Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Vô tri


    Bối cảnh câu chuyện của Vô tri diễn ra trong giai đoạn chủ nghĩa cộng sản vừa sụp đổ ở Đông âu, năm 1989, cụ thể là ở Cộng hòa Séc, sụp đổ hoàn toàn, cả nội dung lẫn hình thức chứ không như ở ta, vẫn còn giữ được... tên gọi. Vì thế nó khá gần gũi với xã hội Việt Nam, đang vật vã trong thời kỳ hậu cộng sản, chính xác là hậu lý tưởng cộng sản, mặc dù nó vẫn thuộc quyền điều hành của những người được gọi hoặc tự cho mình là theo chủ nghĩa cộng sản (hoặc biến danh thành chủ nghĩa xã hội khoa học, cũng chỉ là một cách chơi chữ). Nó rất gần với "Những thiên đường mù" - Dương Thu Hương- ở góc nhìn này. Về tiểu thuyết "Vô tri", có rất nhiều điều để nói để suy ngẫm và nhất là để thưởng thức, lên cách duy nhất là chúng ta phải tự đọc thôi, đừng trách tôi, vì tôi không thể tóm tắt hay phát biểu cảm nhận hay bình biếc gì về nó, đơn giản, tôi không làm được. Câu chữ của Kundera phải nói là rất thuyết phục và uyển chuyển, hoặc nó quá uyển chuyển lên có tính thuyết phục, do đó nhiều khi lấn át cả tính hài hước mặc dù nhiều đoạn rất hài hước... ví như đoạn sau đây:
...
    Josef nhớ đến ý nghĩ rất xa xưa của mình, mà khi đó anh coi là báng bổ: gia nhập đảng cộng sản không có gì chung với Marx và với các lý thuyết của ông ta cả; chỉ đơn giản là thời đại đã trao cho người ta cơ hội quyền lực để thỏa mãn những nhu cầu tâm lý đa dạng nhất của họ: nhu cầu được tỏ ra là không phò chính thống, hoặc nhu cầu tuân lệnh; hoặc nhu cầu trừng phạt những kẻ xấu; hoặc nhu cầu được là người có ích; hoặc nhu cầu được tiến vào tương lai cùng với những người trẻ tuổi; hoặc nhu cầu có một gia đình lớn sống quây quần xung quanh.
    Tâm trạng vui vẻ, con chó sủa toáng lên và Josef tự nhủ: ngày nay người ta rời khỏi chủ nghĩa cộng sản không phải vì tư tưởng của họ thay đổi, chịu một cú sốc, mà bởi vì chủ nghĩa cộng sản không còn tạo ra được cơ hội để chứng tỏ là không phò chính thống, lẫn tuân lệnh, lẫn trừng phạt những kẻ xấu, lẫn có ích, lẫn được tiến vào tương lai cùng với những người trẻ tuổi, lẫn có một gia đình lớn quây quần xung quanh. Xác tín cộng sản không còn đáp ứng được nhu cầu nào nữa. Nó trở lên vô dụng tới mức mọi người đều có thể bỏ nớ một cách dễ dàng, thậm chí còn không ý thức được chuyện ấy.
...

    Vô tri có rất nhiều đoạn kiểu như vậy, những phân tích, nhận định của nhân vật của tác giả, những biến đổi tâm trạng hoặc tâm trạng được miêu tả chính xác lồng ghép với không gian thực và những hoài niệm xen kẽ, khiến Vô tri như một bức tranh siêu thực nhiều tầng lớp, nhiều chiều hướng. Và cái kết của Vô tri quả thực khá bất ngờ nhưng vô cùng hợp lý với chiều hướng phát triển tâm lý của nhân vật, một kết cục quá ư lãng mạn so với một tông màu tưởng như khô khan, có vẻ đầy màu sắc chính trị từ đầu đến cuối. hi hi. Một kết thúc không thể hợp lý hơn. Một cú ngoặt 90 độ làm tỉnh ngủ cho bất cứ ai buồn ngủ, thật ra đọc đến gần cuối thì không thể ngủ được. Cũng lại mâu thuẫn ở chỗ này vì tôi có thể đọc liền một mạch nó, hoặc có thể giở ra bất cứ trang nào và bắt đầu đọc. Ta chỉ cần đọc đoạn đầu một chút, nắm bắt qua tiểu sử nhân vật và sau đó chu du theo kiểu một “jumper” vào cuốn sách.
    Một bí mật lớn của người đọc là tại sao nó lại được đặt tên là “Vô tri”, tôi nhớ là đã đọc ở đâu đó trong cuốn sách có đoạn nhắc tới từ vô tri mấy lần, và cứ tưởng mình đã hiểu được nguyên nhân, nhưng khi đọc hết toàn bộ thì lại quên khuấy đi mất. Sự thật có thể là do tôi đã đọc nó không liên tục trong một thời gian dài, giữa các chuyến đi, lúc ngồi trên xe buýt. Sự ngắt quãng đó làm cho tôi, dù đã đánh dấu trang lần đọc trước nhưng khi đọc lại thì gần như quên bẵng đi những gì xung quanh cái mốc đó, cái còn lại chỉ là số trang. Và đọc tiếp vẫn thấy hay, chẳng làm sao cả, dù sao thì tôi cũng có ý định đọc lại nó, và biết đâu lần tới tôi sẽ biết được tại sao tên nó lại là vô tri. Hy vọng sẽ nhớ được bí mật và tống lên đây
P/S: Vô tri, tác giả Milan Kundera-Cao Việt Dũng dịch, khổ 12x20cm,208 trang.

2 nhận xét: