Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

__Sách của mùa thu

Mùa thu, mùa của những ngày đẹp trời. Còn thời gian nào đẹp hơn cho những người chạy bộ :)

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

__Phim của mùa Thu

Gravity.
    Nếu đã chọn một con đường thì hãy đi hết con đường đó.

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

__Quốc tang

Nước nhà tổ chức quốc tang
Ba mươi sáu phố xếp hàng tiễn đưa
Một người từ thủa xa xưa
Đến giờ vẫn tốt như chưa bao giờ.

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

___Người dơi trở lại

    Sau những phiên bản điện ảnh đầu tiên về batman của Tim burton, đầy tính siêu thực, u ám tăm tối. Thì bản Batman của Schumacher, Batman forever, sặc sỡ nhưng hấp dẫn, tính giải trí cao, một bộ phim thích hợp với cả gia đình cùng xem. Cũng giống như 2 phần trước, phần này và phần 4 Batman và Robin đều có cùng một khuynh hướng, siêu anh hùng hóa (huyền thoại hóa) một người bình thường. Lên khi xem những bản này, ít nhiều người xem vẫn thấy sự bình thường (tầm thường) của họ, hiệu ứng ép phê giảm đi khá nhiều, nhất là bản của Shumacher, các lỗi logic dường như hiện rõ hơn. Ví như người ta sẽ đặt câu hỏi, tại sao cái xe dơi nó lại có hình dáng này, cái cánh dơi điệu đà kia để làm gì, rồi hang dơi thì trông như sàn diễn thời trang, thành phố Gottham thì đầy rẫy những tượng thần khổng lồ vô lý. Rồi chiếc áo choàng dơi, bình thường mềm như bún, chả có sợi gân nào, thế mà đùng một cái biến ngay thành tàu lượn với đầy đủ xương cốt để batman lượn qua lượn lại như chim trên trời. Những câu hỏi kiểu như vậy không thể không bị đặt ra và siêu anh hùng trở thành kẻ bịp bợm hoặc đơn giản chỉ là ảo thuật gia.
    Crithopher Nolan đến sau và anh xử lý huyền thoại Batman theo một cách nhìn ngược lại, bình thường hóa một siêu anh hùng. Đây cũng là tính cách của CN, mặc dù các phim của anh trước đó, ít nhiều cũng có chút lãng mạn, nhưng luôn nhấn mạnh yếu tố hiện thực, sự hợp lý và logic thuần túy. Ta dễ dàng tìm được những lời giải thích khá thỏa đáng cho những trò ảo thuật của siêu anh hùng. Vì Batman không phải là nhà khoa học, lên Lucius Fox xuất hiện để thiết kế vũ khí, quần áo, xe cộ, máy bay… nói chung là đạo cụ cho Bruc wayne thông minh tài trí. Vì thế xe dơi có xuất thân của mình là xe kéo cáp của quân đội, mạnh mẽ, tính cơ động cao, Người dơi chỉ đóng góp trong phần trang trí cho chiếc xe nổi tiếng này, chàng phun nó thành đen sì. Người dơi không phải mình đồng da sắt, lên chàng phải mang áo giáp kevlar siêu bền, cũng như chiếc xe, chàng cũng chỉ việc sơn đen chúng. Việc chiếc áo choàng phiêu lãng chớp mắt biến thành tàu lượn cũng được lý giải rất khoa học (tất nhiên khoa học giả tưởng). Một bộ phận thay đổi giọng nói để giúp việc che dấu thân phận thật của người dơi thêm hoàn thiện. Và đắt giá hơn, những chiếc gai vô dụng và khó hiểu trên găng tay của siêu anh hùng trong các phiên bản trước được CN giải thích cặn kẽ và thú vị. Đó là những lưới dao sắc bén, là vũ khí lợi hại của môn phái chàng theo học thủa ban đầu, “hội huynh đệ”
    Crithopher Nolan còn chi tiết hơn khi tô điểm cho chàng những vết thâm tím sau những lần “ra trận”. Để che mắt những dấu vết vô lý này, ông quản gia trung thành Alfred giúp chàng vẽ ra những lý do như chơi golf, polo… những điều nhỏ nhặt tưởng như thừa ấy hóa ra làm cho câu chuyện trở lên rất đáng tin. Người dơi trong các phiên bản trước luôn rất bảnh bảo, mày râu nhẵn nhụi, điều này là cực kỳ phi lý với người Châu âu. Batman của CN có những lúc trông như cướp biển viking với râu ria rậm rạp. (Sau này anh còn làm điều đó với Super man trong Man of Steel). Không hoàn toàn phụ thuộc vào Lucius Fox, người dơi cũng tự mình chỉnh sửa thiết kế những vũ khí mà anh nhận được, chỉnh sửa phần mềm điều khiển chiếc máy bay dơi. Ra những yêu cầu chi tiết cho nhà khoa học thiết kế trang thiết bị cho mình. Và trên hết một chế độ rèn luyện thân thể nghiêm khắc và một thực đơn phức tạp luôn được tuân thủ để giúp chàng có sức khỏe và nhanh nhẹn trong những pha giao chiến. Những chi tiết này gần như không xuất hiện trong phim của Tim burton cũng như Joe Schumacher. Batman trong đó luôn bận bịu hội hè và cặp kè các mỹ nhân, Tim burton khá hơn Joe khi ông dành nhiều “đất” hơn cho các nhân vật phản diện, vì thế trong 2 phần Batman của Tim, bên cạnh người dơi mờ nhạt thì những Hề xiếc, người mèo, chim cánh cụt đều rất xuất sắc. Trở lại với Crithopher Nolan, dù chiềm được cảm tình từ khán giả nam giới ở tuổi 18+ thì tôi chắc rằng các bản Người dơi gai góc của anh sẽ mất đi khá nhiều cảm tình từ phụ nữ và trẻ em. Không gian phim Batman của anh cứ u ám đen tối dần sau mỗi tập, tính giải trí của Comic kiểu như các phim Người sắt, người nhện… gần như không còn, nó trở thành phim hình sự căng thẳng pha chút giả tưởng với bối cảnh Gottham chính là thành phố Los angeles.

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

__Một ngày sến

Một ngày sương khói bơ phờ
Một ngày đồi núi bơ vơ một mình
Một ngày mưa gió linh tinh
Một ngày phố xá thình lình lặng câm
Một ngày lặng lẽ âm thầm
Đi đâu chẳng biết bần thần giữa sân
Một ngày chẳng biết xa gần
Bước đi đi mãi chẳng cần đến đâu
Một ngày trời đất u sầu
Kẻ đi người lại gặp nhau chẳng màng
Một ngày rồi lại một ngày
Một ngày tiếp nối một ngày trôi qua

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

__Đối thoại

    - Bố ơi bố, tại sao lại cần các chú công an?
    - Để phòng chống trộm cướp con à.
    - Bố ơi bố, tại sao người ta lại đeo cái rọ vào mõm con chó thể kia.
    - Để nó không cắn người con ạ.
    - Con vẫn sợ nó lắm.
    - Luật pháp là gì hả bố.
    - Luật pháp giống như cái rọ ở mõm con chó đấy, có cái rọ đó, con chó mới không bừa bãi cắn người, vì nhiều lúc, nó không phân biệt được ai là trộm ai là người thường, thỉnh thoảng lại còn bị dại nữa.

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

__Đường đua

    Đường đời là một cuộc đua nhưng không có giải nhì cho người về thứ 2. Các chú công an trong phim toàn đến sau, CSGT thì ăn đạn còn cả tiểu đội Cơ động thì xơi nguyên cả đám bình ga, nghĩ cũng tội nghiệp...
    Phim việt nam thời kỳ “đổi mới” có đặc tính làm cho khán giả quên nhanh, thậm chí quên ngay khi phim còn chưa chiếu hết vì khán giả ngủ.Thành ra khi nhất thời điểm lại những phim Việt nào mình tững xem trên rạp thìchỉ nhớ được có “Mỹ nhân kế bưởi” và “Cánh đồng bất tận”, bom ký của điện ảnh Việt nam. Còn những “Lời nguyền huyết ngải”, “thiên mệnh anh hùng” hay phim nào đó nữa thì mãi sau mới nhớ. Phim việt cũng có một đặc điểm khác, thoại càng nhiều, nghĩa là để các nhân vật nói càng nhiều thì càng dở, đúng như lời các cụ, nói nhiều, hết khôn dồn dại. Một điểm nữa, những phim này không lôi được người xem vào câu chuyện nó kể, thành ra xem phim mà như xem kịch, một loại kịch xăng pha nhớt. Những phim việt hay thì tôi lại xem qua DVD lậu, ví như “Bi.Đừng sợ” thì mới không bị cắt. Một vài may mắn khác với “Để mai tính” “Những nụ hôn rực rỡ”… còn “Dòng máu anh hùng” thì nghe mấy giọng ngọng lơ lớ của anh em nhà Nguyễn thì cũng đã thấy ngan ngán rồi. Có người đồn trong Đường đua, các chú diễn viên nói ít và nói đúng chỗ (điều này mới nghe đã khoái), lại có không khí cine :), cái này thì phải xem mới biết.
    Rồi “Đườngđua” công chiếu trong vô vàn những bài trên báo mạng, bài điểm phim trên mạng xã hội. Hay dở của phim được xăm soi vô cùng chi tiết, chuyên môn sâu có, chuyên môn cạn có, tựu trung đều khen phim. Đến rạp trong tâm trạng phấn khích pha chút bâng khâng, không biết mình có chuốc lấy thất vọng nữa không.
    Đường vào đua ngay với âm nhạc tự nhiên, hiện đại. Những khuôn hình chuẩn mực dẫn dắt người xem chú ý ngay những giây phút đầu tiên, những mặc cảm u ám chẳng lành đến thật nhanh. Bi kịch của Lộc (Phạm anh khoa đóng) từ đâu ập đến, bất ngờ nhưng chẳng lạ vì nó vẫn luôn ở xung quanh, hàng ngày hàng giờ, ta đều đã nghe đâu đó, đã nhìn thấy một ai đó bên ngoài giống vậy. Câu chuyện dần kéo người xem vào một hành trình dài đầy bất trắc và lo lắng. Ta không có cảm giác đang xem phim nữa mà thay vào đó tasợ những nỗi sợ hãi của nhân vật chính ta lo cái lo của cha, em Lộc. Nỗi đắng cay trong phim như cơn lạnh thấm vào người xem. Nỗi sợ như nhân lên bởi đẩy Lộc vào con đường ghập ghềnh không lối thoát đó là những hoàn cảnh sống điển hình vẫn đang diễn ra hàng ngày xung quanh, trên đường phố, trên ti vi, trên báo đài và trong những câu chuyện phiếm ở bất cứ đâu. Trộm cắp, cướp giật, cảnh sát giao thông phạt vạ, nghèo đói, nợ nần, cờ bạc… Không có gì nhiều nhặn giúp đỡ Lộc trên con đường nguy hiểm và đắng cay đó ngoài đôi chân và bản năng sống mạnh mẽ của mình. Lực lượng chức năng nổi tiếng là các chú công an tài giỏi luôn chỉ đến sau khi mọi việc đã an bài. Lộc một thân một mình trước bão táp đường đời
    Và thương thay cho chính “Đườngđua” khi mà Mega Hải phòng với hàng đàn bom ngoại ép nó chiếu vào những giờ chết:9h15 sáng, 1h15 trưa và 5h20 chiều, toàn những giờ mà người xem "trưởng thành" phải “điểm danh” ở cơ quan và gia đình (phim cấm trẻ em dưới 16).

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

__Chỉ đọc thôi cũng thấy Phim hay rồi- "Nhà tù Shawshank"

    Một bài hay của Thịnh Joey trên VNEXPRESS . Dưới đây là trích đoạn:
    ...     "Từ khi còn nằm trên bàn giấy, những cái tên hút khách như Tom Cruise, Brad Pitt, Charlie Sheen hay Harrison Ford được gợi ý để tham gia The Shawshank Redemption, như một sự đảm bảo thành công phòng vé. Nhưng Darabont từ chối bởi ông không muốn những siêu sao điển trai ấy vào vai tù nhân mà cần những diễn viên ít tên tuổi, “bình dân” hơn để đem cho khán giả cảm giác như đang chứng kiến một nhà tù thực sự.
    Lựa chọn để Tim Robbins cùng Morgan Freeman đảm nhiệm hai vai chính của Darabont thực sự là những quyết định sáng suốt. Nhân vật Andy khiến người xem bị cuốn theo từ những khung hình đầu tiên với thắc mắc liệu anh có phải một người vô tội. Càng xem, khán giả càng thấy cảm phục người đàn ông này bởi dù có bị đánh đập tàn tệ, dù có nở nụ cười cay đắng khi bị đối xử bất công nhưng không lúc nào ánh mắt anh không sáng lên ngọn lửa hy vọng. Còn Morgan Freeman thì đơn giản là được sinh ra để dẫn dắt câu chuyện với chất giọng hào sảng, ấm áp mang đầy tính chiêm nghiệm cuộc đời của một người đàn ông từng trải.
    Không sử dụng kỹ xảo, các cảnh quay trong phim đều tạo cảm giác chân thực và hướng về ánh sáng, như một dụng ý của Darabont. Nhà tù Shawshank như một xã hội thu nhỏ, với đủ thành phần tốt xấu khác nhau, trong đó có những người hướng thiện như Andy hay Red, có kẻ quen dùng bạo lực để nói chuyện như cai ngục Hadley (Clancy Brown) và cả mưu mô xảo quyệt như giám đốc trại giam Norton (Bob Gunton) "
.     ...

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

__Quăng tiếp "Bom 2013"

    Bom tấn Mỹ nổ đi đùng bến ấy nhưng sang bên ta co khi chỉ nổ ngang pháo tép. Điều này là thực tế thường xảy ra, xưa có Inglourious Basterds vang dội khắp âu mĩ là thế, sang ta cứ gọi là xẹp như gián. Hay “Đường sơn đại địa chấn”, “Họa bì” oang oang bên Tàu qua bên ta, lí nha lí nhí, đến tội nghiệp.
    Mùa hè này nổ tưng bừng từ quê nhà sang tận Vina không ai khác chính là Pee Mak- "Tình người duyên ma", em này là hàng Thái xịn (nhưng ko chắc có phải chuyển giới ko). Mình vốn nhát ma, suy nghĩ mãi mới dám đi xem phim này, xuất giữa trưa mà khán giả ngồi kín rạp. Ngồi chưa ấm chỗ đã giật mình thon thót, sợ vãi x. Chưa kịp sợ tiếp thì cả rạp đã cười nghiêng ngả. Phim là một xâu chuỗi những tình tiết đầy sáng tạo, độc đáo ngay từ tạo hình ban đầu của các nhân vật, cổ quái đang yêu, các nhân vật nam chính trông như “Đào cốc lục tiên” bên cạnh một “thánh cô” Nak đẹp dung dị và rất ma mị. Hài của phim là hài tình huống kết hợp với hài hình thể, xen lẫn và bổ khuyết cho nhau tạo lên những tràng cười sảng khoái cho khán giả. Tiếng cười càng giá trị hơn khi vừa trước đó họ đã bị dọa cho gần chết, người ta sợ nhưng sau đó là cảm giác thích thú thư giãn.
    Về mặt nội dung, phim còn hài hước một cách thâm thúy khi nhiều lúc còn “trêu đùa” khán giả, làm họ không biết ai là người, ai là ma. Người và ma, ma và người lẫn lộn thực hư ,ai tốt hơn ai, ai xấu hơn ai, ai đáng sợ hơn ai.
    Bom nổ vừa vừa tiếp theo là “Phi vụ thế kỷ” (Now you see me) của anh chàng nói nhanh như máy Jesse Eisenberg. Phim cũng có tiết tấu nhanh chả kém, tuy nhiên những màn ảo thuật lại đầy ắp hiệu ứng CGI giả tạo (Computer-generated imagery). Cảm xúc của tôi rơi rụng khá nhiều bởi những hình ảnh và bố cục phi tự nhiên như vậy. Giữa một đàn các siêu anh hùng cháy nổ suốt mùa hè thì một phim như Now you see me cũng ít nhiều tạo lên sự khác biệt. Sự khác biệt trong một đặc tính chung của phim thương mại hè của Hollywood: không để cho khán giả nghỉ ngơi mà tận hưởng cái hay của phim, âu cũng là cái dở. Nếu để nhận xét một cách ngắn nhất về Now you see me:thì đây là một phim mang đầy đủ đặc điểm của phim quảng cáo, ngay cả tên phim cũng hao hao slogan của một dịch vụ hay sản phẩm thời trang nào đó
    P/S: Bom tầm trung thì tôi vừa quăng lên tuần trước rồi, “Gatsby Vĩ đại” .
“Đào cốc lục tiên” : sáu dị nhân cổ quái trong "Tiếu ngạo gianh hồ" bản của Trương Kỷ Trung.
Ảnh lấy trên báo Thể thao&Văn hóa, trong bài của Bá vũ.

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

__conversation 2

    Chuyện 1
    6 năm sau, trong nhà giam, trong ngoài song sắt, có 2 thằng bạn cũ:
- Ê, mày làm gì ở đây !!!
- Hả, sao mày ... ở đây ???
.....
- Hồi đó tao xem "Bụi đời chợ lớn" thấy chém giết kinh quá, nếu theo nghề ko chết cũng vào tù, lên bỏ, chạy chọt lo lót mãi mới vào được công an, giờ làm giám thị ở đây.
- Còn tao xem "Cảnh sát hình sự" thấy ăn cướp dễ quá, không bỏ được, giờ nằm đây.
    Chuyện 2
    Cụ nhà mình đã già, chân chậm, tai gần như không nghe thấy gì, nói gì cũng phải to, nói mấy lần mới rõ. Hôm nay, thấy cụ cứ lục đục trong toalet, vào lại thấy cụ đang xé giấy lau sàn cho khô.
mình nó to "cụ vào nhà đi, không phải làm thế".
Cụ lừ mắt bảo:
- Vào thì vào, làm gì quát tháo ầm ĩ thế. :(
Bỏ mẹ, thế mới chết, lâu nay mình cứ tưởng lúc nào cụ cũng nặng tai.

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

__Không chỉ là đại gia, Gatsby là vĩ đại


Bài viết có tiết lộ nội dung phim, nếu ai chưa xem phim, không nên đọc :)
    “Gatsby vĩ đại”-2013 được đạo diễn Baz Luhrmann chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của Scott Fizgerald. Lấy bối cảnh trong “thời kỳ jazz” nước Mỹ bắt đầu thịnh vượng chưa từng thấy, những năm 1920 do sự cất cánh của nền kinh tế. Chàng trai trẻ Nick Carraway từ bỏ giấc mơ làm nhà văn để đến với New York phù hoa, chàng theo đuổi một giấc mơ khác, giấc mộng phù hoa và giàu có, “giấc mơ Mỹ”. Ở đây anh gặp một người bạn lớn của đời mình, Gastby, một người đã chinh phục được giấc mơ Mỹ. Vẻ ngoài là vậy, nhưng càng thân thiết với Gastby, Nick đã vỡ ra nhiều điều về sự "phù hoa" và thế giới của người giàu. Đi sâu vào cuộc sống của Gastby, được "đại gia" kể về đời mình, cảm nhận được tình yêu của Gastby với Daisy, chứng kiến cái chết của Gastby, anh đã nhận ra những gì quý giá, những gì là phù phiếm, quan trọng hơn cả là anh biết Gastby, bạn của mình là một người vĩ đại.
    Từ lâu rồi :...“Gatsby là một biểu tượng lớn trong văn hóa đại chúng Mỹ. Gatsby đại diện cho một kiểu người từ tay trắng đi lên, có một quá khứ đen tối, một người tình bí ẩn; người trong cuộc đời đã chạm tới tột đỉnh vinh quang để rồi mất đi tất cả. Người ta nhìn thấy ở Gatsby một sự hiến sinh cho những phù phiếm lòe loẹt của cái gọi là “Giấc mơ Mỹ”. Nhưng đồng thời ở Gatsby cũng tồn tại một năng lực hy vọng kỳ lạ của kẻ không bao giờ biết bỏ cuộc, một tình yêu say đắm chân thành và cao thượng; một sự lãng mạn ngây thơ không hề bị vẩn đục. Chính những phẩm chất đó đã xây dựng nên một Gatsby phức tạp - một kẻ vừa là nạn nhân, vừa là trò hề, đồng thời cũng là một đấng anh hùng. Những thăng trầm trong cuộc đời Gatsby cũng là minh chứng rõ cho tính phù du, tạm bợ, đầy bất trắc của kiếp người.” (lời của Anh Trâm trên Vnexpress.net ) Gatsby cũng đại diện cho một người sống hết mình, cống hiến hết mình cho những gì anh ta theo đuổi, đây là một đặc thù của "tính cách Mỹ", nên cũng dễ hiểu vì sao, người Mỹ lại yêu Gatsby đến thế.
    Chuyển thể tác phẩm văn học này sang điện ảnh,ngay từ những cảnh đầu Baz Luhrmann cho người xem chóng mặt với những màn phi xe tốc độ liền sau đó là bữa đại tiệc truy hoan khổng lồ đầy tràn sâm-panh, đá quý, pháo hoa, âm nhạc, sự cuồng say cuốn khán giả vào trong đó, máy quay vút nhanh trên những đám bụi than khổng lồ xám xịt u ám, những người phu than lầm lũi, và lướt đến tận những công nhân xây dựng làm việc trên những giàn giáo cao ngất không kể ngày đêm. Tất cả diễn ra dưới cặp mắt khổng lồ mệt mỏi của bác sĩ Eckleburg ( cặp mắt từ tấm biển quảng cáo của một phòng khám nhãn khoa nào đó). Đây là một hình ảnh mang tính biểu tượng của nguyên tác văn học cũng như phiên bản điện ảnh. Nhịp độ của phim giảm dần sau đó, Gatsby xuất hiện, được miêu tả thận trọng qua diễn xuất đĩnh đạc của Leo Dicarpio, nhưng anh này tự ý thêm vào những tình tiết đầy hài hước và có phần phóng đại, tiêu biểu là đoạn gặp Daisy tại nhà của Carraway. Qua con mắt của Nick, con người, tính cách của Gatsby, của Daysy, Tom buchanan lần lượt được mô tả rất sát với tiểu thuyết, nhịp điệu chậm rãi này được giữ đến cuối phim giúp người xem có thời giờ thưởng thức âm nhạc, thưởng ngoạn những khung hình đẹp đẽ của hiệu ứng 3D. Lặp lại ko ít lần là cảnh Gastby đứng trên bến tàu ngập trong sương khói, hướng về phía bờ tây, đưa tay với lấy chùm sáng xanh biếc đầy mê hoặc tỏa ra từ phía đó, nơi tọa lạc tòa lâu đài của gia đình Daisy. Dường như sợ khán giả không hiểu những hình ảnh này, Baz Luhrmann giải thích trực tiếp bằng lời thoại hoặc trích dẫn nguyên văn từ cuốn tiểu thuyết. Bạn Minh phúc trên Phimchieurap.vn viết : “Hay một khía cạnh hình ảnh khác, có lẽ chúng ta nên nói về hình ảnh ẩn dụ. Ngọn hải đăng phát ra ánh sáng xanh lục, cái nơi mà mỗi tối Gatsby vẫn cố với tay tới; màu xanh lục tượng trưng cho trí tuệ và tiền tài, nó cũng tượng trưng cho những gì mà con người khao khát những sẽ không bao giờ đạt được, ánh sáng ấy luôn đủ sáng để chiếu qua lòng bàn tay của con người, nhưng làm sao có thể giữ được tia sáng ấy? Hay như hình ảnh đôi mắt vô hồn của một vị bác sĩ vô danh ẩn sâu đôi kính tròn được vẽ trên một tấm bảng lớn dựng ở khu mỏ, nó gần như là biểu tượng của bộ film. Đôi mắt ấy là Chúa, là người bảo hộ, nhưng đồng thời cũng là kẻ phán xét, là ác quỷ; nó nhìn được tất cả mọi thứ đang diễn ra, nhưng có ai nhìn ngược lại và biết nó đang nghĩ gì, mưu tính điều gì? Cái đôi mắt vô hồn ấy tượng trưng cho tấm áo choàng của những bí mật mà mỗi nhân vật trong câu chuyện tự phủ lên mình, để dẫu khi ánh sáng ban ngày có rọi vào, họ vẫn yên tâm mình không bị thiêu cháy.”
    Tên phim cũng như bản dịch sau này của Trịnh lữ“Đại gia Gatsby”. Nhưng Gatsby không chỉ là đại gia, Gatsby là vĩ đại. Vĩ đại bởi chính tình yêu, tình bạn của mình. Trở lên giàu có nhờ áp phe, đi đêm này nọ, nhưng Gatsby không là biến thành họ, mục đích của anh không là những tiền tài danh vọng, Gatsby có kế hoạch của mình, có thiên đường riêng và Daisy là bà hoàng trong thiên đường có thật đó. “Nhưng đồng thời ở Gatsby cũng tồn tại một năng lực hy vọng kỳ lạ của kẻ không bao giờ biết bỏ cuộc, một tình yêu say đắm chân thành và cao thượng; một sự lãng mạn ngây thơ không hề bị vẩn đục. Chính những phẩm chất đó đã xây dựng nên một Gatsby phức tạp - một kẻ vừa là nạn nhân, vừa là trò hề, đồng thời cũng là một đấng anh hùng.” Không phải vậy, Gatsby vượt trên những phù phiếm xa hoa tầm thường đó, Gastby biết và dùng chính tiền tài kiếm được để tạo ra những trò hề, những phô trương hoành tráng nhằm lấy lại tình yêu của Daisy. Lấy lại quá khứ của mình. Một giấc mơ của bất cứ ai. Trong giấc mơ sắp thành sự thật, Nick Carraway đã tạo ra cái kết đẹp đẽ cuối cùng cho giấc mơ của Gatsby, anh ra đi trong niềm hân hoan chào đón tiếng chuông điện thoại từ Daisy (mà thực ra là của Carraway). Anh ngã vào bể nước màu xanh trong mát, lơ lửng như ở thiên đàng. Một thiên đường chỉ mình anh với giấc mơ của mình trong đó, trọn vẹn, giấc mơ của anh trọn vẹn, nó không hề tan vỡ. Chỉ có trái tim và giấc mơ của Nick Carraway là tan vỡ, tan vỡ trước sự tàn nhẫn của người đời, và niềm tiếc thương Gastby vô hạn. Gastby, người giữ trọn tình yêu và niềm tin của mình qua năm tháng, qua thăng trầm và biến động, qua đổi thay và mất mát, người kiến tạo giấc mơ và giữ thiên đường cho chính mình trọn vẹn. Gatsby là vĩ đại. Hay tình yêu con người, tình yêu cuộc sống, niềm tin vào những gì tốt đẹp vĩ đại hơn tất cả những hiện sinh.
    P/S: Ở trên có tham khảo bài viết của bạn Anh trâm trên Vnexpress và bạn Minh Phúc trên Phimchieurap.vn

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

__Tản mạn về “Bom” 2013

   
    - Bom ở đây là bom tấn và tất cả đều là sản phẩm của Hollywood. Nơi duy nhất trên thế giới có khả năng sản xuất ra những bộ phim có kinh phí khổng lồ và bộ máy PR vượt trội hơn bất cứ nền điện ảnh nào trên thế giới. Xin điểm lại một số bom tấn bom tạ mà tôi quan tâm, một số phim tôi thậm chí còn không muốn xem, một số xem trên máy tính.
    - Phim hay là gì: là bạn cố nhịn đến hết chứ nhất quyết không chịu bò ra WC để xả nỗi buồn tự nhiên
-------
    Đầu tiên, xin đề cử “Siêu phẩm” Lãng quên, Oblivion, của Tom Cruise, phim không dở nhưng vớ va vớ vẩn, quả bom này chỉ nổ be bé và nhanh chóng rơi vào quên lãng như chính tên của nó. Lời bình ngắn gọn nhất cho sự thất bại của phim này là “nếu không thông minh thì đừng tỏ ra nguy hiểm”. Doanh thu/chi phí sản xuất: 89/120 (đơn vị triệu $). Về cá nhân tôi thì phim này có những đoạn chiến đấu thực sự đẹp mắt và một số khung cảnh ấn tượng, về không gian và tương lai.
    Jack and the Giant Slayer, đây là một bom tấn thực sự với sự tham gia của đạo diễn Bryan Singer danh tiếng. Tôi thực sự rất thích phim này mặc dù chỉ được chiêm ngưỡng bản DVD qua máy tính. Với chi phí 195 và doanh thu 65 thì đây thực sự là một thất bại lớn về tiền bạc của một siêu phẩm 3D. Về nguyên nhân, có lẽ là, trẻ em và trẻ em đã lớn không còn tin vào các câu chuyện cổ tích nhân hậu. Bằng chứng là những biến thể cổ tích đen tối vẫn ăn nên làm ra như “Bạch tuyết”, “Hansel and Gretel”.
    G.I.Joe: Retaliation. Với doanh thu chỉ 122/130 thì cũng khó có thể cho nó là thất bại khi doanh thu ở thị trường ngoài Bắc Mỹ là 247 nâng doanh thu toàn cầu là 369. Tôi chưa xem phim này nhưng ấn tượng nhàm chán từ hồi xem phần 1 thì nhớ rất rõ. Đơn thuần là những màn hành động đặc xệt kỹ xảo máy tính, liên tục liên tục. Bạn sẽ nhanh chóng ngấy nó như một bát phở bị cho quá nhiều thịt.
    Oz The Great and Powerful: Một bom tấn thực sự nếu xét trên khía cạnh doanh thu và chi phí 234/215. Đắn đo mãi tôi mới quyết định xem phim này, lý do, cần kiểm nghiệm trước khi cho con gái nhỏ xem. Là một bức tranh nhiều màu sắc na ná như Alice ở sứ xở kỳ diệu của Tim burton, tuy nhiên ở chi tiết thì lại mất cân đối. Ngây thơ thì lại ngây thơ quá, mà ác thì lại ác quá thể, điều này đem lại một cảm giác ngờ ngợ khó chịu khi xem. Lửng lơ như vậy lên nó cũng làm ăn được, thu đủ bù chi. Kết luận cuối cùng của tôi là, trẻ nhỏ không nên xem phim này.
    Mùa hè là mùa ra mắt của các “Bom”. Trái đầu tiên nổ mạnh thực sự là Ironman 3. Nổ rất to và hoành tráng khắp thế giới. Một câu truyện kế tiếp hay và hài hước hơn hẳn phần 2, nhưng vẫn thua kém phần đầu. Và đặc biệt ấn tượng của Avenger quá sâu đậm và thời điểm ra mắt không quá xa nhau, Ironman3 đem đến ít nhiều thất vọng cho bản thân tôi ở khía cảnh cảm xúc phim.
Startrek: Chìm vào bóng tối, tôi thích phim này hơn hẳn Người sắt 3, dù hành động liên tục, tiết tấu nhanh hơn hẳn Statrek một nhưng nó vẫn thong thả hơn Ironman3. Người xem có được những phút chiêm nghiệm màn ảnh. Không bị hình ảnh hoành tá tràng săn đuổi. Tuy nhiên, Startrek hấp dẫn người xem ở sự nghiêm túc chín chắn vì vậy so với phần đầu của hành trình làm mới năm 2009, Startrek 2013 vẫn là một bước lùi với chính nó.
    Cho đến khi chứng kiến màn ra mắt của “Fast & Furious”,thì bom tấn mới thực là bom tấn, mặc dù chi phí không khủng như những phim khác (160). Hay hơn hẳn những phần trước và nổi trội hơn những bom khác nổ trong cùng mùa hè. F6 đem đến những phút mê đắm với tốc độ và sự phấn khích. Những mất mát cuối phim là nốt trầm quan trọng. Nó mang lại cảm xúc bâng khuâng luyến lưu cho khán giả, kích thích niểm mong mỏi, chờ đợi những phần tiếp theo.
    Nhà trắng thất thủ “Olympus Has Fallen” đem lại không ít ngạc nhiên và sảng khoái cho người xem. Tuy không phải bom biếc gì nhưng Nhà trắng thất thủ là một phim giải trí đáng xem của mùa hè với diễn xuất đầy hài hước nhưng cũng không kém phần man rợ của Gerard Butler. Những màn giết người không ghê tay nhưng không ghê mắt, nghĩ lại thì thấy rùng mình nhưng khi xem phim thì lại hợp lý và hấp dẫn một cách kinh khủng. Tôi thích phim này nhưng vẫn ra ngoài để giải quyết nỗi buồn muôn thủa.
    Sau trải nghiệm không mấy hay ho với mấy nàng phù thủy dậm dật xứ OZ, tôi quyết định đưa con gái nhỏ trải nghiệm màn ảnh rộng với Epic: trận hùng chiến xứ sở lá cây. Siêu phẩm hoạt hình có giá 100tr$ là một bức tranh màu mè nhưng nông cạn. Người lớn thì nhanh chóng chán và trẻ em thì bỏ đi chơi chỉ sau 30 phút. Với một ý tưởng thú vị trong một khung cảnh đầm nước đầy bí ẩn và thú vị, Epic từ bỏ lợi thế của mình để tập trung khai thác yếu tố đánh đấm, hoành tráng pha lẫn nhí nhố. Chỉ làm cho người xem nhớ     Miyazaki ngay cả khi đang xem.
    Công viên khủng long 3D. Với mong muốn tìm lại cảm giác chân thực nhờ hiệu ứng 3D, tôi và ông cháu lắm chuyện đi xem phim này. Phim vẫn hay nhưng là do chính nội dung phim chứ không phải do 3D.
    Man of Steel. Trong bối cảnh viêm màng túi nghiêm trọng, tôi vẫn mò đến rạp để chiêm ngưỡng phim của Chritopher Nolan. Vẫn những tông màu xám xanh quen thuộc từ bấy lâu nay và, trên nền bối cảnh đậm chất hiện thực, Zack Snyder thổi vào đó những bố cục hình ảnh đầy tính biểu tượng, đẹp mắt và lãng mạn. Vẫn chàng trai cô đơn, râu ria rậm rạp, đi bụi lang thang để tìm kiếm chính mình như Bruce wayne năm nào, nay là Kal-el siêu năng lực. Tuy vậy ấn tượng nhất đối với tôi lại là khuôn mặt ấm áp và vô cùng nhân hậu của Amy Adams nay đã gần 40 tuổi. Chị đáng mến một cách kỳ lạ trong phim này.
    Phim hay là gì: là bạn cố nhịn đến hết chứ nhất quyết không chịu bò vào WC để giải quyết nỗi buồn tự nhiên. Lâu lắm rồi mới có một phim cuốn hút tôi như vậy. Để nhớ lại, có lẽ là lần đầu xem Seven (1997-1998),của cặp đôi Brad Pitt, Morgan Freeman đóng chính. Tôi nhớ như in hình ảnh Morgan Freman đi vào căn hộ ẩm ướt đen tối, ánh đèn pin chiếu loang loáng, ông dừng lại trước mảng tưởng chi chít chữ và đưa tay xé mạnh một mẩu giấy đóng trên nó. Roạt một tiếng và cả rạp đồng loạt rùng mình.
    Đó là World war Z. Một bom tấn đích thực của mùa hè 2013. Một siêu phẩm hoành tráng khác của Brad pitt, tuy nhiên sự xuất hiện của anh lại vô cùng giản dị và ấm áp. Có lẽ vì vậy mà phim hay.
    - P/S: Trong mùa hè, còn có Trance (Mê cung ký ức) của ông triệu phú ổ chuột và Giáo sư X, lần đầu đóng vai phản diện: cũng là một phim đem đến ít nhiều khác lạ so với các phần còn lại của "đấu trường mùa hè", tuy nhiên ngoài khuôn mặt Rosaio Dawson thì phim cũng nhanh tróng rời khỏi ký ức người xem. Phía trước, Now you see me, The Great Gasby, Tình người duyên ma... đang chờ đón

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Trường An loạn.

    Vì cớ gì mà thành Trường An loạn. Vì hạn hán, vì thời tiết khắc nghiệt, mất mùa, dân chết đói lên dẫn đến loạn. Cũng đúng, nhưng nghĩ lại thì không phải, vì trong quốc khố còn rất nhiều lương thực, năm ngoái cũng mất mùa như thế. Nhưng khi triều đình mở kho lương, dân chúng tranh cướp gạo phát chẩn, chết vô số kể, loạn sinh ra vào chính lúc ấy chứ không phải lúc đói kém nhất. Loạn vì giang hồ đao kiếm quá nhiều, sinh ra chém giết vô tội vạ. Cũng không đúng lắm, vì từ trước tới giờ, lúc nào giang hồ chẳng nhiều đao kiếm, chẳng chém giết lẫn nhau, không vì tranh giành ngôi minh chủ thì cũng tranh dành một mảnh da, miếng gỗ, một bảo kiếm hay một bí kíp khỉ gió nào đấy. Loạn vì có bạo loạn. Dân đói gần chết, ăn còn chả đủ, nghĩ gì đến chuyện bạo loạn. ‘Những người no đủ nhất lại là những người trong cung’.
    Mà loạn thì ta giúp được gì, câu trả lời là, không góp phần cho nó loạn thêm cũng là có ích lắm rồi. Mà suy cho cùng, ai cũng vậy thì làm gì có loạn. Nhưng nếu ai cũng vậy thì buồn chết, chẳng có gì để viết, chẳng có gì để kể. Ấy thế mà Trường an loạn lại viết về một kẻ đúng ra chẳng có gì để viết, chẳng có gì để kể, Thích nhiên, một thiền sư Thiếu Lâm. Kẻ này chẳng biết làm gì, và lúc nào cũng đặt ra câu hỏi, chẳng biết làm gì thì phải làm gì? Bởi đơn giản, con người ta sinh ra không phải để chỉ ngồi mà nhìn, mà trông, người ta phải có hoạt động gì đấy để tồn tại, để sống. Cuộc sống của bất cứ cá nhân nào cũng cần có hoạt động. Và xã hội dù có loạn đến đâu, có phi lý, vô nghĩa đến mức nào thì cuộc sống của cá nhân ấy vẫn có ý nghĩa, chỉ là họ nhất thời chưa nhận thấy thôi.

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

____Nhất đại tông sư

    Vương gia vệ chọn Song Hye Kyo vì cô có vẻ đẹp của Củng lợi, nếu còn trẻ thì vai đó là dành cho Củng lợi, chắc chắn là thế.
    Chuyển giao (từ bỏ) quyền lực (quyền lợi) chưa bao giờ là dễ dàng. Trong phim này đễ Cung bảo sâm, đã vì những lợi ích chung mà từ bỏ được thứ đó. Ông cảm thấy trách nhiệm lớn lao của mình trong việc phải giao lại tên tuổi, quyền lực đó cho một người trẻ xuất sắc hơn để giữ cho ngọn lửa chính khí ko lụi tàn quá nhanh.
    Chương tử di đẹp nhất là trong phim này. Đi đẹp, đứng đẹp, ngồi đẹp, nằm hút á phiện cũng đẹp. Cũng như trong Ngọa hổ tàng long Nhất đại tông sư dường như cũng chỉ dành cho Chương tử di
Nhất đại tông sư là một phim võ hiệp sang trọng. Sự sang trong đến từ phong thái của các võ sư, chánh cũng như tà, đều có phong thái rất sang trọng.
    Vương gia vệ đã không còn quá bấu víu vào tông màu đỏ ấm của mình nữa, đen, xanh xám và trắng tuyết đã xuất hiện nhiều hơn.
    Ai bảo bó chân rồi thì không là cao thủ. Tuy nhiên bị người khác sờ vào gót sen thì coi như thua.
    Diệp vấn rất phong lưu. Kiểu phong lưu của A phi, của Châu mộ văn, là người tình lãng mạn chậm rãi ngồi rửa đôi chân ngà ngọc của mỹ nhân.
    Vịnh Xuân quyền trong công có thủ, trong phòng thủ có tấn công, bản thân nó hàm chứa nhiều yếu tố triết học phương đông như hình âm dương bát quái. Vì thế các cao thủ gặp nhau, võ công không hơn kém nhiều, đấu triết với nhau là hợp lý vì thế Diệp vấn đấu triết với Cung bảo sâm.
    Trong phim, sang trọng nhất là các mỹ nữ, hút thuốc lá cũng như thuốc phiện, đều rất kiêu sa và đẹp.
    Âm nhạc là một nhân vật quan trọng trong phim và “nàng” diễn xuất rất mạnh mẽ và cũng rất tinh tế.
Phim là những dòng chảy của xúc cảm, xem phim của Vương gia vệ cũng không ngoại lệ, hãy thả lỏng tâm trí.

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

__Tản mạn phim cuối năm

    Năm nay rạp và các hàng đĩa tràn ngập các phim đề cử giải Oscar, chỉ sợ không có thời gian, còn lại xem đã mắt thì thôi. Tranh thủ xem được Life of Pi, Những người khốn khổ, Zero Dark ThirtyDjango Unchained. Xen giữa những phim này là Sự chia ly, phim I-ran, giải Oscar phim nước ngoài hay nhất 2012.
    Life of Pi, lung linh đầy màu sắc. Những người khốn khổ thì hát hò ầm ĩ, khổ nhất là các diễn viên cao tuổi, hơi yếu, cố hát cho hay thì mặt đờ ra, ko diễn được nữa. Nghe một đĩa nhạc chừng 60 phút thì còn dễ chịu, thấy hay chứ oang oang 2 tiếng rưỡi đồng hồ thì không ung đầu cũng ù tai. Thế mà khán giả cũng ngồi im thin thít để xem và nghe, nghĩ cũng nể. Hát hay nhất theo mình là diễn viên đóng Marius, Đức tuấn cũng đã cover lại bài “Empty Chairs at Empty Tables” do Marius hát đoạn gần cuối phim.
    Django xem không đã bằng các phim trước của Quentin. Dấu ấn của Quentin rõ nhất ở trường đoạn bắn nhau máu me ở trang trại và nhân vật lão quản gia tinh quái, độc ác do Samuel L.Jackson đóng.
    Còn với Zero Dark Thirty, cả một quá trình dài bắt bớ, điều tra lần theo dấu vết Osama Bil Laden của CIA ở Pakistan. Hơn một tiếng rưỡi đầu, như xem phim tài liệu, còn một tiếng sau thì là phim hành động “Act of Valor”. Chất xi-nê rõ nhất trong phim đọng lại trong những giọt nước mắt của Maya, nữ nhân vật chính, chúng lăn dài xuống má khi cô ngồi một mình trong khoang chở hàng rộng của chiếc may bay quân sự cỡ lớn. Những giọt nước mắt gợi lại những mất mát, chịu đựng mà cô phải trải qua trong quá trình dài tìm kiếm thông tin về Bil LaDen và sau cuối là sự trống rỗng vô hạn.
    Từ sau “In the mood for Love- tâm trạng khi yêu” xem được hồi tháng 10, thì “Sự chia ly” , phim I –ran, Oscar phim nước ngoài hay nhất 2012, đem lại rất nhiều cảm xúc. Nếu có thể tóm gọn lại thì phim này như một se-ri truyền hình Hàn quốc dài được gói gọn lại trong 2 tiếng đồng hồ. Diễn viên đẹp, diễn xuất tự nhiên tinh tế, câu chuyện gia đình nhưng đầy lôi cuốn và logic. Kịch tính cứ tăng dần theo thời gian và cuối cùng phim mở ra cho người xem một sự bâng khuâng khó diễn tả thành lời.

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

__Đề cử OSCAR năm 2012

    Dịch phỏng theo bài của RaySubers đăng trên trang The BoxOffice Mojo.com
    Những phỏng đoán triền miên về các đề cử cuối cùng đã kết thúc trong cuối buổi sáng hôm nay khi Seth MacFarlane và Emma Stone công bố các đề cử OSACAR 2012. Tuy không có bom tấn nào được đề cử phim hay nhất nhưng bốn trong số chín phim được đề cử có doanh thu phòng vé đạt hơn 100tr$ ở riêng thị trường Bắc Mỹ. Nhìn chung, doanh số trung bình của các đề cử phim hay nhất năm nay là khá cao, đạt 68,4tr$, cao hơn mức trung bình năm ngoái 57,6tr$ nhưng kém xa năm 2009- 151,1tr$ và năm 2010 – 119,5tr$.
    Các đề cử được công bố một cách đầy đủ trong vòng 14 ngày đầu năm mới, điều này làm cho một số phim phát hành vào cuối năm trước có doanh số thấp hơn.
    Lincoln không chỉ là đề cử phim hay nhất có doanh số cao nhất (145tr$), mà nó còn là một trong số những phim có nhiều đề cử nhất (12 đề cử). Điều tương tự xảy ra gần nhất là trong năm 2008, khi đó phim “ Trường hợp kỳ lạ của Benjamin Button” dẫn đầu với 13 đề cử. Kể từ khi công chiếu rộng rãi vào 16/11, Lincoln có doanh thu rất ổn định và đến cuối hành trình của mình nó còn có thể thu về thêm 20tr$ hoặc hơn nữa.
    Doanh số của các đề cử phim hay nhất tiếp theo lần lượt là: Django Unchaiend – phim cao bồi của quái kiệt Quentin Tarantino(110,6tr$), Argo (110,2tr$) - của tài tử Ben Afleck. Những người khốn khổ (106,4tr$)- phim nhạc kịch, Cuộc đời của Pi (91,6tr$) - Lý An, Silver Linings Playbook (35,4tr$), Beast of the Sounthern Wild ($11,2 tr$), Zero Dark Thirty (4,9 tr$) - phim về cuộc truy sát Bil Laden của nữ đạo diễn Kathryn Bigelow, bà cùng với The Heart Locker (2009) đã chiến thắng kịch tính trước chồng cũ “vua phòng vé” James Cameron và “bom nhiệt hạch” Avatar trong Oscar 2010. Chuyện Tình-Amour (340.789$) Phim câm của Pháp.
    Căn cứ vào tình hình phát hành, thì Silver Linings Playbook, Zero Dark ThirtyChuyện tình có thể tăng thêm phần nào doanh số từ các đề cử mà nó nhận được.
    Zero Dark Thirty đang được trình chiếu rất hạn chế, với những đề cử nhận được và sự tranh cãi gây ra trước đó thì việc đạt được doanh số 20tr$ hoặc hơn nữa là hoàn toàn có thể khi nó được phát hành rộng rãi hơn tại 2,400 điểm chiếu vào dịp cuối tuần này.
    Silver Lining Playbook đang được trình chiếu một cách khéo léo tại 745 rạp chiếu, và công ty phát hành The Weinstein dự định sẽ gia tăng ồ ạt các rạp chiếu Silver Lining Playbook vào dịp cuối tuần tới.
    Trong khi đó, kế hoạch phát hành rộng rãi “Chuyện tình” là bất khả, mặc dù nhà phát hành Sony Pictures Classic có rất nhiều kinh nghiệm trong giai đoạn nước rút này và “Chuyện tình” hoàn toàn có cơ hội trở thành phim có doanh thu cao nhất của đạo diễn Michael Haneke. Cache(Hidden) (3,65tr$) hiện là phim có doanh thu cao nhất của ông.
   
    Lễ trao giải OSCAR sẽ diễn ra vào ngày thứ 7, 24 tháng 3 tại nhà hát Dolby, Hollywood, California. Seth MacFalane, tác giả kịch bản, đạo diễn đồng thời là ngôi sao trong phim Ted sẽ là người dẫn chương trình năm nay.
    Ảnh: Đạo diễn phim Lincoln, Stenven Spielberg.