Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Trường An loạn.

    Vì cớ gì mà thành Trường An loạn. Vì hạn hán, vì thời tiết khắc nghiệt, mất mùa, dân chết đói lên dẫn đến loạn. Cũng đúng, nhưng nghĩ lại thì không phải, vì trong quốc khố còn rất nhiều lương thực, năm ngoái cũng mất mùa như thế. Nhưng khi triều đình mở kho lương, dân chúng tranh cướp gạo phát chẩn, chết vô số kể, loạn sinh ra vào chính lúc ấy chứ không phải lúc đói kém nhất. Loạn vì giang hồ đao kiếm quá nhiều, sinh ra chém giết vô tội vạ. Cũng không đúng lắm, vì từ trước tới giờ, lúc nào giang hồ chẳng nhiều đao kiếm, chẳng chém giết lẫn nhau, không vì tranh giành ngôi minh chủ thì cũng tranh dành một mảnh da, miếng gỗ, một bảo kiếm hay một bí kíp khỉ gió nào đấy. Loạn vì có bạo loạn. Dân đói gần chết, ăn còn chả đủ, nghĩ gì đến chuyện bạo loạn. ‘Những người no đủ nhất lại là những người trong cung’.
    Mà loạn thì ta giúp được gì, câu trả lời là, không góp phần cho nó loạn thêm cũng là có ích lắm rồi. Mà suy cho cùng, ai cũng vậy thì làm gì có loạn. Nhưng nếu ai cũng vậy thì buồn chết, chẳng có gì để viết, chẳng có gì để kể. Ấy thế mà Trường an loạn lại viết về một kẻ đúng ra chẳng có gì để viết, chẳng có gì để kể, Thích nhiên, một thiền sư Thiếu Lâm. Kẻ này chẳng biết làm gì, và lúc nào cũng đặt ra câu hỏi, chẳng biết làm gì thì phải làm gì? Bởi đơn giản, con người ta sinh ra không phải để chỉ ngồi mà nhìn, mà trông, người ta phải có hoạt động gì đấy để tồn tại, để sống. Cuộc sống của bất cứ cá nhân nào cũng cần có hoạt động. Và xã hội dù có loạn đến đâu, có phi lý, vô nghĩa đến mức nào thì cuộc sống của cá nhân ấy vẫn có ý nghĩa, chỉ là họ nhất thời chưa nhận thấy thôi.