Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

__Nghệ thuật ngày thường, chuyện cần phải nói


    Vừa đọc xong “Nghệ thuật ngày thường” của Phan Cẩm Thượng, ngoài phần viết về nghệ thuật rất cụ thể, chi tiết và khá dễ hiểu thì phần “Ngày thường” với nội dung chính về người nông dân, không gian ở của người nông dân, không gian văn hóa của làng quê Việt Nam. Phần này, chứ không phải phần nghệ thuật kia, mới là phần mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Những đoạn văn, câu chữ trong đó, tải nhiều trăn trở, luyến tiếc, u buồn và đôi khi là cả sự bất lực và tức giận của nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, lúc này, trên những trang viết này, anh giống nhà văn hơn. Một nhà văn giỏi, anh truyền được cảm xúc buồn bực đó cho người đọc, cho tôi. Vì chính tôi cũng đã từng sống trong những làng quê mà anh miêu ta, tuy không được đẹp và hoàn chỉnh như vậy, nhưng chứng kiến sự thay đổi và mất mát của nó theo thời gian tới bây giờ thì quả thực vô cùng luyến tiếc. Môi trường sống lành mạnh, môi sinh sạch sẽ thoáng đãng, tình làng nghĩa xóm khi mất đi, bao giờ có lại được sẽ là câu hỏi day dứt, không dễ trả lời. Lại vừa đọc một bài viết của anh Nguyễn Quân, về những yếu huyệt của công chúng yêu nghệ thuật hội họa ở nước ta, anh phân tích những yếu huyệt này, nguyên nhân sinh ra chúng, rất đúng rất xác đáng. Trong đó anh có nói một ý về Phan Cẩm Thượng, về Nguyễn Quân, về những bài phê bình của họ, chính họ là một trong những người đã tạo ra yếu huyệt đó của công chúng. Những bài phê bình của họ, vô hình chung đã tạo là một sự định hướng trong gu thẩm mỹ, trong cách đọc tranh của những người yêu hội họa, yêu mĩ thuật ở nước ta. Đọc tới đây, tôi rất hoang mang và cũng đặt câu hỏi “thế chúng ta làm gì bây giờ” .
    Tôi chợt nghĩ tới SUỐI NGUỒN, theo như anh Nguyễn Hưng thì Phan Cẩm Thượng và Nguyễn Quân thực ra là một dạng Elswood Toohey, một kẻ đạo đức giả, dưới chức danh –nhà phê bình- dùng uy tín, tài năng ngôn ngữ của mình để định hướng dư luận, định hướng nhận xét của mọi người đối với một tác phẩm nghệ thuật (điêu khắc, kịch, kiến trúc…) theo ý mà ông ta muốn. Quả thực, không thể bác bỏ được ý kiến của anh Nguyễn Hưng, vì việc phê bình, ít nhiều cũng tác động đến người thưởng ngoạn tác phẩm. Phê bình càng hay, càng chính xác, người thưởng thức càng thích tác phẩm đó và càng khâm phục và tin tưởng nhà phê bình. Sự tin tưởng sẽ dẫn họ theo một định kiến sai lầm nếu người phê bình ranh ma lợi dụng sự tin tưởng này.
    Không phải kiêu căng tự phụ, nhưng tôi tin là trong thời buổi giao lưu thuận tiện, đầy ắp thông tin như thế này thì việc tuyên truyền định hướng tư tưởng cảm nhận của người hưởng thụ là rất khó, nếu không nói là không thể. Và không thể chỉ qua một vài cuốn sách, một vài bài báo mà công chúng có thể hiểu, cảm nhận được ngay vẻ đẹp hoặc đồng cảm với tác phẩm được- đặc biệt là những tác phẩm biểu hiện, siêu thực, trừu tượng, hiện đại, hậu hiện đại ... Tôi không tin công chúng lại tầm thường như thế. Vì vậy, mục đích của các nhà phê bình, cụ thể ở đây là Phan Cẩm Thượng, khi viết lên các bài báo, bài phê bình, có lẽ cũng giống như tôi, người đọc, công chúng, tìm đến các tác tuyển tập phê bình của anh cũng như của các nhà phê bình khác,chỉ là tìm kiếm sự đồng cảm, sự giao thoa trong cảm xúc của mình khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật mà thôi.
P/S: Một tác phẩm của JackSon Pollock trong bài viết (note facebook) của anh Nguyễn Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét