Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

__Không chỉ là đại gia, Gatsby là vĩ đại


Bài viết có tiết lộ nội dung phim, nếu ai chưa xem phim, không nên đọc :)
    “Gatsby vĩ đại”-2013 được đạo diễn Baz Luhrmann chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của Scott Fizgerald. Lấy bối cảnh trong “thời kỳ jazz” nước Mỹ bắt đầu thịnh vượng chưa từng thấy, những năm 1920 do sự cất cánh của nền kinh tế. Chàng trai trẻ Nick Carraway từ bỏ giấc mơ làm nhà văn để đến với New York phù hoa, chàng theo đuổi một giấc mơ khác, giấc mộng phù hoa và giàu có, “giấc mơ Mỹ”. Ở đây anh gặp một người bạn lớn của đời mình, Gastby, một người đã chinh phục được giấc mơ Mỹ. Vẻ ngoài là vậy, nhưng càng thân thiết với Gastby, Nick đã vỡ ra nhiều điều về sự "phù hoa" và thế giới của người giàu. Đi sâu vào cuộc sống của Gastby, được "đại gia" kể về đời mình, cảm nhận được tình yêu của Gastby với Daisy, chứng kiến cái chết của Gastby, anh đã nhận ra những gì quý giá, những gì là phù phiếm, quan trọng hơn cả là anh biết Gastby, bạn của mình là một người vĩ đại.
    Từ lâu rồi :...“Gatsby là một biểu tượng lớn trong văn hóa đại chúng Mỹ. Gatsby đại diện cho một kiểu người từ tay trắng đi lên, có một quá khứ đen tối, một người tình bí ẩn; người trong cuộc đời đã chạm tới tột đỉnh vinh quang để rồi mất đi tất cả. Người ta nhìn thấy ở Gatsby một sự hiến sinh cho những phù phiếm lòe loẹt của cái gọi là “Giấc mơ Mỹ”. Nhưng đồng thời ở Gatsby cũng tồn tại một năng lực hy vọng kỳ lạ của kẻ không bao giờ biết bỏ cuộc, một tình yêu say đắm chân thành và cao thượng; một sự lãng mạn ngây thơ không hề bị vẩn đục. Chính những phẩm chất đó đã xây dựng nên một Gatsby phức tạp - một kẻ vừa là nạn nhân, vừa là trò hề, đồng thời cũng là một đấng anh hùng. Những thăng trầm trong cuộc đời Gatsby cũng là minh chứng rõ cho tính phù du, tạm bợ, đầy bất trắc của kiếp người.” (lời của Anh Trâm trên Vnexpress.net ) Gatsby cũng đại diện cho một người sống hết mình, cống hiến hết mình cho những gì anh ta theo đuổi, đây là một đặc thù của "tính cách Mỹ", nên cũng dễ hiểu vì sao, người Mỹ lại yêu Gatsby đến thế.
    Chuyển thể tác phẩm văn học này sang điện ảnh,ngay từ những cảnh đầu Baz Luhrmann cho người xem chóng mặt với những màn phi xe tốc độ liền sau đó là bữa đại tiệc truy hoan khổng lồ đầy tràn sâm-panh, đá quý, pháo hoa, âm nhạc, sự cuồng say cuốn khán giả vào trong đó, máy quay vút nhanh trên những đám bụi than khổng lồ xám xịt u ám, những người phu than lầm lũi, và lướt đến tận những công nhân xây dựng làm việc trên những giàn giáo cao ngất không kể ngày đêm. Tất cả diễn ra dưới cặp mắt khổng lồ mệt mỏi của bác sĩ Eckleburg ( cặp mắt từ tấm biển quảng cáo của một phòng khám nhãn khoa nào đó). Đây là một hình ảnh mang tính biểu tượng của nguyên tác văn học cũng như phiên bản điện ảnh. Nhịp độ của phim giảm dần sau đó, Gatsby xuất hiện, được miêu tả thận trọng qua diễn xuất đĩnh đạc của Leo Dicarpio, nhưng anh này tự ý thêm vào những tình tiết đầy hài hước và có phần phóng đại, tiêu biểu là đoạn gặp Daisy tại nhà của Carraway. Qua con mắt của Nick, con người, tính cách của Gatsby, của Daysy, Tom buchanan lần lượt được mô tả rất sát với tiểu thuyết, nhịp điệu chậm rãi này được giữ đến cuối phim giúp người xem có thời giờ thưởng thức âm nhạc, thưởng ngoạn những khung hình đẹp đẽ của hiệu ứng 3D. Lặp lại ko ít lần là cảnh Gastby đứng trên bến tàu ngập trong sương khói, hướng về phía bờ tây, đưa tay với lấy chùm sáng xanh biếc đầy mê hoặc tỏa ra từ phía đó, nơi tọa lạc tòa lâu đài của gia đình Daisy. Dường như sợ khán giả không hiểu những hình ảnh này, Baz Luhrmann giải thích trực tiếp bằng lời thoại hoặc trích dẫn nguyên văn từ cuốn tiểu thuyết. Bạn Minh phúc trên Phimchieurap.vn viết : “Hay một khía cạnh hình ảnh khác, có lẽ chúng ta nên nói về hình ảnh ẩn dụ. Ngọn hải đăng phát ra ánh sáng xanh lục, cái nơi mà mỗi tối Gatsby vẫn cố với tay tới; màu xanh lục tượng trưng cho trí tuệ và tiền tài, nó cũng tượng trưng cho những gì mà con người khao khát những sẽ không bao giờ đạt được, ánh sáng ấy luôn đủ sáng để chiếu qua lòng bàn tay của con người, nhưng làm sao có thể giữ được tia sáng ấy? Hay như hình ảnh đôi mắt vô hồn của một vị bác sĩ vô danh ẩn sâu đôi kính tròn được vẽ trên một tấm bảng lớn dựng ở khu mỏ, nó gần như là biểu tượng của bộ film. Đôi mắt ấy là Chúa, là người bảo hộ, nhưng đồng thời cũng là kẻ phán xét, là ác quỷ; nó nhìn được tất cả mọi thứ đang diễn ra, nhưng có ai nhìn ngược lại và biết nó đang nghĩ gì, mưu tính điều gì? Cái đôi mắt vô hồn ấy tượng trưng cho tấm áo choàng của những bí mật mà mỗi nhân vật trong câu chuyện tự phủ lên mình, để dẫu khi ánh sáng ban ngày có rọi vào, họ vẫn yên tâm mình không bị thiêu cháy.”
    Tên phim cũng như bản dịch sau này của Trịnh lữ“Đại gia Gatsby”. Nhưng Gatsby không chỉ là đại gia, Gatsby là vĩ đại. Vĩ đại bởi chính tình yêu, tình bạn của mình. Trở lên giàu có nhờ áp phe, đi đêm này nọ, nhưng Gatsby không là biến thành họ, mục đích của anh không là những tiền tài danh vọng, Gatsby có kế hoạch của mình, có thiên đường riêng và Daisy là bà hoàng trong thiên đường có thật đó. “Nhưng đồng thời ở Gatsby cũng tồn tại một năng lực hy vọng kỳ lạ của kẻ không bao giờ biết bỏ cuộc, một tình yêu say đắm chân thành và cao thượng; một sự lãng mạn ngây thơ không hề bị vẩn đục. Chính những phẩm chất đó đã xây dựng nên một Gatsby phức tạp - một kẻ vừa là nạn nhân, vừa là trò hề, đồng thời cũng là một đấng anh hùng.” Không phải vậy, Gatsby vượt trên những phù phiếm xa hoa tầm thường đó, Gastby biết và dùng chính tiền tài kiếm được để tạo ra những trò hề, những phô trương hoành tráng nhằm lấy lại tình yêu của Daisy. Lấy lại quá khứ của mình. Một giấc mơ của bất cứ ai. Trong giấc mơ sắp thành sự thật, Nick Carraway đã tạo ra cái kết đẹp đẽ cuối cùng cho giấc mơ của Gatsby, anh ra đi trong niềm hân hoan chào đón tiếng chuông điện thoại từ Daisy (mà thực ra là của Carraway). Anh ngã vào bể nước màu xanh trong mát, lơ lửng như ở thiên đàng. Một thiên đường chỉ mình anh với giấc mơ của mình trong đó, trọn vẹn, giấc mơ của anh trọn vẹn, nó không hề tan vỡ. Chỉ có trái tim và giấc mơ của Nick Carraway là tan vỡ, tan vỡ trước sự tàn nhẫn của người đời, và niềm tiếc thương Gastby vô hạn. Gastby, người giữ trọn tình yêu và niềm tin của mình qua năm tháng, qua thăng trầm và biến động, qua đổi thay và mất mát, người kiến tạo giấc mơ và giữ thiên đường cho chính mình trọn vẹn. Gatsby là vĩ đại. Hay tình yêu con người, tình yêu cuộc sống, niềm tin vào những gì tốt đẹp vĩ đại hơn tất cả những hiện sinh.
    P/S: Ở trên có tham khảo bài viết của bạn Anh trâm trên Vnexpress và bạn Minh Phúc trên Phimchieurap.vn

1 nhận xét:

  1. Chính xác phải là Gatsby vĩ đại, cái tên đại gia Gatsby nghe cứ như đại gia với chân dài ấy. Vô cùng thật vọng về Trịnh Lữ

    Trả lờiXóa