Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

__Hải Phòng có cái cầu quay.

    Hải Phòng quê tôi có cái cầu cũ gần 200 tuổi bắc qua sông Tam Bạc,CẦU QUAY. Nó có tên như vậy bởi lẽ người Pháp khi làm cầu này đã thiết kế một trục quay giữa sông, để khi nước lên, hoặc một số giờ nhất định trong ngày, nhịp cầu giữa sẽ quay ngang 90 độ trên trục này, tạo một lạch thông thoáng cho tàu thuyền lớn qua lại. Kiểu cầu này không xa lạ gì trên thế giới, như ở Luân Đôn, Pari hay Maxcva, có cầu nhấc lên cả nhịp giữa hoặc tách làm 2 phần cùng kéo lên, cùng với mục đích thông thuỷ như trên. Khi tôi còn bé, tính quay của cầu đã thành hoài niệm chỉ còn cái tên gợi nhớ, cầu dừng quay năm nào tôi chả biết, hình như sau kháng chiến chống Pháp là ngừng quay. Có lẽ nó là cây cầu độc đáo nhất ở Việt Nam từ cổ chỉ kim với tính năng này.

    Bẵng đi một thời gian, cầu lại được nhắc đến, ngày 13/12/2010 cầu đã trở lại hoạt động bình thường (Tàu hoả đi được chứ vẫn không quay), là do mấy hôm trước một tàu thuỷ đã đâm vào cầu , làm cong vênh dầm chính, gãy và hư hại một số thanh giằng gió khác. Thương cây cầu già nua trăm tuổi, nếu nó còn quay được thì đâu bị nạn này. Cầu được xây dựng trong thời ĐẠI CÔNG NGHIỆP ở châu âu, toàn bằng khung thép, cùng kiểu với các cầu như Lạc Long, Tràng Tiền....., tuy già nua vậy nhưng nó cũng đã gồng gánh không biết bao lượt người trong từng ấy năm, chứng kiến thăng trầm của thời gian, chứng kiến sự xụp đổ, xuống cấp của nhiều cầu mới khác trong thành phố, cầu Rào biểu tượng của thời mở cửa, đang chập tối xụp đánh rầm xuống sông Lạch Tray, may không người nào chết. Cầu Niệm suýt xập, sau được chuyên gia nước ngoài sửa giúp, nay giống như tay gãy được nẹp. Cầu Lạc Long thì được phá đi xây lại hoàn toàn. Cầu Thượng Lý cao vút như cổng trời, đi xe đạp qua chỉ có nước giắt bộ. Nhưng được cái đổ dốc thì sướng như phi ... xe máy. Xuôi về thành phố, lại qua cầu Lạc Long với các đường cong duyên dáng, nằm khiêm nhường bên toà nhà Băng bằng đá xanh, phía trước là một vườn hoa nhỏ. Những ngày mưa phùn, cả khu đó chìm trong màn mưa mỏng, một màu xám nhạt buồn bã, một cái lạnh của thời tem phiếu không thể nào lãng quên được.

    Mấy năm gần đây, đất nước rùng mình đổi mới, "Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá" khẩu hiệu treo khắp nơi, báo đài phát ra rả, rồi còn cả vận động sáng tác văn học này nọ.Thành phố phát triển rầm rộ, nhà máy thép điện mọc khắp nơi. Thầm mong một ngày nào đó lại thấy cầu quay trở lại, sống lại khoẻ khoắn hơn, vì bây giờ Hải Phòng đã là thành phố loại 1, trực thuộc Trung ương, chả lẽ thiếu điện chạy cầu. Một hình ảnh đẹp, hiện đại, cầu xưa quay bằng tay, bằng sức người, nay Cách mạng về, giải phóng tay chân bằng dòng điện để phục vụ nhân sinh, phục hồi vốn cổ, có hình ảnh nào đẹp hơn thế cho một cây cầu, một dấu xưa của một thời mà Hải Phòng là trung tâm của vùng đồng bằng bắc bộ. Viễn cảnh đẹp giản dị chỉ có vậy mà xa vời, không biết bao giờ thành hiện thực, còn hiện tại, cầu là một trong hai cổng chính vào "Phiên chợ Tử Thần" chết chóc, nơi ngày ngày con nghiện toàn thành phố tập trung tại đây để tiêm chính, người dân thường không dám qua lại khu vực này. Chỉ cần ngồi tàu hoả một chuyến, hành khách dễ dàng chứng kiến các hồn ma sống 2 bên đường tàu lúi húi, đờ đẫn đã hoặc đang thoả mãn thiên đường nội tại của mình. Bờ sông bây giờ đã được kè đá, nhìn về phía bến Bính, chợ Sắt sừng sững đứng đó, một công trình xây lại chưa bao giờ được cắt băng khánh thành. Vốn là liên doanh với Tàu, sau khi xây được 50% hạng mục công trình, tình hình kinh doanh không được tốt, họ dừng lại. Vậy là một kiến trúc tròn đồ sộ 5 tầng, đường kính ngót 500m, với mặt cắt theo đường kính xù xì không tô trát, nham nhở và mãi sẽ là nửa hình tròn dang dở. Sự náo nhiệt của dân buôn cũng theo đó mà lụi tàn. Họ đổ ra bờ sông Tam Bạc, các khu phố Trạng Trình, Lý Thường Kiệt, Tôn Đản, Hoàng Ngân ... tạo thành các phố chợ trời. Phía bên kia cầu Quay xưa là dãy nhà lá, nhà bè này là nhà máy đóng tàu Sông Cấm - SongCam Ship Yard, ngày ngày xả nước thải công nghiệp ra sông.

P/s: Ngoài cầu Quay, Hải Phòng còn có cầu Cất (1930-1954), còn gọi là cầu Hạ Lý, với nhịp giữa được cất lên cao, tạo khoảng thông thoáng cho tàu bè qua lại, sau này cầu cũng bị hàn kín lại, không cất được nữa. Đến thời điểm này, thành phố Đà Nẵng đã có một chiếc cầu quay, bắc qua sông Hàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét