Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

__The FilmClub


    The FilmClub, tác giả David Gilmour: Tên tiếng việt là Cha, Con & những thước phim, sách của Thái hà book-2010, Đào Thùy Liên dịch và Trần Vũ Nhân hiệu đính. Sách nhiều lỗi chính tả, đọc thỉnh thoảng như cơm nhai phải sạn. Tính tôi ham chơi, thích phim ảnh nhạc họa. Xem phim rồi thì lại có tật khen khen chê chê như thật, và sách về phim ảnh thì chả mấy khi đọc, lâu lắm rồi mới mua một cuốn sách có liên quan đến phim, đó là cuốn này. Sách viết hay, nhưng dịch (hoặc đánh máy) hơi ẩu. Sách viết về một người cha buộc phải dạy con trai mình (Jesse) qua những bộ phim vì cậu bé không chịu học. Người cha đồng ý cho cậu không phải đến trường với một điều kiện, mỗi tuần cậu phải xem 3 bộ phim do ông lựa chọn.
..."Tôi giải thích: Có những bộ phim ảnh hưởng chắc chắn đến con khi con còn trẻ, chúng mang đến cho con một trải nghiệm phong phú mà con có thể sẽ khó tiếp nhận khi lớn hơn. Con "mua nó" theo cách mà con không thể nào thực sự lặp lại sau này.
    Bây giờ khi đi xem phim, tôi dường như quan tâm tới nhiều chuyện khác: người đàn ông cách vài hàng ghế phía trên đang nói chuyện với vợ, ai đó đang ăn nốt bắp rang bơ và ném chiếc túi vào lối đi giữa hai hàng ghế; tôi ý thức về chuyện bắt lỗi, về đoạn hội thoại tồi và các diễn viên hạng hai. Đôi khi tôi xem một cảnh có rất nhiều vai phụ và tự hỏi: Họ có thích thú việc được là diễn viên phụ hay là họ đang khổ sở vì không được mọi người chú ý? Ví dụ, có một cô gái trẻ ở trung tâm liên lạc ngay đoạn đầu phim Dr. No (Tiến sĩ No). Cô ta có một hoặc hai lời thoại nhưng bạn không bao giờ thấy lại cô ta trong cảnh nào nữa. Tôi băn khoăn hỏi Jesse rằng chuyện gì đã xảy ra với tất tần tật những người kia trong những cảnh quay đông đúc ấy hay những cảnh quay tiệc tùng: Cuộc sống của họ sẽ như thế nào? Họ có bỏ nghề diễn và kiếm việc khác không?
    Tất cả những điều này cản trở việc thưởng thức một bộ phim, vào những ngày xa xưa, con có thể bắn một phát súng ngay cạnh đầu bố, nó không cắt ngang sự tập trung và sự tham gia của bố vào bộ phim đang trải ra trên màn hình ngay trước mắt. Bố trở lại với những bộ phim cũ không chỉ để xem thêm một lần nữa mà còn hy vọng rằng; bố sẽ được tận hưởng cảm giác đã có trong lần đầu tiên xem chúng (không chỉ về những bộ phim, về tất cả mọi thứ)"...

    P/S: Ngoài "Đối thoại với Trương Nghệ Mưu" đọc đã lâu và cũng đã quên :), thì ba cuốn còn lại tôi chỉ mới đọc được FilmClub. Nhưng chúng tôi (tôi và ba bốn người nữa) đã cùng nhau xem được gần 70 phim trong một không gian đặc quánh màu sắc, âm thanh và khói thuốc, một khoảng thời gian thú vị, đầy cảm xúc và không thể nào quên.

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

__Casanova ở Bolzano


"... tôi không quan tâm đến câu chuyện lãng mạn, mà quan tâm đến tính cách lãng mạn của ảnh ta..." Đây là lời của Márai Sándor khi ông nói về tiểu thuyết Casanova ở Bolzano của mình. Nhưng theo tôi nó không phải là tiểu thuyết, tập hợp những từ ngữ, câu chữ nối với nhau bằng dấu chấm, dấu phẩy, những thì, và, là, mà đó là một cái gì đó hơn thế. Tập hợp những ký tự trong hơn 300 trang giấy có tên bìa "Casanova ở Bolzano" chỉ là những thể hiện gần đúng. Vì chỉ gần đúng lên nó không bao giờ đủ, nó chỉ cho ta cảm giác gần đúng, ta gần chạm vào nó, một thứ hư ảo nhưng lại có thật, những thứ mà muôn thủa con người tìm kiếm, là hạnh phúc và tình yêu, phần còn lại, ta sẽ nhận được lâu lâu, sau khi đọc xong và nó sẽ còn lần hồi trở lại với ta mà nhiều khi không cần phải đọc, có khi thế. Điều này tôi đã gặp phải khi đọc "Bốn mùa trời và đất". Một tập những đoản văn, tạp văn của ông. Nhưng ở Casnova, ông đã thể hiện sự khác thường của mình khi viết về con người, về tâm lý, tính cách của con người, đặc biệt là thể hiện của con người khi đang yêu trong tình yêu, đứng ngoài nhìn vào tình yêu, nhìn vào những người đang yêu, những người yêu đơn phương, những người thất vọng, thất bại, những người ích kỷ, những người nực cười, những người cống hiến và hy sinh. Về một kẻ phiêu lưu đích thực, Casanova, về nhà văn Casanova, nhà văn Francesca, bá tước Parma-chồng nàng và người đàn bà xứ Toscana. Tất cả những nhân vật đó đều thể hiện khả năng diễn đạt xuất sắc, Sandor cho họ khả năng đó mà không hề e ngại. Ông viết ra những điều sâu xa nhất trong não bộ con người, phơi nó trên mặt giấy cho tất cả đọc và ông cảm thấy hổ thẹn khi làm công việc "kinh khủng" đó.
    Có một người đàn bà từ Toscana đến xin chàng tư vấn về những khúc mắc tình cảm của mình, sau đây là lời bộc bạch của nàng.
..."Vì sao tôi không có được điều tôi muốn?..." Lúc này nàng nói nhỏ nhẹ và thỉnh thoảng lại nghẹn ngào, như cố kìm giữ những giọt nước mắt. Nàng nói nhẫn nhục và chịu đựng, trong giọng nói không con chút kiêu hãnh nào của người Toscana. "Lẽ ra tôi đã phải làm những gì?... Tôi đã cho ông ta tất cả những gì một người đàn bà có thể cho một người đàn ông, nỗi đam mê và lòng kiên nhẫn, những đứa con, sự hứng thú, sự yên tĩnh và bình an, sự dịu dàng và vô tư... mọi thứ. Đúng, anh là người ngoài, người ta bảo anh hiểu về tình yêu như thợ kim hoàn sành vàng bạc, hãy cật vấn, xem xét trái tim tôi, hãy kết luận và cho tôi lời khuyên! Lẽ ra tôi phải làm gì? Tôi đã nhẫn nhục tự hạ mình, Giacomo ạ, tôi đã là người tình và kẻ đồng lõa của chồng tôi, tôi hiểu rằng ông ta có những người đàn bà khác, vì bản chất của ông ta là vậy, tôi biết ông ta ngấm ngầm trốn chạy khỏi thế giới, khỏi nỗi đam mê, khỏi phiêu lưu để quay về với tôi vì hèn nhát, vì ông ta không còn trẻ, vì những con chó của thần Chết đã rình mò quanh gót chân ông ta, và đôi khi tôi mong đến tuổi già, khi ông ta là của tôi, khi ông ta mắc bệnh thống phong hai chân, để tôi nắn bóp cho đôi chân sần sùi của ông ta... Đúng, tôi đợi tuổi già và bệnh tật, xin Đức Mẹ tha lỗi cho tôi và Chúa chớ trừng phạt tôi. Tôi đã cho lão tất cả. Hãy nói đi, nếu anh biết: tôi còn phải cho lão điều gì nữa?..."
    Nàng hỏi giọng như cầu cứu, mắt đẫm lệ, đợi câu trả lời rất khiêm nhường và lặng lẽ. Người đàn ông suy nghĩ. Chàng khoanh tay trước ngực, đứng trước mặt người đàn bà cật vấn mình, rồi đáp lịch sự và dứt khoát:
    -Hạnh phúc, signora (*)

P/S: Signora (tiếng Ý): quý bà, thưa quý bà
Có 5 tác phẩm của Márai Sándor được in ở Việt Na, Bốn mùa trời và đất, Casanova ở Bolzano-Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hung, Nhã Nam phát hành.

Những ngọn nến cháy tàn-Dịch giả: Nguyễn Hồng Nhung. Xuất Bản: Nxb Lao động. Sách cỏ và Di sản của Etze.

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

___Chủ nghĩa tư bản dã man ở Việt Nam


    Hồi xưa học kinh tế chính trị, cách nay ngót nghét cũng đã mười mấy năm, trong một giờ học, thầy giáo nói, Việt Nam đang ở thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản dã man ... Mình chẳng hiểu khái niệm này lắm vì thầy giảng chẳng hay và mình cũng không thích môn học đó. Thầy có ví dụ để sinh viên dễ hiểu, đại loại tình hình Việt Nam lúc bấy giờ (quãng năm 97-98) giống như LosAngeles những năm 30. Thầy nói, lúc đó tình hình ở Mỹ cực kỳ lộn xộn, tội phạm, tệ nạn xã hội lan tràn khắp nơi, trên thương trường thì cạnh tranh bẩn, tình trạng cá lớn nuốt cá bé, luật rừng... là những đặc điểm chính. Lâu lâu, bẵng đi cụm từ này không được ai nhắc tới. Hôm nay, đọc một bài trên BBC viết về tình hình sân golf ở Việt Nam mỗi năm ăn hàng mấy nghìn hecta đất. Mà nguyên nhân của vấn nạn sân golf này chính là tham nhũng và mâu thuẫn lợi ích của các nhóm kinh tế-chính trị.
    Tham nhũng hối lộ có ở khắp mọi nơi và xuất hiện từ thủa sơ khai của loài người, nhưng nó đang phát triển "rực rỡ" nhất trong thời đại của chúng ta. Tham nhũng hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ những ngành nghề dễ hối lộ nhất đến các ngành thiêng liêng nhất như y tế và giáo dục. Việc ăn và đưa phong bì mà thực chất là hối lộ đã trở lên bình thường ngay cả đối với những người dân lương thiện, nó được người ta coi là một loại phí, lót tay, bôi trơn, hay phí ngu. Nhà nước, nơi thể hiện rằng mình phải minh bạch công khai chống lại tham nhũng thì lại gián tiếp cổ vũ một cách "ngớ ngẩn" cho việc không nhận phong bì, nó không dám đi thẳng vào sự thật đó là hành vi tham nhũng, cái phong bì không có tội mà người nhận nó mới là có tội. Nó không dám nói thẳng người nhận là có tội mà lại đi khuyên bảo kẻ đó đừng nhận phong bì nữa, việc làm này chẳng khác nào thừa nhận nhân cách thằng ăn cắp và van xin nó đừng ăn cắp nó mà hãy trở lên lương thiện. Hiện tượng mua quan bán chức diễn ra công khai, và không khó khăn gì để biết giá của một cái ghế, ngay cả một người lái xe ôm cũng biết điều đó. Lên không ngạc nhiên gì khi trong bộ máy hành chính có rất nhiều kẻ lưu manh, trộm cắp mà những kẻ dùng bằng giả bị phanh phui chỉ là nhất thời sơ hở. Bất cử tỉnh thành, sở vụ bộ nào, rất dễ dàng gọi mặt chỉ tên ra ông bí thư chủ tịch này nọ trước đó chỉ là thằng lái buôn, không bằng cấp gì (thậm chí còn chưa đọc thông viết thạo hoặc mua chữ dưới hình thức chuyên tu, tại chức), có chuyên môn nhất trong bộ máy khổng lồ và rườm ra đó lại chính là những "nhân viên đánh máy" mà lâu lâu mới tòi ra một chú. Lưu manh hóa là làn sóng lan rộng từ người các quan chức đến từng người dân, quan tham thì dân gian, và ngược lại, dân gian cũng tạo ra quan tham.
    Người ta muốn đất nước nhanh trở lên giàu có, cách đơn giản nhất là mang tài nguyên đi bán, cách này vừa nhanh vừa rẻ và chẳng cần động não, chẳng cần đào tạo, chẳng cần đại học quốc tế "chữ to". Nó cũng như, nếu bán nhà đi thì sẽ có một đống tiền để tiêu mà chẳng cần học hành làm lụng gì. Chúng ta cũng như vậy, đào than, hút dầu... mang bán thì cần quái gì đến nền kinh tế tri thức, cần gì lũ nhân tài nhân teo, chỉ cần một lũ láu cá, biết lươn lẹo luồn cúi là đủ. Thế nên, hệ thống giáo dục nhanh chóng trở thành một cái chợ buôn bán bằng cấp khổng lồ. Minh chứng cho điểm này có thể kể đến một lũ bác sĩ bất tài vô lương tâm, một lũ giao viên thèm tiền ác độc và một hệ thống cán bộ (quan lại) thèm tiền còn hơn cả lũ giáo viên. Dễ thấy các công trình do nhà nước đầu tư thường xuống cấp rất nhanh bởi chúng chỉ là một lớp vỏ mỏng. Cơ hội cho nhân tài trong bộ máy, doanh nghiệp nhà nước là cực kỳ hiếm hoi. Họ nhanh chóng hòa vào các doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp này, ngoài một số điểm sáng, phần lớn còn lại chạy theo lợi nhuận mà bất chấp tất cả. Hệ quả là môi trường sinh thái mau chóng ô nhiễm nặng nề, công nhân bị vắt kiệt sức lao động không khác gì nô lệ.
    Trong một xã hội đó, người ta mất niềm tin vào những gì có thật. Tôn giao luôn là nơi cứu cánh cho những hoàn cảnh như vậy. Đình chùa miếu mạo được tu bổ và xây mới khắp nơi. Người ta tưởng truyền thống là các hội hè được làm mới, được sân khấu hóa được hoành tráng hóa. Nhưng làn sóng thương mại hóa nhanh tróng lật tẩy hết lớp màu mè đó vì sự thực "một cái áo không làm lên thầy tu". Bọn tăng lữ cũng hiện nguyện nguyên hình là những kẻ hám lợi, háo danh không lâu sau đó. Một xã hội không có niềm tin.
    Tất cả những yếu tố trên ràng buộc, tác động hữu cơ qua lại với nhau tạo thành một mớ bùng nhùng rối tinh măng miến. Xã hội Việt Nam thời chủ nghĩa tư bản dã man dường như không có lối thoát. Tới đây tôi tự hỏi không biết mình suy nghĩ có tiêu cực quá không khi mà cuộc sống luôn có câu trả lời thỏa đáng cho các câu hỏi phát sinh từ sự tồn tại lâu dài của người Việt ???
    P/S: Đã lâu không viết bài nào về chính trị chính em, toàn loanh quanh phim sách truyện, nay gom thử các bản nháp thành mớ măng miến này cho đỡ nhớ. Tranh minh họa lấy trong loạt biếm họa. Và Thầy giáo mình giỏi thật :)

__50/50:Hên/Xui


    Trưa hôm trước, thử vận may tí với phim mới 50/50: Hên /Xui, ngồi xem tới gần cuối, ước chừng khoảng một tiếng rưỡi gì đó thì có việc, xếp gọi về làm, xui quá. Chiều hôm đó Việt Nam thua tơi tả, xui cho U23 của ta quá, thương khán giả Việt quá, may cho mình quá vì từ đầu giải tới giờ, mình gần như không chủ tâm xem bất cứ trận nào của đội nhà, chỉ ngẫu nhiên liếc qua vài phút, ngay cả điểm tin cũng chẳng chủ động xem. Mình đã bớt quan tâm (trước đó đã thôi yêu) đến đội tuyển đi rất nhiều từ khi Mr Ca-lis-to thôi làm HLV trưởng. Vậy là mình may mắn không bị cảm giác thất vọng tiếc nuối đeo bám vì đã thôi không thích đội tuyển nữa, thật là xui vì mình đã mất đi một điều gì đó tích cực. Yêu thích một cái gì đó không xấu luôn là tích cực. Lại phải giải thích một chút nữa, đội tuyển ta đá ngày càng xấu, điển hình là lối chơi, thái độ chơi bóng, mang đậm chất thô bạo thủ ác của V-ligue.
    50/50: nói về một anh chàng, đang hên vì cuộc sống của anh đang rất ổn, từ công việc tới bạn bè và người yêu, đùng một cái anh phát hiện bị ung thư, vận rủi đến tức thì, vận rủi này quá lớn so với cuộc sống tưởng chừng hạnh phúc và nhiều may mắn trước đó. Khả năng sống/chết của anh sau quá trình điều trị là 50/50. Tiếp đến anh gặp vận may, cô người yêu xinh đẹp, ưa đòi hỏi đã nguyện chăm sóc anh thay cha mẹ. Cậu bạn thân luôn ở bên giúp đỡ. Và anh được điều trị tâm lý bởi một bác sĩ trẻ mới ra trường, người luôn làm anh căng thẳng hơn là giúp đỡ anh. Xui. Cô bạn gái xinh đẹp mua tặng anh một con chó. Hên. Con chó rất già và cũng chẳng đẹp. Xui. Sau một thời gian hóa trị mệt mỏi và đau đớn, trong thời điểm khó khăn đó, cậu bạn thân vô tình phát hiện và lật tẩy bộ mặt lẳng lơ giả dối của cô bạn gái, anh chia tay cô ta. Xui cho cô ta và Hên cho anh, nhưng hình như cả hai đều nghĩ ngược lại. Nhiều lúc bên anh chỉ còn con chó già, nó bây giờ là người bạn luôn ở cạnh, nó là vận may của anh. Rồi anh thấy mình đã quá ích kỷ vì đã không quan tâm gì tới cha mẹ mình, 2 mẹ con anh đã lần lần thông cảm và hiểu nhau. Quá may đối với anh. Việc điều trị không đem lại kết quả gì. Rất xui. Trong lúc buồn đau và thất vọng, anh đã thổ lộ lòng mình với Cô bác sĩ tâm lý và 2 người đã rất thương nhau. Quá may với cả 2 người. Cuộc phẫu thuật ngày mai sẽ quyết định đến sự sống chết của anh. Bác sĩ bảo khả năng thành công là 50/50. Kịch tính của phim lên cao nhất vào lúc này, nội tâm của các nhân vật thay đổi nhanh và mạnh mẽ, các hàng ghế trong rạp vắng ngắt, chỉ có 3 người đang tập trung cao độ vào màn ảnh. Đoạn phim này hay quá, rất may cho kẻ phiêu lưu như tôi. Cái di động chết tiệt rung bần bật trong túi quần. Rút điện thoại ra, Ôi chu choa, 2 giờ mịa nó rồi, phòng gọi, lật bật nghe máy, ... tiếng phó phòng tức giận trong con Qmobile khốn khổ : "mày ở đâu, về cơ quan ngay"...:(

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

__Tay đấm thép: Real Steel


    Cơn bão lạm phát quét qua thành thị đến nông thôn, từ các doanh nghiệp tư nhân đến nhà nước. Tăng giờ làm, giảm lương là việc đầu tiên giới chủ (được gọi mĩ miều là lãnh đạo trong các DN quốc doanh) nghĩ đến. Chờ mãi rồi cũng có được một buổi vào rạp, trong dòng danh sách phim trình chiếu, "Tay đấm thép- Real Steal" được chọn, nó thuộc thể loại ưa thích của tôi, khoa học viễn tưởng. Bối cảnh câu truyện xảy ra trong tương lai gần, nơi các sàn đấm bốc không còn thuộc về các võ sĩ nữa, nó là cuộc đấu sinh tử của các Ro-bot. Một thực tế phải thừa nhận, thế giới đang được ảo hóa rất nhanh, từ mạng xã hội, gameonline, thực tại ảo, văn phòng ảo, đấu trường ảo ... ngay cả cuộc đấu của các Ro-bot, nghe qua cũng rất ảo, nó dễ làm người xem liên tưởng đến những trận chiến nhảm nhí của những Rô - bốt biến hình. Nhưng không, "Tay đấm thép" có thực ngay từ nhưng cảnh đầu tiên với những thất bại cay đắng của Hugh Jackman. Câu chuyện tương lai trong phim bắt đầu như vậy, dần dần được đưa vào câu chuyện ảo là những yếu tố thật nhưng dần trở lên hiếm và ảo: tình cảm thật, nước mắt thật. Đó thực sự là những giá trị thật của "Chất Thép". Một điểm yếu trong diễn xuất của Jackman (Charlie KenTon) là Các cú đấm của anh, dù chỉ đánh một mình nhưng xem rất "nghiệp dư", có lẽ uy lực của đòn đánh phải khổ luyện mới có được chứ không thể tập vài tháng là diễn được. Rất khập khiễng nhưng phải một lần nữa phải cúi đầu thán phục trước những đòn thế của Lý Tiểu Long trong Mãnh Long Quá Giang, Tinh Võ Môn..., khí thế, uy lực thoát ra mạnh mẽ trong từng đường quyền, cú đá, tiếng hét của anh. Không thể pha tạp, không thể bắt chiếc, độc nhất vô nhị.
    Cao trào cảm xúc mạnh dần về cuối phim, cậu Rô-bốt trở lên rất có hồn. Và người thổi hồn vào cỗ máy vô cảm đó là cậu bé bướng bỉnh, đáng yêu MAX-KENTON , con của Charlie. Trong hình hài cậu bé dễ thương là một tâm hồn nhạy cảm, một ý chí mạnh mẽ. Charlie, đã tìm lại được ý trí, tinh thần trách nhiệm với bản thân với cuộc sống của mình nhờ sự xuất hiện bất ngờ của cậu bé. Anh là một con Rô-bốt bằng xương bằng thịt, anh là hiện thân có thật của nhiều người đang sống. Và tất nhiên, tâm hồn anh cũng được chính con trai anh cứu vớt.

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

__Lạm phát "oánh" giày

    Ngày mai gió mùa đông bắc mới về, nhưng cuối giờ chiều trời đã tối mịt và trở lạnh. Chợt nhớ mình phải mua một đôi giày mới. Đôi cũ vừa rách mấy hôm trước, và một đôi cũ khác thì bị trộm mượn khi để ngoài cửa. Hồi đó khu phố mình có nhiều thanh niên đá cho ManU huyền thoại. Quay lại hiệu giày cũ, vẫn đôi giày đó giờ đã đeo giá 745K (trước khi bị mất nó giá 450K). Vậy là sau 2 năm, lạm phát uýnh vào đôi giày của mình 345K. Bài học về lạm phát trở lên vô cùng dễ hiểu, nó đơn giản hơn rất nhiều so với chuyện lên xuống bất thình lình của giá xăng, dễ hiểu hơn bài giảng của các thày giáo kinh tế. Thấy thông cảm hơn với với tổng quản nhà mình lâu nay vẫn phàn nàn về việc tăng giá của thịt cá rau dưa. Vậy là lâu nay mình vẫn vô cảm một cách chẳng hồn nhiên tí nào như vậy. Kiểm lại một số thứ bị lạm phát đánh thấy mình lãi được khối Việt Nam đồng, linh kiện máy tính do luôn được tính bằng USD quy ra VND, bây giờ vẫn vậy lên sau 2 năm RAM, ổ cứng ... nếu không giảm giá thì sẽ được ối, nhưng ai cũng biết rằng chỉ sau mấy tháng các món này sẽ lại rẻ đi do giá thành sản xuất giảm. Chỉ có đất đai nông nghiệp không tăng, người dân thất nghiệp nhiều (bị mất việc hoặc không chịu làm việc) lên những sản phẩm từ nó mà ra sẽ luôn bị lạm phát đánh đầu tiên. Tất nhiên, "hồn nhiên" như tôi sẽ biết trước tiên sẽ là cà phê, vé xem phim, mồi nhậu, sách báo hay là quà sáng rồi mới đến các thứ khác, như giày dép chẳng hạn.
    Nếu có cuộc thì ngõ phố nào nhiều bàn ghi số đề nhất ở Hải Phòng thì tôi chắc rằng, ngõ phố nhà tôi phải thuộc hàng top 5, nó còn có một kỉ lục khác là số lượng các tờ rao vặt trên tường. Gần đây, áp đảo trên các mảng tường, các vị chí bắt mắt là các tờ rao bán nhà, các tờ rao này đẩy "thông tắc bể phốt" "đục phá bê tông" xuống các level thấp hơn. :) Nhiều căn hộ tầng một được người ta chia thành 2, 3 căn hộ nhỏ hơn rồi rao bán. Người chủ sẽ ở một trong các căn đó, một số ít khác có lẽ sẽ chuyển vể những căn hộ khác, hoặc ngôi nhà khác to hơn, không có nhiều người may mắn như vậy. Họ phải chia sẻ hoặc buộc lòng phải bán nó đi. Thất nghiệp, ốm đau bệnh tật, vỡ nợ, đổ bể trong làm ăn, cái công cuộc mưu sinh đầy khó khăn, bất trắc không cho phép người dân ở những căn hộ "được giá". Những tháng cuối năm này, "rao vặt bán nhà, liên hệ chính chủ qua số đt : 09xxx" thực sự lên ngôi. Lạm phát không chỉ còn ngoài chợ nữa, hay trên ti vi nữa, nó đã tràn vào các căn hộ, các khu nhà tập thể cũ kỹ được xây dựng cách đây đã trên dưới 30-40 năm.
    Tuần trước, mình vừa chia tay anh hàng xóm hiền lành, tiền bán căn hộ anh sẽ dùng để trả nợ, phần còn lại sẽ mở một cửa hàng internet gần trường tiểu học, bên nhà mẹ vợ của anh. Con gái mình hay sang chơi với lũ con anh, chiều này hỏi mẹ, hỏi bố mấy lần:"Mẹ ơi, chị Thảo, bé Nhi đã về chưa"

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

_Cuối tuần ghé qua chợ :)


    Quả "Chiến tranh và Hòa Bình" mang từ nhà đi, ghét quá lên nhét vô đây, đọc suốt mấy tiếng đồng hồ mới hết lời giới thiệu, tác giả-tác phẩm: kể lể rất dài dòng về cuộc đời và sự nghiệp của Tonxtoi, từ chuyện cờ bạc giai gái phù phiếm đến chuyện vợ chồng, chuyện văn vẻ nghiêm chỉnh. Về tác phẩm, từ chuyện viết lách, tìm tư liệu lịch sử đến chuyện tranh chấp bản quyền, văn phong, kỹ thuật viết :). Rất là thú vị, tổng cộng phần giới thiệu của 2 bản dịch lên tới gần 200 trang, phần giới thiệu trong bản của Cao Xuân Hạo, tưởng 79 trang là dài nhưng vẫn rất sơ sài, và hơi củ chuối. Quyết định nghỉ ngơi để lấy dũng khí trước khi vào chương I, bản của Nguyễn Hiến Lê, mặc dù ông này dịch "Chiến Tranh và Hòa Bình" từ tiếng Pháp sang :))
- Casanova: để đọc khi loanh quanh thành phố.
- Chuyện Đời vớ vỉn: khi nào chán đời thì đọc (hi hi: cứ 2 ngày thì chán đời 15 phút)
- Tội Ác và Trừng phạt: Ác như con Tê Giác lên... cứ từ từ, hồi sau sẽ rõ.
- Gái công xưởng: Oánh nhanh rút ngọn.
- Sát thủ đầu mưng mủ: đã và đang gây xôn xao trong cơ quan :D
- về Văn Minh Vật Chất của Người Việt: ... cái này hiện * éo biết giải quyết với nó thế nào.Thôi thì xem tranh minh họa trước vậy :D