Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

__Ngót canh giờ "Giăng Lưới bắt chim"


    Bữa trước có tha về giăng lưới bắt chim mà chưa đọc, hôm nay, lại một chuyến về thủ đô, đi từ sáng sớm lên hành trang mang theo chỉ có Chiến tranh và hòa bình, Võ sĩ đạo, Giăng lưới và một gói xôi khúc. Chiến tranh thì ân oán còn dài, võ sĩ đạo thì nghe cũng có mùi binh đao, mình thì đang cúm, mà cũng chẳng phải thế, thấy cái bìa đẹp thì chọn đọc trước thôi. Sau chuyến đi, đọc chẳng thể hết được, nhưng nó là tiền đề để mình có thể đọc hết nhanh hơn, tiền đề đó là hơn 200 trang và một không gian chữ giống như "Chuyện tuổi 20", cái giọng điệu hơi tốt, hơi đểu, hơi trí thức, hơi nghiêm túc, hơi bụi bặm đó thật ra là cũng rất cuốn hút. Một tập tạp văn, tiểu luận, phê bình nói chung là tạp. Nguyễn Quang Lập gần đây sống khỏe bằng tạp văn, 2 tập mới nhất của ông rất đẹp, anh bảo vệ trung tuổi đi cùng mình, vừa đọc vừa cười rinh rích. Mình cũng cười nhưng không rinh rích, thực ra là cười mà buồn. Tản văn của NQL có thể đọc lâu được, đọc liền một mạch được, vui mà không mệt, có buồn nhưng nhà văn tiết chế được (có những mẩu chuyện rất xót xa), và sự tưng tửng của nhà văn đôi khi không thích hợp vì sự đối lập đó nó lộ liễu quá. Tạp văn của Nguyễn Huy Thiệp nhiều tính triết lý hơn, hay nói tới đạo, tới thiền, hay lôi ông tây này ông tàu nọ ra, may mà mình có nghe ít nhiều về mấy tay đó, không thì đọc cũng mệt và bị ngắt quãng lắm. Nhưng NHT viết thẳng, kể hay tuy rằng nhiều lúc thấy ngụy biện, thấy nước đôi, nhưng ông biết mình viết như thế và cũng đã rào trước đón sau, nhiều khi cũng nói đổng lên rằng "tôi như thế, tôi viết thế đấy" và tự ca ngợi ngầm bằng cách lôi mấy ông tây ra. Hẳn bạn đã nhận ra tập tạp văn này chứa nhiều cạm bẫy, tuy nhiên cạm bẫy lại thu hút người đọc, người ta sợ phim kinh dị nhưng người ta vẫn thích xem, thấy tai nạn thì ghê nhưng vòng trong vòng ngoài xúm đen xúm đỏ (không ít thằng hỏi tuổi, xem biển số về đanh đề). Bản tính con người ta là vậy, và dường như Nguyễn Huy Thiệp bắt được cái thóp của đại đa số đọc giả lên tựu trung lại những trang viết của Nguyễn Huy Thiệp có thể gọi là hay. Nhiều đoạn đọc thấy sướng ví như:
..." Phải thừa nhận rằng hầu như tất cả những ai làm công việc sáng tạo (viết văn, làm toán, xây dựng, làm chính trị...) đều chịu ơn thơ. Thơ giữ vai trò người mẹ lẩm cẩm, người mẹ lẫn lộn cho công việc sáng tạo. Nhưng "nước mắt chảy xuôi" - khi thành đạt, những kẻ thành danh đều ngượng nghịu khi phải thú nhận rằng mình để cho tình cảm chi phối mà ngâm ngợi..."
hay đoạn sau đây:
... "Trong việc thức tỉnh con người, văn chương buộc phải đụng chạm đến dục vọng. Lý do hết sức đơn giản: bạn đọc không phải ai cũng biết đạo, hiểu đạo, hành đạo. Chất thú, chất bản năng trong con người nhiều vô kể. Mỗi hiểm nguy của nhà văn là khi đối mặt với dục vọng, không khéo anh sẽ thất bại ngay từ "cú ra quân" đầu tiên. Phật Thích Ca là đàn ông, khi biết đạo của mình có các tín nữ tham gia, Ngài hiểu rằng nó sẽ mất đi 50% màu nhiệm, mất đi 50% thời gian tồn tại, kiểu như nếu tồn tại 6.000 năm thì thực tế chỉ còn 3000 năm thôi. Thật đúng là Phật. Ngài độ lương nhân từ lại vừa hào phóng. Có tín nữ tham gia mà đạo mất 50% màu nhiệm Ngài vẫn như không, mất 50% thời gian tồn tại mà Ngài vẫn chịu được "...
    Sự hành bút, đi từ của NHT quả là cao thủ. Phật giáo ra đời và lan rộng cách nay khoảng 3000 năm, ấy là các nhà nghiên cứu và khảo cổ bảo thế, còn đoạn văn trên trích từ bài Nhà văn và bốn trùm "mafia" viết cho tạp chí Sông Hương năm 1992. Sau bài này, Thiệp tuyên bó "rửa tay gác kiếm", không viết văn nữa mà chuyển sang kinh doanh nhà hàng (1992-1998). Mấy dòng chú thích này ở trang 71, mà sách thì dày những 350 trang. Nên tất nhiên là Thiệp vẫn viết văn, và khi tôi đọc đến trang thứ 203 thì thấy giọng điệu và cách viết vẫn phong độ không đổi... Xin lấy bốn câu thơ của nhà thơ Đồng Đức Bốn được Nguyễn Huy Thiệp rất tâm đắc phân tích trong tập sách này để kết thúc bài này của tôi.
    Đang trưa ăn mày vào chùa
    Sư ra cho một lá bùa rồi đi
    Lá bùa chẳng để làm gì
    Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.

    P/s: khi đọc bài thơ này, và nghe kiến giải của Nguyễn Huy Thiệp tự nhiên tôi liên tưởng đến tập tranh liên hoàn "chăn trâu".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét