Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

__Truyện tranh Việt Nam thời kì 1980-1996

    Đây là giai đoạn phát triển rực rỡ của truyện tranh Việt Nam, đỉnh cao là khoảng thời gian từ 1985-1990, và suy giảm dần sau đó. Phát triển đến độ thiếu nhi, thiếu niên có rất nhiều truyện để đọc tranh để xem, họa sĩ vẽ cho các em nhiều vô số và chả có ai rỗi hơi đi đặt câu hỏi, liệu có nền truyện tranh Việt Nam không, phong cách của truyện tranh Việt Nam thế nào, ảnh hưởng của ai v.v... Các tỉnh thành ngành, ban, sở, vụ... đều tham gia làm truyện tranh phục vụ các cháu thiếu nhi. Dưới đây là một vài sơ kết về truyện tranh trong thời kỳ này, truyện tranh của các họa sĩ Việt Nam vẽ (không kể (một số lớn) các truyện tranh in lại, can lại truyện tranh, comic, nước ngoài )…
Thực vậy, về thể loại:
    -Truyện lịch sử: có đầy đủ các thời kỳ chống phong kiến phương bắc, chống phong kiến nước nhà thối nát, chống thực dân Pháp, chống Mỹ, chống Bành trướng trung quốc. Cụ thể, một truyện có thể miêu tả một trận đánh, một chiến công của một anh hùng dân tộc hoặc tiểu sử, cuộc đời của họ. Anh hùng có thể là người kinh, người dân tộc, trận đánh thì đa dạng, đánh tàu chiến, tàu bay, phục kích, hay cả một chiến dịch lớn. Truyện về các danh nhân văn hóa của dân tộc.
    -Truyện cổ tích, truyện dân gian: Đông tây kim cổ, khắp năm châu bốn biển, gần như không thiếu quốc gia, vùng lãnh thổ nào mà các họa sĩ của chúng ta không vẽ thành truyện phục vụ các em thiếu nhi. Truyện cổ các dân tộc thiểu số cũng được vẽ rất nhiều, đi đầu trong hạng mục này là nhà xuất bản văn hóa dân tộc.
    -Truyện bắt cướp: truyện trinh thám, truyện điều tra, truyện hình sự, truyện cảnh giác. Truyện tình báo. Truyện vụ án. Bối cảnh truyện có thể ở Việt Nam mà cũng có thể ở nước ngoài.
   -Truyện thu gọn từ các danh tác: từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung Quốc, của Châu âu đều được thực hiện, bên cạnh truyện vẽ lại, can lại, các họa sĩ nước ta cũng tự vẽ rất nhiều.
   -Về họa sĩ: Nhiều khó có thể kể hết và đa số đều có trình độ điêu luyện. Mặc dù các tác phẩm truyện tranh trong thời kỳ này đều rất mỏng (đa số ít hơn 100 trang, phổ biến từ 16-32 trang) số lượng tranh trong một truyện khá khiêm tốn, nhưng chúng đều thể hiện sự dụng công rất công phu và tâm huyết của các họa sĩ. Có thể kể ra một số những họa sĩ : Văn minh, Đức lâm (một số truyện còn lấy tên là Bùi Quang Lộc), Hoàng Tường, Châu Nguyên, Trọng khôi, Nguyễn Thụ, Tạ Lựu, Hà Quang Phương, Trương Phú Hòa, Phương Thảo, Phan doãn, Minh hằng, Phan mi, Nguyễn thắng, Thọ Vân… Các họa sĩ này sống rải rác khắp cả nước, nhưng tôi đoán rằng một số lớn trong số họ chủ yếu sống ở Sài Gòn và Hà Nội, đây cũng là hai địa phương tập trung nhiều nhà xuất bản nhất của cả nước.
   -Về nhà xuất bản, gần như có bao nhiêu tỉnh thành thì có bấy nhiêu nhà xuất bản, bên cạnh đó là sự tham gia của các trung tâm cục, vụ. Xin kể ra một vài trường hợp: Sở văn hóa thông tin Hải phòng, Đồng Nai, Nghệ thuật Tây ninh. NXB Đà Nẵng. Hải phòng, Hà nội. NXB Kim đồng, Trẻ, Măng non thành phố Hồ Chí minh. Phụ bản, phụ trương của các báo. NXB tổng hợp Kiên giang. NXB văn hóa…
   -Về số lượng xuất bản: số lượng luôn khủng. Làng nhàng thì 11-15000 bản, trung bình thì 30-50000 bản, và nhiều thì phải cỡ 80000- 150000 bản (truyện Tướng quân họ đoàn của NXB văn hóa dân tộc, Tranh Nguyễn Thụ, lời Đoàn bích ngọc), và cũng chẳng ai chú ý tới con số này như bây giờ.
   -Về chất lượng, nội dung khó có thể bàn vì số lượng quá lớn, chỉ xin nói về chất giấy và chất lượng bản in. Phần lớn giấy đen (giấy rơm), xấu, dễ rách, mủn, truyện chỉ được in đen trắng, do sự khó khăn về kinh tế của nước nhà trong thời kỳ này. Chất lượng khá nhất trong sự khó khăn chung là các bản in của NXB Kim Đồng, nhiều truyện của Kim Đồng được in trên giấy trắng, bìa dày và bền. Tuy chỉ được in trên giấy đen, nhưng các nhà xuất bản phía nam rất tích cực in truyện màu cho các cháu thiếu nhi, dù truyện chỉ được in 4 màu, mỗi trang một màu. Có một số bản truyện màu khá đẹp, nổi bật hơn cả, là những truyện về Bác Hồ, hay truyện được nước Nga in hộ (Tấm cám, Mỵ Châu trọng Thủy...). Bên cạnh đó anh cả Liên Xô, bạn "Vàng" Trung Quốc cũng tặng thiếu nhi nước ta nhiều bản truyện tranh rất đẹp cho đến tận ngày nay.
   P/S: Ảnh bìa một số truyện tranh thời kỳ này
Ảnh trong bài: truyện tranh "Những người báo thù không bao giờ chết" của Liên Xô

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét