Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

108 tác phẩm văn học thế kỷ XX-XXI (Không phải 108 tên cướp thế kỉ 20-21)


    108 trang sách dành cho 108 tác phẩm văn học, không hơn không kém. Một dạng sách giáo khoa dành cho người lớn. Hoặc giả nếu sinh viên năm đầu nào đó, nghĩa là đã qua thời học sinh, mà đọc hết 1/3 số tác phẩm được giới thiệu trong này trong thời kỳ còn là học sinh thì thật đáng ngưỡng mộ người đó. Thực sự đáng ngưỡng mộ, vì chắc chắn ngoài những cuốn được giới thiệu trong 108 còn có rất nhiều cuốn khác rất hấp dẫn, còn rất nhiều chuyện tranh, phim ảnh, game và rất nhiều thú vui bổ ích và vô bổ khác. Vì lẽ đó, sách do nhà xuất bản Kim đồng ấn hành nhưng không dành cho trẻ em, hoặc chỉ dành một phần nhỏ cho trẻ em với: Chúa tể chiếc nhẫn, Hoàng Tử Bé, Harry porter, Tottochan, Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Nils Holgerssons qua đất nước Thụy Điển… Sách có nhiều tranh khỏa thân, là những bìa các tác phẩm văn học được tác giả sưu tầm. Chưa kể trong số đó có rất nhiều tác phẩm mà trẻ con đọc xong đòi làm người lớn thì bố mẹ chỉ có nước ... tự tử. Ấy chết, có lẽ không đến mức nghiêm trọng thế vì nó cũng chỉ là Rừng Na uy, Hạt Cơ Bản, Hạ Chí Tuyến (quyển này tôi chưa đọc, nhưng thấy cái bìa hot quá), rồi án mạng qua các tác phẩm của Agatha Christie, Mật Mã Davinci. Và vài quyển khác nghe cũng ghê ghê về chủ nghĩa hiện sinh của Anbe Camuy, các vở kịch phi lý và sách của Coetzee. Trong sách cũng giới thiệu “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, mà bộ phim dựa trên tiểu thuyết này đã làm các cha xứ khắp nơi trên thế giới, có cả Việt Nam, một thời phát rồ phát dại.
    Trong tập sách có rất nhiều tác phẩm đã được dịch và xuất bản hẳn hoi ở Việt Nam nhưng bìa sách minh họa là nguyên bản tiếng tây Đại gia Gastby, Bắt Trẻ đồng xanh, Giết con chim nhại, Sông đông êm đềm, Cuốn theo chiều gió …, việc này tôi thực sự không hiểu lắm. Không biết người sưu tầm sợ đọc giả thiếu nhi tìm đọc những tác phẩm được giới thiệu hay còn vì những lý do nào khác tôi, việc này thật không nên, riêng Đại gia Gastby được giới thiệu là Gastby Vĩ đại (cái tên này có lẽ quen thuộc hơn, nhất là những người yêu thích Murakami). Khá “dũng cảm”, người biên soạn giới thiệu “Những vần thơ của quỷ sa tăng” với niềm trân trọng, trước đây không lâu, ở Nhật bản, người dịch tác phẩm này sang tiếng Nhật đã bị những kẻ cuồng tín sát hại. Tác giả cuốn này Samal Rushdie, sách của ông đã được Việt Nam, tôi không nhớ là cuốn nào. Nhiều tác phẩm khác là những tập thơ (Lời Dâng, Khúc ca chung…), kịch (Nữ ca sĩ hói đầu, Đợi Godod, Đám Cưới Máu…) , có những tác phẩm đã được chuyển thể thành phim và rất gẫn gũi với đọc giả Việt Nam như, Cuốn theo chiều gió, Papilon, Triệu phú ổ chuột, Tiếu ngạo giang hồ… Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là tác phẩm duy nhất của Việt Nam được giới thiệu. Nhiều tác giả có những tác phẩm tranh cãi cũng được nhắc đến với lời giới thiệu khá đầy đủ nhưng khéo léo tránh những điểm nhạy cảm trong cuộc đời sáng tác của họ, như George Orwell (nổi tiếng với Trại gia súc), hay Aleksandr Solzhenitsyn với Quần đảo Gulag. Với những tác giả này, để tìm đến tác phẩm của họ, người đọc chỉ có thể đi đường internet hoặc phải cố mà học giỏi ngoại ngữ, cỡ gần bằng … dịch giả. Bằng lời văn giản dị khúc triết, 108 trang với 108 tác phẩm là một gợi ý giá trị với những người mê đọc sách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét