Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

__Nghệ thuật ngày thường, chuyện cần phải nói


    Vừa đọc xong “Nghệ thuật ngày thường” của Phan Cẩm Thượng, ngoài phần viết về nghệ thuật rất cụ thể, chi tiết và khá dễ hiểu thì phần “Ngày thường” với nội dung chính về người nông dân, không gian ở của người nông dân, không gian văn hóa của làng quê Việt Nam. Phần này, chứ không phải phần nghệ thuật kia, mới là phần mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Những đoạn văn, câu chữ trong đó, tải nhiều trăn trở, luyến tiếc, u buồn và đôi khi là cả sự bất lực và tức giận của nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, lúc này, trên những trang viết này, anh giống nhà văn hơn. Một nhà văn giỏi, anh truyền được cảm xúc buồn bực đó cho người đọc, cho tôi. Vì chính tôi cũng đã từng sống trong những làng quê mà anh miêu ta, tuy không được đẹp và hoàn chỉnh như vậy, nhưng chứng kiến sự thay đổi và mất mát của nó theo thời gian tới bây giờ thì quả thực vô cùng luyến tiếc. Môi trường sống lành mạnh, môi sinh sạch sẽ thoáng đãng, tình làng nghĩa xóm khi mất đi, bao giờ có lại được sẽ là câu hỏi day dứt, không dễ trả lời. Lại vừa đọc một bài viết của anh Nguyễn Quân, về những yếu huyệt của công chúng yêu nghệ thuật hội họa ở nước ta, anh phân tích những yếu huyệt này, nguyên nhân sinh ra chúng, rất đúng rất xác đáng. Trong đó anh có nói một ý về Phan Cẩm Thượng, về Nguyễn Quân, về những bài phê bình của họ, chính họ là một trong những người đã tạo ra yếu huyệt đó của công chúng. Những bài phê bình của họ, vô hình chung đã tạo là một sự định hướng trong gu thẩm mỹ, trong cách đọc tranh của những người yêu hội họa, yêu mĩ thuật ở nước ta. Đọc tới đây, tôi rất hoang mang và cũng đặt câu hỏi “thế chúng ta làm gì bây giờ” .
    Tôi chợt nghĩ tới SUỐI NGUỒN, theo như anh Nguyễn Hưng thì Phan Cẩm Thượng và Nguyễn Quân thực ra là một dạng Elswood Toohey, một kẻ đạo đức giả, dưới chức danh –nhà phê bình- dùng uy tín, tài năng ngôn ngữ của mình để định hướng dư luận, định hướng nhận xét của mọi người đối với một tác phẩm nghệ thuật (điêu khắc, kịch, kiến trúc…) theo ý mà ông ta muốn. Quả thực, không thể bác bỏ được ý kiến của anh Nguyễn Hưng, vì việc phê bình, ít nhiều cũng tác động đến người thưởng ngoạn tác phẩm. Phê bình càng hay, càng chính xác, người thưởng thức càng thích tác phẩm đó và càng khâm phục và tin tưởng nhà phê bình. Sự tin tưởng sẽ dẫn họ theo một định kiến sai lầm nếu người phê bình ranh ma lợi dụng sự tin tưởng này.
    Không phải kiêu căng tự phụ, nhưng tôi tin là trong thời buổi giao lưu thuận tiện, đầy ắp thông tin như thế này thì việc tuyên truyền định hướng tư tưởng cảm nhận của người hưởng thụ là rất khó, nếu không nói là không thể. Và không thể chỉ qua một vài cuốn sách, một vài bài báo mà công chúng có thể hiểu, cảm nhận được ngay vẻ đẹp hoặc đồng cảm với tác phẩm được- đặc biệt là những tác phẩm biểu hiện, siêu thực, trừu tượng, hiện đại, hậu hiện đại ... Tôi không tin công chúng lại tầm thường như thế. Vì vậy, mục đích của các nhà phê bình, cụ thể ở đây là Phan Cẩm Thượng, khi viết lên các bài báo, bài phê bình, có lẽ cũng giống như tôi, người đọc, công chúng, tìm đến các tác tuyển tập phê bình của anh cũng như của các nhà phê bình khác,chỉ là tìm kiếm sự đồng cảm, sự giao thoa trong cảm xúc của mình khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật mà thôi.
P/S: Một tác phẩm của JackSon Pollock trong bài viết (note facebook) của anh Nguyễn Hưng

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

__Sát thủ đầu mưng mủ :)


    Dạo này mải đọc sách xem phim mà quên viết về đường phố. May có anh La Thăng khuấy lên, hi hi, cảm ơn anh Thăng lắm lăm, anh là anh ấy lắm đó :), anh vừa thành đối tượng của “tân tục ngữ”… Hung hăng như Đinh La Thăng (Nhị Linh xuất khẩu- tương lai sẽ được Thành Phong update vô bộ tranh "Sát thủ đầu mưng mủ"). Anh vừa có chủ trương về việc thay đổi giờ làm, mình nói chuyện này trên xe, cán bộ đường lối bảo : “cái này nó liên quan tới nhiều vấn đề lắm, vì công việc của bộ này nó phụ thuộc vào bộ kia, rồi thì đón con đón cái ... khó lắm”, cán bộ đường lối rất chăm đọc báo mạng, ipad, iphone lướt web kinh luôn, anh luôn có những đánh giá "chuẩn không cần chỉnh". Xe đi qua đầu ngã tư, góc khuất gần đó có anh áo vàng đứng rình đèn Xinh-nhan xe máy không bật, cán bộ đường lối quay sang chú công an ngồi cạnh quăng đá : “Anh à, kiếp sau anh đừng làm công an”. Mình cười muốn vỡ bụng luôn. Được cái chú công an của xe mình rất hiền và hiểu đời. Mấy hôm sau ngồi rượu thịt chó, anh chửi đồng bọn rầm rầm, đ.m thằng nọ thằng kia, nghe mà sướng lỗ tai. Hic, mình ngày càng thích nghe người ta chửi công an, chửi chính quyền, thế mới bỏ mịa. Mà anh công an của xe cũng có máu văn chương mới ác, cứ ngà ngà say, hoặc khi cao hứng là anh đọc thơ, anh nhớ rất nhiều thơ, trong đó có cả Kiều. Một hôm nọ, đang rong ruổi phố phường, anh cao hứng xuất khẩu:
        “ Hôm qua anh đến chơi nhà
        Anh đòi quan hệ nhưng nàng không cho
        Hôm nay anh lại đến nhà
        Anh lừa nàng ngủ anh quăng chim vào...”

Anh vừa dứt lời, cả xe cười như vỡ chợ, câu cuối của anh còn được anh em lẩm nhẩm đọc trong khoái chí nhiều ngày sau nữa. Xe về đến cơ quan, mọi người vẫn còn chưa hết đau bụng, anh tưng tửng phang luôn một câu tân ca dao, câu này rất hiểm:
        “ Văn chương chữ nghĩa bề bề
        Thần L ... ám ảnh cũng mê mẩn hồn*"
:))))))

P/S: * Câu tân ca dao, tục ngữ này không có trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” của Thành Phong, hôm trước chưa mua được sách lên tôi cứ mong nó có câu này, he he. Nhã Nam vừa xuất bản, nhất định phải mua. Chiều nay ra hiệu sách ngoại văn hỏi, có em bán sách bụng to khi nghe mình hỏi cuốn này, cứ cười cười... hỏi kháy mình mới đểu.
- Ảnh minh họa : từ Vnexpress và Vietnamnet

- Bài trả lời phỏng vấn của Ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc Công ty Nhã Nam về Sát thủ đầu mưng mủ
- Tin giờ chót (8h sáng ngày 26/10/2011): tui chưa kịp mua sách thì NXB Mỹ Thuật, đơn vị liên kết xuất bản với Nhã Nam (thực chất là chả phải làm cái *éo gì nhưng vẫn được tiền vì có quyền bán con dấu) vừa ra lệnh thu hồi cuốn sách :(
- Update thông tin: đã rước về được 2 cuốn, một để nhà, một mang đi "mua bán" tiếng cười trong cơ quan, thu hoạch kha khá :)

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

__The Tree of life : Cây đời


    Cây đời, Canes 2011, phim của Terrence Malick, chả biết nói thế nào nhưng tôi có cảm tưởng đây mới đích thực là sức mạnh của điện ảnh, những chuỗi hình ảnh của phim, sống động không ngờ, nó sống thực sự và lộng lẫy hơn trong âm nhạc của nó. Những màn đối thoại với chúa trời, với đức tin với niềm tin, với sự sống, cái chết, sự sinh sôi nảy nở, về trái đất về hành tinh, về vũ trụ bao la về trời về đất nước, sông ngòi ao hồ và biển cả và về những cái cây, những cuộc đời. Nhiều không sao tả xiết, những hình dung, những hình ảnh cứ ào ạt xô vào cảm xúc của tôi như những đợt sóng của biển cả. Về chúa trời về địa ngục, về những thiên hà bao la, những vì sao, những thiên thạch trong tiếng thánh ca rộng khắp, tràn ngập bao dung che trở cũng như thức tỉnh, trong những tiếng gầm thét của núi lửa phun trào của sóng triều dâng, của đá tảng vỡ vụn, của muôn trùng con nước dữ dội đổ xuống ầm ầm hung bạo. Của thủa hồng hoang cũng như của tương lai nào đó xa xăm lắm. Của những con khủng long săn mồi nhưng lại vị tha trong màu xanh ngút ngàn của rừng nguyên sinh. Và cả sự cô đơn của con người hiện đại, anh ta cô đơn trong những kiến trúc tráng lệ tuyệt vời, may mắn là cuối cùng, Jack, Sean Penn, cũng tìm ra nơi trú ngụ của người, God.

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

__Hồ Gươm ngày và đêm


.....
    Giờ mão (từ 5-7 giờ)
    6 giờ sáng, những nhóm thể dục, chạy bộ xuôi ngược về dần. Những lưới cầu lông được căng ra và các cao thủ còn thi đấu đến 7 giờ. Chợ chạy rất nhộn nhịp người mua, người bán và luôn có cảnh giằng qua giằng lại, khóc lóc của các cô bán hàng với trật tự viên. Những người quét rác bắt đầu khua chổi trên vỉa hè. Hàng quán ở bốn đường chính mở hết. Xe máy, xe đạp, ô tô tạo thành một vòng giao thông rầm rập quanh hồ đến chóng cả mặt. Tất cả cắm cúi lao về phía trước, mà không biết họ sẽ đi đâu. Hết giờ Mão ló ra những kẻ kiếm ăn ven hồ, họ ở lại đây cho đến tối mịt.
    Trước khi trời sáng, những người lang thang tranh thủ đi giải xuống mặt hồ và các gốc cây. Còn đại tiện thường diễn ra ban đêm. Họ là những người suy thận và đói ăn nên đi đái nhiều, đi ỉa ít. Quanh bờ hồ có ba nhà vệ sinh công cộng. Một trước cổng Thủy tạ, một ở sát hồ trong vườn hoa đối diện với sở điện, một trong ngõ hẻm Hàng Khay sau chùa Vũ Thạch. Thời bao cấp những khu vệ sinh này rất bẩn. Nay vào phải mất tiền, đi nhỏ 500đ đi to 1000đ, có người dọn dẹp sạch sẽ. Người lang thang không ai tốn kém như vậy.
.....
Tổng cộng 12 canh giờ quanh Bờ hồ, với đầy đủ hỉ nộ ái ố,ngâm trong dịch buồn xót xa...
P/S: Hồ Gươm ngày và đêm_ Giờ mão (từ 5-7 giờ)_ Phan Cẩm Thượng

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

__Chỉ tại mù ngoại ngữ


    32 tuổi, bắt đầu đọc Chiến tranh và hòa bình (CTHB). Sáng sớm, lên gác tìm CTHB, hơi bất ngờ ... 2 bản CTHB mà mình có là hai bản dịch khác nhau, một của Nguyễn Hiến Lê còn bản kia của nhóm dịch Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, Hoàng Thiếu Sơn, Thường Xuyên. Với một tác phẩm đồ sộ như CTHB thì có lẽ một tập thể dịch sẽ tốt hơn một các nhân chăng?. Mình không chắc lắm, bởi lẽ, khi tác phẩm là của một mình ta thì sự chăm chút, tình cảm của một cá nhân dành cho nó sẽ là vô cùng và tính thống nhất luôn cao hơn sản phẩm của một tập thể. Chưa kể nó còn thể hiện cá tính của cá nhân trên tác phẩm (sản phẩm). Nghĩ thì vậy nhưng tay vẫn cầm bản CTHB của nhóm Cao Xuân Hạo, vì tiếng tăm của dịch giả này, mặc dù đâu đó có nghe Nguyễn Hiến Lê cũng là một tác giả, dịch giả lớn. Vậy là trên đường dài rong ruổi, tôi gặm nhấm CTHB của Cao Xuân Hạo, sách do Nhà xuất bản Văn học ấn hành, bản in năm 1976. Lời giới thiệu ngốn mất 71 trang, đọc khá hay nhưng có một hạt sạn to tướng, nhiều lỗi chính tả, ngạc nhiên luôn. Về lỗi chính tả trong sách in, nhớ hồi đọc Ruồi Trâu , tay lúc nào cũng lăm lăm cái bút bi đen sửa lỗi. Sách xưa thường có kèm tờ đính chính ở trang cuối, sách bây giờ tự tin loại được lỗi chính tả vì có phần mềm tin học trợ giúp, và thế là sạn vẫn lọt vào như thường. Bản Suối nguồn , giấy trắng đẹp thế mà thỉnh thoảng vẫn “điểm xuyết” vài ba lỗi chính tả. Trở lại chuyện các bản dịch CTHB, sau khi đọc hết phần giới thiệu, tự nhiên lăn tăn về chuyện chọn đọc bản dịch nào. Không ngờ có cả một cuộc tranh luận về giá trị của hai bản dịch này, bản nào cũng có khen, chê, mà có vẻ đều đúng cả, thế mới bỏ mẹ. Đúng là vì người đọc, thằng tôi, không biết ngoại ngữ, nhất là tiếng Nga, tiếng Anh thì chỉ đủ đọc báo mạng với sự trợ giúp của Gu-gờ. Mà ngay bản dịch tiếng Anh của CTHB cũng có hơn một bản, và các dịch giả tiếng Anh của kiệt tác tiếng Nga này cũng “chửơi” nhau chí chóe, người nọ chê bản dịch của người kia. Giá mà biết tiếng Nga thì tốt quá. Nuôi mộng văn chương, he he, 32 tuổi quyết định sẽ đọc bản Chiến Tranh và Hòa Bình của Nguyễn Hiến Lê sau khi đọc hết lời giới thiệu (của Nguyễn Hải Hà) trong bản dịch của Cao Xuân Hạo, tự hứa khi nào có thì giờ và cảm hứng sẽ đọc tiếp bản kia để khỏi mang tiếng bóc bánh mà không ăn :).Hic, hic... Chỉ tại mù ngoại ngữ:(
    P/S: - Chiến Tranh và Hòa Bình L.TÔNXTÔI - Bốn tập, Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, Hoàng Thiếu Sơn, Thường Xuyên dịch, nhà xuất bản văn học-1976, khổ 13x19.
- Chiến Tranh và Hòa Bình-LÉON TOLSOI - Hai tập, bìa cứng, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, Nhà sách Đông Tây (của dịch giả Đoàn Tử Huyến) và nhà xuất bản Văn học ấn hành -2007, khổ 16x24cm.

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Có một thời hội họa trừu tượng (lược trích)



.....
Ngay từ khi ra đời, hội họa trừu tượng đã bị la ó om sòm, nhưng hình như càng bị phản đối nó càng phát triển. Từ năm 1911, Kandinsky (1866-1944) một họa sĩ Nga, sống ở Đức đã vẽ những bức tranh không có đối tượng. Trước đó, dù là vẽ gì, hội họa cũng vẫn phải dựa vào những hình thức có sẵn tự nhiên và xã hội, người xem tranh ban đầu cũng dựa vào sự đối chiếu giữa hội họa và cuộc sống. Hội họa Lập thể, Biểu hiện, ròi Siêu thực những trường phái lừng danh đầu thế kỷ 20, đã từng làm người nản lòng vì những cách tân quá sức tưởng tượng, nhưng dù sao chúng phần nào còn dựa vào thực tế. Loại bỏ tất cả những gì mắt thường nhìn thấy, cái hội họa không đối tượng này gây ra một cú sốc không tưởng tượng nổi ở chỗ họa sỹ đã chẳng vẽ một cái gì, ngoài những vệt màu được phối hợp theo trật tự nào đó, tất nhiên là một bảng màu đẹp. Không gian ba chiều và đa chiều mà hội họa đã đạt được lại trở lại hai chiều, bức tranh chỉ còn lại cảm giác, không có điểm tựa nào cho sự cảm nhận. Mondrian (họa sỹ Hà Lan, 1872-1944) coi vẻ đẹp của hội họa chỉ đơn thuần là một cấu trúc đẹp, tranh của ông thuần là những đường ngang dọc và những điểm màu nắn nót. Họa sĩ người Mỹ Frank Stella (sinh 1936) vẽ trừu tượng chỉ bằng một hai màu tô phẳng, song cách tô màu của ông rất độc đáo, trên mặt phẳng chỉ là một màu nhưng gợi cảm giác vô cùng. Cuối cùng phải kể đến Pollock (1912-1956), đã sáng tạo nên một thứ tranh trừu tượng hành động, ông quăng đổ ném màu lên tranh, hoặc để hộp màu chảy tự do trên bề mặt tấm toan. Cũng phải rất lâu công chúng phương Tây mới chấp nhận một thứ hội họa như vậy, huống chi nước ta, nhưng dần dần người ta cũng nhận ra rằng, trong nghệ thuật người nghệ sỹ đôi khi cũng chơi hình thức như một sự luyện tay nghề. Vài câu thơ vu vơ, vài giai điệu ngẩn ngơ, hoặc vài nét vẽ bâng quơ… Những cái đó có vốn không có nội dung, nên chẳng có vấn đề tư tưởng. Hội họa trừu tượng cũng không có tuyên ngôn, ý tưởng gì ghê gớm, dần dà là một loại tranh cho riêng họa sỹ mà thôi.
.....
Có một thời hội họa trừu tượng - Nghệ thuật ngày thường-Phan Cẩm Thượng

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

__Trại súc vật


    Tiếng cười châm biếm, tiếng cười trí tuệ luôn được trân trọng, người tạo ra được những tiếng cười ấy luôn được kính trọng và thán phục. Tiếc rằng thời gian gần đây nó ngày càng thưa dần, một phần vì môi trường văn hóa truyền thông có quá nhiều vấn đề “nhạy cảm” cũng như các biển cấm được giăng khắp nơi. Vì lẽ đó, đòi hỏi những tác phẩm như Số đỏ, các vở kịch của Lưu Quang Vũ, hay các tranh biếm họa chính trị như thời kỳ trước là một điều xa xỉ, tất nhiên còn có lý do tài năng, nhưng tôi tin văn đàn nước ta có nhiều tài năng, họ chỉ thiếu chút tự tin mà thôi. Tác phẩm Trại Súc Vật – Animal Farm, tôi hay gọi là trại gia súc, là một tiểu thuyết châm biếm, cười ra nước mắt, được xuất bản ở Anh ngày 17 tháng 8 năm 1945. Sau hơn 50 năm nó được dịch ra 68 thứ tiếng và được yêu thích trên toàn thế giới, tất nhiên là trừ những người bị nó châm biếm. Trai gia súc thể hiện cái nhìn sắc sảo và khả năng dự đoán xuất sắc của George Orwell (1903-1950), Ông là nhà văn Anh gốc Ấn độ. Ông không dự đoán về một con người, một sự việc mà là một xã hội, một quốc giá, một thể chế chính trị mà sau đó nhân rộng ra gần 1/2 thế giới. Sự châm biếm càng sâu cay khi mà những nhân vật chính được ví như loài lợn, chỉ riêng điều này thôi đã làm người đọc không nín được cười rồi thì tệ sùng bái cá nhân, tệ khủng bố tinh thần, thói bóp méo thông tin, tuyên truyền một chiều, phản động và dối trá được miêu tả hết sức sinh động. Một xã hội loài vật với đầy đủ các quan hệ xã hội, hành động sống phù hợp với đặc tính của con vật, mô phỏng thú vị xã hội loài người. Ở một mức độ nào đó, Trại Súc Vật làm ta liên tưởng ít nhiều đến ký ức tuổi thơ “Dế mèn phiêu lưu ký ”. Một tác phẩm cũng viết về loài vật, trong khi Dế mèn chỉ dành của thiếu nhi Việt Nam thì “Trại Gia Súc” lại trở thành kiệt tác của nhân loại.

108 tác phẩm văn học thế kỷ XX-XXI (Không phải 108 tên cướp thế kỉ 20-21)


    108 trang sách dành cho 108 tác phẩm văn học, không hơn không kém. Một dạng sách giáo khoa dành cho người lớn. Hoặc giả nếu sinh viên năm đầu nào đó, nghĩa là đã qua thời học sinh, mà đọc hết 1/3 số tác phẩm được giới thiệu trong này trong thời kỳ còn là học sinh thì thật đáng ngưỡng mộ người đó. Thực sự đáng ngưỡng mộ, vì chắc chắn ngoài những cuốn được giới thiệu trong 108 còn có rất nhiều cuốn khác rất hấp dẫn, còn rất nhiều chuyện tranh, phim ảnh, game và rất nhiều thú vui bổ ích và vô bổ khác. Vì lẽ đó, sách do nhà xuất bản Kim đồng ấn hành nhưng không dành cho trẻ em, hoặc chỉ dành một phần nhỏ cho trẻ em với: Chúa tể chiếc nhẫn, Hoàng Tử Bé, Harry porter, Tottochan, Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Nils Holgerssons qua đất nước Thụy Điển… Sách có nhiều tranh khỏa thân, là những bìa các tác phẩm văn học được tác giả sưu tầm. Chưa kể trong số đó có rất nhiều tác phẩm mà trẻ con đọc xong đòi làm người lớn thì bố mẹ chỉ có nước ... tự tử. Ấy chết, có lẽ không đến mức nghiêm trọng thế vì nó cũng chỉ là Rừng Na uy, Hạt Cơ Bản, Hạ Chí Tuyến (quyển này tôi chưa đọc, nhưng thấy cái bìa hot quá), rồi án mạng qua các tác phẩm của Agatha Christie, Mật Mã Davinci. Và vài quyển khác nghe cũng ghê ghê về chủ nghĩa hiện sinh của Anbe Camuy, các vở kịch phi lý và sách của Coetzee. Trong sách cũng giới thiệu “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, mà bộ phim dựa trên tiểu thuyết này đã làm các cha xứ khắp nơi trên thế giới, có cả Việt Nam, một thời phát rồ phát dại.
    Trong tập sách có rất nhiều tác phẩm đã được dịch và xuất bản hẳn hoi ở Việt Nam nhưng bìa sách minh họa là nguyên bản tiếng tây Đại gia Gastby, Bắt Trẻ đồng xanh, Giết con chim nhại, Sông đông êm đềm, Cuốn theo chiều gió …, việc này tôi thực sự không hiểu lắm. Không biết người sưu tầm sợ đọc giả thiếu nhi tìm đọc những tác phẩm được giới thiệu hay còn vì những lý do nào khác tôi, việc này thật không nên, riêng Đại gia Gastby được giới thiệu là Gastby Vĩ đại (cái tên này có lẽ quen thuộc hơn, nhất là những người yêu thích Murakami). Khá “dũng cảm”, người biên soạn giới thiệu “Những vần thơ của quỷ sa tăng” với niềm trân trọng, trước đây không lâu, ở Nhật bản, người dịch tác phẩm này sang tiếng Nhật đã bị những kẻ cuồng tín sát hại. Tác giả cuốn này Samal Rushdie, sách của ông đã được Việt Nam, tôi không nhớ là cuốn nào. Nhiều tác phẩm khác là những tập thơ (Lời Dâng, Khúc ca chung…), kịch (Nữ ca sĩ hói đầu, Đợi Godod, Đám Cưới Máu…) , có những tác phẩm đã được chuyển thể thành phim và rất gẫn gũi với đọc giả Việt Nam như, Cuốn theo chiều gió, Papilon, Triệu phú ổ chuột, Tiếu ngạo giang hồ… Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là tác phẩm duy nhất của Việt Nam được giới thiệu. Nhiều tác giả có những tác phẩm tranh cãi cũng được nhắc đến với lời giới thiệu khá đầy đủ nhưng khéo léo tránh những điểm nhạy cảm trong cuộc đời sáng tác của họ, như George Orwell (nổi tiếng với Trại gia súc), hay Aleksandr Solzhenitsyn với Quần đảo Gulag. Với những tác giả này, để tìm đến tác phẩm của họ, người đọc chỉ có thể đi đường internet hoặc phải cố mà học giỏi ngoại ngữ, cỡ gần bằng … dịch giả. Bằng lời văn giản dị khúc triết, 108 trang với 108 tác phẩm là một gợi ý giá trị với những người mê đọc sách.

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

___Võ hiệp (2011) - Những cảm xúc đứt đoạn


Hình như người Tàu đang hoài cổ, họ luyến tiếc những truyền thống ngàn năm, những làng mạc thanh bình tươi đẹp đã mất do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa bừa bài chăng ? Trần khả tân có lẽ đã thấu hiểu tâm tình đó và tạo ra một vùng quê tươi đẹp như … hành tinh Pandora, (Avatar) cây cỏ xanh tươi ngút ngàn, đồng lúa chín vàng, cầu đá cũ kỹ cheo leo trên dòng thác chảy xiết, ngôi đình nhỏ, tửu quán thâm nâu, con người hòa thuận sống chan hòa giữa thiên nhiên tươi đẹp. Tất cả đều rất thật, không thấy sự hiện diện của đồ họa kỹ thuật số.
Trong bối cảnh lãng mạn nên thơ đó, các màn giao đẫu võ thuật bắt đầu không lâu khi xuất hiện diện mạo của chàng Châu Tử Đan - Lưu Kim Hỷ. Nhưng sự lãng mạn không mất đi, nó được kéo trở lại với Thang Duy –vợ Lưu Kim Hỷ, vẻ hiền dịu và trong sáng tuyệt vời của cô như là cái hồn của làng quê đó, khoảng khắc sexy hiếm có trong phim, nàng rửa bóng cá để làm condom. Nước, nước mát, nước của sự sống. Lưu Kim Hỷ gặp vợ trên một dòng suối trong vắt khi cô đang giặt áo. Và trong những cảnh giao đấu đầu tiên, một tên cướp đã mất mạng trong một đầm nước xanh ngắt màu thủy sinh. Các chiêu thức, đòn đánh được quay chậm rất nghệ thuật và tinh tế. Bổ đầu – Kim thành vũ xuất hiện như thám tử Sherlock Homes của Guy Ritchie pha tí khí chất Bao Chửng, ấn tượng, lãng tử và nhạy bén nhưng cũng hơi cố chấp. Chính những ấn tượng này tạo lên những xung đột, mâu thuẫn rất thú vị trong con người anh. Anh mang đến y học truyền thống trung quốc (lại truyền thống) kết hợp với giải phẫu học tiên tiến của thế kỷ 20 trong điều tra phá án.
Những mãi ngói cũ kỹ những không gian đầy ẩm ướt và xanh rêu, người quê chân chất, phong tục cổ truyền xưa cũ. Ta còn thấy các cụ già và em nhỏ ngồi xiên châu chấu bằng những cọng rơm khô thành những xâu dài trên những ruộng lúa mới gặt. Lúa được đánh thành đống trên các cánh đồng cạn. Bọn người ác kéo đến khi các bô lão trong làng đang làm lễ ghi công trạng vào gia phả cho Lưu Kim Hỷ. Bổ đầu và sai nha cũng đến để bắt người, trên cánh đồng, bà con nông dân đang làm đất cho vụ mới, từng nhát cuốc xới lên những mẻ đất màu mỡ, ta còn nhìn thấy rõ những con giun đất béo mập. Và cũng trong lúc đó Và linh cảm về những xáo trộn, hỗn loạn và giết chóc đến trước khi các cảnh tiếp theo diễn ra.
Diễn xuất của chàng Châu gần như không thay đổi từ Diệp Vấn 1,2 qua Trần Chân, Quan Vũ và nhiều vai khác nữa, vẫn bộ mặt ngơ ngơ đơ đơ đó. Cái hồn của chàng dồn hết vào chiêu số quyền cước mất rồi, bù lại ta có Thang Duy và Kim Thành Vũ, tinh tế và giàu cảm xúc. Và không khác nhiều siêu phẩm võ thuật, kiếm hiệp gần đây khác, sự kết thúc của đa số nhân vật phản diện đều rất kỳ cục :)