Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

__Đường đua

    Đường đời là một cuộc đua nhưng không có giải nhì cho người về thứ 2. Các chú công an trong phim toàn đến sau, CSGT thì ăn đạn còn cả tiểu đội Cơ động thì xơi nguyên cả đám bình ga, nghĩ cũng tội nghiệp...
    Phim việt nam thời kỳ “đổi mới” có đặc tính làm cho khán giả quên nhanh, thậm chí quên ngay khi phim còn chưa chiếu hết vì khán giả ngủ.Thành ra khi nhất thời điểm lại những phim Việt nào mình tững xem trên rạp thìchỉ nhớ được có “Mỹ nhân kế bưởi” và “Cánh đồng bất tận”, bom ký của điện ảnh Việt nam. Còn những “Lời nguyền huyết ngải”, “thiên mệnh anh hùng” hay phim nào đó nữa thì mãi sau mới nhớ. Phim việt cũng có một đặc điểm khác, thoại càng nhiều, nghĩa là để các nhân vật nói càng nhiều thì càng dở, đúng như lời các cụ, nói nhiều, hết khôn dồn dại. Một điểm nữa, những phim này không lôi được người xem vào câu chuyện nó kể, thành ra xem phim mà như xem kịch, một loại kịch xăng pha nhớt. Những phim việt hay thì tôi lại xem qua DVD lậu, ví như “Bi.Đừng sợ” thì mới không bị cắt. Một vài may mắn khác với “Để mai tính” “Những nụ hôn rực rỡ”… còn “Dòng máu anh hùng” thì nghe mấy giọng ngọng lơ lớ của anh em nhà Nguyễn thì cũng đã thấy ngan ngán rồi. Có người đồn trong Đường đua, các chú diễn viên nói ít và nói đúng chỗ (điều này mới nghe đã khoái), lại có không khí cine :), cái này thì phải xem mới biết.
    Rồi “Đườngđua” công chiếu trong vô vàn những bài trên báo mạng, bài điểm phim trên mạng xã hội. Hay dở của phim được xăm soi vô cùng chi tiết, chuyên môn sâu có, chuyên môn cạn có, tựu trung đều khen phim. Đến rạp trong tâm trạng phấn khích pha chút bâng khâng, không biết mình có chuốc lấy thất vọng nữa không.
    Đường vào đua ngay với âm nhạc tự nhiên, hiện đại. Những khuôn hình chuẩn mực dẫn dắt người xem chú ý ngay những giây phút đầu tiên, những mặc cảm u ám chẳng lành đến thật nhanh. Bi kịch của Lộc (Phạm anh khoa đóng) từ đâu ập đến, bất ngờ nhưng chẳng lạ vì nó vẫn luôn ở xung quanh, hàng ngày hàng giờ, ta đều đã nghe đâu đó, đã nhìn thấy một ai đó bên ngoài giống vậy. Câu chuyện dần kéo người xem vào một hành trình dài đầy bất trắc và lo lắng. Ta không có cảm giác đang xem phim nữa mà thay vào đó tasợ những nỗi sợ hãi của nhân vật chính ta lo cái lo của cha, em Lộc. Nỗi đắng cay trong phim như cơn lạnh thấm vào người xem. Nỗi sợ như nhân lên bởi đẩy Lộc vào con đường ghập ghềnh không lối thoát đó là những hoàn cảnh sống điển hình vẫn đang diễn ra hàng ngày xung quanh, trên đường phố, trên ti vi, trên báo đài và trong những câu chuyện phiếm ở bất cứ đâu. Trộm cắp, cướp giật, cảnh sát giao thông phạt vạ, nghèo đói, nợ nần, cờ bạc… Không có gì nhiều nhặn giúp đỡ Lộc trên con đường nguy hiểm và đắng cay đó ngoài đôi chân và bản năng sống mạnh mẽ của mình. Lực lượng chức năng nổi tiếng là các chú công an tài giỏi luôn chỉ đến sau khi mọi việc đã an bài. Lộc một thân một mình trước bão táp đường đời
    Và thương thay cho chính “Đườngđua” khi mà Mega Hải phòng với hàng đàn bom ngoại ép nó chiếu vào những giờ chết:9h15 sáng, 1h15 trưa và 5h20 chiều, toàn những giờ mà người xem "trưởng thành" phải “điểm danh” ở cơ quan và gia đình (phim cấm trẻ em dưới 16).

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

__Chỉ đọc thôi cũng thấy Phim hay rồi- "Nhà tù Shawshank"

    Một bài hay của Thịnh Joey trên VNEXPRESS . Dưới đây là trích đoạn:
    ...     "Từ khi còn nằm trên bàn giấy, những cái tên hút khách như Tom Cruise, Brad Pitt, Charlie Sheen hay Harrison Ford được gợi ý để tham gia The Shawshank Redemption, như một sự đảm bảo thành công phòng vé. Nhưng Darabont từ chối bởi ông không muốn những siêu sao điển trai ấy vào vai tù nhân mà cần những diễn viên ít tên tuổi, “bình dân” hơn để đem cho khán giả cảm giác như đang chứng kiến một nhà tù thực sự.
    Lựa chọn để Tim Robbins cùng Morgan Freeman đảm nhiệm hai vai chính của Darabont thực sự là những quyết định sáng suốt. Nhân vật Andy khiến người xem bị cuốn theo từ những khung hình đầu tiên với thắc mắc liệu anh có phải một người vô tội. Càng xem, khán giả càng thấy cảm phục người đàn ông này bởi dù có bị đánh đập tàn tệ, dù có nở nụ cười cay đắng khi bị đối xử bất công nhưng không lúc nào ánh mắt anh không sáng lên ngọn lửa hy vọng. Còn Morgan Freeman thì đơn giản là được sinh ra để dẫn dắt câu chuyện với chất giọng hào sảng, ấm áp mang đầy tính chiêm nghiệm cuộc đời của một người đàn ông từng trải.
    Không sử dụng kỹ xảo, các cảnh quay trong phim đều tạo cảm giác chân thực và hướng về ánh sáng, như một dụng ý của Darabont. Nhà tù Shawshank như một xã hội thu nhỏ, với đủ thành phần tốt xấu khác nhau, trong đó có những người hướng thiện như Andy hay Red, có kẻ quen dùng bạo lực để nói chuyện như cai ngục Hadley (Clancy Brown) và cả mưu mô xảo quyệt như giám đốc trại giam Norton (Bob Gunton) "
.     ...

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

__Quăng tiếp "Bom 2013"

    Bom tấn Mỹ nổ đi đùng bến ấy nhưng sang bên ta co khi chỉ nổ ngang pháo tép. Điều này là thực tế thường xảy ra, xưa có Inglourious Basterds vang dội khắp âu mĩ là thế, sang ta cứ gọi là xẹp như gián. Hay “Đường sơn đại địa chấn”, “Họa bì” oang oang bên Tàu qua bên ta, lí nha lí nhí, đến tội nghiệp.
    Mùa hè này nổ tưng bừng từ quê nhà sang tận Vina không ai khác chính là Pee Mak- "Tình người duyên ma", em này là hàng Thái xịn (nhưng ko chắc có phải chuyển giới ko). Mình vốn nhát ma, suy nghĩ mãi mới dám đi xem phim này, xuất giữa trưa mà khán giả ngồi kín rạp. Ngồi chưa ấm chỗ đã giật mình thon thót, sợ vãi x. Chưa kịp sợ tiếp thì cả rạp đã cười nghiêng ngả. Phim là một xâu chuỗi những tình tiết đầy sáng tạo, độc đáo ngay từ tạo hình ban đầu của các nhân vật, cổ quái đang yêu, các nhân vật nam chính trông như “Đào cốc lục tiên” bên cạnh một “thánh cô” Nak đẹp dung dị và rất ma mị. Hài của phim là hài tình huống kết hợp với hài hình thể, xen lẫn và bổ khuyết cho nhau tạo lên những tràng cười sảng khoái cho khán giả. Tiếng cười càng giá trị hơn khi vừa trước đó họ đã bị dọa cho gần chết, người ta sợ nhưng sau đó là cảm giác thích thú thư giãn.
    Về mặt nội dung, phim còn hài hước một cách thâm thúy khi nhiều lúc còn “trêu đùa” khán giả, làm họ không biết ai là người, ai là ma. Người và ma, ma và người lẫn lộn thực hư ,ai tốt hơn ai, ai xấu hơn ai, ai đáng sợ hơn ai.
    Bom nổ vừa vừa tiếp theo là “Phi vụ thế kỷ” (Now you see me) của anh chàng nói nhanh như máy Jesse Eisenberg. Phim cũng có tiết tấu nhanh chả kém, tuy nhiên những màn ảo thuật lại đầy ắp hiệu ứng CGI giả tạo (Computer-generated imagery). Cảm xúc của tôi rơi rụng khá nhiều bởi những hình ảnh và bố cục phi tự nhiên như vậy. Giữa một đàn các siêu anh hùng cháy nổ suốt mùa hè thì một phim như Now you see me cũng ít nhiều tạo lên sự khác biệt. Sự khác biệt trong một đặc tính chung của phim thương mại hè của Hollywood: không để cho khán giả nghỉ ngơi mà tận hưởng cái hay của phim, âu cũng là cái dở. Nếu để nhận xét một cách ngắn nhất về Now you see me:thì đây là một phim mang đầy đủ đặc điểm của phim quảng cáo, ngay cả tên phim cũng hao hao slogan của một dịch vụ hay sản phẩm thời trang nào đó
    P/S: Bom tầm trung thì tôi vừa quăng lên tuần trước rồi, “Gatsby Vĩ đại” .
“Đào cốc lục tiên” : sáu dị nhân cổ quái trong "Tiếu ngạo gianh hồ" bản của Trương Kỷ Trung.
Ảnh lấy trên báo Thể thao&Văn hóa, trong bài của Bá vũ.

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

__conversation 2

    Chuyện 1
    6 năm sau, trong nhà giam, trong ngoài song sắt, có 2 thằng bạn cũ:
- Ê, mày làm gì ở đây !!!
- Hả, sao mày ... ở đây ???
.....
- Hồi đó tao xem "Bụi đời chợ lớn" thấy chém giết kinh quá, nếu theo nghề ko chết cũng vào tù, lên bỏ, chạy chọt lo lót mãi mới vào được công an, giờ làm giám thị ở đây.
- Còn tao xem "Cảnh sát hình sự" thấy ăn cướp dễ quá, không bỏ được, giờ nằm đây.
    Chuyện 2
    Cụ nhà mình đã già, chân chậm, tai gần như không nghe thấy gì, nói gì cũng phải to, nói mấy lần mới rõ. Hôm nay, thấy cụ cứ lục đục trong toalet, vào lại thấy cụ đang xé giấy lau sàn cho khô.
mình nó to "cụ vào nhà đi, không phải làm thế".
Cụ lừ mắt bảo:
- Vào thì vào, làm gì quát tháo ầm ĩ thế. :(
Bỏ mẹ, thế mới chết, lâu nay mình cứ tưởng lúc nào cụ cũng nặng tai.

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

__Không chỉ là đại gia, Gatsby là vĩ đại


Bài viết có tiết lộ nội dung phim, nếu ai chưa xem phim, không nên đọc :)
    “Gatsby vĩ đại”-2013 được đạo diễn Baz Luhrmann chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của Scott Fizgerald. Lấy bối cảnh trong “thời kỳ jazz” nước Mỹ bắt đầu thịnh vượng chưa từng thấy, những năm 1920 do sự cất cánh của nền kinh tế. Chàng trai trẻ Nick Carraway từ bỏ giấc mơ làm nhà văn để đến với New York phù hoa, chàng theo đuổi một giấc mơ khác, giấc mộng phù hoa và giàu có, “giấc mơ Mỹ”. Ở đây anh gặp một người bạn lớn của đời mình, Gastby, một người đã chinh phục được giấc mơ Mỹ. Vẻ ngoài là vậy, nhưng càng thân thiết với Gastby, Nick đã vỡ ra nhiều điều về sự "phù hoa" và thế giới của người giàu. Đi sâu vào cuộc sống của Gastby, được "đại gia" kể về đời mình, cảm nhận được tình yêu của Gastby với Daisy, chứng kiến cái chết của Gastby, anh đã nhận ra những gì quý giá, những gì là phù phiếm, quan trọng hơn cả là anh biết Gastby, bạn của mình là một người vĩ đại.
    Từ lâu rồi :...“Gatsby là một biểu tượng lớn trong văn hóa đại chúng Mỹ. Gatsby đại diện cho một kiểu người từ tay trắng đi lên, có một quá khứ đen tối, một người tình bí ẩn; người trong cuộc đời đã chạm tới tột đỉnh vinh quang để rồi mất đi tất cả. Người ta nhìn thấy ở Gatsby một sự hiến sinh cho những phù phiếm lòe loẹt của cái gọi là “Giấc mơ Mỹ”. Nhưng đồng thời ở Gatsby cũng tồn tại một năng lực hy vọng kỳ lạ của kẻ không bao giờ biết bỏ cuộc, một tình yêu say đắm chân thành và cao thượng; một sự lãng mạn ngây thơ không hề bị vẩn đục. Chính những phẩm chất đó đã xây dựng nên một Gatsby phức tạp - một kẻ vừa là nạn nhân, vừa là trò hề, đồng thời cũng là một đấng anh hùng. Những thăng trầm trong cuộc đời Gatsby cũng là minh chứng rõ cho tính phù du, tạm bợ, đầy bất trắc của kiếp người.” (lời của Anh Trâm trên Vnexpress.net ) Gatsby cũng đại diện cho một người sống hết mình, cống hiến hết mình cho những gì anh ta theo đuổi, đây là một đặc thù của "tính cách Mỹ", nên cũng dễ hiểu vì sao, người Mỹ lại yêu Gatsby đến thế.
    Chuyển thể tác phẩm văn học này sang điện ảnh,ngay từ những cảnh đầu Baz Luhrmann cho người xem chóng mặt với những màn phi xe tốc độ liền sau đó là bữa đại tiệc truy hoan khổng lồ đầy tràn sâm-panh, đá quý, pháo hoa, âm nhạc, sự cuồng say cuốn khán giả vào trong đó, máy quay vút nhanh trên những đám bụi than khổng lồ xám xịt u ám, những người phu than lầm lũi, và lướt đến tận những công nhân xây dựng làm việc trên những giàn giáo cao ngất không kể ngày đêm. Tất cả diễn ra dưới cặp mắt khổng lồ mệt mỏi của bác sĩ Eckleburg ( cặp mắt từ tấm biển quảng cáo của một phòng khám nhãn khoa nào đó). Đây là một hình ảnh mang tính biểu tượng của nguyên tác văn học cũng như phiên bản điện ảnh. Nhịp độ của phim giảm dần sau đó, Gatsby xuất hiện, được miêu tả thận trọng qua diễn xuất đĩnh đạc của Leo Dicarpio, nhưng anh này tự ý thêm vào những tình tiết đầy hài hước và có phần phóng đại, tiêu biểu là đoạn gặp Daisy tại nhà của Carraway. Qua con mắt của Nick, con người, tính cách của Gatsby, của Daysy, Tom buchanan lần lượt được mô tả rất sát với tiểu thuyết, nhịp điệu chậm rãi này được giữ đến cuối phim giúp người xem có thời giờ thưởng thức âm nhạc, thưởng ngoạn những khung hình đẹp đẽ của hiệu ứng 3D. Lặp lại ko ít lần là cảnh Gastby đứng trên bến tàu ngập trong sương khói, hướng về phía bờ tây, đưa tay với lấy chùm sáng xanh biếc đầy mê hoặc tỏa ra từ phía đó, nơi tọa lạc tòa lâu đài của gia đình Daisy. Dường như sợ khán giả không hiểu những hình ảnh này, Baz Luhrmann giải thích trực tiếp bằng lời thoại hoặc trích dẫn nguyên văn từ cuốn tiểu thuyết. Bạn Minh phúc trên Phimchieurap.vn viết : “Hay một khía cạnh hình ảnh khác, có lẽ chúng ta nên nói về hình ảnh ẩn dụ. Ngọn hải đăng phát ra ánh sáng xanh lục, cái nơi mà mỗi tối Gatsby vẫn cố với tay tới; màu xanh lục tượng trưng cho trí tuệ và tiền tài, nó cũng tượng trưng cho những gì mà con người khao khát những sẽ không bao giờ đạt được, ánh sáng ấy luôn đủ sáng để chiếu qua lòng bàn tay của con người, nhưng làm sao có thể giữ được tia sáng ấy? Hay như hình ảnh đôi mắt vô hồn của một vị bác sĩ vô danh ẩn sâu đôi kính tròn được vẽ trên một tấm bảng lớn dựng ở khu mỏ, nó gần như là biểu tượng của bộ film. Đôi mắt ấy là Chúa, là người bảo hộ, nhưng đồng thời cũng là kẻ phán xét, là ác quỷ; nó nhìn được tất cả mọi thứ đang diễn ra, nhưng có ai nhìn ngược lại và biết nó đang nghĩ gì, mưu tính điều gì? Cái đôi mắt vô hồn ấy tượng trưng cho tấm áo choàng của những bí mật mà mỗi nhân vật trong câu chuyện tự phủ lên mình, để dẫu khi ánh sáng ban ngày có rọi vào, họ vẫn yên tâm mình không bị thiêu cháy.”
    Tên phim cũng như bản dịch sau này của Trịnh lữ“Đại gia Gatsby”. Nhưng Gatsby không chỉ là đại gia, Gatsby là vĩ đại. Vĩ đại bởi chính tình yêu, tình bạn của mình. Trở lên giàu có nhờ áp phe, đi đêm này nọ, nhưng Gatsby không là biến thành họ, mục đích của anh không là những tiền tài danh vọng, Gatsby có kế hoạch của mình, có thiên đường riêng và Daisy là bà hoàng trong thiên đường có thật đó. “Nhưng đồng thời ở Gatsby cũng tồn tại một năng lực hy vọng kỳ lạ của kẻ không bao giờ biết bỏ cuộc, một tình yêu say đắm chân thành và cao thượng; một sự lãng mạn ngây thơ không hề bị vẩn đục. Chính những phẩm chất đó đã xây dựng nên một Gatsby phức tạp - một kẻ vừa là nạn nhân, vừa là trò hề, đồng thời cũng là một đấng anh hùng.” Không phải vậy, Gatsby vượt trên những phù phiếm xa hoa tầm thường đó, Gastby biết và dùng chính tiền tài kiếm được để tạo ra những trò hề, những phô trương hoành tráng nhằm lấy lại tình yêu của Daisy. Lấy lại quá khứ của mình. Một giấc mơ của bất cứ ai. Trong giấc mơ sắp thành sự thật, Nick Carraway đã tạo ra cái kết đẹp đẽ cuối cùng cho giấc mơ của Gatsby, anh ra đi trong niềm hân hoan chào đón tiếng chuông điện thoại từ Daisy (mà thực ra là của Carraway). Anh ngã vào bể nước màu xanh trong mát, lơ lửng như ở thiên đàng. Một thiên đường chỉ mình anh với giấc mơ của mình trong đó, trọn vẹn, giấc mơ của anh trọn vẹn, nó không hề tan vỡ. Chỉ có trái tim và giấc mơ của Nick Carraway là tan vỡ, tan vỡ trước sự tàn nhẫn của người đời, và niềm tiếc thương Gastby vô hạn. Gastby, người giữ trọn tình yêu và niềm tin của mình qua năm tháng, qua thăng trầm và biến động, qua đổi thay và mất mát, người kiến tạo giấc mơ và giữ thiên đường cho chính mình trọn vẹn. Gatsby là vĩ đại. Hay tình yêu con người, tình yêu cuộc sống, niềm tin vào những gì tốt đẹp vĩ đại hơn tất cả những hiện sinh.
    P/S: Ở trên có tham khảo bài viết của bạn Anh trâm trên Vnexpress và bạn Minh Phúc trên Phimchieurap.vn