Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Đó là công việc - This is a business


    Bộ phim điều tra hành động Mỹ, Taken-Cưỡng Đoạt, có đoạn hội thoại giữa người cha đi tìm con gái bị bắt cóc(Liam Nesson) và tên trùm buôn người, gã chỉ đơn giản nói với người cha:
   -Đây là công việc (This is a business )
   -Một công việc đặc biệt ...( This is a very unique business...)...
Lằng nhằng mấy câu nữa, gã sai đàn em trói và thủ tiêu người cha, với cố gắng phi thường, anh thoát được, cướp súng và tìm được tên kia trong thang máy. Khi đối mặt với cái chết, tên buôn người vẫn lắp bắp :
   -Hãy thông cảm (Please understand.)
   -Tất cả chỉ là công việc, nó không phải chuyện cá nhân (It was all business,it wasn't personal)
    Người cha trả lời: “với tao thì hoàn toàn cá nhân - It was all personal to me”. Đọp đọp mấy phát đạn, gã buôn người nằm thẳng cẳng. Đây là một câu chuyện phim, tất nhiên là có rất nhiều hư cấu, nhưng câu nói kia thì lại rất thật, được ứng dụng trong vô số hoàn cảnh ngoài đời. Từ chuyện Giáo viên bẩn, công an bẩn, bác sĩ bẩn ... đều được đa số người dân miễn cưỡng chấp nhận (coi là bình thường) coi đó là công việc của họ, hoặc họ phải làm thế, người trong nghề thì biện hộ, ai cũng thế cả, tội gì mình không làm, hoặc ... bản chất tốt nhưng do dòng đời xô đẩy. Thậm chí ngay cả hành động côn đồ của mấy chú công an chìm ngang nhiên bắt bớ người biểu tình yêu nước, hiểu trưởng trường đại học ra công văn cấm sinh viên đi biểu tình ngoại xâm cũng được nhiều người ủng hộ với quan điểm đó là công việc . Cái chuẩn đạo đức của xã hội gây dựng trong mấy nghìn năm, bắt nguồn từ phật giáo, nho giáo nhạt nhòa như mắt các cụ già.

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Priest-Giáo Sĩ


    Phim này cấm trẻ em dưới 16 tuổi, báo hại tôi, hôm đó 2 cậu cháu mò lên rạp mua vé, em bán vé nhất định không bán vì trước đó lỡ lời bảo cu cháu mới có 15 tuổi, sau năn nỉ là có người lớn đi kèm mà cũng không bán. Thế là 2 cậu cháu đành ra về, hứa sẽ cho cu cậu xem bù Transformer 3. Còn Giáo sĩ, phim có cái khỉ gì mà cấm trẻ em, mà đã cấm trẻ em thì người lớn phải xem bằng được, vậy là trưa hôm sau, tôi lò dò ra rạp xem giáo sĩ, không xem nhanh rạp chiếu phim khác :). Phải nói rằng, ấn tượng phim này rất mạnh ngay từ trailer quảng cáo, rất nhanh mạnh và thêm phần kinh dị. Nhưng ngay khi biết chú đạo diễn của phim từng làm Legion thì bắt đầu bán tín bán nghi, dìn dứ mãi. Cái Legion hồi đó cũng vậy, quảng cáo thì hay mà phim thì cụt lủn, đang cao trào nhất thì mất hứng. Nhưng anh đạo diễn này, Scott Charles Stewart, có biệt tài tạo ra không khí kinh dị rất rùng rợn, từ màu sắc, tiết tấu, quay phim bối cảnh đến âm nhạc.., chúng kết hợp khá nhuyễn để tạo ra cảm giác run sợ nơi khán giả. Xem phim nhiều đoạn cứ liên tưởng đến động không đáy-Không tang sơn trong Tru Tiên. Thấy mà tiếc, nếu Tàu hay Nhật mà có chú đạo diễn giỏi nào máu me cỡ Peter Jackson kết hợp với chú Stewart này đưa Tru Tiên lên màn ảnh thì hay phải biết. Lần trước xem trailer Tru Tiên của Đài loan, thấy dở vô cùng, không khác gì Phong vân, một thứ hàng dỏm.
    Một yếu tố làm tôi thích thú nữa, trong Giáo sĩ là các chiến sĩ cưỡi xe máy, tôi thì từ bé đến giờ làm bạn với xe máy lên rất thích mấy đoạn này, mà không chỉ phim này, mấy đoạn phi xe máy trong loạt kẻ hủy diệt xem đi xem lại mãi không chán. Sau đó có Người dơi, cưỡi quả xe máy thu gọn từ ô-tô (bat mobil) tung hoành khắp các rạp chiếu bóng suốt một năm liền. Mấy cái xe trong phim này cũng vậy, quả lốp to tổ bố. Lại còn hỗ trợ tua bin, với nhiên liệu Ni-tơ lỏng (thể nào cũng bị bên Fast and Furious nó kiện). Các giáo sĩ, áo bay phần phật, cưỡi xe như bay trong gió bụi, từng cảnh, từng cảnh nếu cắt ra thì sẽ là những bức tranh tuyệt vời. Một lúc sau, Giáo sĩ chắc chắn cũng lại bị đám người bên Matrix kiện, vì các màn đánh đấm rất giống trong đó, hi hi, tuy nhiên vì Matrix chiếu lâu rồi lên xem lại phim này vẫn thấy sướng. Em Lý Nhã Kỳ phi thân tung cước như trong chuyện Kim Dung, đóng trong phim rất đạt, hành động mà cũng rất tình cảm. Giá như mấy đoạn phi thân khinh công làm mãn nhãn nữa thì tốt.
    Chuyện phim gần như không có gì để nói, cứ lên đường giết ma, cứu người, gặp ma chém ma, gặp quỷ chém quỷ thôi. May mắn là kịch bản không lặp lại những sai lầm chết người kiểu như Legion và Skyline. Thêm một cái tiếc nữa, không liên quan gì tới nội dung cả, là phim này doanh số thu được ở thị trường Mỹ rất hẩm hiu (29tr$/60tr$ chi phí) lên khán giả gần như sẽ không có hy vọng được xem các phần kế tiếp.

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

U-NO






U-No, U-never,
Đường lưỡi bò, không được đâu Sói à :)
Đường lưỡi bò, đừng mơ thế, Sói à :D

P/S: theo ý tưởng của bác Nguyễn Quang A :D
Hình bàn tay, "chôm" trên internet, không nhớ trang nào.

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

__X men: Thế hệ đầu tiên


    X-men:first class, Người đột biến: thế hệ đầu tiên, nói nhanh là F1. Trong các phần X men, có lẽ phần chán nhất là X men: người sói, không thể xem được nhiều lần, thậm chí lần thứ 2 là đã khiến tôi buồn ngủ díp mắt, các phần còn lại không vấn đề gì, xem đi xem lại vô tư, nhất là phần 1 và phần 3. X men F1 gần như lấy lại những gì mà X men người sói đã làm rơi rớt của loạt phim này. Nó cũng giống như Batman begin lấy lại “danh dự” cho chàng dơi sau khi Batman và Robin có màn trình diễn rất lố bịch. Nhưng so sánh độ hấp dẫn với X men 3: trận chiến cuối cùng thì F1 vẫn còn theo sau một khoảng. X3 với một chuỗi liên tục những tình huống ngạc nhiên, hài hước và mất mát đan xen nhau, cuốn người xem vào một cuộc săn đuổi bất ngờ đến phút chót, và màn chiến đấu đó cũng vô cùng hoành tráng và ấn tượng. Phim cũng lấy được khá nhiều nước mắt nơi khán giả cùng xem với chúng tôi tại Trung tâm chiếu phim quốc gia hôm đó. X1,2,3 là những bộ phim siêu anh hùng đích thực, tuy có nguồn gốc từ truyện tranh (comic) nhưng nó gần như không cho ta cảm giác đang xem một cuốn chuyện tranh động do người đóng, bởi các nhân vật được xây dựng rất chân thực giàu nhân bản. Những Storm, Cyclops, Jean Grey, Người sói, răng kiếm, giáo sư X, Me –nec-to… lần lượt hiện ra sinh động và ấn tượng. Mối quan hệ giữa họ, nội tâm, thế giới quan của từng người cũng rất phong phú đa dạng, thế nên X1 gần như không được coi là phim hành động.
    F1, đem đến một thế giới người đột biến khá mới mẻ so với các phần trước, đặc biệt là xuất hiện một nhân vật phản diện mới vô cùng nham hiểm và tàn bạo. Một kẻ có dã tâm lớn, thông minh và độc ác. Một không khí chính trị khá căng thẳng thời chiến tranh lạnh, tuy nhiên không đạt được sự ngột ngạt như trong Watch Men. Không thể thiếu được những màn kỹ xảo, vốn là đặc sản của các phim siêu anh hùng, F1 đóng góp khá nhiều pha ấn tượng, tuy đôi chỗ không giống thật cho lắm. Về nội dung, có lẽ nó mang một cốt chuyện mà yếu tố kể về quá trình trở thành X men quá nặng nên phần khắc họa nhân vật không được thú vị như X1,2,3. Các tình tiết bất ngờ, hài hước vẫn làm khán giả vui vẻ nhưng nó không được nhiều và đặc sắc như X3. Nhưng với đa số khán giả Việt nam yêu thích các phim hành động giả tưởng mà không có điều kiện theo dõi bộ truyện tranh này thì sự kể lể này lại trở thành một điều vô cùng cần thiết để người xem có thể hiểu được cặn kẽ câu chuyện cũng như các mối liên hệ với các phần trước đó.

    Xmen F1 xứng đáng là một bom tấn của mùa hè đầy rẫy những bom tấn. Sau những Fast Five, Thor, Panda thì F1 cũng không hề kém cạnh, với người thích thể loại khoa học viễn tưởng cũng như truyện tranh thì tôi không có gì phải phàn nàn sau khi ra khỏi rạp. Một phim siêu anh hùng của Marvel mà tôi rất thích là Hulk, người khổng lồ xanh do Lý An đạo diễn, phim này có nhiều khung hình rất ấn tượng, màn hình được chia thành nhiều khung cảnh nhỏ (như bố cục của một trang truyện tranh), kiểu phân chia màn hình này cho phép khán giả có thể xem nhiều tình tiết một lúc (tác hại là mắt phải đảo liên tục.. hi.. hi..), Hulk đầy những trường đoạn rất hay được xắp xếp như vậy, thậm chí có một cảnh Hulk được nhảy liên tiếp qua các bưu ảnh xa mạc miền tây hùng vĩ. X men thế hệ thứ nhất cũng học tập bố cục hình ảnh này ở một số phân đoạn.
P/S: Hôm trước mới đọc được một bài bình luận của một bạn trên Facebook, bạn ý chỉ ra các nhược điểm của F1 rất chính xác.

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

Tin vắn toàn cầu : “Gấu mèo lại chiến thắng”-


    Đầu tuần, dịch lại bài điểm tin về doanh số bán vé phim trên trang Boxofficemojo ( Around-the-World Brief: 'Panda' Victorious Again ) của Ray Subers.
    Trong tuần thứ 2 liên tiếp, Kung Fu Panda (Gấu mèo học võ) 2 tiếp tục thống lĩnh thị trường ngoài Bắc Mỹ với hơn 50 triệu $. Cướp biển Caribe: Suối nguồn tươi trẻ tiếp tục tiến tới mốc 1 tỷ $, trong khi đó Hangover (Ba chàng ngự lâm) phần 2 đã đạt tới một mốc quan trọng. Tập trung vào thị trường nội địa truyền thống Green Lantern (Đèn lồng xanh) chỉ khởi chiếu ở một số vùng ngoài Bắc Mỹ, do đó doanh thu mở màn của nó phần nào không đáp ứng được kỳ vọng.
    Với khoảng 52.5 tr $ them vào từ 55 thị trường nước ngoài, Gấu mèo học võ 2 đã nâng tổng doanh thu ngoài Bắc Mỹ của mình lên 280tr $. Nhà phân phối phim Paramount Pictures International cho biết, Gấu mèo đã ngự trị topten doanh thu ở 10 thị trường mới bao gồm, Pháp (7.2 tr $), Đức (6.8 tr $và Tây Ban Nha ($2.8 tr $). Nó cũng đạt doanh thu tốt ở các thị trường đã chiếu như Mexixo (5.4 tr$) và Vương quốc Anh (4 tr $). Sẽ mở màn vào dịp cuối tuần tới tại Áo (thị trường Nhật và Italy vẫn chưa khởi chiếu), phần tiếp theo này sẽ vượt qua doanh thu 416.3 tr $ của nguyên bản Gấu mèo học võ.

    Cướp biển caribe: Suối nguồn tươi trẻ được tưới thêm 42% khoảng 25.9 tr $, đưa tổng doanh thu nước ngoài của nó lên một số khó tin 731.900.000 $. Nó là nền tảng để vượt qua doanh thu của Chúa tể những chiếc nhẫn: Sự trở lại của nhà vua 742.100.000$ vào cuối tuần này, qua đó trở thành bộ phim có doanh thu nước ngoài cao thứ 3 trong lịch sử sau Titanic và Avatar của Jame Cameron. Bù lại sự thất vọng ở thị trường nội địa doanh thu toàn cầu của nó đã đạt tới 952.2 tr $. Vào thứ 2, nó sẽ vượt qua trên Harry Potter và bảo bối tử thần phần 1 (954.5 tr$) để lọt vào topten doanh thu toàn cầu “mọi thời đại”, và tất nhiên trong tuần tới nó cũng sẽ vượt “chứng chỉ doanh số” 1.000.000.000 $.
    Ba chàng ngự lâm phần 2 giảm tới 46% doanh số ước khoảng 21.4tr$ từ 55 thị trường nước ngoài trong tổng số 259 tr$. Thế nhưng doanh số toàn cầu của nó đạt tới 488tr$, vượt qua doanh số của Ba chàng ngự lâm nguyên bản 468 tr$. Trong 2 tuần tới, Ba chàng ngự lâm 2 sẽ công chiếu tại Tây Ban Nha và Nhật bản, doanh thu 550tr$ dường như là chắc chắn. Nếu trước đây còn có bất cứ nghi ngờ gì, thì bây giờ, những con sói đi hoang chắc chắn sẽ trở lại trong Ba chàng ngự lâm phần 3.
    Giảm 49% trong tuần thứ 3 công chiếu, X-Men: Thế hệ đầu tiên tăng thêm 20.9tr$ trong tống số 162.1 tr$. Tiến triển tốt ở Hàn quốc với 2.1 tr$ đứng đầu bảng xếp hạng trong tuần công chiếu của Super 8 và Đèn lồng xanh. Thêm 2tr$ từ Vương quốc Anh, 1.8 tr$ từ Pháp và 1.8 tr$ từ Bra-xin. Nó vẫn có cơ hội đạt được 200tr$, xếp thứ 2 trong sê-ri X-men, sau X-men: Cuộc chiến cuối cùng (X-men phần 3)
    Đèn lồng xanh chỉ mới công chiếu ở một số vùng lãnh thổ, ước tính thu được khoảng 17tr$. Đứng đầu là U.K với 4.9 tr$, diện tích công chiếu chỉ bằng một nửa của Thor và X-men:Thế hệ đầu tiên trong mùa hè này. Nó cũng thu về 3.2tr$ từ Nga, bằng một nửa của Thor và một phần doanh số của Thế hệ đầu tiên. Sự mở rộng ra toàn cầu của bộ phim làm từ chuyện tranh này sẽ mở rộng dần ra toàn cầu trong vài tháng tới.
    Khởi chiếu ở 29 vùng lãnh thổ, Super 8 thu được 12.5tr$. Khá vững chắc ở Nga với 4.1tr$ và Hàn quốc 2.1 tr$. Không phải là những bom tấn đình đám nhưng nó đã về đích trước Đèn lồng xanh ở cả 2 thị trường trên. Qua dịp cuối tuần đầu tiên, cuộc phiêu lưu của J.J Abrams-Steven Spielberg thu được 22tr$ ở thị trường ngoài Bắc Mỹ.

    Sau vài tuần công chiếu tại một số thị trường nhỏ, Bridesmaids (Hội phù dâu) công chiếu tại Australia, Niu-Di-Lan và thu về khoảng 7.3tr$. Phần lớn trong con số này đến từ Australia (riêng cuối tuần qua nó thu về ít nhất 1.6 tr$). Cuối tuần này nó sẽ được công chiếu ở U.K, Nga và ít nhất là 18 thị trường khác nữa.
    Phát hành trước thị trường Mỹ, Bad Teacher (giáo viên tồi) mở màn vững chắc ở U.K với 3.4tr$. Sau đó phim sẽ được đồng loạt khởi chiếu ở 20 nước châu âu và Bắc Mỹ.

Topten phòng vé Bắc Mỹ tuần qua:

1-Green Lantern -----$$52.685.000/52.685.000
2-Super 8------------$$21.250.000/72.781.000
3-Mr. Popper's Penguins--$$18.200.000/18.200.000
4-X-Men: First Class--$$11,500,000/119.925.000
5-The Hangover Part II---$$9,635,000/232.674.000
6-Kung Fu Panda 2---$$8,700,000/143.343.000
7-Bridesmaids---$$7.487.000/136.840.000
8-Pirates of the Caribbean: On Stranger Tides---$$6.236.000/220.337.000
9-Midnight in Paris---$$5.237.000/21.799.000
10-Judy Moody and the NOT Bummer Summer---$$2.241.000/11.167.000



P/S: Trong số các phim trên, Ở Việt Nam Megarstar đã trình chiếu Super 8, Cướp Biển và Gấu mèo, cuối tuần này X-men cũng sẽ được khởi chiếu. 3 phim đã chiếu đều là những phim rất tình cảm, phim cướp biển thể hiện rất rõ điều này, các tình huống hài không chọc cười được ai, nhưng câu chuyện tình yêu mang hơi hướng cổ tích của nàng tiên cá và chàng mục sư tốt bụng trong phim thì rất cảm động và dễ làm mủi lòng người xem, nhất là các fan nữ. Gấu mèo trở lại với đồ hòa lộng lẫy hơn và cũng rất hay còn Super 8 là phim thiếu nhi xuất sắc. Trong bảng tốp ten này thì cơ hội được cười vỡ bụng với Hangover 2 gần như không có được với khán giả VN vì chắc chắn khi ra rạp nó sẽ bị cắt tùm lum như phần 1 (xem bản lậu còn vui hơn, hi hi :D). Midnight, phim nghệ thuật của Woody Allen cùng với Bridesmaids chắc cũng chỉ có thể xem DVD, Khán giả VN không chuộng nghệ thuật và tâm lý. Mr Pop của vua hài tự phong hiện đang thất thế Jim carrey chắc cũng chả làm ai cười. Trong số này Midnight có quả Poster rất ấn tượng với Bầu trời đêm của Vangogh. Còn Đèn Lồng Xanh, chắc cũng như Thor, khó mà ăn khách được ở VN khi mà bản gốc chuyện tranh của 2 phim này chưa từng được xuất bản ở Việt Nam như Người Nhện, Người Dơi hay X-men.

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

__Made in china

    Bạn bè thường chỉ trích mình có cái nhìn bi quan và tiêu cực về cuộc sống và về xã hội. Mình bảo nhìn thì thế nhưng tao không bi quan và không tiêu cực. Rồi chúng phân tích hoàn cảnh của chúng, hi hi. Cũng có nhà để ở, có con trai đáng yêu, rồi vợ cũng ngoan hiền, rồi công việc thì có áp lực nhưng thu nhập cũng tạm ổn, thỉnh thoảng tụ tập anh em bạn bè nhậu nhẹt, nói chung là rất hài lòng với cuộc sống và cảm thấy hạnh phúc. Chẳng thể nói gì hơn, mình thật lòng mừng cho bạn. Rồi các bạn lại quay ra chỉ trích, rằng ông cũng thế, cũng chả kém gì tôi mà sao cái nhìn về xã hội và cuộc sống lại bi quan và tiêu cực thế. Lần này thì thực không biết trả lời thế nào, mình đã nói rồi. Mình không thể không nhìn được, và những cái chướng tai gai mắt nhìn thấy, nghe thấy nó không để mình yên, nó không trôi qua mình như những ảo ảnh nhoè nhoẹt qua cửa kính ô tô được. Nó bắt mình phải suy nghĩ, phải liên tưởng những điều đã nhìn thấy, nghe thấy, và theo một cách tự nhiên một sự liên hệ với bản thân, với người thân, với những người mình yêu quý. Chẳng biết khi nào thì nó sẽ xảy ra với mình, con mình đang lớn, rồi nó sẽ phải đối mặt với một bầy giáo viên lăm le bắt chúng học thêm, rồi một bầy bác sĩ mà bệnh càng chữa càng nặng, rồi thì ra đường lúc nào cũng sợ cảnh sát giao thông mặc dù mình đầy đủ giấy tờ và chẳng phạm lỗi gì cả. Rồi thì cha mẹ cũng đã già, các cụ rồi cũng sẽ ốm và mình sẽ có lúc phải chăm các cụ trong viện. Việc này thì mình cũng đã quen rồi, chí ít cũng chăm ông nội mấy lần trong viện. Nhưng chẳng bao giờ mình có thể quên được cảnh nửa đêm dậy bắt chuột trong phòng bệnh được và cũng chẳng bao giờ quên được cảnh lo nơm nớp bọn nghiện vào phòng bệnh "xin" tiền bệnh nhân cũng như những bệnh nhân nghèo không người nhà nằm chờ sự quan tâm chậm chạp của bác sĩ. Những nhà vệ sinh chỉ chực tắc, rồi mỗi lần tiêm, mỗi lần tắm cho trẻ sơ sinh lại phải dúi một chục 2 chục vào tay hộ lý. Những việc như vậy nó đã trở thành chuyện đương nhiên, bình thường với rất nhiều người xung quanh, với đồng nghiệp, bạn bè và người thân, nhưng với mình, nó thật khó có thể là đương nhiên được.
    Mấy ngày này, Tàu khựa xâm phạm lãnh hải, tấn công tàu thăm dò của ta, thách thức lòng ý chí và sự nhẫn nại của nhà nước, của giới lãnh đạo. Mình chợt nghĩ.
Vũ khí mạnh nhất của Tàu khựa là gì:
- hi hi , kể ra thì nhiều nhưng đáng sợ nhất, chỉ một cụm từ : made in china
Còn vũ khí mạnh nhất của lãnh đạo ta là gì:
- mình chả biết được nhưng có lẽ sẽ khối người bảo: đó là cảnh sát các loại và niềm tin sắt đá vào chủ nghĩa mác lê nin.

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

__Kể tiếp truyện "Thần điêu đại hiệp" (1)


    Mình rất hâm mộ các bộ phim võ hiệp Kim Dung do đạo diễn, nhà sản xuất Trương Kỷ Trung làm, phim từ tiểu thuyết Kim Dung của ông, được làm kỹ lưỡng chau chuốt, kịch bản được chuyển thể khá gần với tiểu thuyết, đôi chỗ được sửa lại nhằm lô gic, chặt chẽ của câu chuyện, sự hấp dẫn của phim vì thế mà tăng hơn phần nào so với những người đã từng say mê các trang sách của Kim Dung. Đa số diễn viên trong phim của ông đều đẹp, phục trang bối cảnh được chú ý tới từng chi tiết(đẹp, phù hợp với thời đại lịch sử). Kỹ xảo, quay phim đều trội hơn các phiên bản trước đó... Khi tập cuối cùng của "Thần Điêu Đại Hiệp" vừa hết, sự tiếc nuối pha lẫn tò mò về các nhân vật trong đó cứ ám ảnh mình mãi. Thế là vài ý này nảy ra trong đầu, khi nào rảnh sẽ viết lại đàng hoàng, còn bây giờ hãy cứ phác ra những điều mới nhất mà mình nghĩ được :D
    Quách Tương Nữ Hiệp
- Quách Tỉnh và Hoàng Dung trở thành ông bà ngoại, Quách Phù sinh hạ một cặp trai, gái đặt tên là Gia Luật Dương Long Và Gia Luật Hoàng Dung. Cuộc sống yên ả duy trì được vài năm. Ngoài biên ải, Hốt tất liệt lên ngôi Đại hãn Mông cổ sau cái chết của Mông Kha, đang lăm le tấn công Nam Tống triều, thành Tương Dương sẽ là chướng ngại đầu tiên của quân xâm lược.
- Lại nói chuyện vợ chồng Dương Quá, Tiểu Long Nữ, sau khi từ biệt mọi người 2 người ngao du sơn thuỷ đây đó, cuộc sống như thần tiên. Tiểu Long Nữ có mang, Dương Quá đưa vợ về Chung Nam Sơn cổ mộ, chờ ngày sinh nở. Trên đường về chàng ghé quá thành Tương Dương tặng lại Huyền Thiết Kiếm cho Vợ chồng Quách Tỉnh.
- Quách Tương từ dạo đó trong lòng sầu muộn, nàng không sao dứt bỏ được tình cảm của mình với Dương đại ca, mang trong lòng tấm tình đơn phương sầu muộn đó, Quách Tương lên đường du ngoạn khắp nơi. Trong thời gian này, Quách Tương đã gặp Côn Luân Tam Tuyệt và thầy trò Viễn Giác - Trương Quân Bảo (Trương Tam Phong sau này). Nhờ thông minh trác tuyệt và sở học vốn có do mẹ truyền dạy nàng mau chóng ngộ ra sự huyền diệu của Cửu dương chân kinh. Nàng gặp ông ngoại Đông tà-Hoàng Dược Sư, được ông ngoại chỉ dạy rất nhiều điều về võ học cũng như nhân tình thế thái, được ông gỡ rối phần nào về tình cảnh yêu đơn phương vô vọng của mình.
- Triều đình Nam tống ngày càng thối nát, dân chúng lầm than, lại gặp thêm nạn ngoại xâm, thành Tương Dương trong lần trở lại của Quân Mông Cổ, lành ít dữ nhiều. Dương Quá cùng Thần điêu trở lại Tương Dương một mình tương cứu vợ chồng Quách Tỉnh, Tiểu Long Nữ ở lại cổ mộ, nàng sắp đến kỳ sinh nở, võ công của chàng giờ đã ở mức thượng thừa, bất kỳ vật gì cũng thành vũ khí, xuất thủ không động tay chân. Chiến trận vô cùng căng thẳng, Hoàng Dung nhìn nhận tình thế sớm muộn thành cũng thất thủ, nàng đem hết tuyệt học của 2 vợ chồng giấu vào 2 thanh đao, kiếm rèn từ thanh Huyền Thiết Kiếm. Thế giặc mạnh như vũ bão, Tương Dương thất thủ Quách đại hiệp, Hoàng lão tà quên mình chặn hậu để cho mọi người rút lui. Dương Quá một mình mang theo Hoàng Dung, Quách Tương, vợ Chồng Quách Phù, Quách Phá Lỗ chạy thoát được. Tại đây, trước lúc nhắm mắt Hoàng Dung giao lại Ỷ Thiên kiếm cho Quách Tương và Đồ Long Đao cho Quách Phá Lỗ, nàng xuống suối vàng cùng chồng và bố.
- Mông cổ lập ra nhà Nguyên, hoàng đế là Hốt Tất Liệt. Nhưng những mâu thuẫn âm ỉ không bao giờ chấm dứt, cái bang dưới sự lãnh đạo của Gia Luật Tề vẫn âm thầm hành hiệp giúp đỡ dân chống lại các mệnh quan tàn bạo của triều đình. Quách Tương hiệp nữ với Ỷ Thiên Kiếm cũng uy trấn giang hồ.
- Dương quá trở về cổ mộ, Tiểu Long Nữ cũng sinh hạ một cặp trai gái, lấy tên theo cụ nội và bà nội – Dương Thiết Tâm Và Dương Niệm Từ.
- Xã hội dần ổn định nhưng võ lâm thì dậy sóng, sự mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa võ lâm chính phải và ma giáo, giữa các võ sĩ mông cổ và trung nguyên... Một cao thủ với các chiêu thức vô cùng quái dị chàng liên tiếp đánh bại nhiều cao thủ trung nguyên, không ai biết chàng là ai, chàng từ đâu tới, chỉ phỏng đoán chàng tới từ phía tây, nơi đế quốc Ba tư vĩ đại vừa bị quân Mông cổ khuất phục , qua chiếc mũi cao và đôi mắt xanh thẳm đặc biệt của chàng...
------- P/S:- Mới nghĩ được nhiêu đó, còn rất nhiều ý tưởng để đưa Châu Bá Thông, Nam đế... trở lại, khi nào kết nối các chi tiết lại với nhau, mình hoàn thành cốt chuyện, he he :D
-Hé lộ một chút Phần 2,
- phần 3

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

__The Way Back


    Con đường trở lại. Phim kể về con đường gian khổ của những người mất tự do, mất nhân phẩm đi tìm lại chính mình, lấy lại những thứ mình đã mất, tự do, nhân phẩm và đạo đức xã hội, dưới sự dẫn dắt của lòng nhân ái, họ dần dần tìm lại được những thứ "trừu tượng" đó. Một hành trình gian khổ, đói khát, lạnh giá, nắng khát, với chiều dài hơn 4000Km, từ Si be ri lạnh giá vượt qua xa mạc Go-bi, đến Tây Tạng, rồi lại từ Tây tạng đi bộ sang Ấn độ. Một đoàn gồm 7 người tù, trốn khỏi trại giam ở Si-be-ri lạnh giá, dưới sự dẫn dắt của Ja-nuk, một tù nhân chính trị người Ba-lan, đã cùng nhau thực hiện cuộc vượt ngục đầy gian khổ này. Cái mà họ trốn chạy không chỉ là vùng Si be ri lạnh giá, cái mà họ muốn vượt qua chính là vùng địa lí khổng lồ bị kiềm tỏa bởi chủ nghĩa cộng sản từ những năm 1940, trải dài từ liên bang Sô Viết tới tận Mông cổ. Họ trốn chạy khỏi cái bóng khổng lồ của Stalin. Và chỉ đến khi CNCS hoàn toàn xụp đổ ở Châu âu, năm 1989, Ja-nuc mới trở về lại ngôi nhà của mình để mang sự thứ tha thanh thản về cho người vợ yêu dấu, 2 mái đầu bạc ôm nhau mà chẳng còn nhiều nước mắt.
    Phim có sự tham gia sản xuất của National Geographic-Hội địa lý Quốc gia Hoa Kỳ lên mang đậm dấu ấn phiêu lưu khám phá những vùng đất lạ, thiên nhiên hoang dã hùng vĩ và tươi đẹp. Một thế giới tự nhiên hoang dã sống động, một thế giới thiên đường trong vũ trụ. Những khoảng không bao la bát ngát, đồi núi điệp trùng, những dòng sông trong mát, những rừng cây ngút ngàn, xa mạc mênh mông đầy màu sắc và trong đó những nhân vật của bộ phim thực hành kỹ năng sống cùng thiên nhiên của mình, một sự đấu tranh vật lộn để sinh tồn. Tuy nhiên những cảnh thiên nhiêm tươi đẹp đó chỉ làm cho chúng ta thêm đau xót hơn cho một thực tế: tại sao con người lại không để cho nhau sống yên lành, tự do bình thản tận hưởng toàn bộ hành tinh xanh do chúa trời ban tặng ấy, mà lại đi hành hạ nhau vì những thiên đường phi thực tế, vì những ảo tưởng, vì những mâu thuẫn tư tưởng mơ hồ vô nghĩa lý.
    Phim do đạo diễn Peter Weir thực hiện dựa trên một hành trình có thật, dựa theo hồi ký của Slawomir Rawicz.