Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

___Chủ nghĩa tư bản dã man ở Việt Nam


    Hồi xưa học kinh tế chính trị, cách nay ngót nghét cũng đã mười mấy năm, trong một giờ học, thầy giáo nói, Việt Nam đang ở thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản dã man ... Mình chẳng hiểu khái niệm này lắm vì thầy giảng chẳng hay và mình cũng không thích môn học đó. Thầy có ví dụ để sinh viên dễ hiểu, đại loại tình hình Việt Nam lúc bấy giờ (quãng năm 97-98) giống như LosAngeles những năm 30. Thầy nói, lúc đó tình hình ở Mỹ cực kỳ lộn xộn, tội phạm, tệ nạn xã hội lan tràn khắp nơi, trên thương trường thì cạnh tranh bẩn, tình trạng cá lớn nuốt cá bé, luật rừng... là những đặc điểm chính. Lâu lâu, bẵng đi cụm từ này không được ai nhắc tới. Hôm nay, đọc một bài trên BBC viết về tình hình sân golf ở Việt Nam mỗi năm ăn hàng mấy nghìn hecta đất. Mà nguyên nhân của vấn nạn sân golf này chính là tham nhũng và mâu thuẫn lợi ích của các nhóm kinh tế-chính trị.
    Tham nhũng hối lộ có ở khắp mọi nơi và xuất hiện từ thủa sơ khai của loài người, nhưng nó đang phát triển "rực rỡ" nhất trong thời đại của chúng ta. Tham nhũng hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ những ngành nghề dễ hối lộ nhất đến các ngành thiêng liêng nhất như y tế và giáo dục. Việc ăn và đưa phong bì mà thực chất là hối lộ đã trở lên bình thường ngay cả đối với những người dân lương thiện, nó được người ta coi là một loại phí, lót tay, bôi trơn, hay phí ngu. Nhà nước, nơi thể hiện rằng mình phải minh bạch công khai chống lại tham nhũng thì lại gián tiếp cổ vũ một cách "ngớ ngẩn" cho việc không nhận phong bì, nó không dám đi thẳng vào sự thật đó là hành vi tham nhũng, cái phong bì không có tội mà người nhận nó mới là có tội. Nó không dám nói thẳng người nhận là có tội mà lại đi khuyên bảo kẻ đó đừng nhận phong bì nữa, việc làm này chẳng khác nào thừa nhận nhân cách thằng ăn cắp và van xin nó đừng ăn cắp nó mà hãy trở lên lương thiện. Hiện tượng mua quan bán chức diễn ra công khai, và không khó khăn gì để biết giá của một cái ghế, ngay cả một người lái xe ôm cũng biết điều đó. Lên không ngạc nhiên gì khi trong bộ máy hành chính có rất nhiều kẻ lưu manh, trộm cắp mà những kẻ dùng bằng giả bị phanh phui chỉ là nhất thời sơ hở. Bất cử tỉnh thành, sở vụ bộ nào, rất dễ dàng gọi mặt chỉ tên ra ông bí thư chủ tịch này nọ trước đó chỉ là thằng lái buôn, không bằng cấp gì (thậm chí còn chưa đọc thông viết thạo hoặc mua chữ dưới hình thức chuyên tu, tại chức), có chuyên môn nhất trong bộ máy khổng lồ và rườm ra đó lại chính là những "nhân viên đánh máy" mà lâu lâu mới tòi ra một chú. Lưu manh hóa là làn sóng lan rộng từ người các quan chức đến từng người dân, quan tham thì dân gian, và ngược lại, dân gian cũng tạo ra quan tham.
    Người ta muốn đất nước nhanh trở lên giàu có, cách đơn giản nhất là mang tài nguyên đi bán, cách này vừa nhanh vừa rẻ và chẳng cần động não, chẳng cần đào tạo, chẳng cần đại học quốc tế "chữ to". Nó cũng như, nếu bán nhà đi thì sẽ có một đống tiền để tiêu mà chẳng cần học hành làm lụng gì. Chúng ta cũng như vậy, đào than, hút dầu... mang bán thì cần quái gì đến nền kinh tế tri thức, cần gì lũ nhân tài nhân teo, chỉ cần một lũ láu cá, biết lươn lẹo luồn cúi là đủ. Thế nên, hệ thống giáo dục nhanh chóng trở thành một cái chợ buôn bán bằng cấp khổng lồ. Minh chứng cho điểm này có thể kể đến một lũ bác sĩ bất tài vô lương tâm, một lũ giao viên thèm tiền ác độc và một hệ thống cán bộ (quan lại) thèm tiền còn hơn cả lũ giáo viên. Dễ thấy các công trình do nhà nước đầu tư thường xuống cấp rất nhanh bởi chúng chỉ là một lớp vỏ mỏng. Cơ hội cho nhân tài trong bộ máy, doanh nghiệp nhà nước là cực kỳ hiếm hoi. Họ nhanh chóng hòa vào các doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp này, ngoài một số điểm sáng, phần lớn còn lại chạy theo lợi nhuận mà bất chấp tất cả. Hệ quả là môi trường sinh thái mau chóng ô nhiễm nặng nề, công nhân bị vắt kiệt sức lao động không khác gì nô lệ.
    Trong một xã hội đó, người ta mất niềm tin vào những gì có thật. Tôn giao luôn là nơi cứu cánh cho những hoàn cảnh như vậy. Đình chùa miếu mạo được tu bổ và xây mới khắp nơi. Người ta tưởng truyền thống là các hội hè được làm mới, được sân khấu hóa được hoành tráng hóa. Nhưng làn sóng thương mại hóa nhanh tróng lật tẩy hết lớp màu mè đó vì sự thực "một cái áo không làm lên thầy tu". Bọn tăng lữ cũng hiện nguyện nguyên hình là những kẻ hám lợi, háo danh không lâu sau đó. Một xã hội không có niềm tin.
    Tất cả những yếu tố trên ràng buộc, tác động hữu cơ qua lại với nhau tạo thành một mớ bùng nhùng rối tinh măng miến. Xã hội Việt Nam thời chủ nghĩa tư bản dã man dường như không có lối thoát. Tới đây tôi tự hỏi không biết mình suy nghĩ có tiêu cực quá không khi mà cuộc sống luôn có câu trả lời thỏa đáng cho các câu hỏi phát sinh từ sự tồn tại lâu dài của người Việt ???
    P/S: Đã lâu không viết bài nào về chính trị chính em, toàn loanh quanh phim sách truyện, nay gom thử các bản nháp thành mớ măng miến này cho đỡ nhớ. Tranh minh họa lấy trong loạt biếm họa. Và Thầy giáo mình giỏi thật :)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét