Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

___Bài phát biểu của giáo sư Hoàng Tuỵ

   -Từ trước tới nay, quan điểm khi viết bài lên đây là thật ngắn gọn, xúc tích, càng ngắn càng tốt, vì người lướt web thường rất lười đọc, dài quá mấy chục dòng là ngại. Cũng vì lẽ đó mà tôi hay vẽ tranh thay cho chữ, đưa hình minh hoạ vào bài viết để nó có cảm giác ngắn đi, bớt sự e ngại vào chữ và chữ. Tuy nhiên, đáng buồn cho chính tôi là càng viết thì diễn đạt càng kém và vì thế theo thời gian, bài vở ngày càng dài :(
   - Và đây là một lý do khác rất quan trong cho việc tôi sẽ trích dẫn một bài rất dài sau đây. Đó là vì tôi đã nhiều lần đả kích, mỉa mai ngành giáo dục, cũng chỉ nhằm một mục đích muốn nó tốt hơn và giải toả phần nào tâm lý u ám của tôi khi nghĩ về nó, về môi trường mà con em tôi rồi cũng phải trải qua.


- Và đây là một bài phát biểu mà tôi rất quan tâm của Giáo sư Hoàng Tuỵ trong lễ trao giải thưởng Văn hoá Phan Châu Trinh, 2010, ngày 24-3-2010 tại thành phố Hồ Chí Minh.
          Thật là vinh dự lớn cho một người làm khoa học bình thường như tôi được nhận giải thưởng văn hoá Phan Châu Trinh cao quý. Vinh dự lớn trước hết vì giải thưởng gắn liền với tên tuổi một nhà ái quốc vĩ đại của dân tộc, một sĩ phu thuộc lớp cựu học nhưng đã thoát ra khỏi những quan niệm giáo dục phong kiến cổ hủ đương thời, khởi xướng đường lối canh tân văn hoá, giáo dục để cứu nước: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Vinh dự lớn còn là không phải giải thưởng hay huân chương trong hệ thống hành chính Nhà Nước mà là giải thưởng được trao cho bởi một tổ chức xã hội dân sự, với ý nghĩa cao quý thúc đẩy sự nghiệp văn hoá giáo dục của nước nhà theo tinh thần khai sáng của nhà ái quốc vĩ đại.
          Làm khoa học ở một đất nước nghèo khó tôi vốn có duyên nợ nhiều với giáo dục. Xuất thân là một thầy giáo trung học rồi dần dần tự mày mò học tập, nâng cao trình độ mà trưởng thành trong nghề và trở thành một nhà khoa học. Bắt đầu dạy học ở tuôi 20, đến nay đã ngoài 80, suốt hơn 60 năm đó tôi chưa lúc nào xa rời nghề dạy học, tuy học trò của tôi thì tuổi tác, tính chất, trình độ và cả quốc tịch cũng ngày càng đa dạng. Được may mắn (chứ không phải rủi ro) học phổ thông ở nhà trường thời thực dân (nhưng không phải nhà trường thực dân), ra đời cũng được đi đây đi đó học, dạy, làm việc trong những môi trường đại học khoáng đạt hiện đại từ Tây sang Đông trên thế giới nên tôi thường có dịp suy ngẫm về nghề nghiệp của mình. Suy ngẫm từ vị trí công dân một nước nghèo, lạc hậu, khát khao mau chóng đuổi kịp một nhân loại đang rộn rịp chuyển lên nền văn minh trí tuệ đầy thách thức. Điều đó tự nhiên dẫn đến mối quan tâm trăn trở gần như thường trực đối với nền giáo dục của nước nhà. Mà cũng từ đó được mở rộng tầm mắt, có cách nhìn hệ thống đối với nhiều vấn đề giáo dục, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước. Hồi còn anh Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng Đại học tôi đã có nhiều dịp nghiên cứu và trình bày về tư duy hệ thống trong các xêmina giáo dục do anh ấy chủ trì. Những tư tưởng, quan niệm của tôi về giáo dục, văn hoá, kinh tế xã hội ngay từ những ngày ấy phần lớn đều xuất phát từ cách nhìn hệ thống đó cho nên ít nhiều cũng có tính hệ thống nhất quán, nếu có lúc cần thay đổi thì cũng do logic sự vật chứ không tuỳ hứng, tuỳ tiện, tuỳ thời.


          Một thế kỷ nay, chưa bao giờ vai trò then chốt của giáo dục trong sự phát triển của dân tộc ta nổi rõ như lúc này. Chỉ trong vòng một thế hệ mà những bước tiến khổng lồ của khoa học và công nghệ đã mang đến cho cuộc sống trên hành tinh những đổi thay sâu sắc hơn cả hàng trăm năm. Trong bối cảnh ấy giáo dục càng quan trọng thiết yếu hơn bao giờ hết cho bất cứ xã hội nào, kể cả những xã hội tân tiến nhất.
            Việt Nam không là một ngoại lệ. Nên dù trước mắt kinh tế có khó khăn bức bách bao nhiêu cũng không cho phép chúng ta một phút được lơ là các vấn đề giáo dục. Chừng nào giáo dục còn yếu kém tụt hậu như hiện nay thì dẫu có tăng trưởng kinh tế giữ được tốc độ 7-8%, thậm chí 10% năm chăng nữa đất nước cũng vẫn mãi mãi lẹt đẹt sau thiên hạ. Muốn tăng trưởng kinh tế bền vững, muốn chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu mà để giáo dục yếu kém thì chỉ là nói suông. Ông Lý Quang Diệu từng khuyên chúng ta: thắng trong giáo dục thì mới thắng trong kinh tế. Gần đây ông đại sứ Hoa Kỳ sau nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam cũng nhận xét thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là giáo dục. Không phải họ hù doạ chúng ta, cũng chẳng phải họ cung cấp cho chúng ta thông tin gì mới mẻ tân kỳ. Họ chỉ nói cho ta biết một điều mà từ nhiều năm rồi ngay chuyên gia trong nước đã có không ít lời cảnh báo tương tự. Chẳng qua Bụt nhà không thiêng thì mới cầu tới Bụt ngoại.
          Cho nên dù nhiều người đã nói nhiều lần rồi, tôi cũng xin nhắc lại lần nữa: chỗ nghẽn lớn nhất trong phát triển hiện nay của xã hội ta là giáo dục. Giáo dục và giáo dục, không có gì quan trọng hơn. Và vì vậy cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện và triệt để là mệnh lệnh cuộc sống. Càng chần chừ, càng trì hoãn càng trả giá đắt, và không loại trừ đến một lúc nào đó sẽ là quá trễ như đã từng xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.
          Đó là nội dung thiết yếu hai bản kiến nghị mà một nhóm trí thức quan tâm tới vận mệnh đất nước đã gửi Trung ương đảng, Quốc hội và Chính phủ năm 2004 và năm 2009 (bản kiến nghị 2004 đã được phổ biến rộng rãi, còn bản kiến nghị 2009 chưa được nhiều người biết do bị hạn chế phổ biến).
          Như chúng ta còn nhớ, cách đây 15 năm từng có nghị quyết lịch sử của Hội nghị TƯ II, khoá 8, xem phát triển giáo dục, khoa học là quốc sách hàng đầu. Nhưng mười năm sau đó, Thủ tướng chính phủ đã phải thẳng thắn thừa nhận chúng ta chưa thành công trong hai lĩnh vực nêu trên. Cho nên các nghị quyết đại hội X và ba hội nghị TƯ sau đó đều nhắc lại nhiệm vụ khẩn thiết cải cách giáo dục để ra khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài mấy thập kỷ. Đặc biệt sau những lời hứa hoa mỹ của ông tân Bộ trưởng GD & ĐT năm 2006, nhiều người trong đó có tôi đã đặt niềm tin ngây thơ vào triển vọng công cuộc chấn hưng giáo dục có thể bắt đầu chuyển động. Tiếc thay, hy vọng chưa kịp nhen nhóm thì thất vọng đã mau chóng đến, lần này lo lắng nhiều hơn vì chưa bao giờ giáo dục chạy theo thành tích dễ dãi được quảng cáo ầm ĩ thiếu trung thực lại ngốn nhiều công sức, tiền của mà hiệu quả thấp như 5 năm qua.

          May thay, sự kiện Ngô Bảo Châu đã tạo một cú hích, it nhất về nhận thức. Sau một thời gian ngắn được ngộ nhận là thành tich đặc biệt của giáo dục, sự kiện này cuối cùng đã cho thấy rõ quá nhiều vấn đề cần suy nghĩ lại nghiêm túc và tỉnh táo hơn về nhà trường của chúng ta. Đáng mừng là lần đầu tiên sau nhiều năm chờ đợi, người dân đã được nghe Thủ Tướng long trọng tuyên bố cần một cuộc cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện, triệt để, để chấn hưng đất nước. Với niềm hân hoan như đã lâu chưa hề có, tôi đã lắng nghe bài diễn văn buổi tối đó của Thủ tướng, y như người đang khát giữa trưa hè nóng bức mà được uống bát nước chè tươi.
          Sau tuyên bố của Thủ tướng, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng đã lên tiếng đầy sức thuyết phục kêu gọi thực hiện cải cách giáo dục để tiến lên một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân và yêu cầu cấp thiết chấn hưng đất nước. Nhiều bậc thức giả khác đã hưởng ứng lời kêu gọi đó. Ai nấy đều tin rằng đã đến lúc cần kết thúc giai đoạn đổi mới vụn vặt, chuyển sang cải cách mạnh mẽ thì giáo dục mới có thể ra khỏi bế tắc, trì trệ. Trong một buổi làm việc hơn hai giờ vào khoảng giữa tháng 11, tôi cũng đã cố gắng thuyết phục Bộ trưởng GD & ĐT Phạm Vũ Luận hãy nhân cơ hội này nhận nhiệm vụ lịch sử khởi động công cuộc cải cách giáo dục đã được đề ra trong các nghị quyết lớn của TƯ. Trước hết hãy có một cách tiếp cận mới đối với một số vấn đề nhức nhối nhất hiện nay như thi cử, tổ chức trung học phổ thông và dạy nghề, tuyển chọn GS, PGS, xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế, v.v.
          Tuy nhiên cho đến giờ phút này, nghĩa là gần nửa năm trời sau tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng, tình hình vẫn im ắng. Một chủ trương đúng đắn có ý nghĩa then chốt chiến lược đến như vậy, lại đã long trọng hứa hẹn với dân nhiều lần, mà đấu tranh thực hiện cũng gian khổ chẳng khác gì việc đòi giảm sưu cao thuế nặng thời thực dân phong kiến hay sao ? Tôi thật sự lo lắng khi thấy bất chấp mọi lời khuyên, cỗ máy giáo dục già nua cổ lỗ vẫn tiếp tục vận hành ì ạch mà chưa thấy tín hiệu gì sẽ có thay đổi. Đến hẹn lại lên, cả nước lại chuẩn bị lao vào địa ngục thi cử với biết bao tốn kém, lo âu, để rồi như mọi năm hàng chục vạn học sinh sau 12 năm đèn sách bị ném bơ vơ ra đời, không nghề nghiệp mà cũng chẳng có nơi nào học tiếp, cùng với hàng vạn sinh viên sau 3,4 năm đại học vẫn bỡ ngỡ ngay cả với những việc làm rất thông thường mà ở các nước khác chỉ đòi hỏi một học vấn trung cấp. Tại sao thanh thiếu niên ta phải chịu thiệt thòi lớn như vậy ? Tại sao đã 36 năm ròng rã từ ngày thống nhất đất nước mà giáo dục đến nông nỗi này ?

          Hiển nhiên có nhiều nguyên nhân nhưng điều dễ thấy nhất là một đất nước mà người dân tin rằng “cái gì tiền không làm được thì nhiều tiền sẽ làm được” – một đất nước như thế thì giáo dục tụt hậu là tất yếu. Suy cho cùng sự nghiệp chấn hưng giáo dục tuỳ thuộc quyết định vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Chừng nào tham nhũng còn nặng thì dối trá, lừa đảo còn phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm, làm sao giáo dục có thể trung thực, lành mạnh được, nói chi đến hiện đại. Chống tiêu cực trong thi cử, chống bệnh thành tích ư ? Thì đó, năm đầu làm nghiêm thì hàng loạt thí sinh trượt, năm sau bắt đầu dễ dãi thì tỉ lệ thi đỗ tăng, năm sau nới rộng nữa thì đạt tỉ lệ thi đỗ cao ngất ngưởng như ban đầu, thế là chứng minh chất lượng giáo dục đã đựơc nâng cao, giáo dục đã đạt siêu thành tích. Còn mua bằng, bán điểm, chạy trường, chạy dự án, chạy chức, thứ gì cũng chạy được, chạy bằng chân, bằng đầu, bằng vốn tự có, hay gì gì đó thì đố ai biết qui mô đến đâu. Có điều chắc chắn là những chuyện tiêu cực trong giáo dục và kèm theo đó, bạo lực học đường chưa hề giảm mà có phần phát triển bạo liệt tinh vi hơn, có nguy cở trở thành một nét văn hoá tiêu biểu của xã hội ta hiện nay.
          Giáo dục là một hệ thống phức tạp, theo nghĩa khoa học của từ này, cần phải được tiếp cận và vận hành như một hệ thống phức tạp mới có hy vọng tránh khỏi sai lầm, thất bại. Lãnh đạo, quản lý giáo dục mà thiếu tư duy hệ thống, thiếu môt tầm nhìn chiến lược bao quát thì chỉ có sa vào sự vụ, nay thế này mai thế khác, “đổi mới” nhưng vụn vặt, chắp vá, không nhất quán, rốt cục tiêu tốn nhiều công sức tiền của mà kết quả chỉ làm rối thêm một hệ thống vốn đã què quặt, thiếu sinh khí, thường xuyên trục trặc. Trong một thế giới biến chuyển cực kỳ mau lẹ, chỉ chậm một vài năm đã có thể gây thiệt hại đáng kể, huống chi mấy thập kỷ liền hầu như giẫm chân tại chỗ và loay hoay với những vấn nạn nhức nhối kéo dài hết năm nầy qua năm khác.
          Không đâu cần bốn chữ cần kiệm liêm chính hơn lĩnh vực giáo dục. Cũng không đâu cần tư duy phê phán, cần tự do, sáng tạo hơn ở đây. Một nền học đã thiếu vắng các đạo đức và đức tính cơ bản ấy tất nhiên sớm muộn cũng biến chất và lâm vào bế tắc. Khi ấy những điều chỉnh cục bộ theo kiểu đổi mới từng việc vụn vặt như vừa qua không những không có tác dụng mà còn làm kéo dài thêm tình trạng trì trệ. Lúc này, lối ra duy nhất cho giáo dục là cải tạo cấu trúc, xây dựng lại từ gốc, thay đổi cả thiết kế hệ thống. Chỉ có như thế mới mong cứu giáo dục thoát ra khỏi khủng hoảng triền miên.
          Không đi sâu vào những việc quản lý cụ thể, tôi chỉ xin nêu một số vấn đề ở tầm chiến lược về chất lượng giáo dục. Dù bảo thủ đến đâu, dù thoát ly thực tế cuộc sống đến đâu, ai cũng phải công nhận chất lượng giáo dục của ta quá thấp. Thấp như thế nào và làm gì để nâng cao chất lượng thì lại có nhiều cách nhìn thiển cận, phiến diện, sa vào chi tiết vụn vặt không thực chất.
      Thứ nhất là chuyện học và thi. Năm nào bàn chuyện này cũng có nhiều đề xuất cải tiến nhưng càng bàn càng rối mà chưa thấy hướng ra đúng đắn. Học thì cứ miêt mài nhồi nhét nhiều thứ vô bổ, nhưng lại bỏ qua nhiều điều cần thiết trong đời sống hiện đại. Thi thì mãi vẫn một kiểu thi cổ lỗ, biến thành khổ dịch cho học sinh nhưng là cơ hội kinh doanh, làm tiền cho một số người. Không phải học mà thi mới là chính, học chỉ để đi thi, để có bằng, thậm chí không học mà có bằng thì càng tốt. Đặc biệt thi tốt nghiệp nặng nề như chưa hề thấy đâu trên thế giới văn minh. Tuy đã có không ít hội nghị bàn thảo về cải tiến phương pháp giảng dạy, cho đến nay chủ yếu vẫn chỉ là dạy trên lớp, thầy đọc, trò ghi và bám sát sách giáo khoa. Trong khi đó, với cách nhìn toàn cục có thể thấy rõ cốt lõi của chuyện học và thi ở chỗ khác. Đã sang thế kỷ 21 nhưng giáo dục của ta vẫn giữ nhiều quan niệm cổ hủ như thời phong kiến nho giáo hay thời trung cổ ở châu Âu, nặng tính giáo điều kinh kệ, vì nhằm mục tiêu thiển cận biến con người thành một phương tiện sử dụng vào các mục đích tôn giáo hay chính trị, hơn là hoàn thiện con người như một chủ thể tự do. Phương Tây đã có thể nhanh chóng bước lên giai đoạn phát triển văn minh công nghiệp hiện đại trong khi phương Đông còn ngủ dài trong văn minh nông nghiệp chính là nhờ họ đã sớm thế tục hoá giáo dục. Thiết nghĩ một giải pháp tương tự cũng cần nghiên cứu cho nhà trường Việt Nam để bước vào kinh tế tri thức thời nay.
      Thứ hai là chuyện đào tạo theo nhu cầu xã hội. Các doanh nghiệp thường phàn nàn gặp nhiều khó khăn khi tuyển nhân lực cần thiết vì trình độ, năng lực thực tế của sinh viên do các trường đào tạo ra quá thấp so với yêu cầu của họ. Trong khi đó, hàng năm có hàng chục vạn học sinh, sinh viên ra trường không tìm được việc làm thích hợp. Mặc cho khẩu hiệu “nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”, và một số biện pháp đổi mới quản lý giáo dục, chất lượng đào tạo vẫn giẫm chân tại chỗ từ hàng chục năm nay. Quá nhiều trường đào tạo về kinh tế, tài chính, kế toán, ngân hàng, v.v. nhưng rất ít trường về công nghệ, kỹ thuật, khoa học. Quá nhiều đại học, cao đẳng kém chất lượng, nhưng rất it trung cấp kỹ thuật. Cơ cấu đào tạo khiến trong nước rất thiếu công nhân lành nghề, rất thiếu cán bộ kỹ thuật trung cấp giỏi, nhưng thừa kỹ sư, cán bộ quản lý tồi. Không lạ gì có nhà đầu tư nước ngoài từng nhận xét: chúng ta nói nhiều về công nghiệp hoá nhưng ngay một chiếc đinh vít cũng chưa có nơi nào trong cả nước làm được đúng chuẩn quốc tế. Công nghiệp phụ trợ không phát triển nổi, muốn làm ra sản phẩm công nghệ gì tinh vi đôi chút cũng phải nhập phần lớn linh kiện, bộ phận và các sản phẩm trung gian. Rốt cuộc chỉ lắp ráp là chính thì bao giờ mới xây dựng được công nghiệp hiện đại. Sự thể nghiêm trọng đến mức chuyên gia Nhật đã khuyến cáo: vận mệnh ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam không chỉ ảnh hưởng đến tương lai phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến địa vị chính trị của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Mà với cơ cấu đào tạo nhân lực như hệ thống giáo dục hiện nay thì không cách nào phát triển công nghiệp phụ trợ. Cho nên có nhìn rộng ra cả nền kinh tế mới thấy vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội không chỉ là cải tiến khâu đào tạo ở cấp đại học hay cao đẳng mà phải cải tổ cơ cấu hệ thống giáo dục, theo hướng như đã trình bày trong bản kiến nghị 2009: sau trung học cơ sở phần lớn học sinh sẽ vào trung học nghề, trung học kỹ thuật, chỉ một tỉ lệ nhỏ vào trung học phổ thông. Bản thân trung học phổ thông cũng cần được cải tổ theo hướng không phân ban cứng nhắc mà có nhiều lựa chọn cho học sinh phát triển năng khiếu sở thích, nhờ đó nâng cao chất lượng đầu vào đại học, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đại học . Như vậy sau 12 năm học, học sinh nếu ra đời thì đã có nghề, còn số có thể tiếp tục học sẽ không bị nhiều rào cản do cánh cửa chật hẹp của đại học hiện nay.
      Thứ ba là xây dựng đại học. Vị trí và tính chất của giáo dục đại học trong sự phát triển của các quốc gia ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với chỉ cách đây vài thập kỷ. Nói giáo dục là thách thức lớn nhất cho đất nước hiện nay thì trước hết đó là giáo dục đại học. Trong một thế giới toàn cầu hóa, xây dựng đại học tất nhiên phải hướng tới và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong mọi lĩnh vực. Trong khi đó, từ việc đào tạo tiến sĩ, việc tuyển chọn giáo sư, đánh giá các công trình khoa học, các nhà khoa học, các trường đại học, đến nay chúng ta vẫn giữ nhiều tiêu chuẩn riêng chẳng giống ai. Mặc dù đã trải qua mấy chục năm trời xây dựng, đại học của ta vẫn còn ngổn ngang rất nhiều vấn đề đòi hỏi không chỉ phải đổi mới mà phải thay đổi tận gốc, từ chiến lược phát triển cho đến cách thực hiện chiến lược. Trong đó việc xây dựng các đại học tiến lên đẳng cấp quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng, trước hết là về quan niệm. Nếu không kịp thời khắc phục thì căn bệnh thành tích phô trương cộng với tính vô trách nhiệm ở đây sẽ gây lãng phí lớn, làm chậm lại thay vì thúc đẩy quá trình tiến lên hiện đại theo tinh thần khai sáng.
      Thứ tư và cuối cùng nhưng then chốt nhất là chính sách đối với đội ngũ giáo chức. Không có khâu quản lý nào thể hiện rõ hơn quyết tâm chấn hưng giáo dục bằng chính sách đối với thầy giáo. Thế nhưng hiếm có nơi nào trên thế giới và cũng hiếm có thời nào trên đất nước ta người thầy mặc dù bị đối xử bất công vẫn tận tuỵ gắn bó với nghề như trong mấy chục năm nay. Khi nói điều này không phải tôi không biết những gương xấu trong ngành, những con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng tôi nghĩ số đó vẫn là số ít, số ít đáng ngạc nhiên nếu đặt trong hoàn cảnh xã hội và điều kiện làm việc cực kỳ khó khăn của tất cả thầy giáo của ta. Tôi tin rằng với những hoàn cảnh như thế ở các nước khác tình hình giáo dục phải bi đát hơn nhiều. Với chính sách đối với thầy giáo như của hiện nay, giáo dục còn được như thế này đó thật sự là kỳ công.

      Song cái gì cũng có giới hạn, kể cả lòng tự trọng, thiện chí và … lương tâm. Cứ thế này e sẽ đến lúc lương tâm cũng chai lì, chẳng còn ai biết xấu hổ, để cho cái lá nho cuối cùng cũng không giữ nổi thì sẽ mất hết, chẳng còn gì để bàn về giáo dục, văn hoá, khoa học nữa. Tôi cũng hiểu và thông cảm với những khó khăn thực tế liên quan đến tham nhũng. Song có thể nói không quá đáng, kinh nghiệm hơn ba mươi năm qua đã cho thấy hầu hết mọi căn bệnh tàn phá giáo dục đều có nguồn gốc ít nhiều ở cái chính sách bỏ mặc rồi khuyến khich thầy giáo tự bươn chải để kiếm sống mà làm nghề, trong một môi trường đòi hỏi họ phải toàn tâm toàn ý mới làm tốt được nhiệm vụ. Vậy nên giải quyết cái u này là điều kiện tiên quyết mở đường cho giáo dục (và khoa học) thật sự trở thành quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên cũng phải cắt u một cách an toàn vì nếu làm không minh bạch đường hoàng như hiện nay thì chỉ gây thêm hỗn loạn, cũng rất nguy hiểm.
      Để kết thúc, xin bày tỏ niềm tin cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện, triệt để là giải pháp cứu nguy cho giáo dục, cũng là cứu nguy cho phẩm chất Việt Nam khi còn chưa quá trễ.
      Và một lần nữa xin trân trọng cám ơn Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh
                      HOÀNG TỤY
------------
Nguồn:
-bài lấy từ blog Trương Duy Nhất

-ảnh: từ internet

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

__Di yêu phụ nữ


    Chờ đợi mãi rồi tôi cũng được xem "bom tấn" phim việt Bi,đừng sợ. Tôi có thể nói ngay, không rào đón, không phân tích rồi đưa ra kết luận, kết luận ở ngay tiêu đề của entry này. Những người phụ nữ của Di thật đẹp, đẹp như tất cả chúng ta được dạy, đẹp như cô Kiều, trong ca dao trong tục ngữ, như những đóa hoa sen, dịu dàng, đằm thắm những cũng mạnh mẽ và căng sức sống. Có lẽ Di dành tình yêu nhiều nhất cho chị vợ, chị thật đẹp, và không có lí do gì Di không cho chúng ta thấy chị đẹp nhường nào, từ tâm hồn đến thể xác. Một người sống hết mình vì gia đình theo đúng nghĩa của từ đó. Chăm sóc con, chồng, và gia đình, và cả làm đẹp bản thân. Có lẽ vì yêu chị quá lên anh đã cho chị Nude rất đẹp, rất rất "hót" rất Việt Nam, chị làm mát bộ phim ngột ngạt và nóng nực ấy. Chính chị làm mát bộ phim, làm mát người xem chứ không phải nhà máy đá và đá và cơn mưa và nước mưa.
    Màu phim là một tông xám xịt, pha lẫn xanh đen, nhưng nó thật mịn màng và tạo ra một chiều sâu đáng kể. Chiều sâu đó như sâu hơi với cái ngõ hẻm dài hun hút nhưng không bịt kín, ánh sáng ở cuối đường hầm, luôn có hy vọng dù chỉ là những bóng đèn vàng vọt, nó cho ta hy vọng vào tương lai, vào cái đằng sau ánh sáng vàng vọt đó.
    Nhạc phim không gây nhiều ấn tượng lắm, và rất khó tìm thấy nó trong phim, bởi đơn giản, các hình ảnh trong phim đơn giản là không cần âm nhạc đưa đẩy, nó quá chân thực, sống động và giàu có, nó không cần thêm gì ngoài chính nó. Nó hàm chứa âm thanh của cuộc sống và có thứ âm nhạc nào hay hơn âm thanh của cuộc sống. Và cũng thấy cả trong đó tình yêu của Di dành cho Hà Nội, một phố nhậu Phùng Hưng, một đoàn tàu chạy dưới ánh đèn nhưng lại trên cao giữa những tán cây, nó không phải là quá mơ mộng sao. Nó làm tôi nhớ Hà Nội đến cồn cào, tôi nhỡ những đêm lang thang trên những con phố của cái thành phố ồn ào và bụi bặm đó. Không có giọng người Hà Nội nhưng tôi lại gặp rất nhiều người người Hà Nội, và vẫn chính là chị Vợ, là cô Em gái và bà vú già, tôi nhớ ngày lễ bánh trôi bánh chay và tôi thích cái làn đỏ tươi của chị. Tôi nhớ những cánh cửa sổ xe buýt và tôi nhớ những phố phường qua khung của ấy, muốn chiêm ngưỡng cảm giác này, tất nhiên bạn phải đi xe buýt vào những giờ rất vắng, và chỉ có vật bạn mới có cơ hội nhìn diện mạo thành phố đó thật kỹ càng mà không bị muôn vàn tạp âm nào pha tra trộn, còn nếu vào giờ cao điểm thì nó chỉ là mùi mồ hôi mà thôi.
    Một cô gái tỉnh lẻ làm nghề thấp kém, gội đầu, cái nghề mà luôn phải đụng chạm với đàn ông, cô là một cô gái đẹp, và chúng ta đừng lầm tưởng về cô, cô không phải là thứ để cho người ta đùa giỡn và có lẽ, chính là cô chứ không phải cái chết của người cha thiếu trách nhiệm, nhưng lại là một cầu nối của cái gia đình mỏng manh đó, là người đã đưa người chồng trở lại với gia đình mình. Cô làm anh ta thấy lại những gì mình có và nó mới thật quý giá làm sao. Một cậu bé thông minh, một người vợ hiền dịu và một mái nhà, một nơi trú ngụ an toàn.
    Và vẫn còn đó cầu Long Biên với những bãi giữa đầy bí ẩn,một màu xanh huyền hoặc đó, nó là khu rừng đối với Bi, những nó không đáng sợ, nó rất đáng yêu đáng đến và có vô vàn điều thú vị. Màu xanh đó và chiễc mũ đỏ của em báo hiệu một niềm hy vọng lớn lao vào tương lai, một đặc điểm vô cùng mạnh mẽ của người việt từ muôn đời, luôn lạc quan trong gian khó, luôn nuôi dưỡng tình yêu và hy vọng vào tương lai tươi sáng. Và trong lát cắt cuộc sống muôn màu muôn vẻ đó, mỗi người xem đều có thể tìm thấy cho riêng mình rất nhiều góc nhìn, nhiều hoàn cảnh trong phim, nhiều mảng đời trong đó, cảm nhận mỗi hình đó theo cách riêng của mình, nhưng với tôi, thật sự tôi không thể nào kiềm chế được sự thỏa mãn của mình với những hình ảnh đó, nó có quá nhiều cuộc sống. Hoặc bởi lẽ mỗi hình ảnh đều rất chính xác với cái mà nó muốn mô tả và lưu giữ vào tâm trí người đọc, phim chỉ dài 90' mà như nói cả về một thời kỳ hậu mở cửa đầy xáo trộn, đổ vỡ và chán chường.
    Người cha chết đi, cái quá khứ đã mất đi, sợi dây ràng buộc gia đình ấy, tế bào của xã hội ấy đã được đưa ra đồng, nhưng ảnh hưởng của nó thật là quá lớn, mà "công lao" xóa bỏ của cả một cuộc cách mạng mạng văn hóa cũng thật đáng sợ. Truyền thống nghìn năm dần mất đi và chút sức tàn cuối cùng chỉ là sự vướng mắc của chiếc xe đòn vào cái cổng nghĩa địa tân cổ giao duyên ấy. Nó làm chúng ta muôn phần thất vọng. Và như đã nói ở trên và trong suốt bài viết này, những người phụ nữ phi thường lại là trợ lực duy nhất để cứu tất cả. Cô "Kiều" gội đầu đã cho anh chàng bất mãn tìm thấy niềm vui sống của mình, có thể sự bắt đầu lại đó có phần cưỡng ép (anh này đầy mùi rượu khi về với vợ), nhưng nó cũng thật mạnh mẽ, có thể nó đã đền đáp phần nào sự chờ đợi của người vợ hiền. Anh chàng thay thế người cha trở thành sợi dây liên kết của tế bào xã hội đó. Và chị, lại đi chợ với chiếc làn đỏ tươi, chỉ một điểm tươi rói đó thôi mà cả không gia xám xịt đó như bừng tỉnh. Và Bi, chả có gì phải sợ . Ông cũng chỉ lại lên máy bay mà đi xa đâu đó vài năm thôi(đi tìm lá phong chẳng hạn), Bi còn mẹ, bố, cô và cả một dòng sông Hồng đang chờ em khám phá.
    Để kết thúc bài viết này, một liên tưởng đã hình thành từ trường đoạn làm bánh trôi nước trong phim, từ lúc bắt đầu, nặn bánh đến khi vớt bánh trong nồi ra rồi rắc vừng lên đĩa bánh, với bài thơ bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ nôm
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son

P/S: về Phan Đăng Di, đây là bài phỏng vấn anh

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Dune - Xứ Cát


    Truyện khoa học viễn tưởng đã luôn là niềm yêu thích của tôi, và bây giờ vẫn vậy. Các nhà sách, rồi thị trường phim ảnh hiện nay tràn ngập thể loại này, tuy nhiên truyện hay, phim hay ở thể loại này thì không nhiều lắm, lâu lâu mới có một phim đáng nhớ, gần nhất không thể không kể tới là Avatar, trước đó thì iam legend và I'm Robot(Will Smith) là những phim khá ấn tượng. Dune là một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đích thực và còn hơn thế. Tác giả là: Frank Herbert, nhà văn Mỹ và người dịch là Trần Tiễn Cao Đăng, Nhã Nam xuất bản. Tôi rất cảm ơn dịch giả vì đã dịch một tác phẩm rất hấp dẫn và giá trị, còn Frank Herbert, nếu có thể tôi sẽ đọc tất cả những gì ông viết.
    Dưới đây là trích đoạn giới thiệu của người dịch về DUNE và tác giả tiểu thuyết.
    ... " Frank Herbert dùng tiểu thuyết khoa học giả tưởng để khai phá những ý tưởng phức tạp của mình xoay quanh triết học, tôn giáo, tâm lý học, chính trị và sinh thái học, và chính vì đọc sách của ông, nhiều người đã trở lên hứng thú với các lĩnh vực này. Nỗi thôi thúc sâu xa trong tác phẩm của Herbert chính là mối quan tâm đối với vấn đề sự sống còn và tiến hóa của con người.
    Herbert có lẽ là nhà văn khoa học giả tưởng đầu tiên quảng bá những ý tưởng sâu sắc về sinh thái và vấn đề tư duy có hệ thống. Ông nhấn mạnh rằng con người cần phải biết suy nghĩ vừa có hệ thống vừa dài hạn. Ông cũng là một trong những người tiên phong trong việc hình dung viễn cảnh những khả năng phát triển hết sức mạnh mẽ của loài người, với những loại cá nhân đầy năng lực và cũng đầy ghê gớm như Mentat và Bene Gesserit * . Đối với ông, nhân loại là một kho chứa những khả năng hầu như vô tận, cả tốt lẫn xấu, và sáng tác của ông là một cuộc hành trình vô tận hầu thấu hiểu nó."...
..." Xứ cát (Dune) là một cuốn sách hấp dẫn, đồng thời uyên áo và phức tạp. Đọc xứ cát có nghĩa là tự thách thức mình thám hiểm một thế giới, một vũ trụ mới mẻ, bí ẩn, thu hút, kỳ tuyệt, cuộc phiêu lưu sẽ đem lại niềm vui sướng và thỏa mãn lớn lao cho những ai đủ nhẫn nại theo nó đến cùng.
    Bộ tiểu thuyết trường thiên Xứ cát , hay Dune saga như sách báo nước ngoài vẫn gọi, lấy bối cảnh một thời rất xa trong tương lai và diễn ra trong hơn một ngàn năm, động chạm đến những vấn đề cốt tử như sự sống còn của loài người, sự tiến hóa, sinh thái, và sự giao thoa giữ tôn giáo, chính trị và quyền lực."
-----
P/s:*- Mentat:tầng lớp công dân Đế quốc được đào tạo để đạt tới cấp độ logic tối cao."Máy tính người"
- Bene Gesserit: ngôi trường cổ chuyên đào tạo về tâm thức và thể chất, được sáng tạo dành cho học viên nữ, sau khi cuộc Thánh chiến Butler phá hủy cái được gọi là những "cỗ máy biết nghĩ" và robot.
các khái niệm này là của tác giả.
- Một bài viết về xứ cát của blog Nhị linh "tương lai của lịch sử"

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Trại gia súc



-----
Lũ lính gác gật gù nói chuyện với nhau.
- Thật ô danh họ nhà lợn.
- Ừ, heo mà bị liệt dương, đúng là... phí của giời, tù là đáng.
- Tao thích xem Ma đon na..
- Dởm,nhạc tây, tao thích Lê Kiều như hơn he he
...Cộp.. cộp..cộp... Tất cả yên lặng nghe toà tuyên bố:
..."Do làm ô danh họ nhà heo, đã là heo mà lại liệt dương, dưới ánh sáng chói loà của...e hèm... công lý, toà tuyên phạt 9 năm tịnh thân luyện công, vị cáo cố mà chữa cho khỏi bệnh nghe. Cấm tất cả bàn luận bình phẩm linh tinh về sự kiện xấu hổ này trong phạm vi nông trại, rõ chưa,giải tán,"

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Rùa "con" cô đơn


-------------------
-Mùng 8/3 ta tặng hoa ai bây giờ !!!

(Nguyên nhân căn bệnh của rùa)