)

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

__Márai Sándor trên đường phố :)


___Đến ngã tư, đèn vừa mới đỏ, một airblade cố phóng qua ngã tư, xe tôi phanh cái kkiittt. AirBlade cũng phanh cái rẹt. Cán bộ đường lối (Anh tài) của chúng tôi mở kính thò đầu ra "Ông già rồi mà đi ngu thế, muốn chết à". Ông già Airblade "đi đi, nói nhiều".
Cán bộ đường lối điên lên: "Đánh bỏ mẹ mày giờ, ĐM, già rồi còn ngu". Quãng đường dài 5 km trước đó, xe chúng tôi dính tất cả 3 vụ tắc đường, một do chợ cóc họp tràn ra lòng đường, 2 vụ còn lại do tan trường học. Cả thảy mất 55 phút cho mấy cái đám lùng nhùng ấy. Tất nhiên anh Cán bộ của chúng tôi cũng chửi mấy người nữa, nào là xe máy chen ngang làm ô tô không tiến lên được, nào là một thằng khôi lỏi đi trái chiều báo hại tắc càng thêm tắc.. vân vân... Tất nhiên chúng tôi là những người bị nghe chửi nhiều nhất, rõ nhất. Những lúc này, thật may mắn là tôi được thị kiến Márai Sándor tán chuyện về thời tiết thiên nhiên cây cỏ, trời đất và linh ta linh tinh khác.

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

__Một thoáng với "Nghệ thuật ngày thường"


Nghệ thuật ngày thường, tập hợp các bài viết của Phan Cẩm Thượng về nghệ thuật, mỹ thuật, hội hoạ và các thứ "linh tinh" khác. Hãy xem Phan Cẩm Thượng viết gì trong cuốn sách dày gần 600 trang này của anh.
... Hãy đọc bức tranh
Cứ cho là một cuốn tiểu thuyết vừa nhà văn phải viết trong một hai năm. Ta đọc truyện đó mất khoảng hai tiếng đến nửa buổi, chưa kể những người đọc dần dà trong hai ba ngày. Vẽ một bức tranh công phu cũng cần vài tháng, vài năm như Leonardo (1452-1519) vẽ nàng Mona Lisa trong bốn năm chẳng hạn. Thế mà hầu như rất ít ai xem bức tranh trong vài giờ, nói gì đến vài ngày. Cái đó chứng tỏ người ta không đọc được bức tranh như xem một cuốn truyện. Người ta thường nói rằng đọc truyện xem tranh, chứ không nói rằng đọc tranh, nhưng thực sự muốn hiểu được hội hoạ thì phải đọc được tranh, tuỳ từng ý thích và trình độ. Tôi đến một phòng triển lãm, vài người đòi phải giảng giải, tôi làm họ cụt hứng khi nói rằng không thể xem tranh hộ ai, cũng giống như ta không thể nhờ người khác ăn hộ mà thấy no được. Cũng như nhiều người, hoạ sỹ lúc đầu cũng chỉ xem tranh trong vài phút, nhiều năm sau có thể xem tranh trong hàng giờ và ngày nào cũng xem tranh, từ năm này qua năm khác. Đọc truyện Kiều hay một kiệt tác văn học, mỗi tuổi thấy mỗi khác, mỗi lúc thấy mỗi cái hay khác nhau. Triền miên trong ảo tưởng là lúc đẹp đẽ nhất của con người, và chán nhất là mất quá nhiều thời gian cho việc kiếm miếng cơm manh áo.

...
bạn có dám dũng cảm và dám dấn thân không, hi hi
...

Mona Lisa không phải là người đàn bà đẹp, nhưng Leonardo đã nhìn thấy ở nàng nụ cười bí hiểm và sự sâu thẳm của tâm hồn. Ông đã điển hình hoá nhân vật này đến mức nhà buôn đặt vẽ Joconda không công nhận đó là chân dung vợ mình, và không nhận tranh nữa. Nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử hội hoạ, người hoạ sĩ có thể diễn tả được chính xác của cơ khối trong phân tích ánh sáng đậm nhạt, và qua đó biểu hiện được vẻ không cùng của trí tuệ cũng như tự nhiên. Sau Leonardo cũng không ai làm được như vậy. Picasso vẽ Những cô gái ở Avignon từ một nhà thổ. Những bức tượng mặt nạ gỗ châu Phi với tính hoang dã và phân cắt các diện nhiều chiều đã gợi cho hoạ sỹ lập thể đập vỡ các hình thể nhân vật, một sự mở đầu cho ngôn ngữ hội hoạ lập thể, nó không tái hiện tự nhiên nữa, mà thuần tuý là một phương tiện bộc lộ tâm hồn. Nếu ai còn xem nghệ thuật theo kiểu đối chiếu, coi nghệ thuật như phương tiện phản ảnh hiện thực thị giác, thì không có cách gì thưởng ngoạn nghệ thuật Hiện đại. Họ chỉ có thể xem từ Vangogh đổ về quá khứ mà thôi. Những bức hoạ của Marc Chagall, Matisse, Dali, Kandinsky và Pollock sẽ không có ý nghĩa và không tài nào hiểu được nghệ thuật trừu tượng sinh ra từ sự khủng hoảng xã hội (qua hai cuộc thế chiến), hay nói như Paul Klee (1879-1940) "xã hội càng khủng hoảng nghệ thuật càng trừu tượng"
......

Thế mới biết, trong xã hội ta hiện nay, cái đếch gì cũng trừu tượng, từ giao thông, y tế giáo dục, yêu nước, hoa cỏ, quặng nhôm, condom ... chứ chẳng riêng gì nghệ thuật và hội hoạ :)))

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

__những ngã tư và những cột đèn


-- trần dần- Những ngã tư và những cột đèn - tiểu thuyết. Toàn bộ những từ ngữ liên quan đến tiểu thuyết (tên tác giả, tên truyện và thể loại) đều viết thường. Chỉ có mỗi cụm từ NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN là viết hoa. Trần trọng vũ thiết kế bìa. Nhìn chữ thôi cũng thấy cười rồi, còn cười theo kiểu nào thì đọc mới biết.
và đây là trang đầu tiên của cụ trần dần trong tiểu thuyết:

Kính gửi đồng chí đánh máy. Đề nghị đồng chí, nếu có thể, chú í cho mấy điểm:
1. Về trình bày, cứ đánh liền không xuống dòng. Chữ đầu đánh luôn từ đầu dòng, không thụt vào. Coi như cuốn sách gồm từng ô, như ô ruộng đầy chữ. Giữa các ô có những vệt trắng, 1 dòng, 3 dòng, 5 dòng, tùy theo, như những bờ vùng, bờ thửa. Những vệt trắng này, xin để trắng, đừng đánh sao.
2. Chỗ nào đề bằng con số, xin cứ đánh con số. Ví dụ: 8 giờ 30, mùa đông 1959,v.v...
3. Chữ y, trong cuốn sách này, đa trường hợp viết lại là i, xin cứ đánh là i.
4. Có những chữ dính liền, ví dụ Cônhắc, Côtab, Lily, xin cứ để dính liền.
5. Những chữ điệp nhiều nguyên âm, ví dụ xìì, khèè, v.v..., xin cứ để như thế.
Tôi đề nghị như vậy, không phải vì tôi muốn lập dị. Tôi rất cám ơn.

Và nhã nam đã làm đúng như ý cụ. Truyện có tính giải trí rất cao (các giá trị khác bạn tự tìm lấy :D), rất tươi tắn và gợi tình, hài hước thì khỏi nói. Về cái khoản gợi tình, bây giờ xã hội tự cho là văn minh gọi là sexy, thì những ngã tư cực kỳ sexy, và sexy nhất trong ngã tư là em Cốm, một trong mấy nhân vật nữ chính của chuyện. Một trong các chi tiết gợi tình được kể là chuyện anh Dưỡng (chồng Cốm) trói vợ lại, nhét khăn vào mồm để làm mẫu chụp ảnh nuy (tiếng Pháp là nuy, tiếng anh là Nude), bây giờ báo chí cách mệnh gọi là ảnh khoả thân nghệ thuật, còn các "nhà nhiếp ảnh dạo" thì gọi là ảnh cởi truồng. Phong cách này rất giống với tay nghệ sĩ gì đó chuyên chụp ảnh chị em cởi truồng bị trói, dây rợ chằng chịt, rất nổi tiếng của Nhật bổn, Báo Thể Thao & Văn hoá gọi là erotic, hi hi, ko biết tay nghệ sĩ này có chôm ý tưởng của cụ trần dần ko. Biết thêm một thuật ngữ, người Nhật sexy (cởi truồng và ấy) thì gọi là erotic. Em Cốm bị chồng đè nghiến ra chụp ảnh, xấu hổ quá, chạy sang nhà chị hàng xóm khóc rấm rứt.
Lại nhớ sang tác phẩm kinh điển của Akira-Kurosawa, Lã Sinh Môn-1950, có lối kể chuyện theo từng nhân vật, mỗi nhân vật một góc nhìn, rất độc đáo. những ngã tư và những cột đèn cũng vậy, toàn bộ câu chuyện lần lượt hiện ra theo lời kể của nhiều người, do đó ta có thể thấy được những thái độ, những quan điểm, những phán xét khác nhau trước một sự kiện, một hành động. Và với những tuyến thời gian quá khứ, hiện tại đan xen nhau, câu chuyện còn được soi trong hoàn cảnh hiện tại và xét lại với độ lùi thời gian sau đó 11 năm. trần dần cho độ lùi của câu chuyện là 11 năm, còn các đồng chí công an sau 22 năm (1988) mới trả lại bản thảo "những ngã tư" cho nhà văn, đến lượt các đồng chí văn hoá lùi tiếp 22 năm nữa, 2010, tác phẩm mới được đến tay bạn đọc. Tổng cộng xã hội lùi so với "những ngã tư và những cột đèn" trần dần 44 năm. Thảo nào, đọc, nhiều người thấy nó mới, thấy nó hiện đại. Chả biết buồn hay vui.
Cũng trên TT&VH, hôm trước Phan An của Quẩn quanh trong tổ, nói yêu những gì mang tính chiến đấu, hôm vừa rồi Phan Việt nói,với nhà văn thì cực đoan là tất yếu. Nguyễn Quang Lập có kể trong Bạn Văn: trần dần thức trắng đêm mới sửa xong bài thơ mà cái đầu đề bài thơ còn dài gấp đôi bài thơ:
            VỢ CHỒNG
              xong
Thế mới biết mức độ cực đoan trong nghề văn của trần dần khốc liệt đến thế nào. Từng chữ, từng câu trong tiểu thuyết đều rất chỉn chu kỹ lưỡng. Có thể đọc nhanh hoặc đọc đi đọc lại một đoạn văn nào đó mà vẫn thấy hay.
P/S: Nhớ là Nhị Linh có mấy bài viết về trần dần và những ngã tư, vừa hay đọc xong tiểu thuyết tôi cập nhật đường linh vô đây, 2 bài này cũng rất có giá trị.
những ngã tư và những cột đèn
Trần Dần Dostoevsky
về việc trình bày một tác phẩm ngôn từ, "Chỉ tại con chích chòe" của Dương Tường có bài thơ "chéo" rất hay và một quyển khác cũng của Trần Dần, "Đi! Đây ! Việt Bắc".

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

__loanh quanh một buổi chiều



    Chiều tối trước đợt nghỉ 2-9, tiền lương thì mới lĩnh, mới đọc mấy bài giới thiệu "Bạn Văn" của Bọ Lập, bỗng nổi cơn tò mò, dù biết rằng nhiều bài trong đó mình đã đọc trên "Quechoa" lượn qua 3 hiệu sách lớn mà ko có, đánh liều vô một quầy sách trong... siêu thị, cũng không nốt. Công sức chỉ được đền đáp chút đỉnh với "Quẩn quanh trong tổ" của Phan An, lời giới thiệu, rất "sướt mướt" của chị Tư (NNT) cũng làm mình động đậy đôi phần, đọc thử xem sao. Đọc một đoạn, thấy Thơ Lưu Quang Vũ sao mà hay lạ, đọc tiếp vẫn thấy thơ anh càng hay, cố đọc đến hết hơn 200 trang ít chữ thì đọng lại quẩn quanh cũng chỉ thơ anh Vũ ...

Nỗi sỉ nhục buốt lòng
Khi thấy mẹ ta bảy mươi tuổi lưng còng
Phải làm việc mệt nhoài dưới nắng
Khi thấy lũ em ngày càng hư hỏng
Khi người mình yêu
Nói vào mặt mình những lời ti tiện
Khi bao điều tưởng thiêng liêng trong sạch
Bỗng trở lên ngu xuẩn đê hèn

    Vậy là chiều hôm đó ngoài "Quẩn quanh" ra, tôi còn vớt vát được "Kẻ phản Ki tô" và "Đi! Đây Việt Bắc" của cụ Dần. Sáng ngày nghỉ lễ đầu tiên, cũng lại quẩn quanh một hồi thế nào chui vào Big C, tự nhiên bước vô quầy sách, thế là sùng sục tìm Bạn Văn, tất nhiên, chả thấy, nhưng lại thấy "Ký ức vụn", quyển này thì trước cũng định nhặt rồi, nhưng cũng vì nhiều lý do mà bỏ qua, lần này xem kỹ thấy rất nhiều phần của blog Quechoa, định bụng thôi ko có "Bạn Văn" thì mua quyển này cũng được, nâng lên đặt xuống thế nào lại trông thấy dòng chữ "Ấn bản đặc biệt, có chữ ký của tác giả". Có chữ ký mẹ gì đâu, úi giời! sách giả rồi, về luôn, không vụn viếc gì nữa.
    Bắt đầu cảm thấy cay cú "Bạn Văn" vì khi nó mới ra, tôi đã nhìn thấy nó rồi nhưng bỏ qua vì còn để ý nhiều thứ khác. Đành gọi nhờ cậu em trên Thủ Đô mua hộ, kèm thêm "Nghệ Nhân và Magarita". Sáng ngày nghỉ thứ 2, quay trở lại Phương Nam book, lần này thì "Bạn Văn" một mớ đã bày trên kệ, bọc trong túi nilong sáng loáng. Bìa là một loạt chân dung hí họa của Hữu Khoa, tất cả đều đẹp trừ bức chân dung của tác giả, Nguyễn Quang Lập, gượng ép như một sản phẩm đặt hàng.

    Câu chuyện tưởng kết thúc nhưng nó còn kéo dài tới chiều hôm sau và sáng hôm tiếp theo nữa. Sô là bà xã lại rủ đi cái siêu thị khác(không phải BigC), cái siêu thị có nhiều sách ấy. Lần này nhăm nhe một đống nặng tính giải trí khác : nào là "Cái chết trần trụi", "Cái chết huy hoàng","Công tước và em", "Gái Công Xưởng" trong đó thích "Gái" nhất. Trong lúc bà xã lượm đồ thì mình lượm mấy cuốn đó, và lúc ra tính tiền thì mấy cuốn đó phải ở lại siêu thị để nhường chỗ cho nước rửa chén, dầu ăn, cây lau nhà, quần áo trẻ con và các cái linh tinh khác...
    Về phần bom tấn đình đám "Nghệ Nhân và Magarita", sau khi cậu em quý hóa lên tận nhà sách của Bố Già - Đoàn Tử Huyến mua hộ đã quyết định giữ lại để đọc vì liếc qua chương đầu thấy lạ quá :(