Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

__Ngày cuối cùng tháng 8 vớ vẩn


    Trong tập sách Võ sĩ đạo-Nitobe Inazo, mở đầu cuốn sách, nhà tư tưởng, chính trị lớn của nước Nhật đã có một sự thừa nhận tuyệt đối,: "Nếu không dạy về tôn giáo, lấy gì để dạy đạo đức cho con người". Quan điểm này rất dễ nhận biết trong cách hành xử của người phương Tây, mà dễ nhận thấy nhất là trên tờ giấy bạc $ của Mỹ, luôn in nổi dòng chữ, "IN GOD WE TRUST"- Với niềm tin nơi chúa. Hoặc trong các phiên tòa ở Mỹ, trước khi khai báo điều gì, nhân chững luôn đặt tay lên quyển kinh thánh và xin thề chỉ nói sự thật và hoàn toàn chân thật. Lời hứa trước quyển kinh thánh cổ xưa này hình như đáng tin hơn rất nhiều trước câu sáo ngữ "Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật" được nói và treo khắp nơi.
    "Nghệ nhân và Magarita", cũng không nằm ngoài tư tưởng chủ đạo trên, không có niềm tin nơi tôn giáo, nơi chúa và thượng đế, thì các mối quan hệ trong xã hội chỉ toàn là dối trá, và những con người ngay thẳng chỉ còn có chỗ... trong các nhà thương điên, là bệnh nhân hoặc bác sĩ thì còn tùy. Và cũng vì cuốn sách này mà Mikhail Bulgakov bị đì không ngóc đầu lên được, vì với những người cộng sản, thiên đường mặt đất của họ không cần sự có mặt của tôn giáo. Nghĩa là những giá trị cổ xưa tồn tại hàng mấy nghìn năm hoàn toàn không còn giá trị với những con người mới, những con người xã hội chủ nghĩa. Những tấm gương đạo đức của chúa, các vị thánh được soi xét bởi nhân loại hàng nghìn năm, được bào mòn và tồn tại cùng với thế giới không thể sánh được với những ông ít râu nhưng hói, hay những ông nhiều râu và cũng không hói hoặc kể cả với những những ông vừa vừa râu nhưng thét thì ra lửa. Có vẻ như những ông này chỉ có điểm chung về râu, nhưng không, họ còn có chung niềm tin sắt đá về những học thuyết mơ hồ hoặc họ có cùng khả năng siêu việt- hùng ngụy biện.
    Sau vinashin, là sự vỡ bong bóng của bất động sản và chứng khoán, đời sống của những nhân viên, công nhân trong các doanh nghiệp quốc doanh khốn khổ hơn bao giờ hết. Thu nhập giảm đi 2 phần 3,đã thế về tinh thần, họ phải công nhận những quả nổ hoành tráng hơn bao giờ hết của giai cấp lãnh đạo, nào là ổn định, nợ xấu thấp, thu nhập cao nhất nhì, mấy chục triệu này nọ. Họ, những lãnh đạo này hình như tự phê sớm hơn và hơi quá trớn. Sự quá trớn này có lẽ có được từ các đợt học tập theo gương lãnh tụ vĩ đại, từ sự tự phê, từ các đợt phát động "hãy tốt lên" hãy "đạo đức đi" và "đừng vô văn hóa" he he, nói và nói làm thì tất nhiên chẳng liên quan gì tới nói. Cùng với dối trá tại các diễn đàn lớn hơn thì sự dối trá ở dưới cơ sở gần như là nói "thật", các lãnh đạo cấp dưới này do nhiều lý do, dần dần tin, nói là làm theo những lời dối trá từ trên dội xuống, còn cán bộ công nhân viên, nhân dân, họ chẳng nghe nhưng âm thanh đó nữa, tiếng chó sủa là tiếng chó sủa, chỉ chó mới hiểu còn con người chỉ cần biết đó là tiếng chó sủa.

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

__Gỗ Mun

    Gỗ Mun, sách của Nhã Nam, Ryszard Kapuściński, Nguyễn Thái Linh dịch, bìa do Thái Mỹ Phương vẽ.
Số trang có “chữ” 462 trang. Nói chi tiết vậy để thấy rằng tôi đã rất bực mình khi mà “Gỗ” của tôi bị mất hẳn 4 trang, trắng tinh không chữ. Và cũng để thấy rằng, mỗi chữ của “Gỗ” đều rất có giá. Mỗi câu văn đoạn văn, một chương hay một tiểu phóng sự trong tổng phóng sự này đều rất cô đọng, tích chắt lọc rất cao, nó như một phin cà phê được nén chặt và được lọc qua nhiều lần. Uống đắng nhưng phê, yếu thì say. Gỗ mun thực chất là một tổng hợp các phóng sự về các vùng miền, về khí hậu, phong cảnh,về con người, phong tục tập quán, về mâu thuẫn về lịch sử - có mà như không của châu phi rộng lớn. Các phóng sự này có thể đọc riêng rẽ từng chương một, nhưng khi đọc tuần tự từ đầu đến cuối thì tổng hợp cảm xúc mang lại thật đáng kinh ngạc. Có lúc làm cho ta mệt rũ người ra vì cái nóng vì bức bối và chua xót, lại có những lúc làm cho ta mải miết dõi theo những bước chân, những chặng đường mà tác giả đã đi qua, nhưng cảm giác chua xót vẫn ám ảnh ta nhiều nhất. Những con người khỏe mạnh, một cộng đồng vô cùng phong phú và đa dạng, số phận họ không thể bị dày vò như vậy. Mặc dù trong quan niệm của họ không có từ số phận, chỉ khi thực dân da trắng tràn vào đây, áp đặt các tiêu chuẩn, kích động, xúi bẩy, chia rẽ thì châu lục này, những chủ nhân (gồm người, con thú, những cánh rừng…) mới có số phận, còn trước đó và có khi cả sau này, nó vẫn hồn nhiên và thoải mái như đất trời vậy.
    Với hơn 10.000 cộng đồng, bộ tộc bộ lạc (như cách gọi của chúng ta) với đầy đủ tiếng nói, văn hóa, bản sắc riêng, lịch sử riêng bị thực dân Châu âu gom lại rồi lại chia ra thành mười mấy quốc gia và vùng lãnh thổ. Đầu tiên là phong kiến chuyên chế, sau đó là Mac xít lê nin nít, hiện nay là dân chủ liên bang tràn qua lục địa này đủ thấy sự tàn khốc, đẫm máu mà thiên nhiên và con người nơi đây phải trải qua, nói như lời tác giả là : “nghèo đi và xơ xác hơn”. Ngòi bút của Ryszard Kapuściński, một phóng viên, đã thể hiện được sự khách quan rõ nét, một sự phân tích phải nói là khá thấu đáo. Đi từ những cá thể riêng lẻ, rất tinh tế, đến những nhân vật điển hình (warlord, tôn giáo, thành phố…) đều rất chân thực và sống động. Một châu phi không cần bánh xe, không cần tôn giáo, không cần những con đường, chỉ có những đôi chân trần, linh hồn của tổ tiên và những lối mòn không cần các thành phố, chỉ cần những ngôi làng. Một châu phi không có tiền, không có tội lỗi lên họ không có sự hối hận và mâu thuẫn nội tâm giữa tội ác và trừng phạt. Ông tổng hợp được các trường hợp điển hình của châu lục với cái nhìn từ bên trong con người, cũng như những ảnh hưởng của môi trường sống đến họ, cha mẹ ngôi làng, bộ tộc, từ đó chỉ ra được những hành động của họ và sau đó là kết cục cuộc đời của các tầng lớp đó.
    Với sự đa dạng các cộng đồng như vậy, dễ thấy một mình tác giả là không thể tìm hiểu hết được châu phi và cuốn sách vẫn mở ra cho người đọc một châu phi vẫn còn rất nhiều điều để khám phá, để đến và có những trải nghiệm của riêng mình :).
P/S:
- Đây là Bài điểm sách của Nhã nam cty phát hành Gỗ Mun
- Khi đăng bài này lên, vô tình tình đọc được tin này, thật đúng là một dẫn chứng rất thú vị, về những điều được viết trong Gỗ mun
- Phóng sự ảnh trên BBC một minh chứng sống động cho Gỗ Mun, và những thảm cảnh được mô tả trong sách vẫn đang diễn ra hàng ngày trên khắp lục địa đen.

__Truyện tranh Việt Nam thời kì 1980-1996

    Đây là giai đoạn phát triển rực rỡ của truyện tranh Việt Nam, đỉnh cao là khoảng thời gian từ 1985-1990, và suy giảm dần sau đó. Phát triển đến độ thiếu nhi, thiếu niên có rất nhiều truyện để đọc tranh để xem, họa sĩ vẽ cho các em nhiều vô số và chả có ai rỗi hơi đi đặt câu hỏi, liệu có nền truyện tranh Việt Nam không, phong cách của truyện tranh Việt Nam thế nào, ảnh hưởng của ai v.v... Các tỉnh thành ngành, ban, sở, vụ... đều tham gia làm truyện tranh phục vụ các cháu thiếu nhi. Dưới đây là một vài sơ kết về truyện tranh trong thời kỳ này, truyện tranh của các họa sĩ Việt Nam vẽ (không kể (một số lớn) các truyện tranh in lại, can lại truyện tranh, comic, nước ngoài )…
Thực vậy, về thể loại:
    -Truyện lịch sử: có đầy đủ các thời kỳ chống phong kiến phương bắc, chống phong kiến nước nhà thối nát, chống thực dân Pháp, chống Mỹ, chống Bành trướng trung quốc. Cụ thể, một truyện có thể miêu tả một trận đánh, một chiến công của một anh hùng dân tộc hoặc tiểu sử, cuộc đời của họ. Anh hùng có thể là người kinh, người dân tộc, trận đánh thì đa dạng, đánh tàu chiến, tàu bay, phục kích, hay cả một chiến dịch lớn. Truyện về các danh nhân văn hóa của dân tộc.
    -Truyện cổ tích, truyện dân gian: Đông tây kim cổ, khắp năm châu bốn biển, gần như không thiếu quốc gia, vùng lãnh thổ nào mà các họa sĩ của chúng ta không vẽ thành truyện phục vụ các em thiếu nhi. Truyện cổ các dân tộc thiểu số cũng được vẽ rất nhiều, đi đầu trong hạng mục này là nhà xuất bản văn hóa dân tộc.
    -Truyện bắt cướp: truyện trinh thám, truyện điều tra, truyện hình sự, truyện cảnh giác. Truyện tình báo. Truyện vụ án. Bối cảnh truyện có thể ở Việt Nam mà cũng có thể ở nước ngoài.
   -Truyện thu gọn từ các danh tác: từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung Quốc, của Châu âu đều được thực hiện, bên cạnh truyện vẽ lại, can lại, các họa sĩ nước ta cũng tự vẽ rất nhiều.
   -Về họa sĩ: Nhiều khó có thể kể hết và đa số đều có trình độ điêu luyện. Mặc dù các tác phẩm truyện tranh trong thời kỳ này đều rất mỏng (đa số ít hơn 100 trang, phổ biến từ 16-32 trang) số lượng tranh trong một truyện khá khiêm tốn, nhưng chúng đều thể hiện sự dụng công rất công phu và tâm huyết của các họa sĩ. Có thể kể ra một số những họa sĩ : Văn minh, Đức lâm (một số truyện còn lấy tên là Bùi Quang Lộc), Hoàng Tường, Châu Nguyên, Trọng khôi, Nguyễn Thụ, Tạ Lựu, Hà Quang Phương, Trương Phú Hòa, Phương Thảo, Phan doãn, Minh hằng, Phan mi, Nguyễn thắng, Thọ Vân… Các họa sĩ này sống rải rác khắp cả nước, nhưng tôi đoán rằng một số lớn trong số họ chủ yếu sống ở Sài Gòn và Hà Nội, đây cũng là hai địa phương tập trung nhiều nhà xuất bản nhất của cả nước.
   -Về nhà xuất bản, gần như có bao nhiêu tỉnh thành thì có bấy nhiêu nhà xuất bản, bên cạnh đó là sự tham gia của các trung tâm cục, vụ. Xin kể ra một vài trường hợp: Sở văn hóa thông tin Hải phòng, Đồng Nai, Nghệ thuật Tây ninh. NXB Đà Nẵng. Hải phòng, Hà nội. NXB Kim đồng, Trẻ, Măng non thành phố Hồ Chí minh. Phụ bản, phụ trương của các báo. NXB tổng hợp Kiên giang. NXB văn hóa…
   -Về số lượng xuất bản: số lượng luôn khủng. Làng nhàng thì 11-15000 bản, trung bình thì 30-50000 bản, và nhiều thì phải cỡ 80000- 150000 bản (truyện Tướng quân họ đoàn của NXB văn hóa dân tộc, Tranh Nguyễn Thụ, lời Đoàn bích ngọc), và cũng chẳng ai chú ý tới con số này như bây giờ.
   -Về chất lượng, nội dung khó có thể bàn vì số lượng quá lớn, chỉ xin nói về chất giấy và chất lượng bản in. Phần lớn giấy đen (giấy rơm), xấu, dễ rách, mủn, truyện chỉ được in đen trắng, do sự khó khăn về kinh tế của nước nhà trong thời kỳ này. Chất lượng khá nhất trong sự khó khăn chung là các bản in của NXB Kim Đồng, nhiều truyện của Kim Đồng được in trên giấy trắng, bìa dày và bền. Tuy chỉ được in trên giấy đen, nhưng các nhà xuất bản phía nam rất tích cực in truyện màu cho các cháu thiếu nhi, dù truyện chỉ được in 4 màu, mỗi trang một màu. Có một số bản truyện màu khá đẹp, nổi bật hơn cả, là những truyện về Bác Hồ, hay truyện được nước Nga in hộ (Tấm cám, Mỵ Châu trọng Thủy...). Bên cạnh đó anh cả Liên Xô, bạn "Vàng" Trung Quốc cũng tặng thiếu nhi nước ta nhiều bản truyện tranh rất đẹp cho đến tận ngày nay.
   P/S: Ảnh bìa một số truyện tranh thời kỳ này
Ảnh trong bài: truyện tranh "Những người báo thù không bao giờ chết" của Liên Xô

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

__Tướng Quân Họ Đoàn

P/S: Họa sĩ Nguyễn Thụ một thời vẽ rất nhiều truyện tranh, nhất là mảng truyện tranh về miền núi phía bắc. Truyện Tướng Quân Họ Đoàn được in với số lượng rất lớn: 150.000 bản.

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

___Tự phê

  Dạo này không biết blogspot.com có phạm húy hay đụng chạm gì với CQ không mà bị chặn tứ tung, lúc vào được lúc không, mấy phần trắc trở. Cộng thêm đầu óc giờ cũng có phần ù lì, não bộ lười nhác, tay chân ẻo lả... nay kéo chuột TỰ PHÊ 15 phút :)