Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

Nỗi buồn chiến tranh và Bảo Ninh


    Phàm là những cái gì bị cấm thì người ta càng để ý, càng tò mò. Tôi đến với "Nỗi buồn chiến tranh(tên ở Việt Nam là thân phận tình yêu)" cũng vậy. Qua internet tôi mới biết đến tác phẩm này đã có thời từng không được in ở Việt Nam, sau khi gây được tiếng vang ở nước ngoài các bộ ở ta thấy người sang bắt quàng làm họ mới cho in trở lại, vì vậy tôi mới có cơ hội cầm trên tay tiểu thuyết này. Câu chuyện là sự đan xen giữa câu chuyện quá khứ và hiện tại của một cựu chiến binh, lính trinh sát đặc công. Anh xuất thân là một thanh niên trí thức Hà Nội với trái tim trong trắng và bầu nhiệt huyết, lao vào chiến tranh mà không biết nó là như thế nào. Và cuộc chiến đó đã làm biến đổi hoàn toàn con người anh, làm biến đổi tâm hồn anh, một sự biến đổi đáng sợ nhất. Khi trở lại sau chiến thắng, anh mất tất cả, gia đình, tình yêu với người con gái anh yêu, tâm hồn nhạy cảm và trong sáng, cái được chỉ là nỗi ám ảnh về những mất mát, đớn đau về sự biến dạng méo mó của con người trong sự khốc liệt của chiến cuộc, sự nhớ nhung và đau xót trước các đồng đội anh dũng hy sinh. Tất cả những điều đó như là thuốc độc, nó ngấm dần và gặm nhấm linh hồn anh, tình yêu cuộc sống của anh, một điều hiển nhiên và quý giá nhất. Với văn chương đẹp, cấu tứ hay và mới, địch ta hiện lên đều rất con người, tốt có xấu có, trần trụi như bản thân cuộc sống vậy, không có ta đỏ địch xanh, ta tốt địch xấu, ta to địch nhỏ, ta mạnh khỏe địch co ro. Yếu tố chân thực được tôn trọng, đây là điều rất mới mẻ so với các tiểu thuyết cùng đề tài, một sự vuốt đuôi các chủ trương tư tưởng của đảng và nhà nước. Nó bị cấm có lẽ là do nguyên nhân này, mặc dù hồi mới in ra nó đã được tặng giải thưởng cao nhất của hội nhà văn (hình như vào năm 95), là dẫn chững cho thấy hội này vẫn còn có những người biết nhìn nhận giá trị của nghệ thuật, và sau đợt đấy, mấy nhà văn làm chủ tịch hội bị cho nghỉ một loạt thì phải. Và từ đó đến giờ, hội này không cho ra được một giải thưởng nào ra hồn và cũng chẳng có nhà văn chân chính nào muốn vào nó nữa.
    Người ta sẽ thấy rất nhiều điểm giống nhau giữa Bảo Ninh và nhân vật chính của câu chuyện, hai người đều là nhà văn sau khi từ mặt trận trở về, đều là trí thức trẻ Hà Nội lên đường cứu nước, tất nhiên Bảo Ninh không đến nỗi bết bát như nhân vật trong chuyện nhưng hai người đều uống nhiều rượu và gặp nhau trong những cơn ác mộng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét