Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

__Tự do: Gương mặt đẹp đẽ nhất

    Trong lúc mạng xã hội blogspot bị cấm cửa ở nhiều nơi, đăng bài này lên thật thích hợp. hi hi. Bài này là bài đầu tiên trong tiểu luận "Cội Nguồn Cảm Hứng" của Nguyễn Trần Bạt. Tuy chưa đọc được nhiều nhưng tôi thấy không ưa nhất ở quyển này là chữ to và thưa (sách của nhà xuất bản Hội Nhà Văn có khác), do đó tuy dày nhưng ít chữ. Đúng ra với số trang đó thì có thể in gộp được 2 tập tiểu luận của Nguyễn Trần Bạt, và tôi sẽ phải mua ít giấy hơn
   
Tự do vừa là bản chất tự nhiên, vừa là khát vọng thường trực của mỗi người. Ai cũng yêu tự do, ai cũng khao khát tự do. Tự do mạnh mẽ và vĩ đại ở chỗ tìm kiếm nó trở thành bản năng sống còn của con người. Càng thiếu tự do, con người càng khao khát tự do, giống như sự thèm muốn bị thôi thúc bởi cơn khát khi không có nước. Chính vì thế, không một con người nào yên phận sống trong sự nô dịch của người khác và không một dân tộc nào cam chịu sống trong sự kìm kẹp của dân tộc khác. Các cuộc kháng chiến chính là để giải phóng con người ra khỏi sự nô dịch và kiềm toả. Sự mãnh liệt của khát vọng tìm kiếm tự do là một trong những tiêu chuẩn để đo đạc sự lành mạnh của một dân tộc.

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, Phương Tây là mảnh đất đầu tiên có tự do, ở đó khát vọng tự do của con người được đáp ứng và chính sự gặp gỡ của con người với tự do đã tạo ra trạng thái phát triển rực rỡ. Kết quả của quá trình phát triển lâu dài của văn minh phương Tây là: tự do, với tư cách như một đối tượng thơ ca, được mô tả như những thiên thần bay bên trên đời sống tinh thần con người; và, tự do, với tư cách như một đối tượng triết học, được cụ thể hoá thành những nguyên tắc cấu tạo ra xã hội, cấu tạo ra nhà nước. Quan điểm về tự do của phương Tây có thể được tóm tắt như sau: tự do được coi là quyền tự nhiên của con người, là không gian vốn có của mỗi con người. Con người sinh ra đã có tự do, tự do như tài sản hay vốn tự có của mỗi người. Cốt lõi của văn hoá phương Tây chính là những tư tưởng, quan điểm về chủ nghĩa cá nhân, ý thức nhân quyền và thể chế dân chủ. Dựa trên tinh thần tuyệt đối của tự do cá nhân, phương Tây coi tự do là chất xúc tác cơ bản của đời sống, là năng lượng tạo ra đời sống con người và lẽ tất yếu, trở thành linh hồn của mọi sự tiến bộ và phát triển.

Tự do chỉ có thể nảy nở ở vùng đất mà những nhận thức về tự do cũng như mối quan tâm dành cho tự do được mở rộng và khơi sâu. Điều này đúng với phương Tây, nơi các học giả bàn về tự do một cách sôi nổi và đầy cảm hứng, trong khi ở phương Đông thì gần như xảy ra điều ngược lại, bởi lẽ hầu hết các học giả đều có khuynh hướng thu hẹp không gian tự do của con người. Khoa học nhận thức ở phương Đông chưa làm rõ được khái niệm tự do cũng như xây dựng phạm trù tự do đúng đắn. Chính vì thế, người phương Đông chưa hiểu đúng bản chất của tự do, vẫn xem tự do như một cái gì đó ở bên ngoài, bên trên cuộc sống. Trong quan niệm của họ, tự do là cái cho phép hay là cái được ban phát từ trên xuống, như là một ân sủng của đấng tối cao trao cho con người. Những nhận thức lệch lạc và mơ hồ như thế về tự do đã làm hạn chế rất nhiều năng lực phát triển của mỗi cá nhân cũng như của cả cộng đồng. Hay nói cách khác, phương Đông lạc hậu vì chưa bao giờ xem tự do như đối tượng chính hay linh hồn của tiến trình phát triển xã hội. Do đó, trong các cuộc cải cách, cái cần thay đổi trước tiên ở phương Đông là nhận thức về tự do.


Điều quan trọng nhất mà phương Đông cần nhận thức là: tự do không phải là một loại quyền được trao tặng bởi bất kỳ ai, bất kỳ lực lượng nào mà nó là tài sản tự nhiên của con người. Điều này có nghĩa tự do không phải là không gian cho phép, không một nhà nước nào có quyền ban phát tự do cho con người. Nói cách khác, con người phải ra khỏi trạng thái nhận thức tự do như là sự nhân nhượng của bề trên đối với kẻ dưới, tức là trạng thái thụ động đón nhận tự do. Cần phải khẳng định tự do không phải là thứ gì đó ở bên ngoài cuộc sống, tự do thuộc về con người, tự do gắn liền với con người với tất cả hình hài cụ thể của nó. Tự do là nhà ở, tự do là đường đi, tự do là bãi cỏ rộng mênh mông, là thức ăn, là nước uống… Tự do là tất cả những gì liên quan đến đời sống con người kể cả vật chất lẫn tinh thần. Tự do muôn hình muôn vẻ và thiêng liêng đến mức không có định kiến nào trói buộc được nó, hễ bị kìm kẹp bởi định kiến là con người mất tự do. Tự do là cái mà trí tưởng tượng của con người luôn vươn tới, hay nói cách khác, trong trí tưởng tượng của mình, con người luôn cảm thấy đằng sau nó vẫn còn nó. Nếu đằng sau nó không là gì nữa, không còn nó thì không phải tự do. Tự do là một không gian dành cho mỗi cá nhân, tuỳ thuộc vào khả năng của mình, mỗi cá nhân đều có quyền làm chủ không gian ấy, khai thác nó và hơn nữa là mở rộng nó.

Có nhiều cách định nghĩa về tự do, một trong những định nghĩa phổ biến nhất là của Hegel: “Tự do là cái tất yếu được nhận thức”. Tự do ở đây không phải là thứ tự do bản năng mà là thứ tự do trong mối tương quan với cái tất yếu, và cái tất yếu được hiểu là các quy luật tự nhiên. Định nghĩa này cho thấy ranh giới giữa trạng thái tự do và trạng thái không có tự do chính là sự nhận thức được cái tất yếu. Con người càng nhận thức được cái tất yếu bao nhiêu thì càng tự do bấy nhiêu. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng hiểu tự do như là kết quả của việc nhận ra cái tất yếu. Nhận thức về cái tất yếu là một năng lực vô cùng quan trọng và là việc không hề đơn giản đối với con người. Không phải ngẫu nhiên, nhiều khi con người không nhận ra cái tất yếu để hành động, do đó, phần đông con người vẫn không hiểu về tự do và giá trị cao quý của tự do. Có một điều cần phải nhìn nhận là ranh giới giữa tự do và không tự do rất mong manh, con người thường chỉ nhận ra tự do khi vướng phải ranh giới của sự thiếu tự do hay nói khác đi, chừng nào chưa vướng phải các ranh giới của sự thiếu hoặc mất tự do thì con người vẫn chưa cảm thấy giá trị của tự do, của cuộc sống tự do. Chính vì vậy, con người cần những định nghĩa gần gũi hơn về tự do.

Tôi cho rằng, tự do là một đại lượng có chất lượng rỗng, một tập hợp rỗng, điều ấy có nghĩa, tự do là một không gian, nhưng người ta không đi lang thang trong đó mà người ta đi theo các đòi hỏi. Con người luôn hành động theo đòi hỏi của tâm hồn mình. Chính sự thúc bách của nghĩa vụ, của những đòi hỏi nội tại trong đời sống tâm hồn khiến con người hành động. Khi con người hành động theo các đòi hỏi mà không bị ngăn cản thì lúc đó, con người có tự do. Như vậy, tự do được biểu hiện đầu tiên ở sự chủ động. Sự chủ động không xuất hiện một cách ngẫu nhiên mà do sự thúc bách của tâm hồn. Nếu không có sự thúc bách từ bên trong tâm hồn tức là không chủ động. Chủ động là điều kiện ban đầu để con người nhận được cảm giác hạnh phúc khi thực thi các quyền tự do, đồng thời, chủ động là trạng thái mà con người đạt được khi có tự do hay có kinh nghiệm về tự do. Chúng ta có thể cảm nhận được con người tự do là con người không bị lệ thuộc, biết đi tìm cái đúng, biết nghĩ đến cùng và biết xây dựng cho mình công nghệ để hành động theo trí tưởng tượng của mình. Vì thế, tự do được tập hợp dưới hình thức các quyền tạo ra những không gian chính trị mà ở đấy con người hành động dựa trên nhận thức của mình về các tất yếu. Nói cách khác, tự do là khoảng không gian mà ở đó con người có được sự thống nhất giữa ý nghĩ và hành vi, con người yên tâm về sự tồn tại của mình, về hành động của mình mà không chịu sự áp đặt, kiềm tỏa của bất kỳ yếu tố nào. Kết lại, để định nghĩa về tự do, tôi cho rằng tự do là quá trình dịch chuyển song song của ý nghĩ và hành vi. Khi có sự dịch chuyển song song của ý nghĩ và hành vi thì con người chủ động.

Ý nghĩ và hành vi là hai thành tố căn bản của tự do, đó là tự do nhận thức và tự do hành động. Con người tự do là con người được tự do nhận thức và tự do hành động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Chúng ta biết rằng, thể hiện sống của con người là hành động, nhưng thể hiện sống của cái trước hành động là ý nghĩ. Tự do nhận thức là nền tảng để con người đi tới tự do hành động. Không có tự do nhận thức, con người không thể có tự do hành động bởi vì khi ấy, con người luôn vấp phải các ranh giới về mặt nhận thức, do vậy, con người sẽ cảm thấy bị hạn chế, bị mất tự do ngay từ trong ý nghĩ chứ không chỉ trong hành vi của mình. Tự do nhận thức sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển và dịch chuyển của ý nghĩ, trong khi đó, tự do hành động sẽ tạo điều kiện cho sự dịch chuyển của hành vi tương ứng và phù hợp với sự dịch chuyển của ý nghĩ. Mặt khác, tự do nhận thức là điều kiện tiên quyết để xây dựng các không gian nhận thức của mỗi cá nhân, từ đó mới hình thành một vườn ươm tư duy của cộng đồng. Khu vườn đó chỉ đa dạng và phong phú chừng nào tự do nhận thức được công nhận như một trong những nguyên lý căn bản nhất. Sự phong phú và đa dạng về mặt nhận thức sẽ dẫn tới sự phong phú và đa dạng của hành động. Đó chính là nhân tố tạo ra tính đa chiều của các không gian kinh tế, chính trị và văn hoá – điều kiện cần và đủ để mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, mỗi nhà nước duy trì và phát triển sự đúng đắn của mình. Đến lượt mình, tự do hành động lại tạo điều kiện cho việc mở rộng không gian nhận thức của mỗi cá nhân và cộng đồng, bởi thông qua tự do hành động, con người có điều kiện làm phong phú kinh nghiệm sống, kinh nghiệm văn hoá của mình, và do đó, có thể xúc tiến những cái mới về nhận thức và tự điều chỉnh nhận thức của mình. Đấy chính là mối liên hệ hữu cơ giữa hai thành tố cơ bản nhất của tự do. Ở một xã hội mà sự dịch chuyển song song này diễn ra thuận lợi trong một trật tự hài hoà thì xã hội ấy sẽ đạt tới trạng thái tự do.

Tóm lại, tự do không hề xa lạ, nó là bản chất tự nhiên của con người. Tự do gắn liền với đời sống con người từ quá khứ, đến hiện tại, đến tương lai như một công cụ để tồn tại, để sống và để phát triển. Càng ngày, những nghiên cứu về tự do càng cho thấy sự cần thiết phải biến tự do trở thành cấu trúc tinh thần hay trở thành thực phẩm hàng ngày của đời sống tinh thần con người. Con người phải thấy được giá trị, địa vị của tự do trong đời sống và ứng dụng nó để tạo ra hạnh phúc của mình.
.....
to be continue :)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét