Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

__Tự do: Gương mặt đẹp đẽ nhất

    Trong lúc mạng xã hội blogspot bị cấm cửa ở nhiều nơi, đăng bài này lên thật thích hợp. hi hi. Bài này là bài đầu tiên trong tiểu luận "Cội Nguồn Cảm Hứng" của Nguyễn Trần Bạt. Tuy chưa đọc được nhiều nhưng tôi thấy không ưa nhất ở quyển này là chữ to và thưa (sách của nhà xuất bản Hội Nhà Văn có khác), do đó tuy dày nhưng ít chữ. Đúng ra với số trang đó thì có thể in gộp được 2 tập tiểu luận của Nguyễn Trần Bạt, và tôi sẽ phải mua ít giấy hơn
   
Tự do vừa là bản chất tự nhiên, vừa là khát vọng thường trực của mỗi người. Ai cũng yêu tự do, ai cũng khao khát tự do. Tự do mạnh mẽ và vĩ đại ở chỗ tìm kiếm nó trở thành bản năng sống còn của con người. Càng thiếu tự do, con người càng khao khát tự do, giống như sự thèm muốn bị thôi thúc bởi cơn khát khi không có nước. Chính vì thế, không một con người nào yên phận sống trong sự nô dịch của người khác và không một dân tộc nào cam chịu sống trong sự kìm kẹp của dân tộc khác. Các cuộc kháng chiến chính là để giải phóng con người ra khỏi sự nô dịch và kiềm toả. Sự mãnh liệt của khát vọng tìm kiếm tự do là một trong những tiêu chuẩn để đo đạc sự lành mạnh của một dân tộc.

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, Phương Tây là mảnh đất đầu tiên có tự do, ở đó khát vọng tự do của con người được đáp ứng và chính sự gặp gỡ của con người với tự do đã tạo ra trạng thái phát triển rực rỡ. Kết quả của quá trình phát triển lâu dài của văn minh phương Tây là: tự do, với tư cách như một đối tượng thơ ca, được mô tả như những thiên thần bay bên trên đời sống tinh thần con người; và, tự do, với tư cách như một đối tượng triết học, được cụ thể hoá thành những nguyên tắc cấu tạo ra xã hội, cấu tạo ra nhà nước. Quan điểm về tự do của phương Tây có thể được tóm tắt như sau: tự do được coi là quyền tự nhiên của con người, là không gian vốn có của mỗi con người. Con người sinh ra đã có tự do, tự do như tài sản hay vốn tự có của mỗi người. Cốt lõi của văn hoá phương Tây chính là những tư tưởng, quan điểm về chủ nghĩa cá nhân, ý thức nhân quyền và thể chế dân chủ. Dựa trên tinh thần tuyệt đối của tự do cá nhân, phương Tây coi tự do là chất xúc tác cơ bản của đời sống, là năng lượng tạo ra đời sống con người và lẽ tất yếu, trở thành linh hồn của mọi sự tiến bộ và phát triển.

Tự do chỉ có thể nảy nở ở vùng đất mà những nhận thức về tự do cũng như mối quan tâm dành cho tự do được mở rộng và khơi sâu. Điều này đúng với phương Tây, nơi các học giả bàn về tự do một cách sôi nổi và đầy cảm hứng, trong khi ở phương Đông thì gần như xảy ra điều ngược lại, bởi lẽ hầu hết các học giả đều có khuynh hướng thu hẹp không gian tự do của con người. Khoa học nhận thức ở phương Đông chưa làm rõ được khái niệm tự do cũng như xây dựng phạm trù tự do đúng đắn. Chính vì thế, người phương Đông chưa hiểu đúng bản chất của tự do, vẫn xem tự do như một cái gì đó ở bên ngoài, bên trên cuộc sống. Trong quan niệm của họ, tự do là cái cho phép hay là cái được ban phát từ trên xuống, như là một ân sủng của đấng tối cao trao cho con người. Những nhận thức lệch lạc và mơ hồ như thế về tự do đã làm hạn chế rất nhiều năng lực phát triển của mỗi cá nhân cũng như của cả cộng đồng. Hay nói cách khác, phương Đông lạc hậu vì chưa bao giờ xem tự do như đối tượng chính hay linh hồn của tiến trình phát triển xã hội. Do đó, trong các cuộc cải cách, cái cần thay đổi trước tiên ở phương Đông là nhận thức về tự do.


Điều quan trọng nhất mà phương Đông cần nhận thức là: tự do không phải là một loại quyền được trao tặng bởi bất kỳ ai, bất kỳ lực lượng nào mà nó là tài sản tự nhiên của con người. Điều này có nghĩa tự do không phải là không gian cho phép, không một nhà nước nào có quyền ban phát tự do cho con người. Nói cách khác, con người phải ra khỏi trạng thái nhận thức tự do như là sự nhân nhượng của bề trên đối với kẻ dưới, tức là trạng thái thụ động đón nhận tự do. Cần phải khẳng định tự do không phải là thứ gì đó ở bên ngoài cuộc sống, tự do thuộc về con người, tự do gắn liền với con người với tất cả hình hài cụ thể của nó. Tự do là nhà ở, tự do là đường đi, tự do là bãi cỏ rộng mênh mông, là thức ăn, là nước uống… Tự do là tất cả những gì liên quan đến đời sống con người kể cả vật chất lẫn tinh thần. Tự do muôn hình muôn vẻ và thiêng liêng đến mức không có định kiến nào trói buộc được nó, hễ bị kìm kẹp bởi định kiến là con người mất tự do. Tự do là cái mà trí tưởng tượng của con người luôn vươn tới, hay nói cách khác, trong trí tưởng tượng của mình, con người luôn cảm thấy đằng sau nó vẫn còn nó. Nếu đằng sau nó không là gì nữa, không còn nó thì không phải tự do. Tự do là một không gian dành cho mỗi cá nhân, tuỳ thuộc vào khả năng của mình, mỗi cá nhân đều có quyền làm chủ không gian ấy, khai thác nó và hơn nữa là mở rộng nó.

Có nhiều cách định nghĩa về tự do, một trong những định nghĩa phổ biến nhất là của Hegel: “Tự do là cái tất yếu được nhận thức”. Tự do ở đây không phải là thứ tự do bản năng mà là thứ tự do trong mối tương quan với cái tất yếu, và cái tất yếu được hiểu là các quy luật tự nhiên. Định nghĩa này cho thấy ranh giới giữa trạng thái tự do và trạng thái không có tự do chính là sự nhận thức được cái tất yếu. Con người càng nhận thức được cái tất yếu bao nhiêu thì càng tự do bấy nhiêu. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng hiểu tự do như là kết quả của việc nhận ra cái tất yếu. Nhận thức về cái tất yếu là một năng lực vô cùng quan trọng và là việc không hề đơn giản đối với con người. Không phải ngẫu nhiên, nhiều khi con người không nhận ra cái tất yếu để hành động, do đó, phần đông con người vẫn không hiểu về tự do và giá trị cao quý của tự do. Có một điều cần phải nhìn nhận là ranh giới giữa tự do và không tự do rất mong manh, con người thường chỉ nhận ra tự do khi vướng phải ranh giới của sự thiếu tự do hay nói khác đi, chừng nào chưa vướng phải các ranh giới của sự thiếu hoặc mất tự do thì con người vẫn chưa cảm thấy giá trị của tự do, của cuộc sống tự do. Chính vì vậy, con người cần những định nghĩa gần gũi hơn về tự do.

Tôi cho rằng, tự do là một đại lượng có chất lượng rỗng, một tập hợp rỗng, điều ấy có nghĩa, tự do là một không gian, nhưng người ta không đi lang thang trong đó mà người ta đi theo các đòi hỏi. Con người luôn hành động theo đòi hỏi của tâm hồn mình. Chính sự thúc bách của nghĩa vụ, của những đòi hỏi nội tại trong đời sống tâm hồn khiến con người hành động. Khi con người hành động theo các đòi hỏi mà không bị ngăn cản thì lúc đó, con người có tự do. Như vậy, tự do được biểu hiện đầu tiên ở sự chủ động. Sự chủ động không xuất hiện một cách ngẫu nhiên mà do sự thúc bách của tâm hồn. Nếu không có sự thúc bách từ bên trong tâm hồn tức là không chủ động. Chủ động là điều kiện ban đầu để con người nhận được cảm giác hạnh phúc khi thực thi các quyền tự do, đồng thời, chủ động là trạng thái mà con người đạt được khi có tự do hay có kinh nghiệm về tự do. Chúng ta có thể cảm nhận được con người tự do là con người không bị lệ thuộc, biết đi tìm cái đúng, biết nghĩ đến cùng và biết xây dựng cho mình công nghệ để hành động theo trí tưởng tượng của mình. Vì thế, tự do được tập hợp dưới hình thức các quyền tạo ra những không gian chính trị mà ở đấy con người hành động dựa trên nhận thức của mình về các tất yếu. Nói cách khác, tự do là khoảng không gian mà ở đó con người có được sự thống nhất giữa ý nghĩ và hành vi, con người yên tâm về sự tồn tại của mình, về hành động của mình mà không chịu sự áp đặt, kiềm tỏa của bất kỳ yếu tố nào. Kết lại, để định nghĩa về tự do, tôi cho rằng tự do là quá trình dịch chuyển song song của ý nghĩ và hành vi. Khi có sự dịch chuyển song song của ý nghĩ và hành vi thì con người chủ động.

Ý nghĩ và hành vi là hai thành tố căn bản của tự do, đó là tự do nhận thức và tự do hành động. Con người tự do là con người được tự do nhận thức và tự do hành động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Chúng ta biết rằng, thể hiện sống của con người là hành động, nhưng thể hiện sống của cái trước hành động là ý nghĩ. Tự do nhận thức là nền tảng để con người đi tới tự do hành động. Không có tự do nhận thức, con người không thể có tự do hành động bởi vì khi ấy, con người luôn vấp phải các ranh giới về mặt nhận thức, do vậy, con người sẽ cảm thấy bị hạn chế, bị mất tự do ngay từ trong ý nghĩ chứ không chỉ trong hành vi của mình. Tự do nhận thức sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển và dịch chuyển của ý nghĩ, trong khi đó, tự do hành động sẽ tạo điều kiện cho sự dịch chuyển của hành vi tương ứng và phù hợp với sự dịch chuyển của ý nghĩ. Mặt khác, tự do nhận thức là điều kiện tiên quyết để xây dựng các không gian nhận thức của mỗi cá nhân, từ đó mới hình thành một vườn ươm tư duy của cộng đồng. Khu vườn đó chỉ đa dạng và phong phú chừng nào tự do nhận thức được công nhận như một trong những nguyên lý căn bản nhất. Sự phong phú và đa dạng về mặt nhận thức sẽ dẫn tới sự phong phú và đa dạng của hành động. Đó chính là nhân tố tạo ra tính đa chiều của các không gian kinh tế, chính trị và văn hoá – điều kiện cần và đủ để mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, mỗi nhà nước duy trì và phát triển sự đúng đắn của mình. Đến lượt mình, tự do hành động lại tạo điều kiện cho việc mở rộng không gian nhận thức của mỗi cá nhân và cộng đồng, bởi thông qua tự do hành động, con người có điều kiện làm phong phú kinh nghiệm sống, kinh nghiệm văn hoá của mình, và do đó, có thể xúc tiến những cái mới về nhận thức và tự điều chỉnh nhận thức của mình. Đấy chính là mối liên hệ hữu cơ giữa hai thành tố cơ bản nhất của tự do. Ở một xã hội mà sự dịch chuyển song song này diễn ra thuận lợi trong một trật tự hài hoà thì xã hội ấy sẽ đạt tới trạng thái tự do.

Tóm lại, tự do không hề xa lạ, nó là bản chất tự nhiên của con người. Tự do gắn liền với đời sống con người từ quá khứ, đến hiện tại, đến tương lai như một công cụ để tồn tại, để sống và để phát triển. Càng ngày, những nghiên cứu về tự do càng cho thấy sự cần thiết phải biến tự do trở thành cấu trúc tinh thần hay trở thành thực phẩm hàng ngày của đời sống tinh thần con người. Con người phải thấy được giá trị, địa vị của tự do trong đời sống và ứng dụng nó để tạo ra hạnh phúc của mình.
.....
to be continue :)

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

__Sự nổi dậy của loài khỉ


    Phim phát hành vào ngày 19 tháng 8 năm 2011 trên các hệ thống rạp chiếu toàn Việt nam. Với câu slogan "Khi sự tiến hóa trở thành cuộc cách mạng". Nhưng không biết vì sao, phim được trình chiếu sớm hơn 1 ngày (18/8). Nội dung chính của phim là kể về một cuộc cách mạng của loài khỉ (apes -tinh tinh). Tôi theo dõi loạt phim này từ năm 2001, với phiên bản của Tim Burton, vẫn nhớ trong đó có cô khỉ rất xinh và một em tóc vàng chân dài người Canada. Về tư tưởng chính của 2 phim này, chắc cũng như tác phẩm văn học gốc (hi hi, tôi đoán thế), lên án sự sự ngạo mạn thái quá (tinh tướng) của con người trước thiên nhiên, trước các giống loài khác. Báo TT&VH cuối tuần, có giới thiệu về phim này, chỉ vài dòng thôi nhưng rất chính xác và hay. Bạn Phan xi nê cũng có một bài giới thiệu khá chi tiết và đầy đủ, cũng hay ghê luôn. Mình thích phim này từ đó, còn phiên bản có Charlton Heston (nổi tiếng với Ben Hur) đóng thì xem được vài đoạn trên HBO, nhưng không thích lắm vì dài dòng quá. Phim "Hành Tinh Khỉ" của Burton, hài hước và thú vị hơn rất nhiều, cộng thêm kỹ xảo khá ấn tượng. Tất nhiên cũng bởi em chân dài Ca na da (Estella Warren) kia nữa. Em này là siêu mẫu, đẹp phê luôn :P
    Về tư tưởng chính thì thế nhưng bối cảnh mỗi phim là rất khác nhau, và cách đặt vấn đề cũng khác nhau luôn, độc đáo. Về diễn xuất và hình ảnh, rất tinh tế, cảnh quay đẹp và nhiều đoạn nhiều hình ảnh rất cảm động. Về mặt hài hước thì phim của Burton nhiều cười hơn, biếm hơn. Nhưng phim mới này, Rupert Wyatt đạo diễn, cảm động hơn, chúng ta sẽ yêu loài vật, yêu thiên nhiên hơn nếu thực sự thích phim này. Rất nhân bản và đẹp. Nó cũng gợi cho ta một liên tưởng về một bộ phim khác, I' robot - Tôi , người máy, một cuộc cách mạng của một giống loài thứ cấp hơi so với loài người, loài "đẳng cấp" hơn, loài tinh tướng và ngạo mạn hơn, loài cho phép mình trà đạp lên các loài khác, hình ảnh con khỉ giơ tay lên trời, cũng gợi nhớ phần nào đến con khỉ trong "2001: A Space Odyssey" của Stanley Kurbrick.. Cảnh kết của "Hành Tinh Khỉ-2001" rất bất ngờ và tức cười với bức tượng Abraham-Lincon ... khỉ, trong ngôi đền nổi tiếng của mình thì trường đoạn kết của "Sự nổi dậy của loài khỉ-2011" cũng hay chả kém.

P/S: Ảnh poster phim "Sự nổi dậy của loài khỉ", xin mạn phép lấy từ blog của bạn Phan-Xi-Ne.

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

__Nào, hãy cùng phi ngựa đuổi đĩa bay :D


... "Tôi là gã cao bồi nghèo đơn độc, rong ruổi trên đường dài xa quê hương" . Câu hát quen thuộc cất lên mỗi khi chàng lucky luke kết thúc một chuyến phiêu lưu của mình. Daniel Crag đã kết thúc chuyến phiêu lưu của mình như vậy. Từ đầu hè đến giờ, có 2 sự kết hợp "quái gở" nhưng rất tài tình. Một là Thor, nới mấy ông thần thoại bắc âu "kết hôn" cùng với các nhà khoa học giả tưởng, và bây giờ, là sự kết hợp tuyệt vời khác, rất thú vị và cũng rất hài hước giữa những chàng cao bồi, những con ngựa hoang mạc, người da đỏ và các cư dân của "quận 9", nhưng khác một điểm quan trọng là "bọn" tôm trong phim này rất ác ôn và cũng đi tìm ... vàng. :) Harrison Ford trong phim ác luôn, nhưng càng lúc càng tốt bụng và nghĩa hiệp, còn James Bond thì vẫn rất ngầu như vậy, thậm chí còn ngầu hơn, lạnh lùng và ưa động tay chân. Nói chung hai chàng này tung hứng rất được trong phim, thêm vào đó là mấy chú da đỏ, cứ nghe mấy chú này bi bô là muốn cười luôn. Tưởng được trận vui nhưng không, phim để lại khá nhiều mất mát và đau đớn, spoil có lẽ mấy nàng mỹ nhân đều lên trời cả lên các bạn thích heppy end, ưa lãng mạn (chàng và nàng hôn nhau cuối phim) chắc sẽ không khoái phim này. spoil
    Đạo diễn Jon Favreau đã thực sự cho tôi rất nhiều ấn tượng từ IRon man, vẫn cách đặt vấn đề rất nghiêm túc, mọi điều tưởng rất phi lý đều được ông giải quyết rất khéo léo tài tình, hệt như cách Iron man thuyết phục người xem vậy (tuy tôi không thích Iron man 2 lắm). Từ cách mấy con quái vật xuất hiện, phản ứng của người dân thế kỷ mười tám trước các "ác quỷ" từ địa ngục... cho đến cách phục hồi trí nhớ từ dược thảo của người da đỏ, đều lo gic và dễ chấp nhận (dễ nuốt hơn nhiều so với cách người ta nhét mấy ông thần và cây búa của ổng vào trong Thor). Âm nhạc của phim cũng phảng phất nhiều chất miền tây, và với những ai yêu thích thể loại cao bồi thì những cảnh phi ngựa bắn súng, những đại cảnh hoang mạc, núi đá, khe sâu hùng vĩ và những đám bụi mờ từ những gót chân ngựa của phim là rất đẹp.
    Trên cái nền phi lý và tức cười đó là những câu chuyện về tình cha con, vợ chồng, huynh đệ và tình yêu, mỗi câu chuyện đều có sức nặng riêng, không lẫn vào nhau, chúng tôn nhau lên, làm các nhân vật trở lên rất đẹp rất riêng, mỗi người mỗi vẻ, không người nào giống người nào và nó cũng góp phần là tăng thêm tính hợp lý cho câu chuyện, người xem sẽ dễ đồng cảm hơn với các nhân vật và chấp nhận cùng họ tham gia vào chuyện phiêu lưu. Nào hãy "Cùng cưỡi ngựa đuổi đĩa bay" :))).
-----
P/S: Đợi mãi chả thấy hãng nào nhập về chiếu "Đèn lồng xanh"

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

__Kể tiếp truyện "Thần điêu đại hiệp" (3)-Phá kiếm thức


    Vậy là chàng đã đi rồi, đi rồi, mãi mới gặp nhau mà sao toàn chuyện chiêu này thức nọ, Ôi , Dương Đại Tẩu, tẩu là Hằng Nga ta nào sánh được...cái nhẫn này, nàng nhìn vào vật màu đen tuyền thô mộc trên ngón tay mình, một thứ thép kì lạ, nó mới lạnh lẽo làm sao, nàng tháo nó ra giơ lên ngang tầm mắt, mày còn không được tròn cho lắm,... vết xước này,... cha, mẹ... con nhớ người làm sao,... những ánh lửa chập chờn, những bước chân gục ngã, tiếng đại pháo vang trời, tiếng lửa cháy, nhà đổ, tiếng đao kiếm chạm nhau sắc lạnh, những tiếng gào thét tuyệt vọng và đau đớn... Nàng giật mình, tiếng hét chói tai kéo vụt nàng khỏi những ký ức đau đớn, Hà Túc Đạo đang từ trên cao, người kiếm hợp nhất, cắm mình phi xuống như thác đổ, theo phương ngang, cây đàn của y cũng đang nhắm vào Đông Phương Bạch với tốc độ không kém gì gió lốc, một sát chiêu chí mạng. Bát tý thần kiếm, quả danh bất hư truyền 2 luồng kiếm khí đón đỡ thiết cầm 3 luồng chống đỡ kiếm từ trên xuống, 3 luồng còn lại với tất cả công lực nhằm vào yết hầu Hà Túc Đạo. Tất nhiên chúng không thể chống lại các đòn tấn công từ trên xuống cũng như từ cây đàn đánh vào... nhưng, ba đòn chí mạng kia thì Côn Luân Tam Tuyệt sẽ tận tuyệt. Trong màn kiếm khí hư ảo đó, Đông Phương Bạch chỉ còn nhìn thấy yết hầu của bóng trắng phía trên, gã không còn biết gì nữa. Vậy là hết, đây sẽ là phút cuối của ta, Quách Tương, tiếng đàn của ta sẽ không làm phiền nàng nữa,... vĩnh biệt.
    Trong sát na chết chóc đó, một bóng đen từ trên mái nhà lắc mình biến vào bụi khí dưới sân, cây đàn như có vật gì làm lệch hướng cắm xuống đất, cách chỗ Đông Phương Bật lúc trước chỉ vài đốt tay, mũi kiếm của Quách Tương chém ngang đường kiếm của Hà Túc Đạo làm nó gãy rời đồng thời một luồng chân khí cực mạnh của nàng hướng mảnh gãy đó lao thẳng vào 3 luồng sát khí đang hướng vào yết hầu của Hà Túc Đạo, cứu y thoát chết trong gang tấc. Đồng thời kiếm chiêu tuyệt diệu đó cũng hóa giải mối hiểm nguy vào Đông Phương Bạch, nhưng kiếm khí cực nhanh nàng tạo ra trước đó để đối phó với 3 luồng hộ còn lại là quá yếu. Nó không đủ bảo vệ nàng. Chống kiếm đứng dậy, khi thân thể còn chưa kịp ngã, nàng chỉ vào hai kẻ vừa thoát chết.
- Không ai phải chết vì ta nữa... hãy đi đi, rồi ngã gục, máu đã thấm đỏ vai áo nàng.
Hà Túc Đạo, phi đến đỡ lấy nàng. Ngồi bệt dưới đất ở đằng xa, Đông Phương Bạch mặt không còn chút máu,... ta đã làm gì thế này...,
-----
P/S: Xem phần 1

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

___Tiên sư thằng Tào Tháo (**)


    Tuần này là tuần trước rằm tháng 7, khắp nơi lục tục ăn uống, vàng mã đốt mù trời, tro bay khắp phố, nhiệt độ ngày hè có lẽ tăng lên vài độ do lửa nổi quá nhiều. hi hi. Chiều thứ 7, nhà chị dâu vợ mình cúng rằm sớm, chị cúng rất to. Chả là sau vài năm trụ lại được ở một trường tiểu học có tiếng của thành phố, thu nhập ròng (đố sở thuế sờ được vào ví xiền của chị) hàng tháng của chị cỡ 1500$ đến 2000$ một tháng, chị xắm được ô tô riêng và rất xông xênh. Năm nay chị cúng to hơn năm trước vì thế vàng mà cũng đốt nhiều hơn, khách khứa chỉ mời mấy anh chị em trong nhà, trong đó có vợ chồng mình. Đã định cả nhà cùng đến, ngặt nỗi trước đó đã hứa cho con gái về quê nội chơi. Đành vậy, vợ nhận nhiệm vụ đi ăn cúng, còn mình thì đi chơi cùng con gái.
    Vi vu bãi biển, con gái được gặp các anh chị em họ, vui đùa, tắm biển, nghịch như quỷ sứ. Báo hại bà nội và bác trông đến phát mệt. Còn mình, trông mấy thằng "cướp" hiền lành con các bác. Vợ mình nhớ con, chốc lại gọi điện hỏi han, dặn dò. Hỏi nhiều quá làm mình sốt hết cả ruột, hai bố con đi có một ngày rưỡi, hỏi gì hỏi lắm. Sáng hôm sau, con gái cùng các anh chị, bà và các bác ra tắm biển. Mình cùng anh rể đi bộ một vòng qua mấy quả đồi, lên lên xuống xuống hơn mười mấy cây số, chà chà, mình phục mình quá. Đến gần trưa, chả thấy vợ gọi gặm gì, mình thử gọi lại xem sao, vợ "thều thào" , em bị tào tháo đuổi, từ sáng tới giờ, mười mấy lượt lận. "Ôi trời, thế hôm qua ăn gì mà bị"," thì ăn cỗ nhà bác, nhưng là cỗ bác đặt, năm nay bác không nấu". Vậy là rõ rồi, rối loạn tiêu hoá. Vội dặn dò vợ thuốc thang cẩn thận. "Tiên sư thằng Tào Tháo, dám rượt vợ ông". Hú hồn, quả này hai bố con không đi chơi thì cả nhà cùng bị nó đuổi. Về đến nhà, mình pha vội 2 cốc Orezon, ép bả uống ngay để bù nước và chống hạ đường huyết, càng xót xa quả cỗ đặt, lại biết thêm bà ngoại cũng bị y chang.
    Từ hồi mua ô tô, sửa lại nhà, tân trang lại nhan sắc, việc nhà ô sin làm, thời gian chị dâu dành hết cho việc dạy học và hưởng thụ cuộc sống. Những năm trước mỗi dịp cúng giỗ chị toàn tự nấu, nếu mua cùng lắm chỉ mua đĩa xôi hoặc cái bánh trưng, năm nay chị đặt toàn phần, tuy tốn kém một chút nhưng không phải chuẩn bị, vừa không phải nấu nướng dọn dẹp, khách khứa cũng chỉ việc đến ăn và về, mọi người vì thế cũng không được nhộn nhịp vào bếp cùng chị. Quanh đi quẩn lại, trẻ con thì chơi máy tính, người lớn chăm chăm đấu mắt với cái Tivi 3d và đợi đánh chén. Và hậu quả là... thằng Tào ghé thăm. Nhìn vợ như tàu lá héo, thương quá mà chẳng biết giận ai.
    Cũng phải cảm ơn trời đất, do ham chơi mà mình và con không bị Tháo rượt, chứ cả nhà ba mống mà đăng ký thường trực WC cả thì không biết tính sao. Từ giờ đến rằm, còn nghót nghét tuần nữa, vị chi mình có khả năng phải dự 4-5 đám cúng, dứt khoát sẽ chỉ uống mà không ăn ở những đám cỗ đặt, sẽ chỉ ăn cỗ nấu. Còn nữa, lúc nào cũng phải thủ sẵn một lố viên Orezon trong tủ thuốc, gì thì gì chứ, mình cũng sợ thằng Tháo lắm :(
    ------------------
    P/S:Dạo này bận quá, không vẽ tranh được, đành lấy lại tranh cũ từ bài: ... Tào tháo (1)

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

.......Haiku... bụi



Sáng sớm đường đã bụi,
Ngày văn phòng lắm bụi,
Chiều về Phố vẫn bụi,
Đời lấm bụi............

-----
P/S: Cuối tuần phải xì-trum xì tress phát :D