Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

__Tàu lạ thành tàu quen

    Mấy hôm nay, chính quyền tháo khoán cho truyền thông báo đài bày tỏ lòng yêu nước, thế là như vệt dầu loang, chả cần một nguồn tin từ Thông tấn xã con vịt cồ như mọi lần "nhạy cảm khác" các báo chính thống đồng loạt đưa tin tàu trung quốc (ko còn là tàu lạ nữa) nào là vi phạm táo tợn, nào là ngang ngược ..v.v... xâm lấn lãnh thổ Việt Nam, bên cạnh đó còn nhiều bài và tít rõ kêu khác nữa. Nó nói lên một thực tế rằng việc căm ghét Trung quốc đã sôi sục từ rất lâu, bị kiềm toả từ rất lâu và chỉ chờ thời cơ là bùng phát. Đọc mấy bài báo nọ, người dân bình thường nhất cũng thấy căm giận giặc Tàu, cũng cảm thấy hứng khởi, có bừng lên khí thế và cũng phần nào quên đi sự nhu nhược "có ý đồ" của chính thể lâu nay.
    Nhưng trong 2 quý đầu năm, tình hình kinh tế đầy biến động, lạm phát tăng cao, tháng nào đưa lương vợ cũng kêu ít, lên mạng thấy "tình hình" yêu nước có vẻ dâng cao, một vài câu hỏi có phần chua xót đặt ra trong tôi.
    Giả sử Tàu nó đánh ta, chiến tranh xảy ra,
        - Có bao nhiêu thiếu gia, công tử , con cháu các cụ sẽ từ bỏ siêu xe, chân dài gái đẹp, sẽ ủng hộ lệnh tổng động viên lên đường ra trận.
        - Có bao nhiêu lãnh đạo cấp cao sẽ gọi kêu gọi con cái mình(kể cả những đữa du học nước ngoài) nhập ngũ lên đường bảo vệ đất nước, làm gương cho người khác, đặng kiếm huân huy chương về treo trong villa biệt thự

    Hay lại lúc đó, cầm súng ra trận lại là "giai cấp" công nhân, những người lương triệu rưỡi, hai triệu ở các khu công nghiệp, ở các nhà máy giày da, may mặc... những người nông dân mất đất không kế sinh nhai... những người mà vào lính kiếm cơm còn dễ hơn đi làm với đồng lương không đủ sống, và không còn phải biểu tình, ko còn sợ công an bắt..., vẫn biết đặt ra câu hỏi này có phần không phải lắm khi mà người người đang nô nức bày tỏ lòng yêu nước, ghét giặc tàu nhưng tôi không sao có thể rũ bỏ câu hỏi khỏi mình được.

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Cứu tinh Xứ cát


    Lâu rồi không phải trực đêm, 22 giờ hơn ra đường, trời mát đi như người ngủ mê đến cơ quan, đến phòng phải làm ngay một vại cà phê mới được, buồn ngủ quá, cả buồn nữa. Mùi cà phê hòa tan thơm lừng, chả biết cà phê G7 cho cái gì vào mà thơm thế, có tí nước sôi là mùi bay khắp hành lang, len qua cửa, vào các phòng và vào mũi những kẻ còn ngồi sau màn hình máy tính. Tệ cái,loại hòa tan này cứ trôi qua cổ là mồm miệng chua loét ngay... Có uống còn hơn không, ngửi hương thơm là đủ rồi.
    Tối phải đi trực, chiều được lãnh đạo cho nghỉ, thế là nghiền hết luôn "Cứu Tinh Xứ Cát". Ngay từ những trang đầu, một dự cảm chẳng lành cho các nhân vật chính đã xuất hiện, có lẽ nó xuất phát từ sự liên tưởng về những bạo chúa. Paul Muad'dib, khi lục vấn lại lịch sử của loài người có để ý đến chi tiết: Thành Cát Tư Hãn, trong cuộc đời chinh chiến của mình đã giết có lẽ 4 triệu người, rồi Hitle cùng quân đoàn quốc xã cũng giết hơn 6 triệu người, và Paul thấy sự vượt lên thời đại của những nhân vật đó, bởi lẽ ở thời của họ, với nguồn lực như vậy mà làm được như vậy. Paul trở về hiện tại, trong cuộc thánh chiến của mình, chàng đã giết hơn 61 tỷ sinh mạng, triệt hạ chín mươi hành tinh, phá hủy hoàn toàn năm trăm hành tinh khác. Quét sạch tín đồ của bốn mươi tôn giáo... Nghe mà thấy hoảng, nhưng chàng vẫn là vị thánh của dân tộc mình. Cuộc thánh chiến cuốn chàng vào, bắt chàng phải lãnh đạo phải cầm ngọn cờ đầu và nó cũng giết dần giết mòn chàng, một siêu nhân, một nhà tiên tri. Năng lực tiên tri giúp chàng nhìn thấu mục đích của tôn giáo, của chính trị của quyền lực của thời gian và không gian. Và tất nhiên chàng cũng nhìn ra luôn đoạn cuối con đường của mình. Phải đối mặt với nó thế nào và chuẩn bị cho nhưng người thân ra sao?, khi làm xong mọi việc, chàng một mình đi vào sa mạc và nói "Giờ ta tự do rồi". Chàng rời bỏ quyền lực tối thượng của mình một cách nhẹ nhàng và thanh thản như vậy. Chính trị là gì, quyền lực là gì,và tôn giáo là gì khi mà bản thân ta chẳng thuộc về ta nữa. Có thật là có một số phận bắt người ta phải trở thành một vị thánh. Không con đường tranh đấu để sinh tồn đưa chàng lên vị thế đó, và khi lên ngai đó rồi thì chàng lại chở thành tù nhân của nó. Chở thành chính những kẻ mà chàng vừa đánh bại. Với những kẻ thù mới, kẻ thù cũ, tội ác mới mất mát mới. Không có một tôn giáo nào có thể giúp đỡ tâm hồn chàng, không một logic triết học nào có thể kiến giải giúp chàng những rắc rối gặp phải. Cứ như vậy chàng chở thành một vị thánh, mà thánh thì không thể sống cũng con người được nữa, chàng ra đi.
    Phần 2 của trường thiên tiểu thuyết Xứ Cát (Dune)- Cứu tinh xứ cát đã kết thúc như vậy.

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

__Se-ri : tốc độ và sự phấn khích.


    Với các phim làm lại-sequel, các phần sau thường là đuối hơn các phần đầu ăn khách, chỉ một số ít se-ri làm được điều ngược lại. Seri “fast and furious” là một trong số đó, chỉ riêng cái tên Fast five cũng đã nói lên sự thành công rồi. Phần 5. Mỗi phần của se ri phim này được dịch ra tiếng Việt rất khác nhau, mỗi nơi dịch một kiểu, rạp dịch khác mà truyền hình (Cinemax khác Star movie và khác VTV) dịch một khác. Phần một “The Fast and the Furious ” năm 2001, hồi đó dân ta chưa được xem phim rạp (nói vậy hơi quá nhưng rất ít phim bom tấn được chiếu rộng rãi như bây giờ-lên chỉ được các nhà đài chiếu) Star movie dịch là: Tốc độ và sự phấn khích, và họ khá trung thành với tên này xuyên suốt các phần, từ phần 1 đến 4. Phần 2 : “2 Fast 2 Furious” -2003, được One Cinema nhập về chiếu và dịch rất hay, “Thử thách lần 2”, chưa thấy Cinemax chiếu. Phần 3 “The Fast and the Furious: Tokyo Drift” -2009. Megarstar nhập và được dịch cũng hay không kém, “Thử thách 3: chinh phục Tokyo” trong đó Drift: có nghĩa là trượt, rê, một kiểu lái xe phù hợp với địa hình đồi núi, đường dốc và nhiều khúc quanh gấp ngắn. Phần 4 “Fast & Furious ” các mạo từ The được bỏ hết, tốc độ và sự phấn khích đã khẳng định được đẳng cấp và nó không cần phải định nghĩa hay nhấn mạnh lại. Chỉ cần nghe tính từ nhanh và náo nhiệt thôi là người xem đã thấy phấn khích rồi, một sự chơi chữ khá thú vị của người làm phim. Megarstar dịch là “Quá nhanh và quá nguy hiểm” chả biết lấy từ quá ở đâu,còn Cinemax dịch là “Cuộc vui náo nhiệt” không có chú thích thêm nào về sự nối tiếp của tên phim. Cái tên này nghe hay hơn cả.
    Fast five Megastar đặt tựa đề: Fast & furious 5: phi vụ Rio. Có vẻ như sang Việt Nam, tốc độ và sự phấn khích vẫn cần cái tên kết nối với các phần trước để kêu gọi người xem đến rạp. Vì các phần trước đó không đủ hút khách chăng? Vì đã có một vài lời phàn nàn rằng phần 4 và 2 bị Megar cắt hơi bị nhiều, còn với tôi phần 5 này có vẻ như không bị cắt hoặc nếu có thì cũng không đáng kể. Phần 5 này có thể nói sự phấn khích được đẩy lên đến cao độ, tốc độ chỉ còn là yếu tố phụ (tuy không hẳn thế) vì nó đã được khai thác quá nhiều ở các phần trước. Và để nhấn mạnh vào sự phấn khích thì không có gì làm người xem phấn khích hơn các yếu tố kịch tính tự phát sinh từ logic nội tại của câu chuyện. Phần năm đã làm rất tốt điều này, một sự thành công của các nhà biên kịch. Bên cạnh đó là các yếu tố đã trở thành thương hiệu của loạt phim về đua tốc độ này: các pha hiểm nguy nghẹt thở, âm thanh, tiếng động, hot girl … âm nhạc không có gì phải phàn nàn, bởi một điều đơn giản: nó hoàn hảo.
    --- P/S: Trong loạt phim đang chiếu trong thời gian này: "Thor" là một phim siêu anh hùng khá lạ lẫm, một sự kết hợp lý thú giữa chuyện thần thoại và đời thực, một phim hoành tráng nhưng cũng không kém phần hài hước và giàu tình cảm. Mã nguồn "Source Code" lại là một câu chuyện đẫm chất nhân văn được lồng vào thể loại hành động-khoa học viễn tưởng, nếu bạn biết chỉ còn sống được 8 phút, bạn sẽ làm gì, gọi điện cho người thân yêu nhất, làm cho mọi người xung quanh vui vẻ và hôn cô gái của bạn đến lúc đó.