Thứ Ba, 4 tháng 5, 2010

___Phỏng Vấn Phan Đăng Di


    Dưới đây là đoạn phỏng vấn Phan Đăng Di được trích từ catalogue chính thức của LHP Cannes 2010 (Hiệp hội Phê bình quốc tế LHP Cannes thực hiện).

* Dự án Bi, đừng sợ! từng có mặt tại L’Atelier de la Cinéfondation của Cannes 2008, anh có thể kể những khó khăn mà một nhà làm phim độc lập VN gặp phải trong môi trường điện ảnh thế giới?

- Việc đạo diễn tự mang dự án làm phim của mình đi giới thiệu tại các LHP quốc tế không phải là chuyện thường thấy trước đó tại VN. Bởi thế thoạt đầu khi thuyết trình trước các nhà đầu tư nước ngoài tôi cũng hơi bối rối. Nhưng đây chẳng phải là khó khăn gì đáng kể.

Khó khăn lớn nhất nằm ở chỗ giới làm điện ảnh quốc tế biết rất ít về VN, thậm chí có người còn không biết ở VN chúng tôi nói ngôn ngữ gì. Cũng may là tại L’Atelier của Cannes năm trước những nhà đầu tư chịu cầm kịch bản của tôi về đọc, sau đó đều hồi âm và một vài người trong số họ còn đi xa hơn: đầu tư tiền để tôi làm phim.

* Phim của anh phân tách nhóm nhân vật nam và nhóm nhân vật nữ. Một bên là những người đàn ông “yếu” (uy quyền của người ông đau ốm, sự say xỉn của ông chồng, thơ trẻ của cậu con trai) và bên kia là những phụ nữ tìm cách tự giải phóng mình ra khỏi những ham muốn của đàn ông. Anh có nghĩ ta có thể hiểu rõ hơn về hiện trạng của một xã hội qua những quan sát về cuộc sống và hoàn cảnh những người phụ nữ trong xã hội đó?

- Điều đó là hiển nhiên, chí ít vì phụ nữ là một nửa thế giới và hơn thế là một nửa mạnh mẽ. Tôi tin điều này qua những gì tôi thấy được từ phụ nữ VN, họ mạnh không phải vì họ độc lập với nam giới hay họ nắm quyền điều khiển xã hội, họ mạnh vì có những niềm tin giản dị và nghiêm túc hơn với cuộc sống.

Sự nhẫn nại của họ trước những người đàn ông mà phần lớn là không trung thực, thiếu tự tin và dễ dàng ngả theo những khoái cảm tầm phào cũng cho thấy họ vững vàng hơn đàn ông về mặt tinh thần...

Trong một xã hội nhiều biến động như xã hội VN (chiến tranh, thiên tai, sự thay đổi liên tục các tín điều do đàn ông vẽ nên rồi lại xóa đi...) mà cuối cùng mọi chuyện vẫn trở nên ổn thỏa có lẽ nhờ vào tinh thần bền bỉ chịu đựng và đức hi sinh của phụ nữ. Chính trong tinh thần đó họ lặng lẽ học cách chấp nhận cuộc sống, thường thì không dễ dàng và chấp nhận những người đàn ông, thường là yếu đuối.


* Chúng ta có thể diễn giải hình ảnh của nước đá xuyên suốt qua bộ phim và qua các nhân vật là gì?

- Một cách có thể thấy được thì nước đá là thứ để giải cơn khát của mọi người, đá làm mát bia, làm dịu cơn hứng tình của người cô, làm giảm cơn đau của người ông. đá là nơi Bi ướp tươi những chiếc lá của nó, là một hiện hữu tê buốt nhưng cũng nhanh chóng tan chảy, như mọi thứ trên đời, có đó mà cũng biến mất ngay đó...

* Đi từ sự thơ trẻ đến cái chết, với cả dục vọng ở giữa quãng đường, phim của anh cô đọng sự tồn tại của loài người. Có phải anh có trong đầu một cấu trúc kể chuyện “học cuộc sống” thông qua ngôn ngữ của cơ thể không?

- Thật ra ba người đàn ông trong phim (Bi, bố Bi, ông nội Bi) chỉ là ba giai đoạn trong cuộc đời của một người đàn ông mà thôi. Một điểm chung của họ là từ bé tới lớn họ đều cần đàn bà. Họ được chăm sóc, vây bọc, yêu thương, rã rời bởi đàn bà, nhưng họ có hiểu đàn bà hay không lại là một câu hỏi khó trả lời.

Họ cũng có một điểm chung nữa: luôn có một cái gì đó muốn sở hữu và phải giấu giếm, ngây thơ như Bi là một quả dưa hấu nhỏ. Đơn giản như bố là một cô bồ và bí ẩn như ông nội là một quá khứ đóng kín bao nhiêu năm... Như vậy với những người đàn ông, sự sinh ra, trưởng thành và chết đi của họ phải chăng là sự gia tăng mức độ khó của những câu hỏi mà chưa hẳn họ đã có lời giải đáp.


* Anh nhìn nền điện ảnh VN như thế nào và anh tự đặt mình vào đâu trong lịch sử của nó?

- Nền điện ảnh VN không phải không có những phim hay, nhưng thường thì đó là những phim hay đứng đơn lẻ. Nó như một phút xuất thần của một cá nhân nghệ sĩ trong một thời điểm thích hợp. Chưa thấy ở đây một chùm những tác phẩm hay của cùng một nghệ sĩ, thể hiện sự nhất quán trong phong cách và một quan điểm riêng của người làm phim về cuộc sống con người.

Tôi chỉ mới bắt đầu nên cũng không quan tâm lắm xem mình đang đứng ở đâu trong lịch sử. Quan tâm lớn nhất của tôi bây giờ là làm thế nào để có thể làm được phim tiếp theo đây.
---------
Nguồn: Trích từ Báo tuổi trẻ online,
Phan Đăng Di cũng trả lời Việt Nam nét khá hay ở đây ở đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét