Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Please Face me !


    Thay vì trao đổi số điện thoại, danh thiếp để quen thân hơn..., các thành viên facebook nói "Face me". Một sự thay đổi đáng kinh ngạc và thú vị mà thế giới mạng đem lại cho xã hội, khi mà cái ảo mô phỏng cái thật ngày càng sinh động. Trên xã hội ảo đó, người ta có lý lịch, có cá tính, có các mối quan hệ ràng buộc, người ta tự do nói chuyện, kết bạn, lập nhóm lập hội, lập công ty... người ta thể hiện trạng thái tình cảm vui buồn lên "wall", người ta thích, không thích, không có ý kiến, có thể nói hoặc chỉ "nghe" người khác nói ..he.. he. Chưa bao giờ thấy bóng cảnh sát, quản lý hoặc các thể chế luật pháp nào cả. Các thể chế có "quyền" đều ẩn hoặc rất kín đáo, có vẻ họ rất lịch sự hoặc giả họ sợ các "công dân" trong "cộng hòa Facebook" nổi giận. Mọi người trong đó đều rất tự do, nhất là quyền thể hiện cá nhân: nói, bình luận, viết lách, xuất bản..., tự do gần như tuyệt đối. Với một hạ tầng mạng mạnh, cùng với sự "nhân cách hóa" trên Facebook mở rộng ranh giới từng giờ từng phút. Nó lần lượt lấn át các mạng xã hội khác, các diễn đàn thậm chí các game online, vốn chỉ hấp dẫn trẻ con.
    "The Social Network" miêu tả những con người sáng tạo lên Facebook, nhất là nhân vật chính Mark Zuckerberg. Trong phim anh này được mô tả như một "siêu nhân", ít lời, nhưng một khi mở miệng thì lời ra như súng liên thanh, mỗi từ mỗi câu đều chính xác nhanh gọn, như những viên đạn găm vào lí lẽ và chặn đứng đà suy luận, diễn giải của đối thủ. Tất cả cũng chỉ để phục vụ cho mục đích, Mark rất thông minh, có một niềm đam mê vô bờ bến với công nghệ thông tin. Anh có thể làm việc (coding) 15 đến 36 giờ liên tục, và làm đến khi ngủ gật mới thôi. Với vẻ ngoài lạnh lùng đó nhưng Facebook ra đời trong một hoàn cảnh rất "tình". Thất tình, chàng lên mạng, nói xấu bạn gái, thâm nhập (hack) cơ sở dữ liệu sinh viên của trường (Havard), tạo ra một chương trình so sánh độ hấp dẫn của các sinh viên nữ, mục đích cũng chỉ để hả cơn giận với cô gái đã từ chối mình. Sự lôi cuốn của ý tưởng và những thành công của mạng Facebook cứ thế kéo Mark vào vòng xoáy công việc. Facebook lớn dần và ta thấy Mark cũng dần khác người, trở lên giống máy tính... he he. Phim có nhiều tình tiết gây cười rất thú vị, nhất là những ai có biết tí chút về công nghệ thông tin, những ai nghiền Facebook. Một vị hiệu trưởng rất sáng suốt trong bộ dạng già nua cổ lỗ với câu nói "... ở Havard này, ngày nào chẳng có phát minh mới, các cậu cũng về sáng tạo cái gì đó đi, thay vì lên đây vì một việc vớ vẩn...", rồi chân dung của người sáng lập ra napster, trang download nhạc số- góp phần làm thay đổi toàn diện ngành kinh doanh âm nhạc..., rất nhiều những chi tiết nhỏ nhưng ấn tượng trong một mạch phim nhanh, gấp gáp đầy lôi cuốn. Và cuối phim, kết lại, Mark vẫn là một "chàng trai đa cảm" ngồi ấn phím F5 (refresh), chờ đợi hồi âm (chấp nhận anh là một friend trong freind list trên facebook của cô ấy- please facebook me ) của người con gái mà anh luôn nghĩ tới từ những ngày đầu tiên. Nhạc phim cũng là một dấu ấn đáng nhớ, nhanh và dồn dập, như phim .. rùng rợn. Cái kết đầy nhân bản đó khép lại những trang đầu đầy sôi động của chàng trai tài năng Mark Zuckerberg, người sáng lập ra Facebook.
    Vậy là trong một ngày đẹp giời, các nhà cung cấp dịch vụ Internet bảo nhau cùng "cấm cửa" thượng đế của mình đến với một trong những mạng xã hội lớn nhất hiện nay "FACEBOOK". Việt nam không chia sẻ công dân của mình với "Cộng Hòa FaceBook". Họ không được phép gia nhập quốc gia mà ở đó họ có quyền là bọn "xấu", bọn "phản động", được góp ý "đểu" cho đảng, được chọc ngoáy chửi bới, lói lày lói lọ mà không bị ai bỏ tù, he he. Ở đó tự do ngôn luận, miễn là anh không gây hại cho ai, không hack, không xúc phạm cá nhân .vv..v tóm lại: không gây hại thực sự đến ai. Mọi công dân trong Facebook đều bình đẳng. Và hình như sự bình đẳng này làm ngứa mắt một số người có quyền hạn, thế là Facebook được rào lại. Ai muốn qua thì phải biết trèo tường. Chỉ khổ các công ty, các doanh nghiệp, người là ăn nhỏ lẻ mất đi một môi trường kinh doanh lý tưởng, một không gian xã hội để quảng cáo sản phẩm hình ảnh của mình. Các "nông dân" và "thị dân" không còn điều kiện chăm sóc nông trại và thị trấn , họ sẽ được đọc nhiều tin người tốt việc tốt hơn.
    Và "Mạng xã hội" có lẽ sẽ không bao giờ được công chiếu ở nước ta, vì nước ta không cho phép công dân của mình có 2 "quốc tịch", he he, họ sẽ không được vừa làm chủ đất nước vừa hưởng quyền dân chủ (dù là ảo) he he. Nói là phải nghe ngóng trước sau trên dưới. Xem và nghe những điều hay lẽ phải, cấm nghe đài địch :). Và để tránh vẽ đường cho hươu chạy, tạo ra nhiều hacker, nhiều kẻ "vượt biên" thì tốt nhất không quảng bá cho Facebook. Phim dù hay, dù ăn khách thì cũng ... ở ngoài rạp.
    Và ở một lúc nào đó, trong sự cô đơn cùng cực, những kẻ "ai cũng biết là ai đó" và những kẻ "đố dám gọi tên ra" gọi điện cho mọi người tha thiết "please Face me" , nhưng lại phát âm thành "pờ ní, phắc - mi". :)
---
P/S: Đạo diễn David fincher từng làm alien 3, se7en: thảo nào, nhạc phim kinh dị vaizzz
nguồn ảnh: lấy trên internet.

2 nhận xét:

  1. Nguy cơ Facebook bị chặn triệt để mất rồi. Cố trèo rào khoét vách cũng qua nhưng chậm và bất tiện quá. Dân tình bắt đầu nản!

    Trả lờiXóa
  2. Hết ĐHDD thì lại ngon thôi. :)

    Trả lờiXóa